Chính phủ lâm thời Lybia đối mặt với nguy cơ sụp đổ

Thứ Năm, 24/11/2016, 17:30
Nền kinh tế gần như phá sản với sự sụt giảm nghiêm trọng của giá trị đồng nội tệ và sự chấm dứt hoàn toàn của trợ giá nhiên liệu rất có thể sẽ châm ngòi cho một làn sóng giận dữ của người dân trên khắp Lybia và thậm chí là sự sụp đổ của Chính phủ lâm thời Lybia non nớt được hậu thuẫn bởi Liên Hiệp Quốc.

Các nước phương Tây từng nhiều lần ca ngợi thành quả tại Libya sau khi ông Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011 bằng những từ ngữ hoa mĩ, tuy nhiên, đã hơn 5 năm, Libya vẫn đang loay hoay và chưa thể thành lập một chính phủ thống nhất trong khi đất nước tiếp tục chao đảo trong các cuộc xung đột nội bộ bao gồm cả xung đột vũ trang, bất ổn kinh tế - xã hội và một chính quyền lâm thời đang tiếp tục suy yếu.

Theo một báo cáo mới đây, mức độ tin cậy của Chính phủ lâm thời Lybia dưới sự lãnh đạo của ông Fayez al-Serraj đang sụt giảm nghiêm trọng mặc cho sự hỗ trợ miệt mài của Mỹ và một số nước đồng minh.

Thất bại trong điều hành kinh tế

Trong một báo cáo được đưa ra vào tháng 10, Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo nền kinh tế nước này đang sụp đổ kèm những chỉ số bi quan. Trung tâm của sự sụp đổ chính là ngành công nghiệp khai thác dầu vốn chiếm khoảng 94%-98% tổng thu ngân sách đang lao đao vì giá dầu tuột dốc và hoạt động sản xuất dầu mỏ hiện bị rối loạn bởi các cuộc xung đột vũ trang.

Cuối tuần vừa rồi, đồng dinar của Lybia đã sụt giảm hơn 7% giá trị so với đồng USD và lần đầu tiên được giao dịch ở mức 6 dinar đổi 1 USD trên thị trường chợ đen. Tỷ giá quy đổi chính thức đang duy trì ở mức 1,4 dinar đổi 1 USD (1,74 dinar cho một bảng Anh).

Trong tình hình bi đát này, giới ngoại giao phương Tây và các tổ chức tài chính bao gồm cả WB buộc phải đề xuất thêm một cuộc họp khẩn ngay trong tháng 11 này tại châu Âu cùng giới chức lâm thời Lybia để đưa ra một thỏa thuận với những giải pháp cụ thể nhằm can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế quốc gia châu Phi này.

Thủ tướng lâm thời Fayez al-Serraj đang đối mặt với những thách thức để duy trì sự tồn tại chính quyền của ông. Ảnh: The Guardian.

Trong một sáng kiến tương tự do Mỹ dẫn đầu, Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Anh cùng WB và IMF hôm 31/10 từng tổ chức một cuộc đối thoại tại London để lên kế hoạch hối thúc Thủ tướng lâm thời Libya, Fayez al-Sarraj, ban hành một chính sách cải cách quyết liệt.

Theo đó, các bên đã nhất trí rằng một kế hoạch kinh tế cho năm 2017 của Lybia sẽ phải hoàn thành và công bố trước ngày 1/12 tới đây. Các điều khoản của kế hoạch được cho là bao gồm các biện pháp liên cải cách tiền tệ và dỡ bỏ toàn bộ trợ cấp nhiên liệu.

Một quan chức phương Tây cho biết, ngay sau cuộc đối thoại London, Thủ tướng Sarraj đã được kêu gọi hàn gắn những bất đồng với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lybia, ông Saddek Al-Kabir để có được sự đồng thuận cao hơn trong công cuộc cải cách kinh tế mang nhiều kì vọng.

Trước đó, Thủ tướng lâm thời Serraj từng nhiều lần cố gắng lật đổ ông Saddek al-Kabir do đi ngược lại đề xuất của ông này trong việc phát hành thêm tiền tài trợ cho chính phủ và các dịch vụ công. Mặc dù ủng hộ việc chính quyền Serraj nắm quyền điều hành đất nước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lybia, ông Saddek al-Kabir sau đó lại thất vọng cáo buộc chính quyền Serraj yếu kém khi thay vì “đưa ra một chính sách khắc phục sự trì trệ của nền kinh tế” thì lại đưa ra những đòi vô lý gây tổn hại đến nền kinh tế, tổn hại đến sức mạnh của đồng nội tệ.

Trước áp lực từ phương Tây, Ngân hàng Trung ương Lybia mặc dù cam kết sẽ phát hành thêm 6 tỷ USD để giúp chính phủ chi trả tiền lương, năng lượng và một phần tín dụng của các công ty dầu khí quốc gia nhưng cũng yêu cầu Chính phủ lâm thời Lybia phải phối hợp để đưa ra một kế hoạch cụ thể với tên của đối tượng và hình thức cung cấp tín dụng.

Với những bất đồng trong quan điểm, nỗ lực về một cơ chế hợp tác giữa chính quyền Serraj và Ngân hàng Trung ương Lybia sẽ gặp nhiều trắc trở. Được biết, Chính phủ lâm thời Lybia cũng mới chỉ định bộ trưởng tài chính được chưa đầy một tuần.

Trong vòng 3 năm, dự trữ ngoại hối của nước này giảm hơn 2 lần từ trên 100 tỷ USD xuống khoảng 43 tỷ USD vào cuối năm nay. Libya vốn là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Nhưng chỉ một phần nhỏ được khai thác có thể tiếp cận thị trường hợp pháp, mang lại lợi ích cho đất nước, phần chủ yếu rơi vào tay các phe nhóm vũ trang kiêm buôn lậu khác nhau.

