Bước đột phá trong quan hệ Qatar-Saudi Arabia

Thứ Ba, 15/12/2020, 18:03
Một bước đột phá trong mối quan hệ căng thẳng kéo dài 3 năm rưỡi giữa Qatar và các quốc gia Vùng Vịnh láng giềng vừa đạt được sau các cuộc đàm phán giải quyết xung đột do Kuwait và con rể của ông Trump là Jared Kushner làm trung gian.

Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia cho biết hai nước Saudi Arabia và Qatar vừa đạt “tiến bộ đáng kể” trong vài ngày qua và ông lạc quan rằng tất cả các nước đã gần đạt được một giải pháp chấm dứt khủng hoảng. Trong các cuộc đàm phán vừa diễn ra, Saudi Arabia đã đồng ý mở cửa biên giới trên bộ và trên không với Qatar như một biện pháp xây dựng lòng tin.

Qatar đã bị nhóm các quốc gia Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), còn gọi là “nhóm 4”, phong tỏa về chính trị, kinh tế trong một cuộc tranh chấp phức tạp, được mô tả là cuộc khủng hoảng lớn nhất ở Vùng Vịnh, một phần do sự ganh đua của Saudi Arabia đối với chính sách đối ngoại độc lập của Qatar.

Jared Kushner và Quốc vương Qatar, Emir Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani ở thủ đô Doha.

Cuộc xung đột chính trị, ngoại giao còn gọi là khủng hoảng Vùng Vịnh bắt đầu nổ ra vào tháng 7-2017 khi nhóm 4 quốc gia trụ cột trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) do Saudi Arabia dẫn đầu cắt quan hệ, tẩy chay, phong tỏa biên giới, bầu trời với Qatar. Sau đó, từ 4 quốc gia đã gia tăng lên 9 quốc gia tham gia nhóm tẩy chay Qatar, bao gồm các quốc gia vùng Bắc Phi và Trung Đông láng giềng của Qatar.

Xung đột bắt nguồn từ việc Saudi Arabia và UAE cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố do nước này đã “tài trợ và chứa chấp” tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vốn bị Saudi Arabia liệt vào danh sách khủng bố. Thực chất, giới phân tích cho rằng động cơ đằng sau cuộc xung đột còn do Saudi Arabia và UAE cùng cho rằng Qatar có quan hệ gần gũi với Iran, đứng về phía Iran trong cuộc tranh chấp quyền lực, ảnh hưởng trong khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Ngoài ra, kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở chính tại Qatar cũng là một trong những vấn đề khiến Saudi Arabia bực tức đối với Qatar.

Qatar được xem là quốc gia giàu tiềm lực kinh tế, là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn trong khu vực. Dường như Doha đã không hề nao núng trước sức ép lớn từ phía Saudi và các thành viên “nhóm 4”, ngược lại còn ra đòn đáp trả Saudi và các quốc gia khác trong nhóm. Xung đột có nguy cơ làm cho quan hệ hợp tác, sự đoàn kết trong cộng đồng các quốc gia Vùng Vịnh vốn lỏng lẻo càng trở nên yếu và có nguy cơ chia rẽ ngày càng sâu sắc thêm.

Qatar cũng là một đồng minh quan trọng của nước Mỹ trong khu vực Trung Đông. Mỹ hiện cũng đang duy trì căn cứ quân sự lớn nhất khu vực trên đất Qatar. Washington cũng lo ngại việc bị các nước láng giềng phong tỏa có thể đẩy Qatar về phía các quốc gia đối nghịch với Mỹ. Vì vậy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã cố gắng trung gian hòa giải cuộc xung đột.

Ban đầu, Saudi Arabia và nhóm phong tỏa đưa ra 13 điều kiện để chấm dứt phong tỏa, trong đó 3 yêu cầu Qatar phải chấp nhận từ bỏ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, từ bỏ quan hệ với Iran và đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera là những điều kiện rất khó, thậm chí không thể được đáp ứng. Kết quả đúng như lo lắng của Mỹ. Bị phong tỏa, tẩy chay, Qatar càng xích lại gần hơn với Iran và đi theo quỹ đạo của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cách đây một năm, các nỗ lực đàm phán giải tỏa khủng hoảng đã được thúc đẩy mạnh mẽ và đã có lúc hai bên gần đạt thỏa thuận nhưng vào phút chót lại đổ vỡ. Rồi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến tiến trình bị gián đoạn. Các cuộc đàm phán mới nhất đã được nối lại trong vài tháng gần đây, chủ yếu là qua hình thức trực tuyến, từ xa. Cho đến nay, dường như Qatar đã không hề chịu khuất phục trước sức ép của Saudi Arabia và nhóm phong tỏa.

Việc Saudi Arabia đưa ra đề nghị mở cửa lại biên giới trên bộ và trên không được xem là đột phá bởi đây là biện pháp phong tỏa chủ yếu đối với Qatar. Vấn đề còn lại là liệu các quốc gia còn lại trong nhóm có đồng thuận theo đề nghị của Saudi Arabia hay không.

Phát biểu tại Hội nghị Roma Med 2020, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết đã có tiến triển trong đàm phán nhưng nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng đều không thể là thỏa thuận song phương giữa Qatar và Saudi Arabia, mà phải bao gồm tất cả các quốc gia liên quan trong cuộc tranh chấp. Al-Thani cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng không được hạn chế chủ quyền trong chính sách đối ngoại của Qatar.

Ông nói thêm: “Không một quốc gia nào có thể áp đặt bất kỳ yêu cầu nào đối với một quốc gia khác. Mỗi quốc gia nên quyết định chính sách đối ngoại của mình. Chúng tôi tin rằng sự thống nhất của Vùng Vịnh là rất quan trọng đối với an ninh của khu vực. Cuộc khủng hoảng không cần thiết này cần phải kết thúc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.

Tin tức về bước đột phá được Bộ trưởng Ngoại giao Kuwait Sheikh Ahmed Nasser Al-Sabah thông báo hôm Thứ sáu 4-12. Phát biểu trên kênh Kuwait TV, ông nhấn mạnh: “Tất cả các bên đều khẳng định sự quan tâm của họ đối với sự đoàn kết và ổn định của Vùng Vịnh và Arabia và một thỏa thuận cuối cùng sẽ mang lại những điều mong muốn về tình đoàn kết lâu dài giữa các quốc gia và các dân tộc”.

Giới phân tích nhận định, đột phá trong giải quyết tranh chấp giữa Saudi Arabia và Qatar là một món quà Trung Đông chào đón Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. Qatar đã bày tỏ không quan tâm đến việc tham gia thỏa thuận quan hệ ngoại giao với Israel như Bahrain và UAE đã làm. Hiện Saudi Arabia cũng đang lưỡng lự trong việc này bởi tính chiến lược liên quan đến tiến trình hòa bình giữa các quốc gia Arabia với Israel hiện đang dang dở, trong đó mấu chốt là việc giải quyết vấn đề thành lập nhà nước Palestine bao gồm các phần đất bị Israel chiếm đóng vẫn chưa đạt được tiến bộ nào.

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.