Bầu cử tổng thống Mỹ 2016:

Cánh cửa lớn cho bà Clinton, cơ hội mới cho ông Trump

Thứ Tư, 15/06/2016, 17:00
Chuyển biến lớn nhất của vòng bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ đã diễn ra hôm 9-6 sau khi ứng cử viên Bernie Sanders bất ngờ “tung cờ trắng” và tuyên bố quyết tâm hợp tác với nữ ứng cử viên Hillary Clinton của đảng. Một diễn biến hoàn hảo ngoài mong đợi đã mở rộng cánh cửa cho bà Hillary Clinton đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Nhưng khi bà Hillary Clinton cùng đội ngũ cố vấn chưa định hướng cho những bước đi tiếp theo thì bất ngờ xảy ra vụ xả súng kinh hoàng ở một hộp đêm tại thành phố Orlando, bang Florida buộc hai ứng viên chính trong cuộc bầu cử tổng thống phải tận dụng triệt để vụ việc nhằm ghi điểm đối với cử tri Mỹ.

Màn tấn công “xa luân chiến” ngoài mong đợi

Sự kiện trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi ông Sanders thất bại trong loạt bầu cử “siêu thứ Ba” tại 6 bang và nhấn chìm mọi quyết tâm “sắt đá” ông đã thể hiện trong suốt giai đoạn tranh cử trước đó. Với chiến thắng tại 4 trên 6 bang ở loạt bầu cử “siêu thứ Ba” ngày 7-6, bà Hillary Clinton đã đạt đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống. Vòng bầu cử sơ bộ chỉ còn đợt bỏ phiếu cuối cùng tại thủ đô Washington DC vào ngày 14-6 là sẽ khép lại.

Bà Clinton sẽ sở hữu nhiều cái nhất: Trở thành nữ ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ; là người phụ nữ Mỹ đầu tiên từ địa vị đệ nhất phu nhân trở thành Thượng nghị sĩ, rồi Bộ trưởng Ngoại giao; và nếu giành chiến thắng vào tháng 11 tới, bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử 240 năm của nước Mỹ.

Cuộc đua tranh giữa bà Clinton và đối thủ Bernie Sanders diễn ra gay cấn cho đến phút chót, trong đó ông Sanders dù thua kém bà Clinton ngay từ đầu với số phiếu khá lớn, nhưng có nhiều lúc ông lại bất ngờ vượt lên thu ngắn khoảng cách với bà Clinton.

Bà Hillary Clinton mừng chiến thắng sau “siêu thứ Ba” ngày 7-6.

Cho đến đợt bỏ phiếu “siêu thứ Ba” cách đây hơn một tháng, dù không còn mấy hy vọng thu ngắn khoảng cách về số phiếu đại biểu so với bà Clinton sau thất bại quyết định tại bang New York, ông Sanders vẫn khăng khăng tuyên bố trước hàng chục ngàn người ủng hộ cuồng nhiệt rằng ông “quyết tâm chiến đấu đến giây phút cuối cùng” tại bang California, và kêu gọi cử tri ủng hộ mình sẵn sàng “mang khí thế chiến đấu” đến tận Đại hội thường niên đảng Dân chủ sẽ diễn ra vào tháng 7-2016 tại Philadelphia.

Luận điệu cứng rắn đó được ông Sanders duy trì cho đến vòng bỏ phiếu “siêu thứ Ba” ngày 7-6 vừa qua. Thất bại tại 4 trên 6 bang làm tiêu tan mọi hy vọng san bằng tỉ số phiếu đại biểu, nhưng Sanders vẫn từ chối bỏ cuộc, tuyên bố “quyết chiến đến lá phiếu cuối cùng” trong cuộc bỏ phiếu tại Washington DC vào ngày 14-6.

Dù mọi người đều biết rằng trên thực tế ông Sanders hoàn toàn không còn khả năng cạnh tranh với bà Clinton, nhưng thái độ và sự thể hiện quyết tâm của ông Sanders cũng khiến nhiều người trong đảng Dân chủ âu lo. Người ta lo rằng, nếu cuộc đấu giữa ông Sanders và bà Clinton không dừng lại kịp lúc, bà Clinton sẽ không kịp chuyển giai đoạn tranh cử từ nội bộ sang toàn quốc để đấu với Trump, đồng thời sự chia rẽ trong cử tri đảng Dân chủ sẽ khiến cho bà Clinton bị mất ưu thế và làm lợi cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, phía đảng Cộng hòa, các ứng cử viên yếu thế hơn đã sớm bỏ cuộc và tất cả đều dành sự ủng hộ cho ứng cử viên Donald Trump, cho dù trước công luận họ luôn tuyên bố “tìm cách ngăn chặn Trump”. Khi thấy ông Sanders còn hăng say “chiến đấu” với bà Clinton, ứng cử viên Trump đã tung chiêu “dụ dỗ” nhắm vào lực lượng cử tri ủng hộ ông Sanders nhằm lôi kéo thêm thành phần cử tri Dân chủ sang ủng hộ mình.

