Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ là người “che chắn” cho ông Trump?

Thứ Sáu, 31/03/2017, 11:15
Devin Nunes đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau một vài động thái được cho là đi ngược lại với tiến trình điều tra mối quan hệ giữa bộ sậu Tổng thống Donald Trump với nước Nga mà ủy ban của ông đang tiến hành. Những hành động của Nunes bị dư luận báo chí và một số đồng nghiệp chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng ông đang cố đứng ra che chắn, bảo vệ cho ông Trump.

Cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Hạ viện bắt đầu có dấu hiệu trục trặc kể từ tuần trước. Hôm 20-3, Ủy ban Tình báo tổ chức một cuộc điều trần để nghe Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey tường trình về vấn đề quan hệ giữa ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump với nước Nga.

Tại cuộc điều trần đó, Comey đã khẳng định FBI đang tiến hành một cuộc điều tra. Comey không nêu danh tính những phụ tá nào của ông Trump bị nghi có liên hệ với Nga, nhưng có báo cáo tóm tắt cho ông Trump, trong đó đưa ra các bằng chứng “khá chi tiết”.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes tại cuộc họp báo.

Ngay sau đó, ông Devin Nunes quyết định hoãn cuộc điều trần thứ hai vốn được lên kế hoạch để nghe các cựu lãnh đạo tình báo và cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp Sally Yates thông tin về vấn đề này.

Devin Nunes giải thích việc hoãn cuộc điều trần thứ hai là nhằm mục đích để cho Ủy ban Tình báo có nhiều thời gian hơn để tham khảo ý kiến ông Comey và Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Michael Rogers. Tuy nhiên, Adam Schiff, một thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện, người của đảng Dân chủ, cho rằng ông Nunes cố tình hoãn cuộc điều trần không phải vì lý do đó mà chủ yếu là để “chặn thông tin ra công chúng” và để tránh cho Nhà Trắng khỏi phải bối rối, khó xử.

Đêm 21-3, ông Nunes lại gây dư luận chú ý khi có hành động khó hiểu. Tờ báo The Daily Beast đưa tin: đêm đó ông cùng trợ lý cao cấp đang đi trên một chiếc taxi Uber ở Washington thì nhận được tin nhắn qua điện thoại di động. Ngay sau đó, Nunes rời khỏi taxi đi đâu không rõ, bỏ lại người trợ lý một mình đi tiếp mà không giải thích lấy một lời.

Ngay hôm sau, 22-3, Nunes tổ chức một cuộc họp báo cũng không thông báo với người trợ lý cao cấp là mình sẽ nói những gì, khiến ông này hết sức khó chịu. Tại cuộc họp báo, Nunes thông báo mình đã nhìn thấy “hàng chục” báo cáo tình báo cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ đã “tình cờ thu thập” thông tin, dữ liệu về các thành viên ban vận chuyển giao quyền lực của ông Trump.

Ông Nunes không chia sẻ thông tin mà ông nắm được với bất cứ ai, kể cả các thành viên thuộc đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo. Thay vì thế, ông đã nhanh chóng báo cáo cho Tổng thống Trump. Devin Nunes giải thích cho hành động này: “Tôi có một nghĩa vụ và trách nhiệm là phải báo cho ông ấy biết bởi vì ông ấy đang chịu nhiều sức ép từ các phương tiện thông tin đại chúng rồi”.

Theo các nhà phân tích, lời tuyên bố của ông Devin Nunes có lẽ nói đến hoạt động do thám mà các cơ quan tình báo Mỹ tiến hành với sự cho phép của Tòa án Do thám tình báo nước ngoài (FISA), với mục tiêu là các nhà ngoại giao, đại sứ nước ngoài,... Trong khi hoạt động do thám đó chủ yếu là thu thập thông tin về các đối tượng nước ngoài, nhưng đôi khi việc thông tin, dữ liệu thu thập được cũng bao gồm cả những cuộc nói chuyện giữa họ với các đồng nghiệp Mỹ, chẳng hạn như các quan chức Bộ Ngoại giao khi trao đổi một số vấn đề ngoại giao.

