Đất nước của 170.000 căn hầm trú ẩn

Thứ Bảy, 01/12/2018, 13:25
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, vì lo sợ một cuộc xâm lược có thể xảy ra mà lãnh tụ Albania khi đó là ông Enver Hoxha đã hạ lệnh xây hàng vạn hầm trú ẩn. Chế độ của ông Hoxha sau đó sụp đổ, nhưng phần lớn trong số các căn hầm trú ẩn vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. Thực hư việc này ra sao?

Buổi sáng mùa xuân đó, mặt trời lên cao, không gian thực sự nóng. Tôi (nhiếp ảnh gia Stephen Dowling) đang leo trên phế tích Orikum, (khu định cư có từ thời kỳ La Mã nằm ở cực Nam của vịnh Vlore, duyên hải biển Adriatic của Albania). Nơi đây vẫn còn tàn tích một nhà hát cổ đại với các bậc thang xây bằng đá. Nhưng đó không phải là lý do tôi hiện diện ở đây.

Còn có một phế tích khác ngay dưới chân nhà hát Orikum, nó có lịch sử không đầy nửa thế kỷ, nó từng dùng làm doanh trại cho căn cứ hải quân Pasha Liman nằm cạnh bên. Hướng dẫn viên của tôi, anh Elton Caushi, tếu táo nói rằng chúng tôi đang bỏ qua một phế tích 2.000 năm tuổi, và chỉ để mắt tới "đứa trẻ" di tích tròn 40 tuổi.

Giữa các di tích doanh trại hải quân và con đường đắp cao là một mạng lưới các hầm trú ẩn. Nó cao và rộng đủ cho 2 người vào bên trong. Chúng có mặt ở đây kể từ thập niên 1970 khi Albania từng là một trong những quốc gia bị cô lập nhất trên trái đất.

Những căn hầm trú ẩn là "sản phẩm tim óc" của ông Enver Hoxha, người đứng đầu nhà nước Albania thời sau Chiến tranh thế giới thứ II (ĐCTGII) trong suốt 40 năm. Với nhiều diễn biến chính trị phức tạp thời bấy giờ, ông Hoxha lo sợ rằng các láng giềng Nam Tư và Hy Lạp, NATO và các cựu Đồng Minh trong ĐCTGII muốn xâm lược nước mình, nên ông đã bắt tay vào một dự án đại quy mô xây dựng hàng loạt hầm trú ẩn.

Nhiều căn hầm trú ẩn được xây dựng từ thời lãnh tụ Enver Hoxha và ngày nay vẫn hiện diện ở các vùng nông thôn Albania.

Từ biên giới phía Bắc tiếp giáp với Montenegro đến các bãi biển nhìn hướng sang đảo Corfu (Hy Lạp), Albania được bao phủ bởi vô số hầm trú ẩn. Ước tính con số các hầm trú ẩn còn tồn tại phải hơn 170.000!

Giờ đây, những hầm trú ẩn này hiện diện ở vùng nông thôn, thung lũng núi, bên cạnh xa lộ hay các bãi biển hoang vắng. Mỗi căn hầm ngốn số tiền đầu tư tương đương với một căn hộ có 2 phòng ngủ, và vì xây quá nhiều hầm trú ẩn nên đã có người cho rằng điều đó khiến cho Albania trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Âu.

Mạng lưới hầm trú ẩn khổng lồ

Ông Enver Hoxha đặt tên cho đại dự án của mình là gjithmone gati hay "luôn sẵn sàng", và đó là tâm trạng mà ông đã trải qua từ thời Chiến tranh thế giới thứ II. Nước nhỏ, quân đội yếu nên Albania đã bị phát xít Ý nghiền nát khi bị xâm lược vào năm 1939; chỉ sau 5 ngày chiến đấu nước này đã đầu hàng quân địch. Nhưng sức chiến đấu không hề mất. Albania là quốc gia miền núi thích hợp cho hình thái chiến tranh du kích, và họ đã chiến đấu chống ngoại xâm trong suốt nhiều thế kỷ theo cách như thế.

Dưới sự giúp đỡ của các đồng chí ở Nam Tư và 2 đồng minh Anh, Mỹ, bộ tứ Albania - Nam Tư - Anh - Mỹ bắt đầu tấn công các lực lượng chiếm đóng Ý và Đức, nòng cốt của phong trào kháng chiến chính là Enver Hoxha. Vào thời điểm giải phóng thủ đô Tirana (Albania) vào tháng 11 năm 1944, lực lượng Cộng sản và Dân tộc chủ nghĩa ở Albania là 7 vạn người.