Đến nước này thì các thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ không ngồi yên được nữa. Đã xuất hiện màn đấu khẩu kịch liệt giữa nữ Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren với ứng cử viên Trump của đảng Cộng hòa, được ví như màn tấn công “xa luân chiến” của các thành viên đảng Dân chủ nhằm “chia lửa” cho bà Clinton.

Một số thành viên quan trọng khác của đảng Dân chủ, như lãnh đạo đảng Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid, đồng thời là bạn vong niên của ông Sanders, đã lên tiếng kêu gọi ông Sanders sớm rời cuộc chơi để dành sự chuẩn bị tốt nhất cho người của đảng trước cuộc quyết đấu tháng 11.

Đặc biệt là Tổng thống Barack Obama, từ đầu cuộc đua sơ bộ đã luôn giữ thái độ, tư thế khách quan, không can thiệp vào các cuộc vận động, tranh luận của hai ứng cử viên. Nhưng sau đợt bỏ phiếu ngày 7-6, Tổng thống Obama đành phải làm một việc chẳng đặng đừng: Đề nghị hội kiến với Thượng nghị sĩ Sanders để thảo luận về những vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử.

Ông Bernie Sanders tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton sau cuộc họp với Tổng thống Obama.

Cuộc hội kiến kéo dài hơn một giờ, với nội dung thảo luận xoay quanh chuyện ông Sanders có nên tiếp tục đấu với bà Clinton hay là dừng bước để tạo điều kiện cho bà Clinton chuẩn bị cuộc đấu với ông Trump. Và mọi người đã thở phào khi ông Sanders từ Nhà Trắng xuất hiện trước công chúng tuyên bố ủng hộ bà Clinton, và “cam kết hợp tác với bà Clinton” trong chặng đường đua gay cấn sắp tới.

Ngay sau cuộc họp, Nhà Trắng đã tung đoạn ghi hình trong đó Tổng thống Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đều tuyên bố ủng hộ bà Clinton. Cùng với Nhà Trắng, hầu hết các thành viên chủ chốt và quan trọng nhất trong đảng Dân chủ đều bày tỏ sự ủng hộ dành cho bà.

Như vậy, cánh cửa đã rộng mở để bà Clinton trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Chỉ còn chờ đến Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ để có quyết định chính thức. Nhưng ngay từ bây giờ, bà Clinton đã có thể chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đua cam go với một đối thủ được cho là rất nặng ký cả về nguồn lực tài chính lẫn về “chiêu trò” chính trị, với sự ủng hộ không nhỏ từ giới trẻ Mỹ, vốn đang chán nản lề lối chính trị truyền thống và hứng thú với kiểu “phá bĩnh” thú vị của tỉ phú Trump.

Ai có cách tiêu diệt những “con sói cô đơn”?

2 giờ sáng ngày 12-6, Omar Mateen, 29 tuổi, người Mỹ gốc Afghanistan, mang theo một khẩu súng trường AR-15, một súng ngắn cùng nhiều băng đạn, xăm xăm tiến vào hộp đêm Pulse, nơi sinh hoạt, giải trí nổi tiếng dành cho những người đồng tính nam nằm ở trung tâm thành phố Orlando, xả súng như điên dại. Vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ này đã cướp đi sinh mạng của 50 người, làm 50 người khác bị thương, gây nên một cơn chấn động không những ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Bình luận viên Julian Zelizer của CNN nhận định rằng, trên thực tế, sau những hành động khủng bố diễn ra vào giữa năm bầu cử tổng thống, các ứng viên đều tìm cách điều chỉnh lại chiến dịch tranh cử để phù hợp với tình hình, hoặc tìm cách tận dụng vụ việc để tấn công trực tiếp vào đường lối tranh cử của đối thủ. Cũng dễ hiểu rằng, hoạt động tranh cử của các ứng viên luôn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những cuộc khủng hoảng xảy ra bất ngờ vì đây là những biến cố liên quan đến an ninh quốc gia và như vậy, các ứng viên cần đưa ra những phản ứng được "chính trị hóa".

Trong trường hợp này cả bà Clinton và ông Trump đều nhanh chóng có những động thái phản ứng và không hề muốn sự việc ảnh hưởng bất lợi đến các tuyên bố cũng như đường lối tranh cử liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Ngay sau vụ xả súng, bà Hillary Clinton lập tức lên tiếng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hạn chế quyền sở hữu súng đạn đối với người dân Mỹ, đây là đường hướng mà Tổng thống Obama (đang được người dân dành cho chỉ số ủng hộ rất cao) đã theo đuổi trong suốt hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng và đây cũng là quyết tâm đi ngược với quan điểm của đảng Cộng hòa.

Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ nhấn mạnh: Việc giữ cho nước Mỹ an toàn đồng nghĩa với việc nỗ lực đánh bại các nhóm khủng bố quốc tế. Muốn làm được điều này, Mỹ phải hợp tác tốt với các đồng minh và đối tác để truy lùng, ngăn chặn “thành phần hạt nhân của khủng bố” tuyển mộ người. Quan điểm coi nhẹ quan hệ đồng minh của Donald Trump là mối đe dọa thực sự đến an ninh quốc gia.

Vào ngày 6-1 năm nay, Tổng thống Obama đã quyết định đơn phương giải quyết vấn đề an ninh súng đạn tại Mỹ sau hàng trăm vụ xả súng đẫm máu trong năm 2015. Ông đề ra những biện pháp kiểm tra bắt buộc nhân thân người mua súng, tăng cường hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng, những người bán súng đều phải có giấy phép, mở rộng việc điều trị tâm lý, thông báo công khai các trường hợp mắc bệnh tâm thần, cải thiện luật kiểm soát súng đạn, nghiên cứu các công nghệ đảm bảo an toàn khi sử dụng súng...

Tổng thống Obama cũng bảo vệ các quyết định hành pháp mới của mình nhằm siết chặt việc kiểm tra lý lịch các đối tượng muốn mua súng bởi việc này phù hợp với Hiến pháp Mỹ và quyền mang súng của người dân.

Trong khi đó, giới chính khách thân phe Cộng hòa  nhận định, xét về tổng thể, vụ xả súng đẫm máu này dường như sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho ứng viên đảng Donald Trump vì vụ việc có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng tâm lý bất an, lo ngại về những mối nguy hiểm từ các tổ chức khủng bố đã giết hại hàng trăm người trong 18 tháng qua trong cộng đồng cử tri Mỹ. Hậu quả vụ xả súng kinh hoàng này còn khiến  các cử tri có thể nhận ra ông Trump đã đúng ở một khía cạnh “cực đoan” và cứng rắn trước vấn đề “kỳ thị” người nhập cư.

Sự việc diễn ra ở hộp đêm khẳng định lời cảnh báo của ông về mối đe dọa rằng, Hồi giáo cực đoan đang hiện hữu ở Mỹ. Ứng viên đảng Cộng hòa chỉ ra, ông "đã đúng" khi cảnh báo về mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo cực đoan và chỉ trích việc ông chủ Nhà Trắng không đề cập đến cụm từ "Hồi giáo cực đoan" trong bài phát biểu sau vụ thảm sát cũng đủ khiến ông phải từ chức.

Ông Bernie Sanders và Tổng thống Obama tại Nhà Trắng.

Trump đồng thời khẳng định nếu bà Hillary Clinton sau vụ này nếu không thể nhắc đến cụm từ đó thì cũng nên từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng. Hơn thế, vụ việc diễn ra tại một hộp đêm dành cho những người đồng tính. Điều này cho thấy tâm lý chống cộng đồng đồng tính,  một đặc điểm tâm lý nổi bật ở các nhóm Hồi giáo cực đoan, chính là một trong những động cơ của thủ phạm.

Trong bài phát biểu nảy lửa và “đầy phẫn nộ” của mình, ông Trump khẳng định sẽ dùng “bi kịch” này để đưa ra các câu hỏi chất vấn về những kinh nghiệm liên quan đến việc đảm bảo an ninh quốc gia của đảng Dân chủ và bản thân đội ngũ tranh cử của bà Clinton. Tỷ phú bất động sản chắc chắn sẽ chỉ trích rằng cuộc tấn công vừa qua như một bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama, đồng minh của bà Clinton, không đủ mạnh mẽ và quyết đoán trong cuộc chiến chống IS cũng như không có các biện pháp hợp lý để ngăn chặn những cuộc tấn công của các "con sói cô đơn" nhằm vào những dân thường vô tội.

Tuy nhiên, sự sợ hãi và hoảng loạn sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi và tâm lý nghi ngờ hơn từ phía các cử tri rằng liệu ông Trump có đáng tin cậy để kiểm soát một vụ tấn công khủng bố và liệu ông có đủ khí chất, sự khôn ngoan và bản lĩnh lãnh đạo đất nước vượt qua những vụ việc kiểu này. Hơn nữa, những tuyên bố của tỷ phú bất động sản cũng có thể trở thành mục tiêu chỉ trích của những người đối lập cho rằng những phản ứng "mang tính bản năng" thường thấy của ông là bằng chứng rõ ràng rằng ông không đáng tin về năng lực và trách nhiệm.

"Cả hai ứng viên đều đang nỗ lực sử dụng vụ việc như một cơ hội để chống lại đối thủ. Mỗi bên đều có những lý lẽ và lập luận riêng. Ứng cử viên nào biết cách định hướng và tranh thủ một cách khôn khéo tâm lý của cử tri, người đó sẽ vượt lên trong khúc quanh bất ngờ nhưng quan trọng này", bình luận viên Zelizer của CNN nhận định.

An Châu - Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.