Chuyện ít biết về lính 'ai-ti' Hà Nội

Thứ Hai, 15/02/2016, 10:49
Những người lính "ai-ti" (IT - công nghệ thông tin) chính là những "khắc tinh" của tội phạm công nghệ cao, một loại tội phạm mới đang phát triển ở Việt Nam và thế giới.


Không giống với cánh hình sự luôn khoác lên mình những bộ quần áo "bụi bậm" để xâm nhập vào giới tội phạm, hay những anh lính điều tra sắc sảo trong đấu tranh với nghi can…

Những người lính "ai-ti" (IT - công nghệ thông tin) thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội lại có dáng vẻ khá thư sinh, công việc luôn miệt mài cặm cụi bên bàn phím -  họ chính là những "khắc tinh" của tội phạm công nghệ cao, một loại tội phạm mới đang phát triển ở Việt Nam và thế giới.

Lính "ai-ti" Hà Nội đang miệt mài bên bàn phím. Ảnh: CTV.

Tội phạm công nghệ cao phát triển trên qui mô toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng tiêu cực của loại tội phạm này. Hiện nay,  nước ta có gần 40 triệu người sử dụng Internet; trung bình mỗi người Việt Nam sử dụng 1,4 thuê bao di động; số tài khoản xã hội trên điện thoại là 24 triệu  và tiếp tục gia tăng… Chính vì nhu cầu kết nối, sử dụng mạng Internet và điện thoại di động ngày một phát triển, bên cạnh những mặt tích cực về truyền thông, tìm kiếm thông tin, giải trí, thương mại điện tử… thì đây cũng là "mảnh đất màu mỡ" cho các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Theo Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 - Công an TP Hà Nội cho biết, tội phạm công nghệ cao được chia làm 4 loại: Tội phạm an ninh mạng; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và tội phạm trong hoạt động tài chính - ngân hàng điện tử. Đặc điểm của loại tội phạm công nghệ cao thường có sự tham gia của nhóm đối tượng người nước ngoài. Chúng có thể sử dụng nước ta để đặt máy móc, trang thiết bị nhằm nhắm tới đối tượng là người nước khác; hoặc câu kết với một số đối tượng người Việt Nam lừa đảo công dân trong nước…

Việc lừa đảo diễn ra trên thiết bị viễn thông diễn biến nhanh, dễ phi tang nên rất khó phát hiện. Để đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm nêu trên, cán bộ, chiến sĩ Phòng PC50 - Công an TP Hà Nội đã phải làm việc bằng hơn 100% sức mình. Hãy nhìn các con số thông kê trong báo cáo tổng kết năm 2015 thì thấy rõ: xác minh đối tượng nghi vấn đạt 300%; xây dựng cộng tác viên đạt 200%...  Chính nhờ làm tốt công tác nêu trên mà tỷ lệ triệt phá thành công đạt hơn 124%, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị khởi tố đạt 193% chỉ tiêu được giao. Điển hình là một số vụ án sau:

Vụ 2 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) là Lui Chia Ming và Tson Jui Cheng nhập cảnh vào Việt Nam, thuê đối tượng Vũ Văn Đại dùng chứng minh thư giả mở tài khoản ngân hàng visa, mastercad, sau đó gọi điện cho một số người dân, tự xưng là Công an để đe dọa, yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Sau khi lừa đảo chiếm đoạt được số tiền gần 6,6 tỷ đồng, hai đối tượng đã xuất cảnh về Đài Loan.

Phòng PC50 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội bắt giữ 2 đối tượng tiếp tay là Vũ Văn Đại và Nguyễn Trọng Đức để xử lý trước pháp luật. Cũng với thủ đoạn tương tự, Phòng PC50 đã xác định Trần Thị Minh Ngọc, trú tại Kiến An, TP Hải Phòng, cùng 6 đối tượng có liên quan lừa đảo bằng hình thức gọi điện đòi tiền cước viễn thông, giả danh Công an. Số tiền mà Ngọc cùng đồng bọn chiếm đoạt được là 950 triệu đồng. Trước đó, Ngọc cũng câu kết với một đối tượng người Trung Quốc để thực hiện hành vi nêu trên.

