Căng thẳng trong nội bộ Iran
Tổng thống phải điều trần trước Nghị viện
Đầu tháng 8 vừa qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố của Iran nhằm phản đối tình trạng lạm phát tăng cao, giá cả không ngừng leo thang và tình trạng tham nhũng. Một số cuộc biểu tình đã nhanh chóng chuyển thành các cuộc tuần hành phản đối chính quyền.
Thực vậy, kể từ tháng 4-2018 đến nay, đồng rial của Iran đã mất giá khoảng một nửa do nền kinh tế sa sút, khó khăn tài chính tại các ngân hàng trong nước và nhu cầu mua đồng USD của người Iran tăng cao do lo ngại ảnh hưởng kinh tế của lệnh trừng phạt từ Washington.
Ngoài sự mất giá của đồng rial, việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với Iran vào ngày 6-8-2018 đã dẫn tới các cuộc biểu tình đường phố, bao gồm cả những cuộc biểu tình của tiểu thương vốn là tầng lớp trung thành với các nhà lãnh đạo Hồi giáo của Iran. Ngoài ra, còn có các cuộc biểu tình phản đối nạn đầu cơ trục lợi, chi phí sinh hoạt đắt đỏ và tham nhũng.
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei thừa nhận sai lầm khi cho phép Bộ trưởng Ngoại giao Iran đàm phán với Mỹ để đạt thỏa thuận hạt nhân quốc tế 2015. |
Dự kiến vào đầu tháng 11 tới, Mỹ sẽ áp đặt đợt trừng phạt thứ hai với Iran. Đợt này sẽ nhắm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng của Tehran. Washington nói cơ may duy nhất của Iran để tránh các chế tài sẽ là việc chấp nhận đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump thương thuyết về một thỏa thuận hạt nhân nghiêm ngặt hơn. Nhiều người lo ngại Iran sẽ đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tất nhiên sẽ kéo theo khủng hoảng xã hội, và chính trị. Các phe phái trong chính trường Iran bắt đầu rạn nứt. Ngày 26-8-2018, Nghị viện Iran quyết định bãi chức Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính của ông Massoud Karbassian. Trước đó, vào đầu tháng, Bộ trưởng Lao động cũng đã bị Nghị viện bãi nhiệm.
Như vậy, chỉ trong vòng vài tuần, Tổng thống Iran Rohani đã bị mất đi 2 nhân vật thân cận. Một người thân cận khác là Bộ trưởng Công nghiệp - Giao thông có nguy cơ chịu chung số phận như 2 đồng nhiệm.
Sự kiện chưa từng thấy, hôm 28-8, ông Rohani phải ra điều trần trước Nghị viện. Nguyên thủ Iran bị chỉ trích quản lý kinh tế yếu kém: đồng tiền bị mất giá thê thảm, nạn thất nghiệp, tham nhũng... Tổng thống Rohani giờ như trong tình thế “tứ bề thọ địch”.
Chuyên gia Vincent Eiffling, Trung tâm Nghiên cứu khủng hoảng và xung đột quốc tế, Đại học Louvain, Bỉ, cho rằng chính quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran đã đẩy ông Rohani vào tình thế khó khăn như hiện nay.
Cuộc đọ sức luôn diễn ra giữa một bên là phe cải tổ, hay đúng hơn là phe ôn hòa, với biểu tượng là Tổng thống Rohani và bên kia là phe bảo thủ trong chính quyền Tehran, nhất là về vấn đề hạt nhân Iran. Cụ thể là Cộng hòa Hồi giáo Iran cần phải có chính sách ra sao? Tổng thống Rohani thiên về việc bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Ngược lại, phe bảo thủ đã lo ngại và vẫn luôn lo ngại là việc bình thường hóa này sẽ đe dọa chế độ, thậm chí đe dọa sự sống còn của Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo cớ cho phe bảo thủ Iran củng cố lập luận của mình. Do vậy, ông Rohani rơi vào tình thế bị kìm kẹp, trên đe dưới búa, giữa một bên là ông Donald Trump, được coi là biểu tượng của búa và bên kia là phe bảo thủ, có thể coi là đe.
Giờ đây, nền kinh tế bị suy sụp. Những chính khách cấp tiến và một bộ phận dân chúng, những người đã từng đưa ông Rohani lên nắm quyền vào năm 2013, bắt đầu mất dần hy vọng. Trong bối cảnh đó, các phe phái tại Iran tập trung chĩa mũi dùi vào Tổng thống Rohani.
Bộ trưởng Kinh tế Iran Masoud Karbasian tại Nghị viện ở Tehran ngày 26-8 trước khi bị bỏ phiếu sa thải. |
Chuyên gia Vincent Eiffling giải thích: “Thực ra, ông Hassan Rohani chủ trương một đường lối mới trên chính trường Iran nhưng chủ trương này không thành vì chính sách đối nội và đối ngoại của Iran gắn bó chặt chẽ với nhau. Vả lại, có nhiều lý do khác giải thích sự thất bại của chủ trương này. Cần phải có giải thích, cần phải tìm ra một người để quy trách nhiệm và hứng chịu các chỉ trích, phê phán của người dân, của giới tinh hoa, của giới chính trị gia, tôn giáo và quân sự trong vụ này. Do vậy, Hassan Rohani trở thành bung xung”.
