Libya và “cuộc chiến” quanh tờ giấy bạc

Thứ Ba, 07/06/2016, 20:00
Cuộc đấu đá chính trị giữa chính phủ do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Tripoli với chính thể ở miền Đông Libya do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo tiếp tục kéo dài gây chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội libya. Màn đấu mới nhất đang diễn ra là việc phát hành đồng tiền Libya, trong đó cả Tripoli và miền Đông Libya đang cạnh tranh nhau tạo nên một nguy cơ hỗn loạn về kinh tế.

Theo thông tin báo chí, người dân ở vùng Đông Libya đã bắt đầu sử dụng tờ tiền dinar mới từ ngày 1-6. Tờ tiền mới này do Nga sản xuất và một khối lượng tiền Libya trị giá 200 triệu dinar đã được chuyển bằng máy bay từ Moscow và đáp xuống sân bay quốc tế La Braq ở thành phố Beida, Đông Libya vào hôm 31-5. Số tiền này ngay lập tức được Ngân hàng Trung ương Beida (BCB) cho lưu hành ở miền Đông Libya và đang có kế hoạch phát hành ở miền Tây, trong đó có thủ đô Tripoli.

Ngân hàng Trung ương Libya (CBL) đã được thông báo về việc lưu hành đồng dinar do BCB phát hành và có vẻ như CBL đã ngầm đồng ý việc này. Hiện Ngân hàng Beida đang đặt in khoảng 4 tỉ dinar.

Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo lực lượng miền đông Lybia.

Trong khi đó, Tripoli cũng đang có kế hoạch cho lưu hành một loại giấy bạc Libya khác, cũng gọi là đồng dinar, nhưng do Anh sản xuất và CBL phát hành, có kiểu thiết kế hoa văn, dấu nước và kiểu số xê-ri khác hẳn đồng dinar do Nga sản xuất và BCB phát hành.

Tháng 4-2016, Công ty in tiền De La Rue của Anh đã giao cho Libya một số tiền trị giá 70 triệu dinar (khoảng 50 triệu USD), nhưng số tiền này vẫn chưa đủ nhu cầu sử dụng của người dân Libya, và mẻ tiền mới đang in trị giá khoảng 1 tỉ dinar vẫn chưa được chuyển đến Libya khiến cho tình trạng thiếu tiền mặt tại Libya trở nên gay gắt, vì thế người dân Libya buộc phải sử dụng đồng dinar đang lưu hành của Beida.

Vấn đề phát sinh ở đây là một quốc gia không thể lưu hành cùng lúc hai đồng tiền cùng tên gọi nhưng thiết kế khác nhau và do hai thực thể chính trị khác nhau phát hành. Theo các nhà kinh tế phương Tây, việc lưu hành tiền này sẽ làm cho việc thanh toán trong hoạt động kinh tế trở nên rối rắm vì người ta không thể xác định được loại tiền nào là chính thức và giá trị lưu hành của đồng tiền có ổn định hay không. Do hai loại tiền cùng lưu hành mà không thể đổi cho nhau có nguy cơ gây nên tình trạng lạm phát bất hợp lý cho nền kinh tế. Mỹ và ở chính quyền Tripoli đang bàn cách để loại đồng dinar của ngân hàng Beida nhưng chưa có kết quả.

Không những là cuộc đối đầu về kinh tế giữa hai miền Đông và Tây Libya, việc Beida cho lưu hành đồng dinar do Nga sản xuất khiến các nước phương Tây phản ứng còn vì lý do chính trị. Các nhà ngoại giao phương Tây phân tích việc lưu hành hai đồng tiền với những hệ lụy tiêu cực của nó đối với nền kinh tế đặt ra nguy cơ lớn cho Chính phủ do LHQ bảo trợ ở Tripoli. Họ lo rằng, vào tháng chay Ramadan của người Hồi giáo sắp tới, tình hình khó khăn về cung ứng điện sẽ góp phần làm cho người dân mất niềm tin vào chính phủ.

Sự kiện miền Đông Libya phát hành đồng tiền cũng cho thấy cuộc đấu tranh chính trị giữa hai miền đất nước Libya vẫn chưa chấm dứt và hiện đang diễn biến phức tạp hơn. Miền Đông do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo vẫn không phục tùng chính phủ ở Tripoli do các thành phần phiến quân từng tham gia lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi lãnh đạo. Đã từng xảy ra nhiều vụ đụng độ và tấn công khủng bố ở Tripoli do người của tướng Haftar gây ra nhưng Tripoli vẫn chưa có giải pháp nào để cải thiện tình hình và hiện vẫn phải chấp nhận “sống chung”.

Cách đây hơn 6 năm, khi Lybia đầu cuộc nội chiến, chính phủ của Đại tá Gadhafi cấp cho mỗi gia đình 500 dinar (tỉ giá khi ấy tương đương 400 USD) và còn tăng lương cho những ai làm việc cho nhà nước lên 150%. Một số người ở Tripoli được cấp tới 17.000 dinar, xe mới và trang bị mới vũ khí cá nhân phòng thân. Còn các binh sĩ đánh thuê nước ngoài (thời điểm ấy hiện diện ở Lybia lên tới hàng ngàn) được biết được trả tới 10.000 USD khi gia nhập quân đội của nhà độc tài Gadhafi, mức lương hàng ngày của họ ước tính 1.000 USD. Khi xuất hiện dấu hiệu chứng tỏ nguồn tiền không còn dồi dào, Ngân hàng Trung ương Libya đã phải bắt đầu phát hành loại tiền cũ, bản lớn.

