Pháp: Cựu Tổng thống Sarkozy phục hận

Thứ Năm, 25/08/2016, 12:15
Những ngày này, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang rất hăm hở tiếp xúc với báo chí và chịu khó xuất hiện trên truyền thông để đưa ra những lời phát biểu. Những ngày hè đã trở nên nóng hơn khi người từng được mệnh danh là Tổng thống nóng tính và cứng rắn của nước Pháp rục rịch chuẩn bị cho một cuộc trở lại chinh phục Điện Elysée và “phục hận” cho thất bại trước đối thủ - đương kim Tổng thống Francois Hollande trong cuộc bầu cử năm 2012.

Chỉ cách đây 6 tháng, ý định trở lại Điện Elysée của ông Sarkozy tưởng như chỉ là một giấc mơ dang dở của một nhân vật “nghiện bầu cử”. Cho đến hiện tại, tên tuổi Sarkozy vẫn chưa hoàn toàn hồi phục trong lòng đa số cử tri, mặc dù ông vẫn nhận được sự ủng hộ của một số người trong đảng của ông, nay đã được đổi tên là Những người Cộng hòa (Les Républicains).

Giới nghiên cứu còn nhớ rất rõ câu ông thường nói khi còn đương nhiệm Tổng thống Pháp: “Chính trị là bạn phải từ từ mà rút cây kim thôi”. Vậy nên, sự hăm hở mà ông Sarkozy đang thể hiện khiến cho nhiều người nghĩ rằng ông đang quá nóng lòng?

Cựu Tổng thống Sarkozy đã chuẩn bị cho sự trở lại của mình cách đây hơn 2 năm. Trong một cuộc nói chuyện với phóng viên Đài phát thanh Europe 1 hồi tháng 1-2014, cựu Đệ nhất phu nhân Bernadette Chirac, một người bạn thân, đã tiết lộ với báo chí về ý định ra tranh cử năm 2017 của ông Sarkozy. Và không chỉ bà Chirac, nhiều bạn bè cũng nói về kế hoạch “trở lại” của ông. Sarkozy đã kích hoạt trở lại tài khoản trên Instagram và Facebook.

Phát biểu trên tờ Le Point, Sarkozy nói: “Vấn đề không phải là tôi có trở lại hay không, mà là tôi không thể không trở lại”. Sarkozy cho rằng mình không có sự lựa chọn, vì đó là “nhiệm vụ đối với nước Pháp”.

Nicolas Sarkozy.

Tháng 9-2014, Sarkozy chính thức tuyên bố trở lại các hoạt động chính trị. Đúng hai tháng sau, 11-2014, ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nội bộ đảng UMP, nay đổi tên là đảng Les Republicains, trở lại lãnh đạo đảng này. Đây chính là bước tiến rõ rệt nhất trên con đường quay trở lại của Sarkozy, như ông đã tuyên bố. Ngày 22-8, báo chí lại một lần nữa có thông tin về Sarkozy.

Trên trang Twitter, Sarkozy đã trích một đoạn ngắn trong quyển sách sắp xuất bản của mình, nhan đề “Tou Pour La France” (Tất cả dành cho nước Pháp), viết rằng: “Tôi đã quyết định sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Nước Pháp yêu cầu chúng ta hy sinh mọi thứ. Tôi cảm thấy tôi có đủ sức mạnh để lãnh đạo trong thời khắc khó khăn này của lịch sử”.

Vài hôm nữa, ông Sarkozy sẽ chính thức mở chiến dịch tranh cử sơ bộ trong nội bộ đảng Les Republicains. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử tổng thống nước Pháp, hai đảng chính trị lớn nhất là Les Republicains và đảng Xã hội tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ công khai, giống như ở Mỹ. Cuộc bỏ phiếu sơ bộ để chọn ứng cử viên chính thức sẽ diễn ra hai vòng, dự kiến vào ngày 20 và 27-11 năm nay. Chiến dịch vận động sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 9-2016. Với vai trò Chủ tịch đảng Les Republicains, Sarkozy đang có lợi thế rõ rệt trước các ứng cử viên khác trên đường đua.

Alain Juppe và Bruno Le Maire.

Phát biểu với báo chí, Sarkozy tự tin cho rằng trong giai đoạn khủng hoảng niềm tin, khi nỗi khiếp sợ khủng bố đang bao trùm đời sống hằng ngày của người dân Pháp, thì một lãnh đạo theo đường lối cứng rắn như ông sẽ rất cần thiết.

Để trở thành ứng cử viên Tổng thống Pháp trong cuộc đua vào năm 2017, Sarkozy sẽ phải vượt qua những ứng viên khá nặng ký. Thứ nhất phải kể đến cựu Thủ tướng, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alain Juppé, 71 tuổi, hiện là Thị trưởng thành phố Bordeaux.

Từng bị chỉ trích nặng nề do nỗ lực thay đổi chế độ hưu trí vào năm 1995, Juppé cũng từng mang hỗn danh là “Amstrad” do tính hiệu quả và lạnh lùng như người máy. Tuy nhiên, trong thời gian hiện tại, ông lại là một chính khách được yêu thích nhất của nước Pháp.

Bên cạnh Juppé còn có Bruno Le Maire, 47 tuổi, một ngôi sao đang lên trong đảng Les Republicains. Le Maire là Bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời ông Sarkozy làm tổng thống. Ngoài ra còn phải kể đến Francois Fillon, 62 tuổi, làm thủ tướng thời Sarkozy làm tổng thống. Cả hai ông Le Maire và Fillon đều có quan điểm đối nghịch so với Sarkozy.

So với Juppé, trên bình diện cả nước Pháp và trong cuộc đua sơ bộ trong đảng thì Sarkozy đang lép vế, tỉ lệ ủng hộ của cử tri nghiêng hẳn về Juppé. Nhưng kể từ mùa hè, cách đây một, hai tháng, Sarkozy đã có dấu hiệu vươn lên, thu hẹp dần cách biệt so với Juppé. Từ đây cho đến cuối tháng 11-2016, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Sức mạnh của Sarkozy nằm ở chỗ ông biết cách đặt trọng tâm chương trình hành động của mình là chống khủng bố - vừa đúng sở trường chính trị, vừa là mối bận tâm chung của cử tri Pháp hiện nay. Sự tập trung quan điểm chống khủng bố có thể giúp ích cho Sarkozy khi người dân Pháp tạm thời không quan tâm nhiều đến thành tích kém cỏi về kinh tế trong giai đoạn ông lãnh đạo đất nước trước đây.

Vượt qua cuộc bầu cử sơ bộ, Sarkozy còn phải chiến đấu trên bình diện cả nước trước các đối thủ thuộc đảng Xã hội và các đảng phái khác. Bầu không khí khủng bố và xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang tạo thuận lợi cho các ứng cử viên thuộc cánh hữu như Sarkozy. Nhưng các cuộc thăm dò ý kiến cử tri Pháp gần đây cho thấy, bất cứ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Les Republicains sẽ có rất nhiều khả năng trở thành Tổng thống Pháp, do đa số người dân Pháp đang ngán ngẩm bối cảnh chính trị hiện tại và không muốn ông Francois Hollande tiếp tục làm tổng thống. Liệu số phận sẽ lại gọi tên Sarkozy một lần nữa chăng?

An Châu (tổng hợp)
.
.