Các cơ quan tình báo thường giải thích những trường hợp nghe lén đó là “tình cờ thu thập” và thường tiến hành những bước cần thiết để hạn chế việc chia sẻ tên tuổi hoặc thông tin nhận diện của cá nhân những quan chức bị nghe lén một cách vô tình như thế. Ông Nunes cho rằng những vụ nghe lén tình cờ như thế là hợp pháp, nhưng có vấn đề, là hết sức không ổn, vì thông tin, dữ liệu nghe lén tình cờ không chỉ bao gồm các quan chức ngoại giao mà ngay cả Tổng thống Trump cũng có khả năng bị nghe lén. Nunes cho rằng trường hợp này rất có thể đã xảy ra trong giai đoạn ông Trump chưa nhậm chức, nhưng đã được các cơ quan tình báo che giấu đi.

Lời tiết lộ của Devin Nunes rơi vào đúng thời điểm hiện nay được cho là tạo lợi thế chính trị cho Tổng thống Trump. Bởi vì ông Nunes đưa ra tuyên bố vài ngày sau cuộc điều trần thứ nhất trong đó Giám đốc FBI Comey bảo rằng cáo buộc nghe lén của Tổng thống Trump là không có cơ sở. Đồng thời, thời điểm ông tuyên bố vừa ngay sau khi đảng Cộng hòa giáng cho ông Trump một thất bại nặng nề với việc rút lại dự án luật sửa đổi luật cải cách y tế Obamacare.

Tổng thống Trump nói rằng ông cảm thấy “nhẹ nhõm” vì những lời tuyên bố của Nunes. Trong suốt mấy tuần qua, Tổng thống Trump liên tục cáo buộc mình là mục tiêu nghe lén của chính quyền Tổng thống Barack Obama, còn Comey thì đóng vai “người hùng”, bác bỏ những lời cáo buộc đó, cho rằng ông Trump không có bằng chứng.

Việc Devin Nunes giữ kín, không chia sẻ nguồn thông tin mình có được đã khiến các thành viên Ủy ban Tình báo cũng như dư luận báo chí không khỏi hoài nghi, đặt vấn đề về những thông tin ông có được bằng cách nào, đến từ nguồn nào, có phải do Nhà Trắng tuồn ra cho ông hay không?

Ông Schiff cho rằng việc ông Nunes không chia sẻ những thông tin mà ông đã nhìn thấy và toàn bộ câu chuyện về “bằng chứng” không chia sẻ của Nunes đã được dàn dựng nhằm tạo vỏ bọc chính trị cho những lời tuyên bố trên Twitter của ông Trump. Schiff cáo buộc Nunes đứng ra bao che, đỡ đạn cho Tổng thống Trump.

Giám đốc FBI James Comey, người khăng khăng bác bỏ cáo buộc nghe lén của Tổng thống Donald Trump.

Việc Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes đứng ra “đỡ đạn” cho ông Trump xét cho cùng cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ông Nunes là một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump trong thành phần đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ. Ông này từng là phụ tá của ông Trump, tham gia ban vận động tranh cử rồi sau đó là ban chuyển tiếp sau khi ông Trump thắng cử.

Tổng kết lại câu chuyện về cuốc taxi bí ẩn lúc nửa đêm, việc Nunes hoãn điều trần và ngay sau đó tuyên bố nhìn thấy bằng chứng tố cáo các cơ quan tình báo Mỹ, dư luận đang bắt đầu chĩa mũi dùi về phía Nunes thay vì Tổng thống Trump. Và người ta đặt câu hỏi liệu với những động thái như vừa rồi, Ủy ban Tình báo của ông Nunes có còn tiếp tục cuộc điều tra về các mối quan hệ mờ ám giữa bộ sậu ông Trump với nước Nga nữa hay không.

Ông Schiff bực tức không chịu được, nói với báo chí rằng “Nunes phải quyết định xem mình đang đóng vai trò gì, làm trợ lý cho ông Trump giống như hồi thời vận động tranh cử và chuyển giao quyền lực hay là lãnh đạo một cuộc điều tra lưỡng đảng, bởi vì ông ấy không thể đóng cả hai vai”.

An Châu (tổng hợp)
.
.