Khi các công chúa từ bỏ Hoàng gia vì… tình

Thứ Ba, 12/09/2017, 19:49
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, vì muốn giảm bớt số tiền phải chu cấp cho hoàng gia Nhật Bản, quân đồng minh đã đặt ra hàng loạt luật lệ nhằm giảm bớt nhiều thành viên hoàng gia nhất có thể. Trong Bộ luật Hoàng gia Nhật Bản được công bố năm 1947, chỉ các nam nhân là hậu duệ hợp pháp của hoàng gia mới có thể kế vị ngai vàng.

Bộ luật này cũng chỉ rõ rằng nếu một công chúa Nhật Bản chọn lấy một người chồng xuất thân thường dân, họ sẽ phải từ bỏ tước vị hoàng gia và sống như một dân thường, còn chồng và con cháu của hai người sẽ không được hưởng bất kì ưu tiên hay quyền lợi từ hoàng thất.

Điều luật khắc nghiệt là vậy, nhưng từ năm 1947, hoàng tộc cũng như người dân Nhật Bản đã chứng kiến 3 nàng công chúa bỏ vinh hoa phú quý để chạy theo tiếng gọi tình yêu cùng “hoàng tử” của riêng mình.

Chàng “Phò mã” mồ côi

Công chúa Sayako sinh ngày 18-4-1969. Cô tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ và Văn học Nhật của Đại học Gakushuin - trường đại học tư thục danh giá hàng đầu nước Nhật. Dù là một công chúa với xuất thân cao quý và trình độ học vấn đáng nể, cô vẫn không thoát được những dị nghị của người đời vì... muộn chồng.

Theo đúng như thông lệ hoàng gia được đề xuất bởi nội cung, vào dịp sinh nhật mỗi năm công chúa Sayako, ái nữ của Nhật hoàng Akihito, sẽ phải trả lời những câu hỏi từ một số phóng viên, và từ khi cô bước sang tuổi trưởng thành, đa phần những câu hỏi cô nhận được đều liên quan đến việc kết hôn. Hết năm nay qua năm khác, công chúa chỉ khéo léo đáp lại rằng hôn nhân là chuyện hệ trọng trăm năm nên không thể vội vàng.

Công chúa Sayako.

Tuy nhiên, vào ngày 30-12-2004, cả nước Nhật đã được một phen náo loạn khi nội cung tuyên bố công chúa sẽ kết hôn với kiến trúc sư Yoshiki Kuroda. Sự ngạc nhiên của công chúng nhanh chóng chuyển thành ngưỡng mộ khi câu chuyện tình đẹp như mơ của nàng công chúa được công khai trên các mặt báo.

Chàng “hoàng tử” của cô là anh Yoshiki Kuroda, một kiến trúc sư làm việc tại Hội đồng thành phố Tokyo. Anh không phải là công tử con nhà giàu có, càng không xuất thân từ một gia đình quý tộc, mà chỉ là một chàng trai mồ côi cha. Thậm chí ở thời điểm chuẩn bị kết hôn với công chúa, anh Kuroda vẫn đang sống với người mẹ già ở khu phố nghèo, hằng ngày đi làm bằng tàu điện ngầm.

Nếu so sánh một cách công bằng thì anh kém xa các “ứng cử viên” khác: anh Bojo con trai một cựu bá tước và là cử nhân khoa Kiến trúc Đại học Tokyo, anh Sonoike là con trai một gia đình quý tộc cũ... Tuy nhiên, chàng “Lọ Lem” lại có một lợi thế khó ai bì kịp: công chúa Sayako và anh Kuroda quen biết nhau từ ngày nhỏ vì anh Kuroda là bạn thân nhất của anh trai công chúa - hoàng tử Akishino.