Hiện nay Lybia đang cố gắng duy trì mức khai thác dầu mỏ ở 600.000 thùng mỗi ngày, dù vậy, với việc phải cạnh tranh để kiểm soát từng đường ống và cơ sở sản xuất như hiện tại, dường như cột mốc khai thác 1.100.000 thùng một ngày để đảm bảo nguồn thu ổn định của Chính phủ lâm thời nước này rất xa vời.

Kể từ khi cuộc nội chiến diễn ra năm 2011, tính toán tổn thất GDP tích lũy của Libya đến nay là hơn 200 tỉ USD, cao nhất trong các nước chịu ảnh hưởng từ biến động chính trị sau Mùa xuân Ả Rập. Đánh giá lại nền kinh tế sau gần một năm nắm quyền, Thủ tướng Serraj cho biết sự mất giá của đồng dinar là không thể tránh khỏi và lập luận đó là việc cần thiết để giảm thâm hụt, tăng giá trị của dự trữ dầu và đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng và giúp các ngân hàng thương mại trở lại hoạt động bình thường, nhờ đó giải quyết được vấn đề thiếu tiền trong nước.

Tuy nhiên ông này cũng được cảnh báo là các biện pháp sẽ không được tán thành do nó làm tăng chi phí nhập khẩu, và rằng chính quyền của ông này cũng không đủ pháp lý để thông qua chính sách của chính mình.

Không đủ tín nhiệm

Trước khi Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya của Thủ tướng Serraj, được thành lập theo một thỏa thuận ký kết dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015, giành được quyền kiểm soát Tripoli, ở Lybia đã tồn tại song song hai phe cầm quyền đối địch. Một phe trước đó kiểm soát thành phố Tripoli (không được quốc tế công nhận) đã chấm dứt các nhiệm vụ điều hành lập pháp của Quốc hội, các bộ ngành để trao lại quyền lực cho Chính phủ đoàn kết dân tộc của Thủ tướng Serraj vào tháng 3 vừa rồi.

Phe còn lại tại Quốc hội được quốc tế công nhận có trụ sở tại thành phố Tobruk, quản lý khu vực miền đông đất nước và chịu nhiều ảnh hưởng của Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy của Quân đội Quốc gia Libya tự xưng. Chính quyền Quốc hội dân cử này từng nhấn mạnh rằng quân đội chính thức duy nhất là các lực lượng nằm dưới sự chỉ huy của Tướng Khalifa Haftar, được quốc hội thành lập. Họ cũng công khai không hợp tác và không công nhận Chính phủ lâm thời của ông Serraj.

Người dân Libya sếp hàng dài ngoài một ngân hàng tại thủ đô Tripoli. Ảnh: Reuters.

Quốc hội Libya cũng cho rằng doanh thu từ dầu trong thời gian gần đây ở phía tây được Chính phủ lâm thời Tripoli phân phối không công bằng và quyết định tấn công các cảng dầu quan trọng vốn được các nhóm vũ trang trung thành với chính quyền chiếm giữ. Một hệ lụy khác, khi quốc hội dân bầu của Libya từ chối công nhận Chính phủ lâm thời, các hành động ủng hộ chính quyền lâm thời Serraj như việc cung cấp tín dụng của Ngân hàng Trung ương được coi là bất hợp pháp.

Thất bại trong tìm kiếm sự công nhận của Quốc hội còn khiến chính quyền Serraj không đủ sức mạnh để thành lập một lực lượng an ninh riêng để duy trì trật tự tại thủ đô Tripoli. Tripoli hiện là thủ đô với những xung đột vũ trang, những vụ giết người, bắt cóc và đấu súng diễn ra hằng ngày.

Hàng người đợi dài ở các ngân hàng, sự thiếu hụt vật tư y tế và thiếu điện sinh hoạt cũng là những vấn đề thường nhật và đe dọa trực tiếp đến tín nhiệm của Chính phủ lâm thời Tripoli. Nadia Ramadan, một người dân Tripoli chia sẻ với The Guardian: "Cuộc sống của chúng tôi hiện ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi nghe thấy tiếng súng nổ gần như mỗi đêm, chúng tôi không có tiền và giá thức ăn càng ngày càng đắt đỏ".

Hiện chưa rõ các quốc gia phương Tây có thể thực hiện được kế hoạch của mình hay không, nhưng kể từ khi chiến sự xảy ra, Libya đã trở thành cái nôi của Hồi giáo thánh chiến khủng bố và trở thành điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi tới các nước châu Âu.

Sự thiếu ổn định ở Libya mang lại hậu quả không nhỏ cho Liên minh châu Âu khi nó góp phần tăng cường sự hoành hành của các tổ chức buôn bán người, đưa người nhập cư và tị nạn từ Bắc Phi và Cận Sahara mạo hiểm vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Gần 200.000 người được cho đã rời khỏi các bờ biển Libya để tìm nơi ẩn náu tại châu Âu và hàng chục ngàn người trong số đó hiện đang bế tắc ở các trại tị nạn trên khắp con đường đi tìm “miền đất hứa”. Nhiều người cho rằng việc để lại một lỗ hổng sau khi thay thế chế độ Gaddafi là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng di cư ồ ạt như hiện nay. Đó là hậu quả tại Libya và cũng là gánh nặng đối với châu Âu.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng thừa nhận thất bại lớn nhất trong hai nhiệm kì của mình là đã thiếu một kế hoạch cụ thể để kiểm soát sự can thiệp và tăng cường hỗ trợ cho nền dân chủ non trẻ của Libya.

Phùng Nguyễn (tổng hợp)
.
.