Melania Trump – Đệ nhất phu nhân không giống ai

Thứ Tư, 12/04/2017, 10:00
Giới quan sát đánh giá Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump là một “người vô hình” qua việc bà rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, càng ít nói chuyện, phát biểu trong nhiều sự kiện.

Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng ở Washington hôm 29-3, bà Melania đã khiến mọi người chú ý bằng hành động tôn vinh những người phụ nữ can đảm và kêu gọi sự khoan dung dành cho phụ nữ toàn thế giới. Nó đánh dấu một trong những hoạt động nổi bật của bà, trái ngược với chính sách của Tổng thống Donald Trump.

Donald Trump và Melania.

Thời trang đưa đường đến với “Giấc mơ Mỹ”

Melania Trump có tên cúng cơm là Melanija Knavs, sinh ngày 26-4-1970, tại thị trấn cổ kính Sevnica bên bờ sông Sava, miền trung Slovenia thuộc Nam Tư cũ (nay là nước Slovenia độc lập). Melania có cha là nhà buôn phụ tùng xe ôtô, còn mẹ là công nhân nhà máy dệt. Không có nhiều thông tin chi tiết về thời thơ ấu tại quê nhà của Melania, vì thời gian đã khá lâu kể từ khi bà rời quê hương đến Mỹ lập nghiệp.

Những bạn học cũ thời phổ thông, những người dân quê nơi bà sinh ra và lớn lên giờ cũng không còn mấy ai nhớ đến Melanija, mặc dù cũng có một số người nhớ rằng quê mình có một người hiện giờ đang nổi tiếng khắp thế giới. Ngay chính bản thân Melania cũng chỉ loáng thoáng kể lại thời thơ ấu là khoảng thời gian lặng lẽ sống quanh các khu rừng và dòng sông ở đất nước Slovania nhỏ bé thuộc Liên bang Nam Tư. Thời xã hội chủ nghĩa cuộc sống bình lặng, tất cả đều có kế hoạch, được phân bổ theo tiêu chuẩn, tem phiếu, nên chẳng có gì nhiều để Melania nhớ.

Trong một phát biểu trước đám đông trong giai đoạn vận động tranh cử của ông Trump vào năm 2016, bà Melania đã kể với cử tri rằng, năm bà lên 10 tuổi, một buổi sáng thức dậy, bà đã nghe tin tức loan báo ở bên Mỹ ông Ronald Reagan đã đắc cử Tổng thống, với khẩu hiệu “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” - được ông Trump mượn làm khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của mình.

Melania kể, sự kiện ông Reagan đắc cử Tổng thống và bài phát biểu mừng chiến thắng “Bình minh nước Mỹ” của ông đã ghi dấu ấn khó phai trong ký ức và đã trở thành động lực mạnh mẽ thôi thúc bà đến nước Mỹ.

Vài năm sau, Melania đi thi làm người mẫu và đã được toại nguyện. Nghề người mẫu đã đưa bước chân Melania từ thủ phủ Ljubljana đến các kinh đô thời trang lừng lẫy ở châu Âu như Milan, Paris, và vào năm 1996, Melania đặt chân lên kinh đô thời trang New York của nước Mỹ, bắt đầu thực hiện “Giấc mơ Mỹ” lần đầu tiên trong đời.

Melania thổ lộ: “Tôi yêu công việc của tôi, và là một doanh nhân trẻ tôi muốn theo đuổi ước mơ đi đến một nơi có nhiều tự do và cơ hội làm ăn hơn. Vì thế mà tôi đã đến đây”.

Melania Trump trao giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế hôm 29-3.

Melania đã nói, thời trang là ngành công nghiệp ồn ào náo nhiệt nhưng cũng “cực khổ trăm bề, cũng trồi sụt, lên xuống, có những đỉnh cao và cả sự chế giễu, cả sự khước từ”. Nhưng, nói gì thì nói, chính thời trang đã đưa đường dẫn lối để Melania đến với “Giấc mơ Mỹ” của cô, và cũng chính thời trang đã tạo điều kiện cho cô gặp gỡ vị tổng thống tương lai - doanh nhân Donald Trump giàu có và mê gái đẹp.

Hai năm sau khi cô đến Mỹ, năm 1998, hai người gặp nhau tại hộp đêm Kit Kat Club ở khu Manhattan, New York. Khi đó, bà chủ thời trang Melania mới 28 tuổi, còn ông Trump lớn hơn bà 24 tuổi. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để Melania khước từ lời “tỏ tình” đầu tiên của ông Trump, mà là do ông đi cùng môt phụ nữ khác và mới vừa di lỵ với người vợ thứ hai tên Marla Maples.

“Đẹp trai không bằng nói dai” - Trump kiên trì “cưa cẩm” và cuối cùng người đẹp cũng bị “đổ”. Năm 2000, hai người bắt đầu mối quan hệ tình cảm khi ông Trump có ý định ra tranh cử tổng thống đại diện đảng Cải cách (Reform).

Năm 2005, hai người làm đám cưới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach, bang Florida, mời 450 khách trong đó có vợ chồng cựu Tổng thống Bill và Hillary Clinton và cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, hiện là cố vấn thân cận của ông Trump. Họ có với nhau một con trai đặt tên là Barron, năm nay 12 tuổi.