Sau hàng chục năm xa cách vì mất liên lạc, hai người bạn có dịp hội ngộ vào năm 2002 khi cùng tranh tài trong một giải đấu quần vợt. Từ sau lần đấu tennis hôm ấy, tình cảm của đôi bạn thanh mai trúc mã đã nảy nở và họ quyết định hẹn hò trong bí mật. Cặp đôi chủ yếu liên lạc qua điện thoại, đến cả lời tỏ tình và lời cầu hôn cũng được gửi qua email, chính vì vậy nên hãng thông tấn Kyodo News cho rằng họ chính là đại diện cho tình yêu thời kĩ thuật số.

Sau khi chuyện tình của công chúa được công khai, rất nhiều người đã đùa rằng ai muốn cưới được một thành viên hoàng tộc thì nên... chăm đi chơi quần vợt, vì cả Nhật hoàng Akihito lẫn công chúa Sayako đều gặp được người trong mộng của mình trên sân tennis.

Câu chuyện tình đẹp như cổ tích đã kết thúc bằng một đám cưới giản dị của cặp đôi tại khách sạn Hoàng gia, Tokyo vào ngày 5-10-2005. Công chúa chọn mặc bộ váy cưới màu trắng giản dị và đeo một chuỗi ngọc trai cổ điển thay vì mặc bộ kimono 12 lớp như truyền thống, còn chú rể mặc một bộ vest đuôi tôm đen. Sau lễ cưới, công chúa trở thành một công dân bình thường, nhận quà hồi môn là khoản tiền trị giá 1,28 triệu USD theo đúng luật kinh tế hoàng gia và bắt đầu cuộc sống mới với chồng tại một khu căn hộ cho thuê gần hoàng cung.

Cô cũng từ bỏ công việc nghiên cứu chim cảnh để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho gia đình. Cựu công chúa nhanh chóng trở thành thần tượng của giới trẻ Nhật bản vì dám từ bỏ địa vị và quyền lực để đi theo tiếng gọi tình yêu. Cô càng được yêu mến hơn sau khi báo chí tiết lộ trước khi cưới chồng, Sayako đã tập sống như dân thường để chuẩn bị cho cuộc sống sau này: cô tự học cách lái xe, tự đi siêu thị lần đầu tiên trong đời, tập nấu những món truyền thống phức tạp, tập giao tiếp ứng xử... Cô thậm chí còn tự tin lái xe dạo quanh Tokyo đông đúc, dĩ nhiên là với một đoàn cận vệ tháp tùng.

Khi nhiều phóng viên bày tỏ thắc mắc rằng liệu công chúa có thể thích nghi với cuộc sống có phần vất vả của một thường dân, ông Watanabe vốn là người hầu cho hoàng tộc đã kể rằng: “Từ khi mới học lớp 1, công chúa đã được giao nhiệm vụ lấy báo và sữa cho cả gia đình. Đến khi lên cấp 2, công chúa được hoàng hậu Michiko dạy dỗ và uốn nắn theo cách của một người mẹ thông thường chứ không phải như một hoàng hậu, đơn giản vì hoàng hậu cũng xuất thân từ một gia đình thường dân. Gần đây, công chúa còn tự nấu cơm hộp mang đi làm và mời đồng nghiệp ăn cùng nữa, nên tôi nghĩ công chúa sẽ ổn thôi”.

Công chúa mong muốn được phụng dưỡng nhà chồng

Năm 2014, người dân Nhật Bản lại một lần nữa được chứng kiến một chuyện tình đẹp như mơ của một nàng công chúa khác - công chúa Noriko. Cô sinh ngày 22-7-1988, là con gái thứ hai của hoàng thân Norihito Takamado và công chúa Hisako Takamado. Công chúa Noriko nổi tiếng bởi vẻ đẹp lạnh lùng và trình độ học vấn ấn tượng của mình. Tháng 4 năm 2007, công chúa trở thành sinh viên Khoa Tâm lý học thuộc Đại học Hoàng gia Gakushuin và tốt nghiệp với điểm số xuất sắc vào ngày 20-3-2011.