Với suy nghĩ rằng các lực lượng vũ trang quá nhỏ bé của Albania không thể đương đầu với những thế lực ngoại xâm lớn hơn, chính phủ đã bắt dân chúng phải nhập ngũ để thực hiện các khóa huấn luyện quân sự mỗi năm và tạo ra hàng vạn quân dân dự bị chiến đấu. Chính quyền Albania khi ấy muốn loại bỏ những kẻ xâm lược tiềm năng từ mục tiêu tấn công ban đầu bằng cách tạo ra một mạng lưới với hàng vạn căn hầm trú ẩn. Quốc gia kháng chiến với đòi hỏi một dự án xây dựng khổng lồ: Albania sẽ trở thành miền đất được bao phủ bởi hầm trú ẩn. Nhiều nhất là kiểu hầm trú ẩn QZ (vị trí bắn), nó được thiết kế để chứa 1 hoặc 2 người đứng ngắm bắn kẻ thù từ bên trong khối bê tông cốt thép. Nhà thiết kế ra QZ là Josif Zagali.

Zagali thiết kế một kiểu hầm trú có mái vòm tròn để đạn và vỏ đạn bắn có thể bị dội trở lại. QZ được xây thành các cụm nhỏ để tự bảo vệ lẫn nhau. Các bộ phận của hầm trú ẩn được chế tạo từ các nhà máy và được lắp ráp tại chỗ. Các hầm trú pháo binh - chỉ huy (PZ) dài hơn 8m. Nếu có chiến tranh, các PZ sẽ đóng vai trò các chốt chỉ huy cho các QZ nhỏ hơn.

Các hầm trú ẩn QZ có chức năng trì hoãn sức tiến công của kẻ địch.

Mỗi thị trấn hay thành phố lớn cũng được xây dựng các hầm trú ẩn ngầm đủ sức chứa hàng trăm người. Như căn hầm trú ẩn ở thành phố Gjirokaster, cách thủ đô Tirana khoảng 3 giờ lái xe, cũng có một hầm ngầm có thể chứa tới 300 người. Kỹ sư trưởng cho xây dựng mạng lưới hầm trú ẩn thời ấy là Pellumb Duraj. Ông tốt nghiệp kỹ sư dân dụng vào năm 1973. 

Ông Duraj giải thích: "Có nhiều thứ cần phải bảo vệ đất nước Albania nhỏ bé của chúng tôi. Chúng tôi bị cô lập và lo sợ bị ném bom hạt nhân và sự đe dọa của người Mỹ, đó là căn nguyên buộc chính phủ lên kế hoạch xây dựng hầm trú ẩn. Mọi thứ bắt đầu vào năm 1968 khi chúng tôi rời khỏi Hiệp ước Warsaw. Suốt 7 năm, chúng tôi phải nghiên cứu các dự án để dọn đường cho việc xây dựng hầm trú ẩn. Quân đội thuê các kỹ sư dân dụng làm việc theo thời gian".

Đó không phải là nhiệm vụ nhỏ: bộ phận quân đội của ông Duraj được chỉ định phải xây dựng 13.000 hầm trú ẩn với đủ kích cỡ. Tất cả các nhà máy lớn ở Albania đều tham gia vào đại dự án. Với sự giúp sức của Trung Quốc, một nhà máy thép mới và khổng lồ đã được xây dựng vào năm 1974 để sản xuất ra kim loại, mà phần nhiều là gia cố cho các căn hầm quân sự này.

Kỹ sư Pellumb Duraj kể: "Lúc đầu, chúng tôi không có kinh nghiệm. Một nhiệm vụ rất khó nhọc. Quân đội quản lý dự án còn nhân dân đổ sức ra làm. Bên cạnh các hầm trú ẩn nhỏ, chúng tôi còn xây dựng các vị trí để đặt súng phòng không và pháo binh cũng như nhà kho để cất giữ đạn dược, chúng tôi xây dựng các giao thông hào để kết nối nhà kho và các hầm trú ẩn, chúng đóng vai trò truyền tin cho nhau. Ngoài ra là các kho chứa nhiên liệu, kho để lương thực, quần áo và hóa chất".

Kỹ sư Pellumb Duraj kể tiếp: "Ở mạn bờ biển phía Tây, chúng tôi xây dựng các hầm trú ẩn đơn, chúng nặng khoảng 7 tấn, và mục đích tạo ra là nhằm ngăn cản đòn tấn công từ ngoài biển của kẻ thù. Chúng được gia cố bằng cốt sắt để bảo vệ hầm trú ẩn khỏi tên lửa và đạn bắn. Trên các sườn núi còn có những hầm trú ẩn được vận chuyển bởi người hoặc la, và chúng thường nặng chỉ 100 kg. Phải cần tới 70 yếu tố khác nhau, từ vật liệu đến điều kiện địa hình hay thời tiết thích hợp để xây nên các căn hầm này. Chúng tôi nghiên cứu kinh nghiệm xây hầm trú ẩn của người Pháp. Nhưng ở Albania, chúng tôi không chỉ dựng pháo đài mà còn kiện toàn cho cả đất nước từ ven biển tới núi non".

