Các nguyên thủ quốc gia tặng quà như thế nào?

Chủ Nhật, 26/05/2019, 16:51
Trong xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người là mối quan hệ "có đi có lại"; và mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau cũng như vậy. trong các trường hợp ngoại giao ngoại trừ những trường hợp vạn bất đắc dĩ mới phải dấy binh đao còn thông thường đều lấy nghi thức "lễ" làm trọng.

Ví dụ, ngày 8 tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến với tổng thống Mỹ Barack Obama tại trang viên Sunnylands California, Tổng thống Obama đã tặng ông Tập Cận Bình một chiếc ghế tràng kỷ bằng gỗ hồng sam. Trên chiếc ghế khắc dòng chữ "Tổng thống Mỹ Obama tặng Chủ tịch Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình".    

Tháng 3 năm nay, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với phu nhân Bành Lệ Viên sang thăm nước Nga và 3 nước châu Phi. Tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi "Quốc lễ". Khi đến thăm Hội phát triển ngân sách phụ nữ Tanzania, bà Bành Lệ Viên đã tặng họ các sản phẩm kem dưỡng da của Trung Quốc.     

Trong lĩnh vực ngoại giao dường như "quà tặng" là một việc nhỏ nhưng kỳ thực nó là một vấn đề trí tuệ sâu rộng.  

Ý nghĩa chính trị của quà tặng

Bàn về "Quốc lễ" nhiều người cho rằng đây là lễ vật của nhà lãnh đạo nhà nước này tặng hoặc nhận của nhà lãnh đạo một quốc gia khác, nhưng ý nghĩa thực sự của  "Quốc lễ" sâu rộng hơn rất nhiều. Một cựu quan chức lễ tân bộ ngoại giao Trung Quốc nói: "Tất cả những món quà mà các nhà lãnh đạo nhà nước hoặc nhà nước và danh nghĩa chính phủ đem tặng đều gọi là 'Quốc lễ' mà không chỉ giới hạn bởi các nhà lãnh đạo đương nhiệm tặng cho phía bên kia".

Trung Quốc tặng tổng thống Mỹ Bush xe đạp "Phi các".

Quốc lễ, chứng kiến những giờ phút quan trọng trong lịch sử về ngoại giao và là cái mốc đánh dấu sự quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia với nhau.

Giữa các quốc gia với nhau phía sau mỗi một món quà đều mang một bối cảnh ngoại giao đặc biệt, đồng thời nó cũng là sự truyền tải tốt nhất cho những ưu thế phẩm công nghiệp và văn hóa của quốc gia đó.

Nói về ý nghĩa chính trị của Quốc lễ, Vị quan chức lễ tân nói đến một sự kiện, ông nói: "Năm 1995 khi kỷ niệm 50 năm Liên Hợp Quốc thành lập, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã tặng Liên Hợp Quốc "Bảo đỉnh thế kỷ" cao 2,1m, chiếc bảo đỉnh này đặt ở vườn hoa trước tòa nhà của Liên Hợp Quốc Bắc Garden New Yok. Chiếc đỉnh này đã nói lên lịch sử lâu dài của nền văn hóa Trung Quốc và cũng tượng trưng cho sự đoàn kết, thống nhất và quyền uy.

Quốc lễ tặng những gì?     

Kể từ khi thành lập Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi thăm hay tiếp khách nước ngoài đều có quà biếu. Cũng có những trường hợp đặc thù như các quốc gia thuộc diện "giao lưu thân thiết" thì không có quà biếu.

Vị cựu quan chức lễ tân nói: "Có một số quốc gia giao lưu mật thiết với Trung Quốc các nhà lãnh đạo các nước này thường sang thăm Trung Quốc, trước khi những nhà lãnh đạo này tới thăm chúng tôi đã trao đổi với bộ ngoại giao của nước họ là không nhất định mỗi lần thăm đều có quà biếu". 

Món quà sừng trâu nạm bạc của Malaysia tặng Trung Quốc năm 1985.

