Chặng đường không mỏi của “kiến trúc sư hiệp ước hòa bình Oslo”
- Israel: Ai sẽ thay thế Tổng thống Simon Peres?
- "Tiểu sử Shimon Peres": Bộ mặt thật của một chính khách
Tuy đã ở ngưỡng bách niên, cựu Tổng thống Israel vẫn thường xuyên xuất hiện, chủ yếu qua các hoạt động phi chính phủ của Trung tâm Hòa bình Peres, hoạt động nhằm thúc đẩy hai dân tộc Israel và Palestine xóa bớt hận thù. Với biệt danh “Tổng thống bồ câu”, không riêng gì người dân Israel mà nhiều thế hệ chính khách trên thế giới luôn dành cho ông sự trân trọng đặc biệt.
Chào đời ngày 12-8-1923 tại Wiszniewo, trước đây thuộc Ba Lan (nay địa danh này thuộc lãnh thổ Belarus), cha ông là một nhà buôn gỗ, còn mẹ ông là một nhân viên thư viện. Peres có một người em trai tên là Gershon. Ông của Peres, Rabbi Zvi Meltzer, một người cháu của Rabbi Chaim Volozhin, có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời ông.
Trong các cuộc phỏng vấn, Peres từng nói: “Khi còn trẻ, tôi lớn lên trong ngôi nhà của ông tôi và chính ông là người dạy dỗ tôi nhiều nhất”. Năm 1932, cha ông di cư tới lãnh thổ Palestine Ủy trị và định cư tại Tel Aviv, cả gia đình đi theo người cha năm 1934.
Ông Shimon Peres năm 2007. |
Shimon Peres theo học Trường Cao đẳng Thương mại tại Tel Aviv. Khi 15 tuổi, ông chuyển sang Trường Nông nghiệp Ben Shemen và sống tại Kibbutz Geva trong nhiều năm. Năm 1941, ông được bầu làm Thư ký của Hanoar Haoved Vehalomed, một phong trào thanh niên lao động Zionist, và vào năm 1944 quay trở về Alumot, nơi đây ông làm việc như một người nông dân chăn nuôi bò sữa, cừu và làm thư ký của kibbutz (khu định cư Do Thái).
Năm 1945, Peres cưới bà Sonya, người luôn giấu mình trước con mắt của giới truyền thông ngay cả sau này, khi chồng mình kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ.
Năm 1947, Peres gia nhập Haganah, tiền thân của Các lực lượng phòng vệ Israel. Thủ tướng David Ben-Gurion phân công ông chịu trách nhiệm về nhân sự và mua bán vũ khí. Năm 1952, ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và vào năm 1953, ở độ tuổi 29, trở thành bộ trưởng trẻ nhất của Bộ Quốc phòng. Ông đã tham gia vào những vụ mua bán vũ khí và thành lập các liên minh chiến lược có vai trò quan trọng với nhà nước Israel.
Nhờ sự trung gian của Peres, Israel đã mua được loại máy bay phản lực chiến đấu Dassault Mirage III hiện đại của Pháp, thành lập lò phản ứng hạt nhân Dimona và tham gia một thỏa thuận ba bên với Pháp và Anh để dẫn tới cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. Trong thời gian này, Israel đã xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh có thể sản xuất vũ khí hạng nặng và cả máy bay chiến đấu, vì thế các chuyên gia nước ngoài nhận định rằng, ông Peres chính là “kiến trúc sư” của chương trình hạt nhân Israel.
Năm 1965, ông Peres cùng David Ben Gurion (thủ tướng đầu tiên của Israel) lập ra đảng Rafi, sau đó là Công đảng vào năm 1968. Năm 1977, ông trở thành lãnh tụ Công đảng. Năm 1969, Peres được chỉ định làm Bộ trưởng Thu hút người nhập cư và vào năm 1970 trở thành Bộ trưởng Giao thông và Viễn thông.
Năm 1974, sau một giai đoạn làm Bộ trưởng Thông tin, ông được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ của Yitzhak Rabin. Peres kế vị Thủ tướng Rabin trở thành lãnh đạo đảng trước cuộc bầu cử năm 1977 khi Rabin rút lui trước một vụ bê bối ngoại tệ liên quan tới vợ ông. Bởi Rabin không thể từ chức một cách hợp pháp khỏi chính phủ chuyển tiếp, trên danh nghĩa ông vẫn là thủ tướng, trong khi Peres một cách không chính thức trở thành quyền thủ tướng.
Năm 1984, chính phủ liên hiệp và đảng Likud để cử ông làm thủ tướng. Đầu năm 1992, Yitzhak Rabin quay trở lại nắm ghế thủ tướng và Shimon Peres giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.
