Ếch trong suốt

Thứ Ba, 24/01/2017, 12:30
Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Masaiuky Sumida, Trưởng Khoa Sinh học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hiroshima, vừa tạo ra được giống ếch trong suốt từ loài ếch truyền thống có tên khoa học là Rena japonica, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu sự phát triển của loài động vật này.

Việc mổ xẻ ếch cho các thực nghiệm khoa học lâu nay luôn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã. Làm sao có thể tiến hành nghiên cứu chúng mà không cần đến phẫu thuật trợ giúp? Vậy là ý tưởng tạo ra loài ếch với bộ da "không màu" đã nảy sinh. 

Trên cơ sở lấy 2 gene lặn mang đặc tính "tẩy màu" chuyên biệt vốn có trong loài Rena japonica, rồi cho thụ tinh nhân tạo qua phương pháp "trộn lẫn" gene di truyền. Kết quả là thế hệ ếch con được khoác bộ da "trong như pha lê" ngay khi còn là những chú nòng nọc.

"Thành quả đạt được tạo khả năng quan sát trọn vẹn quá trình phát triển của con vật mà không cần phải tiến hành mổ xẻ cơ thể chúng - Giáo sư M. Sumida cho biết - Khoa học có thể theo dõi những tác động từ các tố chất thử nghiệm lên hệ xương, lá gan, cũng như các cơ quan nội tạng khác bằng mắt thường, y như với hình ảnh không gian 3 chiều vậy". 

Được biết sau loài cá, lần đầu tiên con người đã tạo ra được giống vật tứ chi với bộ da gần như… trong veo, giúp theo dõi hoạt động của các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

K.Dung (theo JPS)
.
.