Tỏa sáng tình người trong gian khó

Thứ Tư, 18/08/2021, 10:52

Từ khi xảy ra đợt dịch COVID-19 đầu tiên cho đến nay, nhiều y, bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) đã xung phong nhận nhiệm vụ ở các khu cách ly “nóng” trên địa bàn. Những công việc thầm lặng, tận tụy của các y, bác sĩ ở khu cách ly đã làm lay động lòng người…

 

Trong hàng chục khu cách ly tại Thừa Thiên-Huế, có 2 khu “nóng”, mỗi khu có thời điểm tiếp nhận hàng ngàn công dân cách ly, phần lớn là F1 cứng, công dân trở về từ nước bạn Lào, từ các quốc gia có dịch, hay công dân về từ các vùng có dịch trong cả nước. Đó là 2 khu cách ly T3 và T4 đóng tại xã Phú Thượng, TP Huế.

tinh (1).jpg -0

Con của thai phụ H. chào đời trong khu cách ly vào rạng sáng 17/8.

Khi kim đồng hồ nhích sang 0h ngày 17/8, cũng đúng lúc, nữ hộ sinh Phạm Thị Thanh Nhàn ở khu cách ly T4 vừa lấy xong mẫu xét nghiệm lần 3 cho một số thai phụ trở về từ vùng dịch TP Hồ Chí Minh. Vừa định chợp mắt, chị lại nhận được điện thoại từ đồng nghiệp ở khu T3, có 1 thai phụ đang chuyển dạ, cần trợ giúp gấp. Trong đêm khuya, chị Nhàn tức tốc chạy xe máy đến khu cách ly T4.

Qua thăm khám; các y, bác sĩ nhận định, không còn kịp thời gian để chuyển thai phụ T.T.H. (SN 1989, trú thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) đến bệnh viện. Qua hội ý nhanh, lực lượng y tế có mặt tại đây quyết định cho sản phụ sinh trong khu cách ly. Căn phòng cách ly nhanh chóng biến thành phòng sinh. Được sự giúp đỡ tận tình của các y, bác sĩ; 1h30 ngày 17/8, sản phụ đã vượt cạn thành công. Cháu bé cất tiếng khóc chào đời, nặng 3,2kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Các y, bác sĩ đã ôm chầm lấy nhau và vỗ về, động viên, an ủi thai phụ.

Nước mắt thai phụ cũng đã rơi vì quá cảm động, bởi trong khi sinh con; chị được các y, bác sĩ “sưởi ấm” bằng những lời nói, cử chỉ nhẹ nhàng và họ xem chị như chính người thân trong gia đình. Chị Nhàn cho biết, thai phụ này có hoàn cảnh rất khó khăn, dù đã đến ngày sinh nhưng chưa chuẩn bị được đồ đạc gì cho em bé, khi cháu bé sinh ra chỉ có 1 cái khăn.

tinh (2).jpg -0
 Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Phú Vang khám bệnh cho thai phụ đang cách ly.

Trong đêm tối, để giúp cơ thể cháu đủ ấm, các y tá phải lấy thêm áo của mình để quấn vào cho cháu bé. Theo chị Nhàn, sản phụ H. cùng chồng và 2 người con trở về từ TP Hồ Chí Minh vào ngày 1/8 và được chuyển đến cách ly tại T3. Quá trình cách ly, qua lấy mẫu xét nghiệm, con gái thứ hai (SN 2016) của vợ chồng chị H. cho kết quả dương tính với COVID-19 nên được chuyển đến Bệnh viện Chân Mây - Lăng Cô để điều trị. Chồng chị H. cũng đi theo con để chăm sóc. Còn chị H. và con gái đầu lòng (SN 2013) tiếp tục cách ly tại T3.

Được biết, lúc tiếp nhận, chị H. mang thai được 36 tuần. Đến 23h ngày 16/8, sản phụ H. có dấu hiệu đau bụng và bắt đầu chuyển dạ đến 1h sáng 17/8, sản phụ mới điện báo cho lực lượng y tế. Hiện, sản phụ và con đã được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Phú Vang để được chăm sóc, điều trị. Con gái đầu của sản phụ H. vẫn tiếp tục cách ly tại khu cách ly T3 và được lực lượng Quân đội và Y tế, cùng người dì của cháu chăm sóc, giúp đỡ.

Bác Sĩ CKII Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho biết, chỉ trong hơn 10 ngày qua, đơn vị đã tiếp nhận hơn 100 thai phụ trở về từ vùng có dịch ở khu cách ly T3, T4 và đã giúp đỡ 5 sản phụ vượt cạn thành công trong thời gian cách ly.

