Anh: Bộ trưởng Ngoại giao có thể mất chức vì phát ngôn
Ngày 3-10, trong một phát biểu trước cử tọa Hội nghị đảng Bảo thủ, khi được hỏi về cảm nghĩ của ông khi đến thăm Libya trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông Boris Johnson đã bình luận về tiềm năng phát triển du lịch của thành phố biển Sirte khiến cử tọa phải há hốc mồm, rằng thành phố Sirte “cần phải dọn dẹp sạch các xác chết” mới mong trở thành điểm đến du lịch và đầu tư kinh doanh đẳng cấp thế giới.
Câu nói của ông Johnson ngay lập tức nhận được phản ứng gay gắt từ nhiều người, trong đó một số thành viên Công đảng đối lập đã lên án phát ngôn thiếu thận trọng của ông Johnson, mô tả ông là “hết sức thô bỉ, nhẫn tâm và tàn bạo” vì lời nói của ông đã đụng chạm đến những người đã chết trong cuộc chiến giành lại thành phố Sirte từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Và họ đã kêu gọi ông nên cân nhắc từ chức vì những phát ngôn, quan điểm của ông đang làm ảnh hưởng đến uy tín của nước Anh, Quốc hội và Chính phủ Anh.
Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson phát biểu “gây bão” tại Hội nghị đảng Bảo thủ. |
Nữ nghị sĩ Heidi Allen là thành viên đảng Bảo thủ đầu tiên lên tiếng yêu cầu cách chức ông Johnson. Bà Allen cho rằng, phát ngôn xúc phạm nhiều người đó đối với một người dân thường đã không thể chấp nhận được, huống chi nó lại được phát ra từ Bộ trưởng Ngoại giao.
Đồng thanh với bà Allen còn có bà Sarah Wollanston, một thành viên khác của đảng Bảo thủ trong Quốc hội. Wollanston nói: “Nói đùa một cách rẻ rúng đối với những người đã bị giết chết ở Libya thì thật là thô bỉ. Thật buồn khi nghe được điều này từ ngài Bộ trưởng Ngoại giao của chúng ta”.
Sau 2 bà Allen và Wollanston, làn sóng yêu cầu sa thải ông Johnson đã lan rộng trong đảng Bảo thủ, tạo áp lực lớn cho Thủ tướng Theresa May. Ngay cả những cố vấn và đồng minh thân cận nhất của bà May, trong đó có cả 12 thành viên (chiếm hơn ½ số thành viên nội các) hiện cũng đang ngả theo xu hướng chung của nhiều người làm ầm ĩ về phát ngôn của ông Johnson.
Các thành viên nội các đã thể hiện rõ sự phẫn nộ đối với Bộ trưởng Ngoại giao vì phát ngôn thiếu chuẩn mực. Các cố vấn khuyên bà May nên chiều theo ý của các nghị sĩ và các vị bộ trưởng nội các nhằm xoa dịu cơn giận của họ, đồng thời cũng nhằm tranh thủ giàn xếp sự bất đồng gây chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ vì vấn đề Brexit.
Cơn đau đầu của bà May không chỉ có chuyện phát ngôn của ông Johnson, mà thật sự chính là vấn đề đàm phán Brexit, đề tài gây tranh cãi quyết liệt nhất trong nội bộ đảng Bảo thủ. Báo chí Anh thậm chí dùng từ “cuộc chiến nội bộ” để mô tả tình trạng mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng này.
Ngoại trưởng Johnson không chỉ bị chỉ trích, đòi sa thải vì chuyện phát ngôn thiếu thận trọng, nó được đốt nóng, bùng phát mạnh hơn do đã có sẵn ngọn “lửa” đang bùng cháy về vấn đề Brexit. Ông bị chỉ trích vì can thiệp ồn ào vào vấn đề Brexit, cho rằng lẽ ra ông không nên lên tiếng phát ngôn về Brexit mà chỉ nên giữ im lặng và theo dõi tình hình để có thái độ, quan điểm ứng phó phù hợp.
Thủ tướng Theresa May đã tỏ ý lựa chọn phương án cho ông Boris Johnson thôi việc để đổi lấy sự đồng thuận về vấn đề Brexit. |
Hôm 7-10, sau 3 ngày chỉ trích quyết liệt, các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu Thủ tướng May phải có ngay hành động cải tổ nội các và sa thải ông Johnson.
Và không chỉ có Johnson. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond là người thứ hai đang phải hứng “lửa” từ nội bộ đảng Bảo thủ xung quanh vấn đề Brexit. Ông Hammond bị những người ủng hộ Brexit công kích kịch liệt vì Bộ Tài chính của ông đã theo đuổi chính sách tài chính không tươi sáng, chỉ “Brexit trên danh nghĩa”, không thực chất. Nghị sĩ Nadine Dorries đã lên tiếng kêu gọi ông Hammond từ chức.
Còn phần đông những người khác tuy chưa chính thức lên tiếng nhưng cũng đang bày tỏ quan ngại về Bộ trưởng Tài chính. Brexit đã làm cho Hội nghị đảng Bảo thủ trở thành một cuộc đấu khẩu tập thể, một cuộc đấu đá nội bộ căng thẳng khiến cho Thủ tướng May cảm thấy rất khó khăn để đưa ra quyết định dứt khoát về vấn đề Brexit.
Ngày 7-10, Thủ tướng May đã có bài phát biểu trước Hội nghị, một bài phát biểu đã được nhiều người mong đợi là sẽ dẹp yên cuộc đấu đá, chia rẽ nội bộ đảng vì vấn đề Brexit, đồng thời đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề của 2 vị Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính. Sau một loạt chỉ trích, kêu gọi cải tổ nội các của các nghị sĩ mấy ngày trước, bên hành lang Quốc hội Anh đã râm ran những lời đồn đoán về một cuộc cải tổ nội các có thể sẽ diễn ra trong vài tuần, thậm chí vài ngày tới.
Giữa Johnson và Hammond, Thủ tướng May phải lựa chọn cho thôi việc một trong hai người, vì bà không thể cho nghỉ cả hai. Và trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng May đã tỏ ý cho thấy bà đang hướng đến phương án cho ông Johnson thôi việc. Đồng thời, bà May cũng lên tiếng kêu gọi các thành viên đảng Bảo thủ chấm dứt chia rẽ, đấu đá nội bộ xung quanh vấn đề Brexit.
Việc bà May chọn lựa cho ông Johnson thôi việc có thể là giải pháp tốt nhất để không chỉ xoa dịu bất đồng nội bộ đảng Bảo thủ trong vấn đề Brexit, mà còn nhằm tranh thủ cả đảng đối lập ủng hộ mình trong vấn đề này. Sự lựa chọn bà không mong muốn, nhưng không còn cách nào khác.