Hồ sơ Panama: Tổng thống Argentina Macri phản đòn
- “Hồ sơ Panama”: Mở rộng diện điều tra
- Hợp tác điều tra chống trốn thuế trong vụ Hồ sơ Panama
- Những cái bóng lớn phía sau Hồ sơ Panama
Theo The Guardian, tên tuổi của Tổng thống Argentina Mauricio Macri xuất hiện trong Hồ sơ Panama liên quan đến hai công ty hải ngoại được lập cách đây khá lâu. Vài ngày sau khi Hồ sơ Panama được công bố, giới chính khách đối lập và các công tố viên Argentina bắt đầu đặt ra yêu cầu điều tra đối với Tổng thống Macri. Nghị sĩ đối lập Norman Darío Martínez là một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi điều tra về vai trò của Tổng thống Macri trong hoạt động của hai công ty hải ngoại nêu trong Hồ sơ Panama.
Ông Martínez cho rằng, việc ông Macri đóng vai trò làm giám đốc của Công ty Fleg Trading Ltd đăng ký tại Bahamas, đồng thời là Phó chủ tịch công ty thứ hai Kagemusha SA đăng ký tại Panama và ông Macri đã thừa nhận điều đó, mà Panama và Bahamas đều là những “thiên đường thuế”, nơi giúp mọi người che giấu tài sản và rửa tiền, là việc cần phải điều tra làm rõ.
Ngày 7-4, công tố viên Federico Delgado gửi cho thẩm phán Sebastián Casanello một bức thư thỉnh nguyện trong đó viết rằng, bước đầu việc điều tra là để xác định xem ông Macri có cố tình vi phạm việc khai báo các khoản thuế ông phải nộp hay không.
Theo luật pháp Argentina, nếu ai phạm vào tội “cố tình không khai báo đầy đủ các khoản thuế” có thể bị phạt tù từ 15 ngày cho đến 2 năm, tùy mức độ nặng nhẹ. Hiện tại, thẩm phán Casanello đang xem xét các bằng chứng để đưa ra quyết định đối với yêu cầu điều tra của công tố viên Delgado.
Tổng thống Macri xác nhận ông có liên quan đến Công ty Fleg Trading Ltd có trụ sở tại Bahamas với tư cách là giám đốc công ty. Công ty này đã được bố ông là ông Francisco Macri lập ra vào năm 1998 nhằm mục đích đầu tư kinh doanh vào Brazil và đến tháng 1-2009 thì ngừng hoạt động, giải thể.
Tổng thống Mauricio Macri. Ảnh: Reuters. |
Macri cho rằng vai trò của mình ở Công ty Fleg Trading Ltd chỉ là giữ một chức danh giám đốc để phụ giúp bố trong các giao dịch nhất định. Ông hoàn toàn không nắm bất cứ cổ phần nào cả. Macri cho rằng, tại Công ty Fleg Trading, ông, bố ông Francisco và em trai Mariano đều nắm giữ chức giám đốc phụ trách các nhiệm vụ khác nhau.
Tuy nhiên, các chính khách đối lập chưa hài lòng với lời giải thích của ông Macri. Họ cho rằng ông cần làm rõ thêm vai trò của mình trong một công ty khác là Kagemusha SA đăng ký tại Panama. Niềm tin của dư luận là những công ty hải ngoại như hai công ty của gia đình ông Macri thường được giới kinh doanh giàu có sử dụng vào mục đích trốn thuế và rửa tiền, che giấu tài sản bất minh.
Cho dù ông Macri luôn khẳng định mình hành động theo luật pháp và không có làm gì trái với luật pháp, nhưng người ta vẫn săm soi vào những khai báo của trong thời gian qua. Chẳng hạn, trong tờ khai về tài sản khi lên làm Thị trưởng thành phố Buenos Aires vào năm 2007, Macri đã không đề cập đến việc mình có tham gia các công ty Fleg Trading và Kagemusha SA.