Trong khi đó, phe nổi dậy ở miền đông tuy có trong tay đủ nhiên liệu (vì họ nắm được quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn của đất nước này tại Ras Lanuf, nhưng thiếu tiền mặt). Để đối phó với tình hình, họ phải tiến hành thương lượng với giới chức Anh để sở hữu hàng trăm triệu dinar được in ở Anh.

Trên “Mặt trận giấy bạc” ngày trước, phương Tây xem như từng “kinh qua” khi đối đầu và tìm cách hậu thuẫn nhằm lật đổ nhà độc tài, còn “Mặt trận giấy bạc” ngày nay còn là cuộc đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây. Nga – trước đây là Liên Xô – từng là một thế lực ở khu vực Bắc Phi trong những thập niên giữa thế kỷ XX. Sau khi Liên Xô tan rã, sự hiện diện tại khu vực này bị gián đoạn một thời gian, nhưng Libya của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vẫn là một đối tác tin cậy của Nga.

Trước khi nổ ra làn sóng “Mùa xuân Arập”, Libya sản xuất 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 2% sản lượng của thế giới. Và 70% số này đến từ miền đông. Libya nắm giữ trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Phi và dầu của họ, hầu hết là được bán sang châu Âu, đặc biệt có giá trị bởi chất lượng tốt, nhẹ, hàm lượng sulphur thấp. Nhà độc tài Gadhafi luôn cho rằng, mục đích can thiệp của phương Tây trong cuộc nổi dậy này chỉ là vì muốn kiểm soát “miếng mồi” dầu hỏa và ông ta đã ra đề nghị với các bạn hàng tiềm năng ở Trung Quốc, Ấn Độ. Ông ta cũng dọa sẽ kiện bất kỳ công ty dầu lửa nào làm ăn với phe nổi dậy. Sau khi chế độ độc tài bị lật đổ, “phe nổi dậy đã có sẵn cơ sở hạ tầng, họ có người trên các giếng dầu, các nhà máy.

Người dân Libya phải xếp hàng khá lâu tại các máy rút tiền ATM vì thiếu tiền mặt.

John Hamilton, một chuyên gia về Libya tại công ty phân tích rủi ro của Anh Cross-Border Information cho biết: “Điều họ cần là cấu trúc tài chính. Đó là điều họ đang tìm kiếm nhưng họ cần phải có sự hợp tác của quốc tế”. Mỹ và giới chức Liên Hiệp Quốc trong thời gian diễn ra giao tranh giữa phe Gadhafi và phe nổi dậy đã tuyên bố lệnh trừng phạt không áp dụng đối với hoạt động bán dầu của phe nổi dậy – mặc dù lúc đó Mỹ đã liệt Công ty xăng dầu Vịnh Arab do phe nổi dậy điều hành (Agoco) vào “danh sách đen”. Qatar cũng đã đề xuất hỗ trợ phe nổi dậy bán dầu và có thể giúp họ tránh được những khó khăn liên quan đến quyền sở hữu một khi cuộc nổi dậy thành công.

 “Mùa xuân Arập” thành công, các nhóm phiến quân với sự hỗ trợ của EU và NATO lật đổ ông Gaddafi, nước Nga bắt đầu xem xét lại chính sách của mình tại khu vực này. Việc xây dựng lại ảnh hưởng tại đây là một chiến lược mà nước Nga muốn thực hiện, trong đó có việc hỗ trợ miền Đông chống lại thực thể chính trị ở Tripoli do phương Tây chống lưng.

Trong khi đó, Libya cũng chịu sức ép từ phương Tây trong vấn đề người di cư. Hàng ngàn người từ Libya vượt biển Địa Trung Hải trong những tháng đầu năm 2016, đặt biệt là trong tháng 5-2016, đang khiến các quốc gia châu Âu lo lắng. Tại hội nghị cấp cao G-7 vừa qua, các lãnh đạo châu Âu đã bóng gió về việc EU hoặc NATO sẽ cử tàu chiến đến tuần tra ven biển Libya. Tuy nhiên, một đại diện Chính phủ Libya đã đính chính trên báo chí rằng việc đó chỉ xảy ra khi nào Libya đưa ra lời mời chính thức.

Đại sứ Libya tại Italia, Ahmed Elmabrouk nói rằng, việc EU hay NATO đưa tàu chiến đến tuần tra ven biển Libya chỉ có lợi cho EU nhưng không có lợi cho sự ổn định của chính phủ ở Tripoli. Libya hiện vẫn chưa thể thống nhất hoàn toàn, các phe phái khác nhau vẫn chia nhau thống lĩnh ở các vùng lãnh thổ của đất nước. Đó là chưa kể IS đang ra sức xây dựng căn cứ mới tại Libya để mở rộng vùng lãnh thổ đồng thời để phòng trường hợp các cứ địa tại Syria và Iraq bị liên quân của Mỹ và quân đội Chính phủ Syria do Nga hỗ trợ đánh chiếm.

Sự xuất hiện của tàu chiến EU hay NATO sẽ châm ngòi cho những bất ổn mới phát sinh khiến cho chính phủ ở Tripoli càng thêm bối rối.

An Châu - Đinh Linh (tổng hợp)
.
.