Ấm tình người trong những khu phong tỏa

Chủ Nhật, 08/08/2021, 17:10

Hà Nội những ngày này còn rất nhiều những khu phong tỏa. Trong hoạn nạn mới thấy thắm đượm tình người. Người dân trong khu phong tỏa càng thấy thương quý nhau hơn và cả những người ngoài khu phong tỏa, những “Mạnh Thường Quân” không quen biết, họ sẵn sàng ủng hộ cả vật chất và tinh thần. Nghĩa tình trong lúc hoạn nạn, khó khăn ấy thật đáng quý, đáng trân trọng...

Nhiều người khi nghe tin khu vực mình đang sống bị phong tỏa bởi có người dương tính với SARS-CoV-2 thường có cảm giác hoang mang, lo lắng. Các câu hỏi đại loại như: “Những ngày tháng tiếp theo sẽ phải sống thế nào?”; “Làm để nào để có đầy đủ lương thực, thực phẩm trong những ngày bị phong tỏa?”... Những lo lắng ấy nhanh chóng được “hóa giải” bởi chính tình người trong khu phong tỏa, những tình nguyện viên và sự quan tâm kịp thời, sát sao của chính quyền địa phương.

Có khó khăn mới nhận rõ tình người

Có lẽ phường Chương Dương là nơi bị phong tỏa có diện tích và dân số lớn nhất từ trước đến nay ở Hà Nội trong những đợt dịch COVID-19 vừa qua. Những ngày đầu phong tỏa, người dân khá lo lắng, hoang mang. Trong phường có nhiều hộ gia đình khó khăn, nhiều người thuê trọ là công nhân, sinh viên bị mắc kẹt tại nhà trọ, không kịp hoặc không đủ tích trữ lương thực, thực phẩm nên gặp rất nhiều khó khăn khi không thể đi mua lương thực.

Nhưng, nhiều ngày trôi qua, nhận được sự giúp đỡ, viện trợ, tiếp tế lương thực thực phẩm của người nhà và các nhà hảo tâm, với sự nỗ lực của cả chính quyền, lực lượng chốt chặn và tình nguyện viên nhiệt tình, có tâm, cuộc sống của họ đã dần ổn định. Đa phần mọi người đều chấp hành tốt chủ trương, chính sách của lực lượng chức năng và bắt đầu quen dần với cuộc sống “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ấm tình người trong những khu phong tỏa -0
 Xe điện chở đồ tiếp tế cho các hộ dân phường Chương Dương.

Điều đáng mừng nhất là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, dịch bệnh của người dân được nâng cao. Kể từ khi bị phong tỏa, những bạn trẻ của phường đã lập nhóm Facebook với tên gọi “Tôi yêu phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm” để kết nối, chia sẻ thông tin giữa mọi người trong phường với nhau. Những hộ khó khăn, những nơi cần tiếp tế lương thực, thực phẩm đều được các bạn chia sẻ trên nhóm. Nhờ đó mà lương thực, thực phẩm, mọi đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt đều được các bạn tình nguyện viên chuyển đến kịp thời.

Hiện có hơn 100 cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàn Kiếm và công an phường sở tại làm nhiệm vụ 24/24h đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu vực cách ly. Trong khu vực phong tỏa, người dân hạn chế ra khỏi nhà trừ những trường hợp đặc biệt khẩn cấp. Vì vậy, để có thể vận chuyển lương thực, thực phẩm cho người dân, phường Chương Dương đã sử dụng các tổ COVID-19 cộng đồng, hằng ngày đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng vào từng nhà cho bà con vào buổi sáng và buổi chiều.

Tổ COVID-19 cộng đồng hằng ngày có 2 buổi sáng, chiều đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng vào từng nhà cho bà con. Tổ này gồm các lực lượng dân quân tình nguyện, dân phòng, tổ trưởng, tổ phó các tổ dân phố, thanh niên tình nguyện, hội phụ nữ phường, tất cả đã được xét nghiệm COVID-19, được cấp trang thiết bị bảo hộ hằng ngày để đưa lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu đến từng hộ gia đình trong khu cách ly. Hằng ngày tổ COVID-19 cộng đồng này sẽ dùng xe ô tô điện vận chuyển lương thực, hàng thiết yếu vào nhà cho từng hộ dân ngõ xóm.

Chị Nguyễn Thị Diệp, nhà trong ngõ sâu phố Vọng Hà hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi 2 con nhỏ, mấy ngày qua lương thực, thực phẩm đều đã cạn kiệt, lại bị cách ly cả ngõ nên không thể ra chốt kiểm dịch để nhờ người thân bạn bè tiếp tế đồ ăn đến. Khi đăng hoàn cảnh của mình lên nhóm “Tôi yêu phường Chương Dương” thì ngay lập tức các nhà hảo tâm cũng chính là những người trong phường đã mang đồ tiếp tế đến đầu ngõ để chị ra lấy.

