Âm ỉ khủng hoảng hậu Brexit

Thứ Hai, 18/05/2020, 15:49
Liên minh châu Âu (EU) và Anh bước vào vòng đàm phán thương mại thứ ba (ngày 11-5) với không nhiều hy vọng về một sự đột phá, trong bối cảnh khoảng thời gian đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai bên thời kỳ hậu Brexit chưa đầy một năm nay lại đang càng thêm hạn hẹp do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đúng thời điểm châu Âu ở giai đoạn đỉnh dịch, cú sốc lớn thứ hai đối với “lục địa già” lại có nguy cơ xảy ra.

Cuối tuần trước, Cao ủy phụ trách thương mại của EU Phil Hogan đã cảnh báo Anh cần phải đẩy nhanh công việc nếu muốn đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay. Cả hai bên đều nhất trí rằng hầu như không có chút tiến triển nào kể từ khi các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại mới bắt đầu diễn ra vào tháng 3.

Vẫn còn những khoảng cách rất lớn về quan điểm, như đòi hỏi của EU đối với những đảm bảo về cạnh tranh công bằng (cái gọi là các điều khoản về “sân chơi bình đẳng”), vốn bị Anh bác bỏ; chính sách ngư nghiệp; những sự đảm bảo đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; yêu cầu của Anh được quyền liên tục tiếp cận cơ sở dữ liệu cảnh sát và biên giới của EU; Cơ chế thông tin khối Schengen; và cách thức thực thi bất kỳ thỏa thuận nào...

Đàm phán hậu Brexit giữa Anh và EU không có nhiều hy vọng thành công.

Trong khi EU cũng cần thể hiện sự thỏa hiệp hơn nữa thì Chính phủ Anh dường như vẫn thiếu linh hoạt trong đường hướng của mình. Chính phủ Anh, ít nhất là cho đến nay, đã loại bỏ khả năng gia hạn thời kỳ chuyển tiếp vào cuối năm, kể cả nếu Brussels yêu cầu nhằm giảm bớt sức nóng chính trị của vấn đề này tại Anh.

Các đảng đối lập, trong đó có đảng Dân chủ Tự do và đảng Dân tộc Scotland, đã kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson gia hạn thời kỳ chuyển tiếp sau tháng 12 năm nay. Ngoài ra, ngay sau khi trở thành lãnh đạo Công đảng vào tháng trước, ông Keir Starmer cũng nói rằng Anh cần phải kéo dài các cuộc đàm phán sau tháng 12.

Hơn nữa, hàng loạt cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy người dân Anh ủng hộ việc gia hạn do tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, một cuộc khảo sát của Focaldata cho thấy 66% số người được hỏi ủng hộ việc trì hoãn, trong đó có 48% cử tri của đảng Bảo thủ và 45% người ủng hộ đảng Brexit.

Có ít nhất 3 cách giải thích cho lập trường võ đoán của ông Johnson: Thứ nhất, nó mang tính chiến thuật để khiến EU tin rằng London không quan tâm đến việc liệu có đạt được một thỏa thuận hay không. Từ đó, London hy vọng rằng có thể đạt được thỏa thuận tốt hơn theo những điều kiện của Anh; Thứ hai, ê-kíp của ông Johnson muốn kết quả “không thỏa thuận” hơn để có thể tách khỏi EU càng xa càng tốt về chính trị.

Tuy nhiên, sau đó hai bên có thể giảm bớt căng thẳng bằng việc đạt được các thỏa thuận phụ trong những lĩnh vực mà Anh ưu tiên như năng lượng và hàng không; Cách giải thích thứ ba - hành động đó mang tính chiến thuật. Với việc Anh không có ý định ký theo những điều kiện mà EU đưa ra và với nguy cơ suy thoái kinh tế do COVID-19 mà theo dự báo của Ngân hàng Anh là sẽ tồi tệ nhất kể từ năm 1707, việc dựa vào các điều kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một triển vọng ít làm nản lòng hơn.