Ngoài ra, tại Quốc hội Iran, trong những tháng gần đây, đã có hiện tượng trở cờ. Một số nghị sĩ đã đắc cử dưới danh nghĩa chính trị gia ôn hòa, giờ đây, họ đứng về phe bảo thủ trong các cuộc bỏ phiếu chống lại Tổng thống Hassan Rohani và phe cánh của ông.
Nhà báo phân tích chính trị Fereshteh Sadeghi, làm việc tại Tehran, nhận định: “Giờ đây, tất cả các phe phái tập trung vào thời điểm 2021”. Đó là năm Iran bầu cử tổng thống. Nhìn lại quá khứ, các cuộc bầu cử tổng thống tại Iran luôn được xem là “cuộc tranh tài” giữa những nhà lãnh đạo theo đường lối cải cách và bảo thủ - những người vốn xem đạo Hồi là tư tưởng nền móng cho những quyết định về chính trị - xã hội.
Một tín hiệu đáng lo ngại cho số phận của ông Rohani trong cuộc bầu cử sắp tới là tuyên bố hôm 16-8 của Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Khamenei công nhận đã sai lầm khi cho phép Bộ trưởng Ngoại giao Iran nói chuyện với người tương nhiệm Mỹ trong các cuộc thương thuyết đưa đến thỏa thuận hạt nhân quốc tế 2015.
Dù ít khi công khai nhận lỗi lầm nhưng ông Khamenei thừa nhận đã phạm sai lầm về những cuộc đàm phán hạt nhân. Ông nói: “Về vấn đề thương thuyết hạt nhân, tôi đã phạm sai lầm khi cho phép Bộ trưởng Ngoại giao nói chuyện với họ. Đây là một mất mát đối với chúng ta”.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã thương thuyết về thỏa thuận hạt nhân 2015 với các đối tác thuộc 6 cường quốc trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lúc bấy giờ.
Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei là nhân vật đứng đầu phe bảo thủ trong chính trường Iran. Trong những ngày đầu tiên của năm 2016, thông tin Mỹ và EU quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran được người dân Tehran chào đón và cho đó là công lớn của Tổng thống Hassan Rohani. Nhưng nay, chính “thành quả” này đang bị phe bảo thủ Iran biến thành “tội” đối với ông Rohani.
Khó khăn - nguyên nhân từ bên trong hay bên ngoài?
Djamchid Assadi, giáo sư Pháp gốc Iran, Djamchid Assadi, Đại học Thương mại Dijon-Bourgogne, nhận xét: “Iran có thể chọn một trong hai cách: một là chính quyền chấp thuận thi hành các yêu sách của chính quyền ông Trump để hết bị trừng phạt. Hai là chính quyền cự lại và sẽ rơi vào tình trạng bế tắc kinh tế”.
Những phản ứng trong thượng tầng lãnh đạo Iran cho thấy họ đang chọn phương án 2. Một tuần sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực, Giáo chủ Ali Khamenei công khai nhìn nhận “vấn đề của Iran” phát xuất từ quản lý kém cỏi chứ không phải chỉ vì áp lực của Mỹ.
Trong thông điệp đọc tại Tehran, lãnh đạo tối cao Iran tuyên bố: “Các chuyên gia kinh tế nghĩ rằng căn nguyên các vấn đề khó khăn của Iran phát xuất từ bên trong Iran chứ không phải do bên ngoài. Tôi không nói rằng trừng phạt không gây tác hại, nhưng cốt lõi vẫn là cách thức chúng ta xử lý”.
Tổng thống Rohani đang khốn đốn trước áp lực mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump. |
Cũng trong tuyên bố trên, ông Ayatollah Khamenei còn khẳng định: không muốn chiến tranh nhưng cũng không đàm phán với Mỹ. Trong khi đó, Bộ Quốc Phòng Iran thông báo hoàn thành tên lửa thế hệ mới “di động và chính xác”. Phải chăng phe bảo thủ trong chế độ bắn tín hiệu “cảnh báo” cho Tổng thống Rohani không được tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump trong bối cảnh có tin đồn “thương lượng mật”. Vấn đề là trước áp lực mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump, Tehran dựa vào ai để đối phó?
Còn nhớ khi dành lá phiếu cho ông Hassan Rohani trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran hồi tháng 6-2013, người dân Iran muốn trao số phận đất nước vào tay một nhà lãnh đạo ôn hòa, theo đường lối cải cách, với kỳ vọng sẽ mang lại một sự thay đổi lớn lao cho dân tộc Iran.
Thắng lợi của ông Rohani cũng phản ánh xu hướng của người dân Iran ngày càng “quay lưng lại” với đường lối lãnh đạo bảo thủ cứng rắn - vốn được xem là nguyên nhân khiến nước Cộng hòa Hồi giáo này bị cộng đồng quốc tế cô lập, trong khi nền kinh tế thì ngày càng trì trệ dưới sức ép trừng phạt của phương Tây.
Nhưng kinh tế Iran mới chỉ khởi sắc được 2 năm trở lại đây đang bị chính phương Tây đe đọa bóp nghẹt mặc dù ông Rohani vẫn đang cầm quyền.