Nếu nhóm đối tượng lừa đảo qua điện thoại chỉ lừa được những người nhẹ dạ thì nhóm đối tượng lừa đảo bằng thẻ tín dụng tỏ ra ranh mãnh hơn rất nhiều. Tưởng Việt Nam là nơi có thể dễ dàng "hành nghề", 4 đối tượng người Trung Quốc là Lưu Đông Tiến, Lâm Phong Huy, Lý Bằng Phi và Lý Khánh Quốc đã sang Việt Nam, sử dụng máy ghi thẻ từ để làm thẻ, sau đó sử dụng thanh toán qua máy POS. Sau khi thực hiện quẹt thẻ nhiều lần, có lần được, có lần không, cuối cùng, bọn chúng cũng chuyển được 99 triệu đồng vào tài khoản.

Tuy nhiên, hành vi của nhóm đối tượng người Trung Quốc đã trong tầm ngắm của lính "ai-ti" Hà Nội. Khi chúng điều 2 đối tượng người Việt Nam đến một ngân hàng để rút tiền thì bị cơ quan Công an  đưa về trụ sở để làm việc. Mở rộng vụ án, Phòng PC50 đã tạm giữ 30 phôi thẻ ngân hàng, 1 máy ghi thẻ từ, 1 máy POS, 1 máy tính xách tay cùng một số tang vật gây án khác.

Tinh vi hơn cả phải kể đến nhóm đối tượng Huỳnh Tấn Khoa, trú tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hành nghề kinh doanh Internet. Phòng PC50 - Công an TP Hà Nội đã làm rõ 10 đối tượng khác liên quan đến hành vi của Khoa. Nhóm đối tượng này từ đầu năm 2014 đến khi bị phát hiện đã tạo lập 117 website, số tiền giao dịch mã thẻ chiếm đoạt được lên tới 9 tỷ đồng, trong đó Khoa hưởng lợi 550 triệu đồng. Các đối tượng khác đều trú tại địa bàn huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, như:  Nguyễn Ngọc Sơn chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng; Nguyễn Văn Thắng chiếm đoạt 673 triệu đồng; Đoàn Văn Thiện chiếm đoạt 500 triệu đồng; Văn Công Quang chiếm đoạt 665 triệu đồng…

Sau khi mua được tên miền, code, hosting từ một số đối tượng rao bán trên mạng, chúng thu hút người dùng truy cập vào website thông báo trúng thưởng bằng cách gửi tin nhắn trên ứng dụng Gareana hoặc Zalo với nội dung người dùng đã trúng một hiện vật rất có giá trị (thường là xe máy tay ga đắt tiền, 1 phiếu giá trị tiền mặt hàng trăm triệu, phiếu mua xăng miễn phí…) theo một chương trình nào đó do bọn chúng tự đặt ra.

Khi người dùng gọi điện thoại vào số mà chúng qui định, chúng yêu cầu gửi 3 mã thẻ điện thoại 500 ngàn đồng để làm 3 bộ "hồ sơ gốc", rồi tiếp tục yêu cầu người dùng gửi thêm từ 3,5 triệu đồng đến 8 triệu đồng để đóng thuế VAT hoặc phí vận chuyển… Nếu người dùng tin tưởng tuyệt đối, chúng lại yêu cầu gửi thêm 30 triệu đồng với lý do nhận 6 mã số OTP của chương trình để hoàn tất giải thưởng…

Trong quá trình này, nếu người dùng không chấp nhận thực hiện theo yêu cầu hoặc thực hiện hết toàn bộ các yêu cầu thì các đối tượng hứa hẹn sẽ hoàn trả số tiền hoặc trao thưởng đầy đủ. Nhưng sau đó, các đối tượng liền bẻ sim, vứt điện thoại đã liên lạc nhằm trốn tránh sự truy lùng khi nạn nhân trình báo với cơ quan Công an.

Đây chỉ là một số vụ án mà Phòng PC50 đã phát hiện và xử lý; có "muôn hình vạn trạng" hình thức lừa đảo khác tinh vi, đòi hỏi người lính "ai-ti" phải luôn bắt nhịp, phán đoán, dự báo trước để có biện pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả hơn.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Phòng PC50, Công an TP Hà Nội khi sắc xuân vẫn còn đang tràn ngập mọi phố phường, làng, xã Thủ đô. Xin chúc những người lính "ai-ti" với sức trẻ, bản lĩnh và trí tuệ ngày một được rèn giũa qua thực tiễn, bước sang năm Bính Thân 2016, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình, là "lá chắn" tin cậy trước những thông tin độc hại, những hành vi lừa đảo trên mạng viễn thông; nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng Internet hiện nay.

Đào Minh Khoa
.
.