Vì sao thả diều trở thành môn giải trí chết người?

Thứ Năm, 13/10/2016, 10:40
Môn chơi khá phổ biến ở Ấn Độ và Pakistan này cũng có thể gây chết người chỉ vì bị dây diều bọc bột thủy tinh cực kỳ sắc.

Chính quyền Delhi đã ban hành lệnh cấm bán, tàng trữ và sử dụng loại dây diều bọc bột thủy tinh hoặc kim loại và mức hình phạt quy định là 5 năm tù hay 1.500 USD tiền phạt.

Tai nạn gần đây nhất xảy đến cho hai nạn nhân nhỏ tuổi là Saanchi Goyal, 13 tuổi, và Harry, 4 tuổi. Cả hai thò đầu ra ngoài cửa nóc ôtô và bị dây diều cứa cổ. Zafar Khan, 22 tuổi, cũng bị dây diều cứa cổ khi đang chạy môtô trên đường phố Delhi.

Mehul Pathak, người sáng lập câu lạc bộ thả diều ở bang Gujarat miền tây Ấn Độ, cho biết: "Đối với nhiều người, thả diều không còn là môn thể thao tiêu khiển thú vị nữa bởi vì những con diều hiện nay sử dụng loại dây nguy hiểm. Trong khi loại dây truyền thống vô hại làm từ sợi bông không còn phổ biến nữa".

Trong 5 năm qua, dây diều bằng cước được bọc bột thủy tinh hay kim loại trộn với keo và trở nên gần như vô hình, cho phép cứa đứt dây diều của đối thủ trong những cuộc thi thố tài năng.

Thậm chí người chơi diều sử dụng dây bọc kim loại còn bị điện giật chết khi cố gỡ dây bị vướng vào đường dây điện… Những cái chết thương tâm  do chơi diều được ghi nhận xảy ra hàng năm ở Ấn Độ và Pakistan.

Năm 2015, cảnh sát thành phố Chennai miền nam Ấn Độ buộc phải ra lệnh cấm chơi thả diều sử dụng dây cước bọc bột thủy tinh sau khi môn chơi này giết chết 4 người và làm bị  thương 14 người khác trong vòng 3 năm. 

An An (tổng hợp)
.
.