Kết nối liên Triều – Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Hàn Quốc

Thứ Ba, 25/07/2017, 10:49
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với CHDCND Triều Tiên vào năm 2020 nhắm đến mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, bảo đảm hòa bình lâu dài và hướng đến sự thống nhất hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.

Trong một báo cáo ban hành ngày 19-7, ông Moon đặt mục tiêu thực hiện cho bằng được kế hoạch đối thoại và kết nối với CHDCND Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhà Xanh cho biết, Seoul đang chuẩn bị một kế hoạch đàm phán phi hạt nhân hóa toàn diện, theo đó bán đảo Triều Tiên trong tương lai không xa sẽ hoàn toàn sạch bóng hạt nhân, các cơ sở hạt nhân, vũ khí sẽ phải được tháo dỡ.

Báo cáo nêu rõ, Tổng thống Moon Jae-in sẽ đề xuất một lộ trình cho việc này. Theo đó, thỏa thuận sẽ được ký kết khi việc phi hạt nhân hóa được thực hiện hoàn tất, và cơ chế duy trì hòa bình trên bán đảo sẽ được bảo đảm ổn định, lâu dài.

Tổng thống Moon Jae In với kế hoạch đầy tham vọng kết nối, đối thoại liên Triều.

Từ khi nhậm chức tổng thống vào ngày 10-5 vừa qua, ông Moon đã luôn hướng đến giải pháp giải tỏa căng thẳng xung quanh việc CHDCND Triều Tiên theo đuổi việc xây dựng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công mục tiêu trên lục địa Mỹ. Trong khi Mỹ sôi sục vì CHDCND Triều Tiên bắn thử tên lửa ICBM vào ngày 4-7, Seoul vẫn cố giữ bình tĩnh, không đẩy sự căng thẳng leo thang.

Ngày 14-7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đưa ra đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng, đồng thời Hội Chữ thập đỏ Quốc gia tung ra dự thảo kế hoạch thảo luận với miền Bắc về chương trình đoàn tụ gia đình đã bị gián đoạn kể từ sau thời Tổng thống Roh Moo Hyun. Những động thái này là những bước đi thực tế hướng đến mục tiêu đã được Tổng thống Moon vạch ra.

Chương trình đoàn tụ gia đình nằm trong chính sách Ánh Dương đã được Tổng thống Kim Dae Jung chính thức khai sinh vào năm 2000. Chính sách này có 3 nguyên tắc chính: Không khiêu khích quân sự; miền Nam sẽ không cố gắng thu hút sự chú ý của miền Bắc theo bất cứ cách nào; miền Nam chủ động tìm kiếm sự hợp tác.

Từ khi khai sinh cho đến khi Tổng thống Kim Dae Jung mãn nhiệm vào năm 2005, nhiều gia đình 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên đã được đoàn tụ sau hơn 50 năm chia cắt. Hàng loạt hợp tác kết nối thông tin về quân sự, kiểm soát đường biên giới trên bộ và trên biển cũng đã được ký kết, triển khai sau cuộc hội kiến cấp cao giữa Tổng thống Kim Dae Jung và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il trên núi Kim Cương.

Người kế nhiệm là Tổng thống Roh Moo Hyun đã tiếp nối các chương trình hợp tác còn dở dang ấy, đặc biệt là chương trình đoàn tụ gia đình giàu ý nghĩa nhân văn.

Tuy nhiên, sau một vài sự cố va chạm và nổ súng giữa binh sĩ 2 miền, tình hình bỗng trở nên xấu đi đáng kể, đặc biệt là sau khi ông Roh Moo Hyun mãn nhiệm, Lee Myung Bak lên thay thế đồng thời triển khai chính sách đối đầu cứng rắn với CHDCND Triều Tiên.

Tháng 11-2010, Chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Lee Myung Bak chính thức tuyên bố chấm dứt chương trình đoàn tụ gia đình Nam - Bắc Triều Tiên do những sự cố gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Từ đó đến nay, các nhiệm kỳ tổng thống của Hàn Quốc đều không nhắc đến vấn đề toàn tụ gia đình do Seoul theo đuổi chính sách cứng rắn, dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ để đối đầu với CHDCND Triều Tiên.

Như vậy, kể từ khi chính sách Ánh Dương được Tổng thống Kim Dae Jung khai sinh vào năm 2000, đây là lần thứ hai chính sách này được nhắc lại và có lẽ Tổng thống Moon Jae-in cũng sẽ là tổng thống thứ hai (cùng với Roh Moo Hyun) tiếp tục thực hiện di nguyện của Tổng thống Kim Dae Jung.

Moon Jae-in từng làm Chánh văn phòng của Tổng thống Roh Moo Hyun, vì thế việc ông tiếp tục theo đuổi chính sách đối thoại, kết nối với CHDCND Triều Tiên cũng là điều tất nhiên. Nhưng cách triển khai chương trình của Moon sẽ khác đi phần nào so với nguyên bản chính sách Ánh Dương của những bậc tiền bối.

Khác theo hướng, Moon sẽ đối thoại, trao đổi có điều kiện, có sự ràng buộc Bình Nhưỡng theo hướng thực hiện phi hạt nhân hóa, không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo với thái độ thù địch nữa.

Đoàn tụ gia đình là một trong những chương trình cụ thể sẽ được triển khai theo kế hoạch.

Nhìn chung, khi tung ra kế hoạch và lộ trình đàm phán kết nối liên Triều, Tổng thống Moon Jae-in muốn hiện thực hóa những chủ trương ông đưa ra khi tranh cử. Một điểm đặc trưng nhất của các chính sách đối với CHDCND Triều Tiên dưới thời Moon Jae-in đó là Hàn Quốc sắm vai trò chủ đạo trong mọi cuộc đối thoại, giải quyết khủng hoảng với CHDCND Triều Tiên, không còn tình trạng giao phó “chuyện trong nhà” cho “người ngoài” là Mỹ quyết định như những người tiền nhiệm thường làm.

Nhìn kỹ kế hoạch được Nhà Xanh thông báo, phương án “nhành ôliu” của Tổng thống Moon không khác biệt nhiều so với chính sách “áp lực tối đa và đối thoại kết nối” của Tổng thống Mỹ Trump. Nhưng các bước cụ thể để thực hiện kế hoạch này mới thật sự là khó khăn. Giới chuyên gia nhận xét, Tổng thống Moon nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Trump khi đóng vai trò chủ đạo trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cả hai tổng thống đã đồng ý với nhau về giải pháp hỗn hợp “áp lực và đối thoại”, nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là làm thay đổi hành vi của CHDCND Triều Tiên - và triển vọng thành công của mục tiêu này thì rất mờ nhạt.

An Châu (tổng hợp)
.
.