John Milios, kiến trúc sư kinh tế số 1 theo chủ nghĩa Mác

Thứ Hai, 19/01/2015, 17:20
Như ANTG đã đưa tin, Quốc hội Hy Lạp đã không thể bầu ra tổng thống mới và nước này đã phải tiến hành bầu cử trước thời hạn vào ngày 25/1 tới. Điều khiến châu Âu, nhất là khu vực đồng tiền chung euro lo lắng chính là ông Tsipras, với quan điểm thiên tả, sẽ chọn một hướng đi khác cho Hy Lạp thay vì “con đường đau khổ” như hiện nay. Và người góp phần cùng ông Tsipras chọn lựa con đường đó không ai khác chính là trưởng cố vấn kinh tế John Milios.

Vào những ngày này, Hy Lạp tất bật chuẩn bị cho cuộc tranh cử. Cũng như Tsipras, John Milios bỗng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận lẫn giới chính trị trong và ngoài nước. Chuông điện thoại của Milios đổ liên hồi. Người gọi chủ yếu là từ các quỹ đầu tư, các công ty tài chính và những nhà đầu tư tài chính, tất cả đều muốn biết vị giáo sư kinh tế đang suy nghĩ gì.

Ít có thông tin được biết đến về vị giáo sư kinh tế 62 tuổi này. Là con của một luật sư và một nha sĩ có quan điểm trung dung, Milios đã trở thành biểu tượng của một thế hệ theo tư tưởng Mác trong giai đoạn đất nước Hy Lạp đặt dưới sự cai trị của các sĩ quan quân đội (1964-1974).

Ông cho rằng, tinh thần chủ nghĩa Mác của mình xuất phát từ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam và được bồi đắp bởi các vị giáo sư đã dạy dỗ ông. Tuy nhiên, Milios khẳng định, tinh thần cấp tiến của mình theo truyền thống Mácxít Pháp hơn là Xôviết.
John Milios (phải) và Chủ tịch đảng Syriza Alexis Tsipras.

Milios được đào tạo bài bản với 2 bằng tiến sĩ về kinh tế và chính trị ở Đức và nói thông thạo tiếng Đức. Trước đó, ông theo học và tốt nghiệp Trường đại học Athens, ngôi trường đại học tư thục uy tín nhất nước, học cùng lớp với cựu Thủ tướng George Papandreou. Ông là người đứng đầu trong nhóm chuyên gia cố vấn đặc biệt về kinh tế cho ông Tsipras.

Ngoài Milios, trong nhóm còn 4 người nữa cũng đều là các giáo sư hàn lâm về kinh tế, được đào tạo bài bản ở Anh, Mỹ, nhưng theo quan điểm thiên tả. Hy Lạp thời kỳ khủng hoảng kinh tế là đất dụng võ cho các vị giáo sư, học giả kinh tế như thế.

Với vai trò Trưởng cố vấn kinh tế của đảng Syriza, Milios đóng vai trò chủ đạo trong việc định hình đường lối và tuyên ngôn kinh tế của đảng. Chính Milios cũng đã nhìn nhận chương trình hành động kinh tế của đảng mình là cấp tiến, rất thiên tả, vì "Tôi là một người theo chủ nghĩa Mác, và đa số người trong đảng cũng vậy" - Milios nói. Milios đưa ra luận điểm lý giải cho chương trình hành động của đảng mình là vì hiện nay, "các giải pháp thay thế cho kinh tế - xã hội đã bị thành phần tân tự do loại bỏ hết rồi".

Vấn đề là, tất cả những gì mà giới chính trị chính thống làm cho đất nước từ khi Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ công cho đến nay đều không làm cho cuộc sống người dân Hy Lạp tốt hơn, và người ta đang tìm đến Syriza để tìm lời giải cho bài toán khó khăn kinh tế. "Người dân đã tạo nên chúng tôi" - Milios nói.