Kỹ sư Duraj cũng nhấn mạnh rằng 80% nguồn lực của quân đội được dùng cho xây dựng hầm trú ẩn. Và nó quan trọng hơn trồng cây lương thực. Ông kể: "Khi thời tiết tốt, mỗi ngày chúng tôi làm được 4 hầm trú ẩn".

 Trong lúc xây dựng hầm trú ẩn cũng xảy ra những cái chết do cần cẩu bị gãy đột ngột". Bảo tàng BunkArt ở thủ đô Tirana ước tính rằng mỗi năm có khoảng 100 người chết do xây dựng hầm trú ẩn. Hơn 20 năm sau, những người như kỹ sư Duraj có nhiều thời gian để xem xét giá trị chiến lược phòng thủ của hầm trú ẩn hơn. Liệu Albania có thật sự bị đe dọa để xây dựng quá nhiều hầm trú ẩn?

Mỏ vàng du lịch

Các nhà máy ở Elbasan từng sản xuất thép để xây dựng các hầm trú ẩn.

Hướng dẫn viên Caushi và tôi viếng thăm Gjirokaster, nơi từng có một ngành công nghiệp lắp ráp phồn thịnh. Hôm nay nó chỉ là cái vỏ. Nhà máy bị xé toạc từ lâu, còn trơ lại đống đổ nát. Nó là một bức tranh về sự phân rã của đất nước Albania. Chúng tôi gặp Adi, người điều hành một nhà máy rác địa phương, một trong những công việc của Adi là phá hủy các hầm trú ẩn. Ở tuổi 38, Adi nhớ lại rằng lúc còn nhỏ, ông đã nhìn thấy các hầm trú ẩn. "Tạ ơn Chúa, chúng tôi không vướng chiến tranh!", Adi chép miệng.

Vào những năm 2004, khoảng 16 tấn chất độc hóa học đã được tìm thấy trong một hầm trú ẩn cách thủ đô Tirana khoảng 40km, Mỹ đã cho chính phủ Albania số tiền 20 triệu USD để phân rã số vũ khí độc hại này. Trong khi những người như Adi đang phá dỡ các hầm trú ẩn để lấy kim loại và bê tông dùng cho các dự án xây dựng hiện đại, thì chính phủ Albania lại không có tiền và cả nhân lực để phá.

Người Albania đã biến các tàn tích hầm trú ẩn vào nhiều công năng sử dụng khác nhau. Ở các vùng nông thôn, họ đã biến các hầm trú ẩn thành nơi nuôi gia súc hoặc làm nhà kho chứa thức ăn cho gia súc. Hoặc sơn nội ngoại thất làm nhà trẻ, tiệm bán bánh pizza, quán rượu. Những tàn tích hầm trú ẩn này cũng thu hút ông David Galjaard, một nhiếp ảnh gia người Hà Lan tìm tới.

Nhiếp ảnh gia Galjaard nhận xét: "Cách mà người Albania đối phó bằng hệ thống hầm trú ẩn đã nói nhiều về đất nước này. Họ không quên nó. Tôi đã chụp các bức ảnh về nó như một phép ẩn dụ để không chỉ kể về những căn hầm này mà còn kể về đất nước này. Phần lớn các tàn tích thời chiến tranh là không nhìn thấy bằng mắt thường đối với cư dân nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Albania, chúng vẫn hiện rõ mồn một".

Hướng dẫn viên Elton Caushi nhìn thấy mạng lưới các hầm trú ẩn là một phần độc đáo của quê hương Albania. Caushi nhấn mạnh: "Một ngày nào đó, Albania sẽ trở thành một điểm du lịch lớn và các hầm trú ẩn này sẽ đóng vai trò hút khách chủ yếu". Caushi và tôi dành một số ngày đi khắp đất nước Albania. Elton Caushi cũng là một hướng dẫn viên khá đặc biệt. Trong vòng một thập kỷ làm nghề, anh đã xây dựng một bản đồ những căn hầm chụp ảnh ăn ảnh nhất.

Thành phố Gjirokaster từng có các nhà xưởng dùng để sản xuất ra các bộ phận lắp ráp nên hầm trú ẩn.

Những căn hầm của lãnh tụ Enver Hoxha đang dần biến mất. Caushi nhấn mạnh: "Tôi tin rằng từ 45% đến 50% các hầm trú ẩn đã biến mất từ năm 2006 đến năm 2014. Và rồi chính phủ nhận thấy chúng là tài sản công và bất kỳ ai gây hại tới chúng đều bị buộc tội chiếu theo luật Albania".

Thập niên 1990, Caushi rời Albania sang Thụy Sỹ du học và ông đã thấu hiểu những gì mà di sản của Hoxha đã để lại. Ông kể: "Cùng lúc, tôi có cảm xúc yêu và ghét những di tích này. Nhưng khi đi nhiều, hiểu ra, thì tôi muốn dành tình thương cho chúng, biến chúng thành thứ để sinh lời mang lại giá trị kinh tế cho Albania hiện đại".

Thanh Hải (tổng hợp)
.
.