Nói chung việc tặng quà có một số trường hợp: Những người đứng đầu nhà nước tặng quà nhau; đoàn đại biểu chính phủ đến nước khác tặng quà chúc mừng Quốc khánh; khi đoàn đại biểu chính phủ hoặc người lãnh đạo nước ngoài đến thăm tặng quà thì nước sở tại tặng quà đáp lễ; những nhà lãnh đạo hoặc đoàn đại biểu chính phủ ra nước ngoài dự các cuộc hội nghị thường mang theo một số quà tặng. 

Khi tặng quà không chỉ tặng cho những nhà lãnh đạo mà cho tất cả cán bộ các cấp và nhân viên trong đoàn kể cả phiên dịch, tất nhiên là giá trị quà tặng cũng phân theo cấp bậc. Đối với các nhân viên công tác quà tặng thường là các vật lưu niệm như máy ảnh, đồng hồ, quần áo, cà vạt và khăn choàng... 

Khi lựa chọn Quốc lễ phải nghiên cứu rất kỹ càng, nó phải mang tính đại biểu cho nền văn hóa lịch sử và hợp với phong tục tập quán của nước đó, hoặc mang tính kỷ niệm cuộc đi thăm hữu nghị của các nhà lãnh đạo, một điều đáng chú ý nữa là phải nhằm trúng sở thích của đối phương. Căn cứ vào các trường hợp ngoại giao khác nhau và các quốc gia khác nhau thì Quốc lễ cũng khác nhau.

Vào đầu mỗi năm, bộ ngoại giao họp để xác định các cuộc đi thăm nước ngoài của các nhà lãnh đạo để căn cứ vào tình hình quốc tế và tình hình trong nước để có kế hoạch. Sau khi xác định được thời gian và quốc gia đến thăm, bộ ngoại giao cử cán bộ đi nghiên cứu xem tặng quà gì để lẽ tân chuẩn bị quà, có những món quà đặc chế phải làm mất rất nhiều thời gian.

Ví dụ năm 2009, tổng thống Obama đến thăm Trung Quốc, phía Trung Quốc tặng ông bức tranh thêu "Gia đình tổng thống Obama" Đây là bức tranh thêu tay rất tinh xảo, bức tranh đã thể hiện rất sống động những người trong gia đình ông Obama làm ông Obama vô cùng cảm động.

Những bức tranh thêu chân dung như thế này thì cần phải chuẩn bị trước hàng nửa năm và để có được món quà thích hợp thì việc cán bộ lễ tân đi khắp đất nước để tìm là chuyện bình thường. 

Danh sách những đồ dùng làm quốc lễ thường là các đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo như đồ sơn mài, đồ gốm sứ, đồ thêu, ngà voi. Chân dung các vị lãnh tụ bằng đồ thêu, đồ gốm, điêu khắc cũng thường nằm trong danh sách Quốc lễ.      

Tặng quà cũng còn tùy theo điều kiện của từng nước. Tặng cho các nước châu Phi đồ thủ công mỹ nghệ thì không bằng tặng một số đồ thực dụng khác.

Chẳng hạn như có một số cán bộ lễ tân bộ ngoại giao nhớ rằng trước đây Trung Quốc thường tặng các nước thế giới thứ ba đồ điện khí như tivi, đến những năm 80, 90 của thế kỷ trước, lại tặng các nước thế giới thứ ba như Cuba, Venezuela và Uzbekistan máy tính và sản phẩm kỹ thuật số. Một số sản phẩm công nghiệp nhẹ như quần áo, đồng hồ rất được họ hoan nghênh.

"Bảo đỉnh thế kỷ" do Trung Quốc tặng nhân 50 năm ngày thành lập Liên hợp quốc.

Thời gian sau này quà tặng bắt đầu dùng các tập tranh ảnh làm quà tặng. Tặng tranh ảnh là học từ các nước châu Âu chủ yếu nội dung là giới thiệu các thành tựu to lớn của nền kinh tế và văn hóa Trung Quốc, những quà tặng tranh ảnh in ấn rất đẹp và tinh xảo.