Vào ngày 27-5-2014, nội cung Nhật Bản chính thức đưa ra thông báo về lễ thành hôn của công chúa và anh Kunimaro Senge. Tuy mang tiếng là thường dân, nhưng anh Senge thực chất có xuất thân không hề bình thường: anh là người kế thừa ngôi đền Izumo-taisha, một trong những ngôi đền cổ xưa nhất và quan trọng nhất của Thần đạo - tôn giáo chủ yếu của người dân Nhật Bản. Cách cặp đôi này gặp mặt cũng đẹp như một câu chuyện ngôn tình.

Gia đình anh Kunimaro Senge vốn có mối quan hệ thân thiết với gia đình công chúa, tuy nhiên hai người lại không hề quen biết nhau, một phần vì khoảng cách tuổi tác: anh hơn công chúa tới 15 tuổi. Công chúa chỉ thực sự quen biết chồng tương lai của mình khi đã là sinh viên đại học, sau khi hai người tình cờ chạm mặt và nhận ra thân thế của nhau trong một chuyến tham quan ngôi đền ở tỉnh Izumo, Shimane. Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết vì cùng đam mê chim và cây cảnh, sau đó dần dần tiến tới mối quan hệ yêu đương.

Công chúa Noriko.

Vào tháng 10 năm 2014, cặp đôi tổ chức đám cưới tại chính ngôi đền mà anh Kunimaro Shinge sẽ tiếp quản. Khác với đám cưới ấm cúng và giản dị của công chúa Sayako, đám cưới của công chúa Noriko được tổ chức theo đúng truyền thống và được mô tả là rất trang nghiêm và mang đậm không khí Thần đạo. Tổng cộng 21 khách mời, bao gồm thân mẫu của công chúa là công chúa Hisaku, chị gái của cô là công chúa Tsuyuko và em gái của cô là công chúa Sayako, cùng với người thân và họ hàng của chú rể... tham dự đám cưới. Tuy nhiên, có tận 600 người - hầu hết là bạn bè của cô dâu và chú rể được mời tham dự lễ cưới lần hai của cặp đôi tại Matsue. Hoàng tử Naruhito, công chúa Masako và thủ tướng Shinzo Abe cũng tham dự bữa tiệc này.

Sau lễ cưới, khi được hỏi về cảm nghĩ của mình, anh Senge chỉ trả lời đơn giản như sau: “Trong lúc hành lễ thực ra tôi đã rất lo vì có một cơn bão to đang kéo tới, may mà lễ cưới kết thúc kịp lúc”. Anh cũng nói thêm rằng anh mong hai vợ chồng sẽ có một cuộc sống yên bình và hạnh phúc mãi mãi về sau. Khác với cuộc hôn nhân của công chúa Sayako với chàng kiến trúc sư nghèo mồ côi cha Yoshiki Kuroda, các thành viên của hoàng tộc rất ủng hộ cặp vợ chồng công chúa Noriko, sở dĩ vì Kunimaro Shinge là người thừa kế của một ngôi đền lớn và có thế lực.

Công chúa Hisako còn chúc phúc cặp vợ chồng son qua một thông cáo báo chí rằng bà hy vọng họ sẽ có một cuộc sống tràn đầy niềm vui và có thể cùng nhau gây dựng một gia đình hòa thuận. Cuộc hôn nhân của công chúa Noriko cũng rất được người dân hoan nghênh: trong lễ thành hôn của hai người ở điện thờ, có tới 2.200 người đã đứng bên ngoài để reo hò và chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới.

Đám cưới hoàng gia càng trở nên nổi tiếng khi bộ váy cưới kiểu phương Tây và chiếc vương miện của công chúa trong đám cưới thứ hai trở nên nổi tiếng trong giới trẻ. Sau đám cưới, công chúa sẽ từ bỏ tước vị, nhận khoản hồi môn triệu USD và chuyển đến sống với chồng trong một căn hộ gần điện thờ để dễ dàng phụng dưỡng gia đình nhà chồng.

