“Bông hồng thép” thứ ba trên chính trường Nhật Bản

Thứ Ba, 04/10/2016, 15:15
Trong số những nền dân chủ thuộc thế giới phát triển, Nhật Bản là một trong những nơi có khá ít phụ nữ nắm giữ quyền lực chính trị. Tuy nhiên, tình hình được dự đoán có lẽ sẽ được cải thiện trong tương lai sau khi Renho Murata - cựu Bộ trưởng Cải cách hành chính - đã giành chiến thắng hôm 15-9 vừa qua khi trở thành nữ chủ tịch chính đảng đối lập Dân chủ lớn nhất Nhật Bản.

Mảnh khảnh trong bộ vest màu trắng, Renho Murata lọt thỏm giữa những người cùng đảng, hầu hết là đàn ông mặc comple sẫm màu. Ngày 15-9, bà đã vượt qua hai đối thủ nam để trở thành lãnh đạo mới của đảng Dân chủ đối lập tại Nhật Bản. Bà nhận được 503 trong tổng số 849 phiếu. Renho Murata là nữ chính khách đầu tiên lãnh đạo một đảng phái và là phụ nữ thứ 3 nắm quyền lực trên chính trường Nhật Bản trong vòng chưa đầy 2 tháng qua.

Tháng 7, Tokyo có nữ thị trưởng đầu tiên là Yuriko Koike và một tháng sau đến lượt bà Tomomi Inada được Thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng (trước đó do bà Koike nắm giữ - từ tháng 7-2007). Renho Murata là thành viên phe cải cách đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), người từng là thành viên Thượng viện trong suốt 12 năm, ủng hộ việc cắt giảm những dự án công cộng gây lãng phí.

Renho tuyên bố trên trang web cá nhân: "Là phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo, tôi sẽ phá bỏ rào cản giới tính đồng thời tạo ra một thế hệ mới cho đảng Dân chủ bằng sự tập hợp lại sức mạnh của mọi người".

Bất chấp việc mang trong mình 2 dòng máu Nhật Bản (từ người mẹ) và Đài Loan (từ người cha), bà Renho vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ gần một nửa số thành viên DPJ trong Nghị viện và đánh bại cả 2 đối thủ nam đáng gờm là Seiji Maehara (cựu Bộ trưởng Ngoại giao) và Yuichio Tamaki (thành viên Nghị viện từ năm 2009).

Mặc dù chào đời năm 1967 và lớn lên ở Nhật, song Renho là người Đài Loan do luật pháp Nhật Bản lúc đó chỉ công nhận quyền công dân cho những đứa trẻ có cha là người Nhật Bản. Năm 1985, Renho - lúc đó 17 tuổi - mới chính thức trở thành công dân Nhật Bản sau khi luật pháp có sự thay đổi. Nhưng Renho vẫn chưa chính thức từ bỏ tư cách là công dân Đài Loan cho nên bị những người theo chủ nghĩa dân tộc chỉ trích dữ dội.

Gần đây, Renho phát biểu với các phóng viên báo chí rằng bà đang yêu cầu hủy tư cách công dân Đài Loan. Renho Murata phát biểu trong cuộc họp báo sau chiến thắng trong bầu cử: "Là chính khách, tôi không bao giờ hành động khác hơn người Nhật Bản. Tôi làm việc cho Nhật Bản và mãi vẫn sẽ như thế".

Trở thành tân lãnh đạo DPJ, Renho Murata là đối thủ cạnh tranh đáng gờm cho Thủ tướng Shinzo Abe - người vẫn đang được lòng người dân bất chấp những kế hoạch kinh tế và an ninh gây bất đồng của ông. Ngoài ra, Renho Murata sẽ phải chống chọi với quyền lực chính trị vẫn còn chiếm ưu thế của nam giới tại Nhật Bản.

Trong quá trình tranh cử, bà Renho cam kết sẽ đưa đảng Dân chủ Nhật Bản thành một chính đảng đối lập với những chính sách có thể thay thế cho đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe. Bà Renho cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển con người và giáo dục, bao gồm việc thi hành chính sách giáo dục mầm non miễn phí và tăng lương cho giáo viên.

Renho Murata nói chuyện tại cuộc họp báo sau khi đắc cử.

Ngoài ra, chủ tịch mới của đảng Dân chủ cũng cam kết bảo vệ Điều 9 Hiến pháp của Nhật Bản là từ bỏ chiến tranh khi Thủ tướng Abe nhiều lần tìm cách sửa đổi điều này. Tuy nhiên, bà Renho tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Liên minh cầm quyền của thủ tướng để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho đất nước. Việc phối hợp với đảng Cộng sản Nhật Bản và các đảng đối lập khác sẽ được bà Renho xem xét để tăng cường sức mạnh cho đảng Dân chủ đối lập, bất chấp sự khác biệt về ý thức hệ.