Hay, vì hết gas đun, vừa phản ánh trên nhóm, nhà chị Nguyễn Thúy cũng ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ của những người không quen biết trong khu phong tỏa.

Những thắc mắc về bệnh tình, sức khỏe của người dân trong thời gian cách ly cũng được chia sẻ và giải đáp tận tình. Những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong những ngõ ngách sâu, xa của phường cũng được mọi người liên tục cập nhật và nhận được sự giúp đỡ của nhiều người tốt cả trong lẫn ngoài khu cách ly. Những lời động viên giúp nhau cùng vượt qua tháng ngày khó khăn khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng. Tình yêu thương, đoàn kết của người dân thật đáng quý.

Bùi Tuấn Long, một bạn tình nguyện viên trong khu phong tỏa cho biết em tham gia nhóm tình nguyện viên ngay từ ngày đầu bị phong tỏa. Để tham gia nhóm, ngoài tinh thần nhiệt huyết, thì cũng phải có cả sức khỏe, phải được xét nghiệm âm tính và đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Những ngày đầu mới bắt tay vào công việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho các hộ dân, Long và các bạn còn gặp nhiều bỡ ngỡ vì lượng hàng hóa nhiều, lực lượng vận chuyển lại mỏng nên việc chuyển đồ chậm, hay hỏng, đến không đúng địa chỉ thường xuyên xảy ra. Nhiều hộ dân không bằng lòng nhưng cũng không ít người ủng hộ.

Về sau, khi càng nhiều tình nguyện viên tham gia tổ COVID-19 cộng đồng thì việc sắp xếp hàng hóa, phân loại và vận chuyển diễn ra quy củ, nhanh chóng hơn. Để giảm tải công việc, tổ COVID-19 cộng đồng chia ra các hộ gia đình theo số nhà lẻ nhận hàng các Thứ 3-5-7. Số nhà chẵn nhận hàng các Thứ 2-4-6. Đồng thời, yêu cầu người gửi đóng thùng gọn gàng, ghi tên người nhận, số điện thoại địa chỉ to, rõ ràng trên nắp thùng. Đối với đồ đông lạnh bảo quản đá và muối, trên thùng phải ghi rõ là đồ tươi sống. Tất cả cần bọc kín để phun khử khuẩn không ảnh hưởng đến thực phẩm. Không để các túi nhỏ, tránh thất lạc. Nhờ đó mà đã qua nhiều ngày phong tỏa, mọi việc đều đi vào quỹ đạo, không còn cảnh mất đồ, không còn nhận phải đồ đã hỏng, nhận đồ chậm, thất lạc đồ... Trái lại, là những nụ cười, sự động viên, an ủi của người dân dành cho tổ COVID-19 cộng đồng rất nhiều. 

Long kể: “Những ngày đầu tham gia, trời nắng, phải mặc đồ bảo hộ kín mít, chưa quen nên có hôm mệt quá, ra mồ hôi nhiều, mình còn suýt ngất. Có bạn tình nguyện viên nữ đi cả ngày bị căng cơ đau đến phát khóc. Chuyển đồ đến nơi có khi gọi điện nhiều lần không thấy chủ nhà nghe máy. Chưa kể việc thất lạc đồ vì ban đầu nhiều người gửi không đóng gói kỹ càng, ghi địa chỉ người nhận sơ sài bằng tờ giấy nhớ dán vào túi đồ nên khi vận chuyển bị bay mất, vậy là không tìm ra địa chỉ người nhận. Giờ thì quen rồi. Hằng ngày cứ 2 ca sáng, chiều đi vận chuyển đồ tiếp tế cho các hộ dân. Xong việc là mình đi giao cơm miễn phí rồi quà tặng của các “Mạnh Thường Quân” dành cho các hộ nghèo. Có lần đi qua cửa một hộ dân, cô chủ nhà thấy thương quá tặng cho mấy hộp nước mía động  viên “con ơi cầm lấy mà uống cho đỡ khát, vất vả quá” nghe câu ấy xong mà suýt khóc. Cảm động tấm lòng người dân dành cho mình và sẽ cố gắng hết sức để phục vụ bà con”.

Để không ai bị lạc lõng

Kể từ khi con ngõ yên bình 651 Minh Khai bị phong tỏa, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chiến và ông Nguyễn Đức Thành cũng như những người dân trong tổ dân phố đều chấp hành nghiêm túc, triệt để mọi quy định của chính quyền. “Chúng tôi ở trong nhà cả ngày. Chính quyền, tổ dân phố đều quan tâm chu đáo, lo nhu yếu phẩm đầy đủ cho bà con. Nhưng, nhà tôi chỉ có hai vợ chồng già, vợ tôi cũng đã sắm đủ trước khi bị cách ly, phong tỏa nên nhường lại cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Ấm tình người trong những khu phong tỏa -0
 Ngõ 651 Minh Khai bị phong tỏa.