Năm 2007, Macri chỉ khai số tiền mình có trong tài khoản tại ngân hàng Merrill Lynch là 2,9 triệu USD, và năm 2008, con số là 1,9 triệu USD cũng tại tài khoản này. Ngoài ra, Macri cũng kê khai tài sản ở nước ngoài trị giá 158.000 USD, nhưng không xác định rõ được gửi ở đâu và từ đâu mà có. Năm 2015, khi lên nhậm chức Tổng thống, Macri cũng không kê khai rõ ràng về hai công ty Fleg Trading và Kagemusha SA.
Mauricio Macri năm nay 57 tuổi, là một trong 12 nguyên thủ quốc gia có tên trong Hồ sơ Panama liên quan đến các tài sản ở hải ngoại do công ty luật Mossack Fonseca quản lý. Các tài liệu cho biết, trước khi bước chân vào chính trị, ông Macri từng theo nghề đuổi kinh doanh cùng với gia đình. Là con của một doanh nhân giàu có người Italia, Macri theo gia đình di cư sang Argentina sinh sống và trưởng thành.
Khi theo bố làm kinh doanh, Macri từng bị một số cảnh sát tha hóa bắt cóc tống tiền, và bố ông phải bỏ ra một khoản tiền để chuộc ông ra. Vụ việc đó hóa ra là một bước ngoặt trọng đại mở đường cho Macri bước chân vào chính trị. Năm 2003, khi đang làm Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá hàng đầu Argentina Boca Juniors, Macri khởi nghiệp chính trị bằng màn ra mắt đảng Cam kết thay đổi (Compromiso para el Cambio – CPEC). Hai năm sau, Macri gia nhập liên minh tranh cử Propuesta Republicana (PRO) và thành công khi ứng cử vào Hội đồng thành phố Buenos Aires.
Cũng với liên minh PRO, Macri tiếp tục gặt hái chiến thắng, trở thành Thị trưởng Buenos Aires vào năm 2007. Sự kiện ông giành chiến thắng trong kỳ bầu cử Tổng thống Argentina tháng 11-2015 và lên nhậm chức vào ngày 10-12 cùng năm đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Argentina: lần đầu tiên sau hàng chục năm, một người không thuộc phái chính trị Peronist lên nắm chính quyền.
Người ta trông đợi ông sẽ thực hiện những thay đổi như cam kết khi tranh cử, và nhiều người dự đoán những thay đổi đó nếu có cũng sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực. Thực tế, chỉ sau hai tháng cầm quyền, Macri đã đối mặt trước sự phản đối rộng rãi trong dân chúng và nhiều giới ở Argentina do ông nóng vội thực hiện các cam kết của mình.
Vụ việc Hồ sơ Panama đến với Macri như một cú “bắn lén” bất ngờ, không được phòng bị. Nhưng cũng như Thủ tướng Anh David Cameron, Macri cho rằng, hoạt động của hai công ty Fleg Trading và Kagemusha SA là việc làm ăn của gia đình, của riêng bố ông và những người anh em trong gia đình mình. Nhưng vấn đề là khi bản thân ông có dính líu dù chỉ trên danh nghĩa, đó cũng là một sự can dự vào hoạt động của các công ty hải ngoại tại các thiên đường thuế.
Ngày 8-4, các luật sư của ông Macri đã phát đi tuyên cáo bác bỏ các cáo buộc của giới chính trị đối lập cho rằng ông hưởng lợi từ hai công ty hải ngoại nêu trong Hồ sơ Panama nhưng giấu nhẹm, không khai báo. Macri cho biết, ông sẽ yêu cầu tòa án xác nhận bản kê khai tài sản của mình để làm sáng tỏ mọi nghi vấn. Để ngăn chặn xung đột lợi ích xảy ra, ông hứa sẽ đưa tài sản của mình vào một quỹ niêm phong.