Peres một thời từng bị coi là một chính trị gia diều hâu (người có quan điểm hiếu chiến) vì ông là một trong những chính khách ủng hộ những người Israel định cư ở Bờ Tây ngay từ thập kỷ 1970. Tuy nhiên, sau khi trở thành lãnh đạo đảng, quan điểm của ông đã thay đổi. Dần dần, ông được xem là một chính khách bồ câu, và là một người ủng hộ mạnh mẽ cho quan điểm hòa bình thông qua hợp tác kinh tế.
Tuy vẫn phản đối, như nhiều lãnh đạo Israel chính thống trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, về việc đàm phán với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), nhưng ông đã tách biệt vấn đề những người định cư và nói về sự cần thiết của “thỏa hiệp lãnh thổ” với Bờ Tây và Dải Gaza.
Ông Shimon Peres (giữa) nhận giải Nobel Hòa bình cùng lãnh đạo Palestine Yasser Arafat (trái) và cựu thủ tướng Yitzhak Rabin. |
Ngay sau khi phong trào Intifada lần thứ nhất của người Palestine diễn ra, Peres dần chuyển sang ủng hộ những cuộc đàm phán với PLO, dù ông tránh đưa ra cam kết dứt khoát với chính sách này cho tới tận năm 1993.
Peres có lẽ là người liên kết chặt chẽ nhất với Hiệp định Oslo hơn bất kỳ một chính trị gia nào khác của Israel, là một người kiên quyết ủng hộ Hiệp định Oslo và chính quyền Palestine bởi sự khởi đầu của chúng dù có cuộc Intifada lần thứ nhất và thứ hai.
Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Israel, không thể phủ nhận ông chính là “kiến trúc sư” của Hiệp định hòa bình Oslo để Thủ tướng Yitzhak Rabin ký năm 1993 với lãnh tụ Palestine Yasser Arafat. Với thành công này, Peres cùng Rabin và Arafat được vinh danh bằng giải Nobel Hòa bình năm 1994.
Thông thường, Peres hành động như một “người phát ngôn” không chính thức của Israel bởi ông có uy tín cao và được cộng đồng ngoại giao thế giới tôn trọng. Chính sách ngoại giao của Peres là duy thực. Ví dụ, để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi giáo trong vùng với lịch sử thân thiện với Israel, Peres được cho là đã công khai bác bỏ vụ diệt chủng Armenia.
Gọi những cáo buộc diệt chủng người Armenia là “vô nghĩa,” Peres còn nói thêm: “Chúng tôi bác bỏ những nỗ lực đánh đồng giữa nạn diệt chủng Holocaust thời phát xít và những cáo buộc diệt chủng sắc tộc Armenia. Đó là một bi kịch mà người Armenia đã phải trải qua nhưng nó không phải là một vụ diệt chủng”.
Bộ Ngoại giao Israel, khi đề cập tới những tranh cãi do những phát biểu đó gây ra, sau này cho rằng Peres đã bị trích dẫn sai, và rằng “ông Peres hoàn toàn không nói, nhưng các cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho là như vậy”.
Tháng 11-2005, ông Peres từ bỏ Công đảng để gia nhập đảng mới Kadima do Ariel Sharon sáng lập. Ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng từ đầu năm 2006. Đầu năm 2007, Peres được đảng Kadima chọn làm ứng viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống, và được Quốc hội Israel bầu làm tổng thống ngày 13-6-2007 ở tuổi 83, ông trở thành cựu Thủ tướng đầu tiên được bầu làm Tổng thống Israel với nhiệm kỳ 7 năm.
Trong phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại quốc hội tối 15-7, ông Shimon Peres cam kết khích lệ các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông. Ông nói: “Khi có cơ hội kiến tạo hòa bình thì không được để vuột mất” và “Tổng thống phải có nhãn quan vì hòa bình với các nước láng giềng của chúng ta và trong toàn khu vực”...
Quan trọng hơn, ông nhấn mạnh: “Chức vụ tôi có thay đổi, nhưng chính kiến thì không”. Tháng 11-2008 ông đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ danh dự của Vương quốc Anh.
Trước khi bị đột quỵ, ông Peres đã được đưa tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe sau khi cảm thấy một cơn đau đầu nhẹ, có lẽ do ông đã làm việc quá sức. Vài giờ trước khi nhập viện, ông Peres còn tải video lên Facebook khuyến khích người dân mua các sản phẩm địa phương. Trong khi ngồi chờ khám ở bệnh viện, bất thình lình ông bị tai biến ở não phải. Con rể ông Peres là người chăm sóc sức khỏe riêng của ông cho biết “không có đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống của ông, và ông có nhiều cơ hội sống sót”.
Vào chiều ngày 14-9-2016, bác sỹ Rafi Valden thông báo ông Peres đã có phản ứng qua việc ấn nhẹ vào tay bác sĩ sau khi các bác sĩ giảm liều gây mê. “Chúng tôi rất vui khi thấy tứ chi của cựu tổng thống đã có phản ứng. Chúng tôi tin rằng ông ấy đã tỉnh, nhưng hiện thời rất khó xác định được hiện trạng thần kinh của ông Peres”.