Công chúa ăn... cơm hộp

Sáng 17-5-2016, thông tin công chúa Nhật Bản Mako sẽ từ bỏ thân phận hoàng gia để kết hôn với chàng “hoàng tử” của mình đã khiến cả nước Nhật phải dõi theo. Lý do khiến cho thông tin này trở nên đáng chú ý đến vậy cho dù đây không phải lần đầu một cô công chúa của xứ sở Mặt trời mọc rũ bỏ vinh hoa phú quý vì tình yêu, là vì công chúa Mako là một gương mặt nổi bật của hoàng tộc và cũng là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ.

Công chúa sinh ngày 23-10-1991, là cháu gái đầu lòng của Nhật hoàng Akihito và là con gái cả của hoàng tử Akishino. Cô được yêu mến vì vẻ ngoài giản dị nhưng không kém phần đáng yêu và nụ cười thân thiện của mình.

Công chúa Mako.

Công chúa cũng được mến mộ vì lý lịch học vấn sáng chói: cô tốt nghiệp Trường Trung học phổ thông Hoàng gia Gakushuin, nhưng không giống như rất nhiều thành viên hoàng tộc khác, công chúa đã chọn theo học trường Đại học Quốc tế Công giáo Tokyo thay vì tiếp tục ghi danh vào bậc đại học của trường Gakushuin. Cô là sinh viên Khoa Nghệ thuật, chuyên ngành Nghiên cứu di sản văn hóa và nghệ thuật.

Trong quá trình học tập tại Đại học Quốc tế Công giáo Tokyo, công chúa được chọn tham dự chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Edinburgh của Anh trong 9 tháng. Cô tiếp tục theo học thạc sĩ đại học danh tiếng Leicester, Anh vào năm 2016 và hiện đang là việc tại bảo tàng Tokyo trong khi chuẩn bị học lên bậc tiến sĩ. Chàng “phò mã” của cô công chúa đa tài này tên Kei Komuro, bạn học đại học của công chúa ở Nhật.

Có một điều thú vị là biệt danh của anh là “Hoàng tử đại dương” vì anh từng là gương mặt đại sứ du lịch cho thành phố cảng Yokohama. “Soái ca” với nụ cười tỏa nắng này hiện đang là trợ lý pháp lý cho một hãng luật tại Tokyo song song với việc học lên thạc sĩ Luật Kinh tế.

Chuyện tình của cặp đôi trai tài gái sắc này bắt đầu khi họ gặp nhau trong trường đại học và trở nên thân thiết vì có chung nhiều sở thích như chơi violin và trượt tuyết. Công chúa nhanh chóng bị chinh phục bởi vẻ đẹp trai và tính cách ân cần của người bạn cùng lớp, trong khi “Hoàng tử đại dương” cũng sớm phải lòng cô công chúa dịu dàng.

Cả lớp đều biết và ngưỡng mộ cặp đôi này, một người bạn học kể lại rằng: “Tôi thường bắt gặp họ ăn cơm hộp với nhau trong một quán cà phê trên khuôn viên trường. Trông họ lúc nào cũng rất hạnh phúc”.

Theo nguồn tin của Đài Truyền hình NHK, Mako đã giới thiệu bạn trai với hoàng tử Akishino và công nương Kiko và nhận được sự ủng hộ của cha mẹ. Hoàng gia Nhật Bản cho hay, Kei Komuro là một chàng trai tốt và rất đáng ngưỡng mộ. Anh sinh ra và lớn lên ở Yokohama, gần Tokyo.

Kei Komuro sống cùng ông nội và mẹ, còn cha anh đã qua đời từ khi anh còn rất nhỏ. Anh được hàng xóm nhận xét là một chàng trai ân cần và hiếu thảo, sáng nào cũng đi bộ cùng mẹ và đưa mẹ anh đến chỗ làm. Phần đông dư luận cho rằng anh là chàng trai hoàn hảo dành cho công chúa Mako và rất nhiều người dân đang trông đợi đám cưới thế kỉ này.

Thi San
.
.