Francois Fillon chặn đứng giấc mơ của ông Sarkozy

Thứ Ba, 29/11/2016, 17:15
Chính trường nước Pháp vừa có một “chấn động nhẹ” bởi kết quả bất ngờ xảy ra trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng đối lập Les Républicains để tìm người ra tranh cử Tổng thống vào năm 2017. Từ kết quả đó cũng giới thiệu một trụ cột mới của cánh hữu, đồng thời chính thức đặt dấu chấm hết cho “giấc mơ” quay trở lại quyền lực của cựu Tổng thống Nicilas Sarkozy.

Người tạo nên “chấn động nhẹ” đó là cựu Thủ tướng Francois Fillon. Tại vòng đầu cuộc bầu cử, ông Fillon đã bất ngờ vượt lên dẫn đầu với 44% số phiếu, bỏ khá xa người về nhì là cựu Thủ tướng Alain Juppé, được 28% phiếu. Cựu Tổng thống Sarkozy chỉ về thứ ba với 20,6% phiếu. Với kết quả này, hai ông Fillon và Juppé sẽ phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 27-11.

Ngay sau khi có kết quả Fillon giành chiến thắng ở vòng một, hầu hết các ứng viên thua cuộc đều lên tiếng kêu gọi người ủng hộ mình ủng hộ ông Fillon ở vòng hai. Điều này cho thấy khả năng giành chiến thắng ở vòng hai của ông Fillon là rất cao. Một cuộc thăm dò ý kiến dư luận công bố hôm 21-11 cũng cho kết quả ông Fillon được 56% người ủng hộ, so với 44% của cựu Thủ tướng Juppé.

Francois Fillon (trái) làm Thủ tướng thời ông Nicolas Sarkozy làm Tổng thống Pháp.

Trong cuộc đua giành vé đại diện đảng Les Républicains ra tranh cử Tổng thống Pháp, Fillon là “ngựa ô” giành ưu thế lớn để trở thành đối thủ chính của ứng viên cực hữu Marine Le Pen của đảng Mặt trận Dân tộc (Front National) trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Người ta cho rằng chiến thắng vòng một của ông Fillon là một bất ngờ thú vị, bởi trước khi bước vào vòng bỏ phiếu, dư luận chú ý nhiều đến sự trở lại của cựu Tổng thống Sarkozy và cựu Thủ tướng Juppé. Vài tháng trước bầu cử, không ai thấy Fillon ở đâu, sau đó ông mới lấp ló vào cuộc đua.

Khoảng một tuần trước ngày bỏ phiếu, tỉ lệ ủng hộ Fillon bắt đầu tăng vọt, nhưng ông cũng chỉ xếp thứ ba sau hai ông Juppé và Sarkozy. Nhưng chỉ sau một cuộc tranh luận kiểu Mỹ, Fillon đã thể hiện một sự bứt phá mạnh mẽ, với những chính sách cải cách quyết liệt, nhờ đó đã tăng tốc vượt qua mặt cả hai ông Juppé và Sarkozy.

Năm nay 62 tuổi, với 35 năm làm chính trị, Fillon từng là Thủ tướng Pháp dưới thời ông Sarkozy làm tổng thống (giai đoạn 2007-2012). Fillon đang được xem là hiện thân mới của tầng lớp chính trị truyền thống Pháp, chủ trương thay đổi toàn diện hệ thống chính trị để đưa nước Pháp thích ứng với tình hình thế giới mới.

Là một người hâm mộ “bà đầm thép” Margaret Thatcher của nước Anh, Fillon đã tách mình ra khỏi thành phần cố cựu của cánh hữu và hứa sẽ tạo nên một “cú sốc” cấp tiến cho nước Pháp, kiểu như Donald Trump đang làm ở Mỹ. Những chính sách mà ông hứa sẽ mang đến bao gồm cắt giảm thuế, cắt giảm chi tiêu công, cắt giảm biên chế công và phá vỡ quyền lực của các nghiệp đoàn.

Người ta cảm thấy quen thuộc với những lời hứa cải cách kinh tế, cải cách nền hành chính công của ông Fillon, bởi vì các “liệu pháp sốc” ông đưa ra phần nào phản ánh những điều ông Sarkozy đã đưa ra vào năm 2007 để giành chiến thắng, nhưng sau đó lại không thực hiện được.

Giới quan sát đánh giá với vai trò thủ tướng, theo lẽ thường Fillon sẽ phải gánh vác một phần trách nhiệm trong những “thất bại” của nhiệm kỳ Tổng thống Sarkozy. Nhưng Fillon đã khôn khéo thoát ra khỏi “vũng lầy” đã đeo bám cựu Tổng thống Sarkozy suốt nhiều năm, và hiện tại còn đưa ra giới thiệu những chính sách táo bạo hơn.

Frnacois Fillon và vợ, Penelope Clarke.

Sự vượt lên bất ngờ của ông Fillon phần lớn có nguồn gốc từ một quyển sách ông xuất bản cách đây hai tháng, nhan đề “Chinh phục chủ nghĩa độc tài Hồi giáo” (Conquering Islamic Totalitarianism), quyển sách đã giúp ông có được sự ủng hộ cơ bản của cánh hữu. Trong quyển sách, Fillon chỉ trích chính phủ hiện tại do không xử lý tốt các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo khiến cho hơn 230 người chết ở Pháp trong vòng hai năm qua.

Dựa trên lý thuyết về sự va chạm giữa các nền văn minh, Fillon cảnh báo sự “xâm lăng đẫm máu của chủ nghĩa Hồi giáo trong đời sống thường nhật của chúng ta có thể làm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba”. Cũng theo quan điểm đó, tại cuộc tập hợp cử tri ở Lyon hôm 15-11, Fillon đã nhận được sự tán dương rầm rộ của hàng ngàn người ủng hộ khi tuyên bố “Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang làm hư hỏng những công dân Hồi giáo anh em của chúng ta”.

Sự thành công bước đầu của Fillon còn do ông có cách lôi kéo thận trọng thành phần xã hội theo quan điểm Thiên Chúa giáo bảo thủ, hứa sẽ đảo ngược quyền phá thai của các cặp đồng tính họ vừa giành được gần đây. Fillon tuyên bố sẽ bảo vệ lịch sử nước Pháp, bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống và tôn trọng căn gốc Thiên Chúa giáo.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp với hai ông Juppé và Sarkozy, Fillon đã đưa ra các quyết sách như tăng số giờ làm việc từ 35 giờ lên 39 giờ/tuần đối với công chức, từng bước tăng tuổi hưu lên 65 tuổi, sửa đổi luật lao động để giảm phúc lợi thất nghiệp, tăng thuế giá trị gia tăng và giảm thuế trực tiếp, cũng như cắt giảm 500.000 biên chế hành chính công, cắt giảm 100 tỉ euro trong chi tiêu công để giảm gánh nặng nợ công, cân bằng thu chi ngân sách.

Trong một bài xã luận, tờ Le monde đã đưa ra nhận định vòng hai sẽ là cuộc chiến giữa hai trường phái “Thatcher” và “Chirac” của cánh hữu Pháp. Fillon đại diện cho “cánh hữu truyền thống, vững chắc, nghiêm túc và tôn trọng Thiên Chúa, có giáo dục tốt và cao đạo”.

Còn ở phía ngược lại, Juppé được mô tả là một người kế tục cựu Tổng thống Jacques Chirac, không có khả năng tạo ra những cải cách xã hội mang tính cách mạng như ông Fillon.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.