Theo Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan, các chính trị gia và Chính phủ Anh chắc chắn sẽ quyết định đổ lỗi cho COVID-19 về tất cả hậu quả của Brexit và họ không muốn kéo dài các cuộc đàm phán sang năm 2021 bởi COVID-19 là cơ hội để họ có thể đổ lỗi về mọi thứ. Đánh giá thẳng thắn này của ông Phil Hogan đã bị chính quyền Anh bác bỏ. Tuy nhiên, trừ phi Anh từ bỏ lập trường võ đoán không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp của mình, quan điểm của ông Hogan là một đánh giá đáng tin cậy về những động cơ thực sự của Chính phủ Anh.

Kể cả trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu, giai đoạn 10 tháng - từ tháng 3 đến tháng 12 - vốn đã là không đủ để nhất trí về cái mà nhà đàm phán hàng đầu của EU Michel Barnier gọi là thỏa thuận thương mại cốt lõi Anh-EU. Quả thực, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, Bộ trưởng Nội các Michael Gove thậm chí nói rằng Chính phủ Anh có thể chấp nhận “cái giá” về thuế quan đối với hàng hóa của nước này để nỗ lực đạt được một thỏa thuận.

Trong bối cảnh tâm trạng của London và Brussels rất tồi tệ, ngày càng có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới vào tháng tới, thời điểm mà cả hai bên cần quyết định có gia hạn thời kỳ chuyển tiếp đến năm 2021 hay không. Vì vậy, sức ép ngày càng gia tăng đối với cả hai bên, với nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận là rất lớn.

Nếu kịch bản không thỏa thuận đó xảy ra, đặc biệt trong sự thiếu vắng các thỏa thuận phụ, cả Brussels và London gần như chắc chắn cần quay trở lại bàn đàm phán trong những tháng sau đó nhưng với một loạt động cơ mới. Các cuộc thảo luận theo kịch bản này có thể kéo dài đáng kể so với khi ông Johnson đã đảm bảo được một thỏa thuận trong giai đoạn chuyển tiếp. Tiến trình đàm phán có thể khó khăn hơn rất nhiều, với tình trạng bế tắc như trước đây.

Một nhân tố có thể khiến cho việc hoàn tất một thỏa thuận trở nên khó khăn hơn là ngoài việc tiến trình chuyển tiếp chỉ đòi hỏi đa số các nước phê chuẩn, cần phải có sự nhất trí của cả 27 nước thành viên EU để đạt được một thỏa thuận. Quả thực, chỉ một nước EU cản trở thỏa thuận đã là cả một nguy cơ đối với cả Brussels và London.

Rủi ro vẫn rất lớn không chỉ đối với Anh mà với cả EU, vốn có thể bị hủy hoại bởi một Brexit không thỏa thuận, mất trật tự. Sự ra đi êm đẹp hơn giờ đây cần một chiến lược và tư duy rõ ràng, gắn kết và thận trọng đối với tất cả các bên để London, Brussels và EU có thể tiến tới một mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng mới với hy vọng đem lại những lợi ích đáng kể cho cả hai bên trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hiện nay.

Ngược lại, nếu không bên nào nhượng bộ, cả hai sẽ đều bị thiệt hại về kinh tế. Cụ thể, nước Anh có thể mất đến 29 tỷ euro (32 tỷ USD) doanh thu xuất khẩu mỗi năm, khi EU là điểm đến của gần một nửa hàng xuất khẩu từ Anh. Và nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày 31-12 thì các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng sẽ có hiệu lực, với thuế quan cao cùng sự xuất hiện của các rào cản hải quan giữa Anh và EU. Viễn cảnh đó đặc biệt đáng báo động với EU khi suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử đang đè nặng lên “lục địa già” do tác động của dịch COVID-19 và bất kỳ sự hỗn loạn nào vì Brexit sẽ chỉ càng khiến cho tình hình tồi tệ hơn.

Quang Nguyễn
.
.