Katsuyuki Yakushiji, giáo sư Khoa Chính trị Đại học Tokyo, đánh giá: "Renho Murata rất xinh đẹp, rất quyền lực và cũng rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Nhưng từ quan điểm chính trị, bà chưa có đủ kinh nghiệm của một chính khách. Hiện vẫn chưa rõ những gì mà bà muốn làm".

Trong khi đó, những nhà hoạt động nữ quyền cho rằng Renho Murata sẽ giúp trẻ em được chăm sóc tốt hơn, xây dựng bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ chống bạo lực trong gia đình. Renho Murata tuyên bố sẽ giúp phụ nữ được bầu nhiều hơn vào Nghị viện Nhật Bản, đấu tranh cho quyền phụ nữ được giữ tên thời con gái sau khi lấy chồng.

Tuy nhiên, Mari Miura - giáo sư Khoa Chính trị Đại học Tokyo - bày tỏ sự nghi ngờ: "Phụ nữ trên chính trường Nhật Bản còn quá ít đến mức họ vẫn phải tuân thủ theo các chuẩn mực mà nam giới đặt ra. Nếu không hành xử như nam giới thì sẽ bị đánh giá thấp. Do đó, Renho cũng như bất cứ nữ lãnh đạo nào cũng phải hành xử theo nam giới".

Trước khi bước vào con đường chính trị, Renho Murata đã tốt nghiệp luật khoa và từng làm người mẫu áo tắm, làm người người dẫn chương trình cho 2 kênh truyền hình nổi tiếng Nhật Bản - TBS và TV Asahi. Renho Murata cũng là nghị sĩ gốc Đài Loan đầu tiên và duy nhất của DPJ tại Nghị viện. Chồng của Renho là cựu phóng viên Nobuyuki Murata, người hiện là giảng viên tại nhiều trường đại học ở Nhật Bản. Hiện là mẹ của một cặp sinh đôi, người phụ nữ tóc ngắn và thanh mảnh này nổi tiếng với sự hoạt ngôn, sắc sảo.

Về quan điểm chính trị, bà thường được xem là một người ôn hòa. Bà Renho được bầu vào Thượng viện lần đầu tiên vào năm 2004 và đại diện cho cử tri Tokyo. Trong cuộc bầu cử vào tháng 7-2016, bà nhận được sự ủng hộ của hơn 1 triệu cử tri, dẫn đầu trong cuộc bầu cử Thượng viện ở Tokyo và trở thành nghị sĩ nhiệm kỳ thứ 3.

Hiện nay, phụ nữ chiếm chưa đến 15% tổng số ghế trong Nghị viện Nhật Bản và trong năm 2015 Thủ tướng Abe buộc phải thừa nhận ông không thể hoàn thành mục tiêu 30% phụ nữ vào những vai trò quản lý chính quyền vào năm 2020. Sự hiện diện của phụ nữ trong bộ máy Chính phủ Nhật Bản vẫn thua xa một số quốc gia như Hàn Quốc, Anh và Đức.

Cách đây gần 30 năm, đảng Xã hội - lúc đó là đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản - bầu bà Takako Doi vào vị trí lãnh đạo đảng lần đầu tiên. Bà Doi đã giúp đưa nhiều phụ nữ hơn vào Nghị viện song thành quả này không kéo dài. Mới đây nhất, cả hai đảng Dân chủ tự do (LDP) và DPJ đều có cố gắng sử dụng thêm nhiều phụ nữ nhưng cũng chỉ thành công giới hạn.

Emma Dalton, giảng viên tiếng Nhật Đại học La Trobe ở thành phố Melbourne (Australia), nhận định: "Vấn đề chính là nam giới vẫn còn nắm giữ quyền lực cao nhất. Việc Renho Murata trở thành lãnh đạo DPJ hy vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực có lợi cho phụ nữ".

Cùng thời điểm Renho Murata trở thành lãnh đạo nữ đầu tiên của đảng đối lập, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada đã có chuyến đi "ra mắt" nước Mỹ sau khi nhậm chức. Washington sẽ không thể coi nhẹ cuộc viếng thăm này vì bà Inada vốn được đánh giá là người Thủ tướng Abe đã chọn để thay thế ông lãnh đạo đảng Dân chủ tự do cầm quyền.

Các chuyên gia đánh giá rằng một trong những công việc bà Inada cần quan tâm trong chuyến thăm Mỹ lẫn thời gian sắp tới, là tạo ra một hình ảnh bộ trưởng quốc phòng thân thiện, ôn hòa hơn với công chúng, trong khi vẫn duy trì quan điểm cánh hữu của mình.

Trong phát biểu cứng rắn với Trung Quốc vào ngày 4-8 sau khi nhận chức bộ trưởng Quốc phòng, bà Inada nói: "Trung Quốc đang ngày càng hoạt động mạnh trên các vùng biển và không phận (quanh Nhật Bản), ngày càng muốn dùng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng". Tuyên bố của bà Inada nhắm tới việc Trung Quốc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Diên San - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.