Anh: Cách tồn tại của ông Jeremy Corbyn

Thứ Hai, 07/10/2019, 12:00
Lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn là một chính trị gia có bộ tóc trắng, thích đi xe đạp và ăn chay, luôn tin vào “cách mạng”, song cũng đã nản lòng với vấn đề lớn nhất trong thế hệ của ông - Brexit. Tuy nhiên, sự kiên định có tính toán đã giúp ông Corbyn vượt qua những cuộc cạnh tranh quyền lực và tiếp tục chiến đấu.

Chính trị gia 70 tuổi theo chủ nghĩa xã hội này đã tiếp sức mạnh cho những người ủng hộ cánh tả và chia rẽ dư luận khi bất ngờ được bầu làm người đứng đầu đảng chính trị có 119 năm tuổi hồi năm 2015. Ông Corbyn đã nói với những người ủng hộ ông tại đại hội thường niên của đảng hôm 24-9 rằng: “Để chia sẻ sự thịnh vượng, chúng ta cần chia sẻ sức mạnh”.

Từ cảm giác chưa được yêu thích của người ngoại đạo

Hình ảnh của ông Corbyn có thể xem là tương phản với ông Johnson, một nhân vật có dòng dõi quý tộc và được đào tạo từ các trường Eton và Oxford. Ông Corbyn không theo học đại học - cần lưu ý là hồi năm 2015, ông còn “chưa từng nằm trong nhóm được yêu thích” và bước vào chính giới từ những năm 60 của thế kỷ XX với tư cách là một thành viên của giới trẻ trong nhóm Thanh niên xã hội chủ nghĩa của Công đảng.

Những hoạt động đầu tiên trong sự nghiệp của ông bao gồm chiến dịch giải giáp vũ khí hạt nhân trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, căng thẳng về địa chính trị và phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Ông đã ủng hộ đảng Sinn Fein và chủ nghĩa cộng hòa của Ireland trong cuộc xung đột vũ trang Bắc Ireland đẫm máu. Sự ủng hộ của ông dành cho những công nhân mỏ đình công đã đối đầu trực tiếp với biểu tượng của đảng Bảo thủ là bà Margaret Thatcher những năm 80 từng là điều ít nhiều gây tranh cãi.

Hiện nay, cam kết của ông về việc phân chia tài sản, theo đó sẽ trao 10% cổ phần của các công ty lớn cho công nhân trong thập kỷ tới, đã dội gáo nước lạnh vào cộng đồng đầu tư ở Anh. Tờ Financial Times gọi đó là “một trong những sự chiếm đoạt tài sản lớn nhất trong một nền dân chủ phương Tây”.

Ông Corbyn nắm vị trí lãnh đạo Công đảng với tư cách một kẻ ngoại đạo nhờ việc rất ít người sẵn sàng dẫn dắt đảng này sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước đảng Bảo thủ của ông David Cameron.

Ông hưởng lợi từ quyết định của đảng trong việc thay đổi điều lệ bầu chọn lãnh đạo. Khả năng vận động phe cực tả và giới trẻ của ông Corbyn lập tức làm dấy lên những so sánh với hiệu ứng mà Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tạo ra trong cuộc bầu cử ở Mỹ. Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo và các chính sách của ông tỏ ra bất đồng với chính nội các được lập sẵn của ông - nhóm các quan chức trong đảng có thể trở thành các bộ trưởng khi ông Corbyn trở thành thủ tướng. Hơn một nửa trong số họ đã ra đi sau khi ông tiến hành chiến dịch mập mờ phản đối Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Ông Corbyn đã phải đối mặt với những câu hỏi lặp đi lặp lại về con đường mà ông ủng hộ trong cuộc trưng cầu. Và ông luôn trả lời rằng ông bỏ phiếu cho lựa chọn “ở lại”.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Anh, ông Jeremy Corby kêu gọi Thủ tướng Johnson từ chức.

Đến thay thế vị trí của Thủ tướng Johnson

Ông Corbyn đã khôi phục được vị thế của Công đảng khi tước bỏ được thế đa số của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2017. Điều này đã buộc bà Theresa May phải thành lập một liên minh không khả thi với một đảng bảo thủ nhỏ và cực kỳ bảo thủ là Bắc Ireland. Bà May sau đó đã không thể thuyết phục quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit của mình và buộc phải tuyên bố từ chức trong nước mắt hồi tháng 5 vừa qua.

Tính đến nay, ông Corbyn đã tồn tại qua hai chính phủ Bảo thủ và đang nhắm đến vị trí của ông Johnson. Ông Johnson có thể sẽ buộc phải bội ước và yêu cầu một sự gia hạn cho thời điểm thực hiện Brexit quá ngày 31-10. Khi đó, uy tín chính trị của ông Johnson sẽ bị tổn hại và đây chính là một sự tính toán khác mà ông Corbyn cho rằng có thể giúp ông giành chiến thắng.

Một hành động cương quyết nhất gần đây là lãnh đạo Công đảng Corbyn ngày 24-9 cũng kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson từ chức và kêu gọi bầu cử sớm, sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết khẳng định việc ông Johnson đình chỉ hoạt động của Quốc hội trong bối cảnh thời điểm Brexit đang đến gần là "trái luật". Cùng ngày, nghị sĩ đảng Dân tộc Scottland (SNP) Joanna Cherry cũng cho rằng Thủ tướng Johnson nên từ chức sau phán quyết của Tòa án Tối cao.

Có thể nói, ông Corbyn cũng đã tốn rất nhiều công sức vào Brexit, ông kịch liệt phản đối một Brexit không thỏa thuận và đã nhiều lần viết thư gửi tất cả các nghị sĩ thuộc mọi đảng phái tại Hạ viện nước này, kêu gọi cùng nhau thảo luận nhằm tìm cách phá vỡ bế tắc về Brexit.

"Phận sự của tất cả các nghị sĩ chúng ta giờ đây là phải cùng nhau làm việc tốt nhất và tìm ra một thỏa hiệp và một giải pháp nhằm chấm dứt sự bấp bênh và lo lắng không cần thiết mà các cuộc đàm phán thất bại của chính phủ đã gây ra”, thông điệp trong một bức thư của ông Corbyn.

Tình hình Brexit vẫn đang trong “mớ bòng bong”, gần 3 năm sau khi 52% cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nước Anh vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể để rời khỏi EU. Hạn chót Anh nói lời chia tay “mái nhà chung châu Âu” đã được lùi đến ngày 31-10 tới thay vì 29-3-2019.

Gần đây nhất, Thứ trưởng Brexit của Anh James Duddridge cho biết luật được Quốc hội nước này thông qua buộc Thủ tướng Boris Johnson phải trì hoãn Brexit nếu ông này không đạt được một thỏa thuận với EU. Chính phủ Anh đã nhiều lần tuyên bố sẽ tuân thủ luật này, song ông Johnson cũng cho hay ông sẽ không đề nghị gia hạn thời điểm Anh rời khỏi EU vào 31-10 như kế hoạch.

Nếu không làm tốt, rất có thể, ông Johnson phải “nhường chỗ” cho “người thầm lặng” Corbyn.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.