Trong số 100 thai phụ này, phần lớn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, toàn bộ viện phí sinh nở đều được Trung tâm Y tế Phú Vang miễn phí 100%, ngoài ra trung tâm còn ủng hộ thêm một khoản tiền để các thai phụ bồi dưỡng và mua đồ dùng thiết yếu cho 2 mẹ con…

Bác sĩ (BS) Đào Thị Kim Anh cũng là một trong số những bác sĩ “bám trụ” khá lâu tại khu cách ly T3, cho hay, khu cách ly này có những ngày số lượng công dân từ vùng dịch về nhiều, lực lượng y tế phải làm việc liên tục, quên ăn, quên ngủ. Dù thời tiết nắng gắt nhưng suốt ngày, các y, bác sĩ phải mặc bộ đồ bảo hộ nên không ít người da bị nổi mẩn, bị dị ứng...

Vất vả là vậy nhưng mỗi khi nhận tin, sắp có công dân đến cách ly, là những người đầu tiên tiếp xúc với công dân, lực lượng y tế luôn động viên, mở lòng, chia sẻ với công dân. Có nhiều công dân phải di chuyển quãng đường rất dài nên khi vừa đến khu cách ly, ai cũng mệt mỏi, bơ phờ, nhất là đối với những phụ nữ mang thai, trẻ em nhỏ. Vì vậy, lúc lấy mẫu để xét nghiệm, có không ít công dân do không quen nên họ đã phản ứng, tỏ ra khó chịu.

“Lúc này, mình hiểu được tâm lý của họ nên tìm cách động viên, chia sẻ, chuyện trò để kịp thời giúp họ bớt căng thẳng, lo âu. Có nhiều em bé mình phải dỗ dành, chăm bẵm như con cháu của mình, mới lấy được mẫu đi xét nghiệm”, BS Kim Anh bày tỏ.

Trong những ngày làm nhiệm vụ tại khu cách ly, BS Kim Anh cho biết, chị đã chứng kiến không ít trường hợp thương tâm. Đó là, rất nhiều trường hợp chuẩn bị hoàn thành cách ly, không có tiền về xe nên lực lượng làm nhiệm vụ ở khu cách ly gom góp chút tiền để gửi tặng…

BS Kim Anh nhớ lại, có một lần, 2 công dân đang thực hiện cách ly tập trung thì nhận được tin ở quê nhà bố và mẹ qua đời, nhưng họ không thể về để nhìn mặt người thân lần cuối nên đã khóc rất nhiều khiến những người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.

“Lúc đó, các công dân này nổi nóng, làm “căng” với lực lượng nhiệm vụ với mục đích được về nhà làm tròn chữ hiếu. Nhưng vì đảm bảo bình yên cho cả cộng đồng, lực lượng y tế vừa kiên quyết vừa tâm sự, chia sẻ, giải thích. Cuối cùng, các công dân này đã hiểu và có nguyện vọng được lập bàn thờ bố, mẹ của mình trong phòng họ đang thực hiện cách ly. Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tổ Y tế làm nhiệm vụ tại khu cách ly cùng các chiến sĩ Quân đội lập tức thực hiện nguyện vọng của những công dân này, người chạy đi mượn bàn, người đi mua hoa, mua trái cây, hương đèn….

Đồng thời, mỗi ngày chúng tôi cùng công dân cách ly thành kính thắp nén tâm hương đến người thân của công dân. Cảm nhận được tình cảm chân thành của lực lượng làm nhiệm vụ nên những công dân này đã yên tâm thực hiện tốt việc cách ly”, BS Kim Anh kể lại.

Ngoài ra, tại các khu cách ly ở địa bàn Thừa Thiên-Huế còn rất nhiều y, bác sĩ đã ngày đêm thầm lặng chăm sóc sức khỏe cho công dân cách ly với hy vọng, dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, đơn vị quản lý trực tiếp các khu cách ly cho biết: Cũng như các cán bộ, chiến sĩ Quân đội; công việc của đội ngũ y tế ở các khu cách ly rất vất vả, đặc biệt là trong đợt này, tỉnh đón hơn 20.000 công dân từ tâm dịch về; trong đó, có hàng trăm công dân sau khi vào cách ly, qua lấy mẫu, xét nghiệm đã cho kết quả dương tính. Nhưng với trách nhiệm, sự tận tụy, niềm đam mê nghề và đặc biệt tình yêu thương giữa con người; các y, bác sĩ ở khu cách ly đã tỏa sáng y, đức trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19.

Hải Lan
.
.