Trước khủng hoảng kinh tế cách đây 5 năm, tỉ lệ ủng hộ dành cho Syriza chỉ vỏn vẹn 5%, đến giữa năm 2012, tỉ lệ đó đã lên 27%. Còn hiện nay, Syriza đang là đảng dẫn đầu trong các cuộc thăm dò cử tri, sẵn sàng làm một cuộc "cách mạng" cả về chính trị lẫn kinh tế ở Hy Lạp. Với vai trò cố vấn trưởng về kinh tế của ông Tsipras, Milios được giới quan sát chú ý mạnh nhất để dự báo những chiều hướng hành động nào sẽ được triển khai một khi đảng Syriza giành chiến thắng.

Cho đến nay, Milios vẫn bác bỏ những quan ngại rằng, ban lãnh đạo Syriza sẽ xem xét rời khỏi khu vực đồng euro nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Milios lập luận rằng, nếu Hy Lạp mà rời khỏi khu vực đồng euro, khối này sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn vì những gì đã nỗ lực lớn nhất trong lịch sử - 240 tỉ USD - để cứu vãn "con bệnh" Hy Lạp bị phá sản. Và điều này thì các lãnh đạo EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu và IMF đều không mong muốn.

Đối với Milios, ưu tiên hàng đầu lúc này là giải quyết "khủng hoảng nhân đạo" tràn qua Hy Lạp như cơn thác lũ trong thời gian 5 năm áp dụng biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vừa qua. Kể từ khi lâm vào khủng hoảng, kinh tế Hy Lạp đã suy giảm đến 30%, tầng lớp trung lưu bị "nghèo" đi, nền tảng sản xuất bị suy sụp và tỉ lệ thất nghiệp cao gần 30%, giới trẻ chán nản rời bỏ đất nước đi nơi khác sống.

Trong tình cảnh khốn đốn đó, Milios đã quyết liệt chọn phương án bác bỏ thẳng thừng giải pháp áp dụng thêm "thắt lưng buộc bụng", ngăn chặn Thủ tướng Antonis Samaras ký thêm thỏa thuận với các chủ nợ.

Để thực hiện mục tiêu giải quyết khủng hoảng, Milios đặt ra từng ưu tiên cho đảng. Đảng Syriza sẽ triển khai các nỗ lực phối hợp để cứu giúp những người bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như cung cấp điện miễn phí cho bị cắt nguồn, phân phát phiếu suất ăn cho các trường học, bệnh viện, lập các trung tâm chăm sóc y tế cho những nhười nghèo khó, dựng lều tạm trú cho người vô gia cư, khôi phục mức lương tối thiểu 750 USD/tháng như trước khủng hoảng và ban hành lệnh hoãn chi các khoản trả nợ ngân hàng vượt quá 30% thu nhập sau thuế. Tất nhiên, giới ngân hàng, đầu tư tài chính, chủ nợ la ó, kêu ca vì các chính sách mà ông Milios vừa đưa ra đụng chạm đến lợi ích của riêng họ.

Milios nói, chấm dứt các chính sách đã từng làm bần cùng hóa Hy Lạp mới chỉ là một vế của phương trình, vế còn lại là làm sao giải quyết núi nợ khổng lồ của Athens, lên đến 320 tỉ euro, tương đương 177% GDP, tăng hơn 1/3 so với trước khi khủng hoảng bùng nổ. Đảng Syriza đặt vấn đề nợ công của Hy Lạp trên bình diện chung châu Âu và đề xuất ECB cho gia hạn kỳ hạn đáo nợ để giúp Hy Lạp giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách trước.

Trong cuộc hội đàm mới đây với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble, cùng những chuyến đi Đức liên tục thời gian qua, Milios đã khiến cho "cỗ máy phao tin" ở Hy Lạp lên cơn sốt đồn đoán về việc đảng cánh tả Syriza đang tiến hành những thảo luận căng thẳng với Berlin để chuẩn bị cho việc lên nắm quyền sắp tới. Nhưng nếu điều đó là đúng thì cũng là việc làm hợp lý của Milios.

An Châu (tổng hợp)
.
.