Ngoài ra tặng quà cũng cần phải làm công việc điều tra nghiên cứu, căn cứ vào các cấp lãnh đạo và các trường hợp ngoại giao để chọn quà cho phù hợp. Ví dụ, thủ tướng Anh Margaret Thatcher thăm Trung Quốc tháng 9 năm 1982 họ đã tìm hiểu biết ông Đặng Tiểu Bình hay hút thuốc lá nên tặng ông một hộp đựng thuốc lá bằng bạc rất tinh xảo.

Khi ông Bush còn là đại sứ liên lạc của Mỹ tại Trung Quốc thường thích cùng phu nhân đi dạo bằng xe đạp trong các ngõ nhỏ ở Bắc Kinh. Năm 1989 ông Bush lên làm tổng thống Mỹ, thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã tặng ông Bush một chiếc xe đạp "Phi Các" được chế tạo rất đặc biệt. Năm đó trên truyền hình Mỹ đã phát sóng chương ông Bush đang vui như một đứa trẻ nhỏ đạp xe đạp đi dạo.

Ngoại giao không có việc nhỏ, từ việc tặng quà

Các cán bộ lễ tân có kinh nghiệm nói rằng khi tặng quà có ba điểm không nên phạm sai lầm: Một là tránh tặng quà quá nhiều, người này tặng người kia cũng tặng gây nên sự trùng lặp. Hai là trong hoạt động ngoại giao thường ngày tránh tặng các món quà quá quý giá.

Năm 2005, Quốc vương Norodom Sihamoni, Campuchia tặng ông Hồ Cẩm Đào tượng nữ thần bằng ngọc thạch.

Mỗi quốc gia đều có nhưng quy định về việc tặng quà biếu và giới hạn mức độ giá trị quà biếu, trên thực tế có nhiều loại quà tặng đối tượng được tặng không được sở hữu quà tặng đó cho nên không bằng tặng những món quà nhỏ mà có ý nghĩa và thực dụng. Ba là kỵ các loại quà thể tích quá lớn vì quà tặng quá lớn không tiện cho việc mang xách.

Quà tặng phải tôn trọng phong tục tập quán của quốc gia đó và phải chú ý những điều cấm kỵ của họ ví dụ như tặng quà cho các nước theo đạo Hồi không nên tặng các loại rượu, đặc biệt là rượu mạnh.      

Tặng quà như thế nào?

Trong trí tưởng tượng của chúng ta tặng và nhận Quốc lễ sẽ có một nghi thức trang trọng được tổ chức, các nhà lãnh đạo đôi bên có mặt trao đổi quà tặng, cùng nhau  giới thiệu đặc điểm món quà và sau đó là yến tiệc.

Nhưng trên thực tế ít trường hợp diễn ra như vậy vì các cuộc thăm viếng của các vị lãnh đạo thường rất ngắn nên công việc bận rộn. Trừ những trường hợp quà biếu đặc biệt các nhà lãnh đạo mới có mặt trao đổi cho nhau còn phần lớn là do nhân viên lễ tân làm. 

Đồ khảm trai, một món quà tặng đặc trưng từ Việt Nam.

Trong tình trạng bình thường, đầu tiên do quan chức lễ tân xác định thứ gì nên tặng để chuẩn bị quà tặng, sau đó một nhóm nghiên cứu "đi tiền trạm" để có kế hoạch chi tiết về nguyên tắc và thời gian và địa điểm tặng quà thích hợp.

Tình hình chung hiện nay là quà tặng để ở nhà khách hai bên đã liệt kê sẵn danh sách quà tặng và cán bộ lễ tân hai bên tiến hành trao đổi với nhau.

Sau khi nhận được quà tặng, quan chức lễ tân làm công việc đăng ký kỹ càng, một số giao cho các bộ môn bảo quản, một số đưa vào các nhà bảo tàng nhà nước.   

Quốc lễ là sự tượng trưng cho sự giao lưu hữu hảo của một quốc gia với các nước khác và để thông qua quốc lễ có hiểu được chính sách ngoại giao của nước đó.

Hiện nay nhiều nước đã thành lập bảo tàng quà tặng để công chúng đến tham quan và hưởng thức vẻ đẹp của những món quà tặng mà các vị lãnh đạo nhà nước nhận được.

Nguyễn Đình Thiêm (theo "Xihuanet.com")
.
.