Vốn là người có bệnh nền, tiểu đường type 2, khi ngõ 651 bị phong tỏa, nhiều người thân, bạn bè gọi điện lo lắng cho sức khỏe của mình nhưng bà Nguyễn Thị Chiến vui vẻ động viên lại mọi người. Bà bảo, lúc khó khăn, bệnh tật thì tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, ngay từ hôm đầu tiên khi lực lượng chức năng chuẩn bị rào chắn để cách ly, phong tỏa, bà bình tĩnh gọi điện cho tổ trưởng tổ dân phố hỏi thăm tình hình, đi mua thực phẩm tích trữ sẵn cho hai vợ chồng đủ dùng cho những ngày bị cách ly.

“Nhà tôi chỉ cách xưởng xản xuất của Công ty Thanh Nga vài số nhà. Trước, sau nhà đều có ca dương tính, bạn bè, người thân lo lắm. Chồng tôi cũng lo cho vợ. Nhưng, tôi vẫn bảo mọi người rằng, tinh thần lạc quan yêu đời là quan trọng nhất, nó quyết định 50% sức khỏe của chính mình. Tổ dân phố của chúng tôi vốn có tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc nhau nên khi dịch bệnh xảy ra, mọi người đều có ý thức giữ gìn sức khỏe và lan tỏa những việc làm bảo vệ công đồng. Hằng ngày, chúng tôi dậy sớm, đeo khẩu trang, nhà nọ tránh giờ nhà kia để ra dọn dẹp, vệ sinh đường ngõ. Việc giữ vệ sinh môi trường trong khu cách ly, phong tỏa cực kì quan trọng. Vì thế, không ai bảo ai, mọi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung”.

Thông tin chị Nguyễn Thị Kim O. (sinh năm 1978) dương tính với SARS-CoV-2 khiến những người dân sinh sống tại xóm 3, thôn Phù Yên, xã Viên An, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) hoang mang. Bởi ở làng quê thuần nông ấy, ít ai có thể nghĩ rằng đến một ngày dịch bệnh gõ cửa nhà mình.

Xóm 3 với 15 hộ gia đình và 49 nhân khẩu ngay lập tức trong đêm 3-8 đã được test nhanh COVID-19 và phân loại các F. 13 người thuộc diện F1 được đưa đi ngay trong đêm, những người còn lại nằm trong diện phong tỏa.

Ban đầu, khi nghe xóm mình bị phong tỏa, cụ Bùi Thị Mí, năm nay đã 82 tuổi, tỏ ra rất hoang mang. Trong gia đình cụ Mí cũng có người là diện F1 đã phải đi cách ly ngay trong đêm. Cụ bảo: “Từ hôm gia đình tôi bị phong tỏa, các cấp chính quyền cũng đến động viên rất nhiều. Họ nói chúng tôi chỉ cần nghiêm túc chấp hành các chính sách của địa phương, còn những việc khác đã có chính quyền thôn, xã lo cho nên tôi cũng yên tâm hơn nhiều”.

Ấm tình người trong những khu phong tỏa -0
 Hội chữ thập đỏ huyện Ứng Hòa tặng quà chốt kiểm soát dịch xã Viên An.

Chia sẻ về điểm phong tỏa của địa phương, Thiếu tá Nguyễn Danh Quyết, Trưởng Công an xã Viên An cho biết: “Dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Ứng Hòa, xã Viên An đã triển khai phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng hóa và đảm bảo sản xuất cho người trong vùng cách ly”. Khi có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, người dân trong khu phong tỏa chỉ cần gọi điện nhờ người trong chốt trực mua giúp. Đối với sản xuất, chính quyền địa phương cũng sẽ động viên người dân nhờ người thân ngoài khu vực phong tỏa chăm sóc, thu hoạch giúp hoặc có thể giao cho các đoàn thể thành lập các tổ tự nguyện hỗ trợ người dân trong việc chăm sóc, tiêu thụ rau màu... Chính nhờ những việc làm thiết thực và kịp thời của địa phương nên những người dân thuộc khu phong tỏa của xóm 3 đã không còn cảm giác lo lắng, hoang mang. Ngược lại họ yên tâm chấp hành các quy định của địa phương để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Hà Nội những ngày này còn rất nhiều những khu phong tỏa như thế. Trong hoạn nạn mới thấy thắm đượm tình người. Người dân trong khu phong tỏa càng thấy thương quý nhau hơn và cả những người ngoài khu phong tỏa, những “Mạnh Thường Quân” không quen biết, họ sẵn sàng ủng hộ cả vật chất và tinh thần. Nghĩa tình trong lúc hoạn nạn, khó khăn ấy thật đáng quý, đáng trân trọng.

Trâm Anh
.
.