Đức: Chủ tịch SPD đòi lập “Liên bang châu Âu”

Thứ Ba, 19/12/2017, 10:03
Bế tắc chính trị ở Đức rốt cuộc cũng có hướng ra sau khi Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Martin Schulz thuyết phục được đảng của mình chấp nhận để ông tiến hành đàm phán thành lập “đại liên minh” lần thứ 3 liên tiếp với đảng cầm quyền CDU của Thủ tướng Angela Merkel.

Tuy nhiên, ông Schulz chỉ được đàm phán với một số điều kiện đặt ra cho liên minh, trong đó có yêu cầu thay đổi mô hình liên minh của EU theo hướng một liên bang kiểu Mỹ, đó là “Liên bang châu Âu”.

Phát biểu tại hội nghị đảng SPD hôm 7-12, ông Schulz đã đưa ra những điều kiện cần để tiến hành đàm phán thành lập “đại liên minh” với liên đảng CDU/CSU của bà Merkel. Trong đó, ông Schulz nhấn mạnh châu Âu trước hết nên mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình liên bang kiểu Mỹ từ nay cho đến năm 2025.

Ông Schulz đưa ra lời cảnh báo toàn châu lục “sẽ không thể tiếp tục chịu đựng chính sách thắt lưng buộc bụng thêm 4 năm nữa”. Ông đề nghị các nước thành viên EU nên ký kết một “hiệp ước hiến pháp” trong đó cam kết khối EU sẽ từng bước tiến tới hình thành một “Liên bang châu Âu”.

Yêu cầu thứ hai của ông Schulz là châu Âu xây dựng chương trình bảo hiểm xã hội mạnh hơn dành cho những người làm việc trong nền kinh tế kỹ thuật số, tăng đầu tư cho giáo dục hàn lâm cũng như giáo dục nghề nghiệp và đầu tư mạnh cho các mục tiêu năng lượng xanh. Ông Schulz cho rằng việc từ bỏ sử dụng than để tạo ra năng lượng là điều không tránh khỏi và Chính phủ Đức sắp tới sẽ phải tạo cơ hội việc làm mới cho những người hiện đang làm việc trong ngành năng lượng này.

Ngoài ra, ông Schulz cũng yêu cầu hủy bỏ hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân và chấm dứt lệnh cấm những người tị nạn mang theo cả gia đình đến Đức, cải cách chính sách thuế,...

Liệu có bao nhiêu phần các yêu cầu nêu trên của ông Schulz sẽ được bà Angela Merkel và lãnh đạo liên đảng CDU/CSU chấp nhận? Trong các yêu cầu trên, có lẽ vấn đề “Liên bang châu Âu” là khó chấp nhận nhất đối với bà Merkel.

Trong lập luận cho yêu cầu “Liên bang châu Âu”, ông Schulz cho rằng việc xây dựng dự thảo “Hiệp ước hiến pháp” sẽ bao gồm nhiều thành phần xã hội tham gia, sau đó bản dự thảo sẽ được gửi cho từng nước thành viên châu Âu xem xét, ký kết. Những quốc gia nào không đồng ý thì sẽ phải ra khỏi “liên bang”. Điều kiện như thế này rõ ràng không phù hợp với quan điểm một khối EU thống nhất, bao gồm tất cả các quốc gia châu lục của bà Merkel.

Liệu ông Martin Schulz sẽ lại cùng bà Angela Merkel lập nên “đại liên minh” lần thứ 3?.

Bên cạnh đó, việc cho phép người tị nạn mang theo gia đình đến Đức cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho bà Merkel vì đảng đối lập chính AfD sẽ không đời nào chấp nhận điều kiện này.

Những điều kiện đàm phán như trên đang trở thành canh bạc quyết định cho cả ông Schulz và đảng cầm quyền của bà Merkel. Khi được đảng SPD trao quyền đàm phán, ông Schulz sẽ có một số chọn lựa đối với bà Merkel: thành lập “đại liên minh”, một sự hợp tác không chính thức hay là chính thức đồng ý chấp nhận một chính phủ thiểu số bảo thủ của bà Merkel.

Ông Schulz đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, hoặc là làm thay đổi đáng kể môi trường chính trị Đức, hoặc là có thể bị đảng SPD loại khỏi vị trí lãnh đạo đảng nếu mưu sự bất thành.

Cách đây hơn 2 tháng, sau khi đảng SPD nhận thất bại nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần II, trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức ngày 24-9-2017, ông Schulz đã rơi vào “tầm ngắm” của một bộ phận thành viên đối lập trong đảng. Vì họ cho rằng chính ông có một phần lỗi khi để cho SPD đánh mất bản sắc vốn có, từ đó làm cho một số lượng đáng kể cử tri không còn theo đảng nữa, quay sang ủng hộ đảng cực hữu dân túy AfD.

Bản thân ông Schulz cũng nhận thức được sự thất bại của một “đại liên minh” cầm quyền sau 2 nhiệm kỳ liên tiếp chỉ giúp cho đảng cầm quyền của bà Merkel thuận lợi trong việc theo đuổi các chính sách của mình, làm cho SPD mất đi bản sắc riêng do là thành viên thứ yếu trong “đại liên minh”.

Bởi vậy, khi kết quả bầu cử cho thấy CDU/CSU của bà Merkel cũng không đủ sức tự thành lập chính phủ, ông Schulz đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc tham gia “đại liên minh” thêm một lần nữa sẽ là “đại họa” cho đảng SPD. Giờ đây, chính ông Schulz đã quay ngược quan điểm, chấp nhận đàm phán “đại liên minh” với bà Merkel thêm một lần nữa và điều này khiến một số thành viên trong đảng bực mình.

Mặc dù vậy, ông Schulz vẫn nhận được sự ủng hộ quan trọng của phần lớn lãnh đạo trong đảng, đồng thời ông cũng nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo chính trị ở châu Âu. Đức là đầu tàu về kinh tế, chính trị của EU, vì thế bế tắc chính trị ở Đức là vấn đề được quan tâm hàng đầu, được xem là một yếu tố đe dọa sự ổn định của toàn châu Âu.

Sau khi đàm phán thành lập liên minh cầm quyền giữa CDU của bà Merkel với đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) và Greens đổ vỡ, các lãnh đạo trong EU, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã lên tiếng kêu gọi ông Schulz hãy “can đảm” đứng ra tháo gỡ bế tắc, vì sự ổn định chung của châu lục.

Trong một cuộc điện thoại trực tiếp, Tổng thống Pháp Macron đã bày tỏ sự ủng hộ các yêu cầu cải cách EU của ông Schulz, thúc giục ông nhanh chóng đàm phán với bà Merkel. Tương tự, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras cũng yêu cầu ông Schulz “đừng đứng bên lề trong giai đoạn quyết định này” của châu Âu.

Ngay cả Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, một thành viên cùng đảng SPD với ông Schulz, cũng kêu gọi ông nên nghĩ đến việc tham gia chính phủ để giúp nước Đức thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

“Trước hết chúng ta hãy xem có thể thông qua được những chính sách nào rồi sau đó mới quyết định hình thức thực hiện là gì” - ông Schulz nói. Những kết quả đàm phán sẽ phải được mang ra lấy ý kiến trong đảng, nếu nhận được sự đồng ý của đa số thì mới được thông qua.

An Châu (tổng hợp)
.
.