Nhật Bản: Người trẻ thích sống độc thân

Thứ Năm, 20/12/2018, 15:35
Rất nhiều thanh niên Nhật Bản ngày nay, cả nam và nữ, cho rằng chuyện yêu đương là “vớ vẩn” và có nhiều việc khác quan trọng hơn để làm.

Theo thống kê, hiện nay có gần 35% các chàng trai và cô gái Nhật Bản (tuổi từ 25 đến 39) sống độc thân và không có một người yêu cố định. Cuộc sống lứa đôi giờ đây không còn là điều bắt buộc với giới trẻ Nhật Bản nữa.

Rất nhiều thanh niên Nhật Bản ngày nay, cả nam và nữ, cho rằng chuyện yêu đương là “vớ vẩn” và có nhiều việc khác quan trọng hơn để làm.

Thứ Hai, ngày 8 tháng Giêng năm nay, 1,23 triệu thanh niên Nhật Bản, những người bước vào tuổi 20 trong khoảng thời gian tính từ ngày mồng 2 tháng Tư của năm 2017 đến mồng 1 tháng Tư của năm 2018, tham gia lễ “seijinshiki” - lễ trưởng thành theo truyền thống. Các cô gái mặc kimono, các chàng trai mặc vest hay hakamahaori để tham dự buổi lễ tập thể được tổ chức tại các địa điểm công cộng ở địa phương của họ.

Họ lắng nghe người lớn tuổi giảng giải về các quyền lợi và nghĩa vụ sắp tới của một người trưởng thành. Sau đó những thanh niên này sẽ kéo nhau đến những quán ăn để liên hoan, họ tận hưởng những phút giây sảng khoái khi lần đầu tiên được cho phép uống rượu bia.

Theo khảo sát, khoảng 35% thanh niên Nhật Bản (tuổi từ 25 đến 39) chọn cách sống độc thân.

Con số người tham gia ngày lễ “seijinshiki” năm nay hé lộ một hiện trạng đáng báo động của Nhật Bản: tình trạng suy giảm dân số. Năm 1994, số thanh niên 20 tuổi tham gia làm lễ trưởng thành ở Nhật Bản là 2,07 triệu người. Mức suy giảm gần 40%.

Nước Nhật đang dần biến thành đất nước của những người “độc thân”. Đó là khẳng định của Kazuhisa Arakawa, tác giả cuốn “La Société super solo” (Một xã hội siêu độc tấu). “Những người đàn ông kiếm được ít tiền hơn, họ không tìm được vợ vì thu nhập không đủ, những người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn và càng khó khăn hơn khi tìm thấy một người chồng phù hợp với mình”.

Arakawa chủ trì một dự án nghiên cứu về hiện tượng suy giảm số lượng những cặp kết hôn do Hakuhodo, một công ty quảng cáo tài trợ, ông ước tính rằng đến năm 2035 một phần ba số nam giới và một phần năm số nữ giới Nhật Bản sẽ sống lẻ đôi (độc thân hoặc ly dị).

Theo nhà xã hội học Satoshi Ota của Đại học Tama, những “bong bóng tài chính” giữa thập niên 1980, đã thúc đẩy sức tiêu thụ nội địa tăng vọt và luật bình đẳng giới trong công việc, ra đời năm 1985 đã tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ lên cách ứng xử và làm thay đổi căn bản hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản. Từ hình ảnh những cô gái đậm nữ tính hơi màu mè, hoặc hình ảnh của một người vợ, người mẹ trong gia đình giờ đây đã chuyển sang hình ảnh của những người phụ nữ bản lĩnh và tự lập.

“Những người phụ nữ đã đóng một vai trò quyết định trong nền văn hóa kể từ thập niên 1980. Nếu như trước đây những cậu con trai là người đi tìm kiếm các địa điểm vui chơi giải trí cho các cô gái thì giờ đây chính là các cô gái, người nắm được thông tin tốt hơn sẽ là người đưa ra sáng kiến”.

Nhà xã hội học Satoshi Ota bổ sung thêm: “Các cô gái giờ đây cùng nhau có mặt thường xuyên hơn ở các nhà hàng, quán cà phê, quán bar và các sàn nhảy. Tự chủ hơn về tài chính, các cô gái Nhật giờ đây ưa thích cách sống phiêu lưu của người độc thân và tránh né cái vai trò mà xã hội trước đây thường áp đặt cho họ: lấy chồng, đẻ con và chăm lo gia đình”.

Sự tự chủ của các cô gái Nhật ngày nay đã làm giảm sút rõ rệt số lượng các cuộc hôn nhân sắp đặt (do gia đình sắp xếp, do người trung gian làm mối, do các công ty môi giới giới thiệu...). Cách đây nửa thế kỷ, 50% các cuộc hôn nhân ở Nhật là thuộc dạng này, giờ đây con số này chỉ còn là 6%. Từ hơn mười năm nay, trong giới trẻ Nhật Bản thịnh hành các tiếng lóng “giai ăn cỏ” và “gái ăn thịt”. “Giai ăn cỏ” dùng để chỉ các cậu con trai từ chối việc đi “tán tỉnh” các cô gái, còn “gái ăn thịt” chỉ các cô gái chủ động đi săn lùng, tìm kiếm các chàng trai cho mình.

Cuộc sống lứa đôi giờ đây không còn là điều bắt buộc với giới trẻ Nhật Bản. Một sự suy giảm của ham muốn tình dục? “Không hẳn thế!” - nhà xã hội học Satoshi Ota giải thích: “Giới trẻ Nhật Bản ngày nay không muốn có một người tình cố định. Chủ động lựa chọn hay bắt buộc phải sống cuộc đời độc thân không kết hôn, cả hai khả năng này đều dẫn đến sự giảm sút tỷ lệ sinh sản. Khác với các nước phương Tây, việc sinh con ngoài giá thú ở Nhật bị đánh giá rất xấu”.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong thông điệp nhân dịp đầu năm mới 2018, một lần nữa lại nhắc đến vấn nạn suy giảm dân số của nước Nhật, ông gọi đó là một “sự khủng hoảng trên bình diện quốc gia”. Ông thậm chí còn so sánh tình hình hiện tại với triều đại Meiji (1868-1912), triều đại khởi đầu trong một tình trạng khủng hoảng sâu sắc, toàn diện, cuộc khủng  hoảng đã  dẫn đến sự sụp đổ của vương triều Tokugawa trước đó.

Để khuyến khích đà tăng trở lại của dân số, Thủ tướng Shinzo Abe công bố sẽ dành từ 8% đến 10% ngân sách để tài trợ cho những chính sách xã hội, xây dựng các vườn trẻ và trường mẫu giáo miễn phí. Từ nay đến năm 2025 tăng năng lực  của các nhà trẻ lên 320.000 chỗ và tăng tỷ lệ sinh từ 1,44 con đối với 1 người phụ nữ  như hiện nay lên 1,8 con vào năm 2040. Mục đích lớn nhất là giữ cho dân số nước Nhật ổn định ở mức 100 triệu dân.

Dương Quốc Bảo (tổng hợp)
.
.