Đệ nhất phu nhân “người vô hình”

Melania khởi đầu vai trò Đệ nhất phu nhân theo một cách hết sức âm thầm, lặng lẽ một cách không bình thường. Kể từ sau lễ nhậm chức hoành tráng hôm 20-1, thay vì dọn vào Nhà Trắng sinh sống như các đệ nhất phu nhân trước đây, bà Melania lại chọn ở lại New York, ngồi trong tòa Tháp Trump theo dõi việc làm ăn kinh doanh. Dư luận, báo chí xuất hiện điều tiếng về hiện tượng khác thường này.

Melania giải thích rằng, bà chọn phương án không đến Washignton chỉ đơn giản vì Barron còn phải đi học, phải hoàn thành nốt năm học tại New York. Mà không chỉ có việc đến hay không đến ở trong Nhà Trắng. Ngay cả việc lên mạng xã hội Twitter để giao tiếp với cộng đồng, bà cũng hết sức “lười”.

Vợ chồng Trump quả đúng là một cặp tương phản có một không hai: Donald ồn ào bao nhiêu, Melania im lặng bấy nhiêu. Trong khi ông Trump thì lên Twitter suốt ngày suốt đêm, còn trang cá nhân Twitter của Melania vốn được hàng triệu người theo dõi lại im lìm, trống trơn, chỉ duy nhất một dòng Twit kể từ hôm ông Trump nhậm chức cho đến nay.

Melania Trump trò chuyện với người tiền nhiệm, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Thực tế Melania không hoàn toàn ở hẳn New York, cũng không hoàn toàn im tiếng trong mọi vấn đề. Tuy không thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Trump trong các chuyến công tác hay làm những việc thường xuyên của một đệ nhất phu nhân như những người tiền nhiệm thường làm, Melania thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong các sự kiện quan trọng. Chẳng hạn như dịp lễ Quốc tế Phụ nữ 8-3 vừa qua, bà đã chủ trì buổi chiêu đãi tại Nhà Trắng.

Tối ngày 28-3, bà tiếp tục tham dự một sự kiện dành cho các thượng nghị sĩ và phu nhân (phu quân) của họ tại Nhà Trắng. Trong sự kiện do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức hôm 29-3, Melania đã trực tiếp trao Giải thưởng Phụ nữ dũng cảm quốc tế cho 12 người phụ nữ đến từ nhiều quốc gia Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á (trong đó có Việt Nam), và đây cũng là lần đầu tiên người ta thấy bà xuất hiện trong một sự kiện công cộng mà không nhắc gì đến người chồng tổng thống.

“Bất cứ nơi đâu phụ nữ bị hạ thấp, cả thế giới bị hạ thấp cùng họ. Tuy nhiên, nơi nào phụ nữ được trao cho sức mạnh, thì ở đó làng mạc, thành thị, trường học và đất nước cũng được thêm sức mạnh” - bà Melania nói trước đám đông cử tọa. Không chỉ nói.

Những cử chỉ của bà Melania trên sân khấu sự kiện, như trao hoa, bắt tay, thăm hỏi, trò chuyện với những người phụ nữ nhận giải thưởng thể hiện một tình cảm ấm áp được đánh giá là khoản bù đắp quan trọng cho những gì ông Trump đã làm đối với phụ nữ.

Melania được đón nhận một cách trân trọng qua phát biểu hiếm hoi đó. Nhưng, giới phân tích, nhất là những người không ưa thích Tổng thống Donald Trump, cũng nhanh chóng hướng sự chú ý đến khía cạnh khác của câu chuyện. Đó là những gì bà Melania nói và làm đều đang cho thấy một “mặt khác” so với những phát biểu, chính sách và hành động của Tổng thống Trump.

Teresa Younger thuộc nhóm vận động Foundation For Women nhận xét: “Phát biểu của bà Melania về sự cần thiết trao sức mạnh cho phụ nữ là hoàn toàn đối nghịch với chính sách của Tổng thống Trump”. Các chính sách đó bao gồm việc mới đây ông Trump đã quyết định cắt tài trợ của Chính phủ Mỹ cho Liên Hiệp Quốc thực hiện chương trình bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ các nước đang phát triển, đồng thời đang xem xét cắt giảm tài trợ chương trình chăm sóc y tế nhân đạo cho hàng triệu phụ nữ châu Phi.

Donald Trump và Melania khi hai người mới cưới nhau vào năm 2005.

Nhiều người lên mạng xã hội Twitter để đả kích việc Melania thực hiện hành động tôn vinh phụ nữ trong khi vẫn không thể khuyên nhủ chồng mình đối xử tốt hơn với phụ nữ. Người ta cũng phê phán Melania vì đã im lặng hoặc lên tiếng bảo vệ chồng trước hàng loạt cáo buộc ông Trump lạm dụng tình dục được báo chí phanh phui trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái.

Cho dù Melania đã cố gắng giữ mình kín đáo, lui vào hậu trường, ít xuất hiện, bà vẫn không thể thoát khỏi ống kính soi mói của giới truyền thông. Nhà báo David Smith của tờ New York Times cho rằng, một khi đã là vợ của một người “ai cũng biết” như ông Trump thì thật khó cho bà Melania khi muốn làm theo ý mình, tức ẩn mình sau cánh rèm chính trị để lo chuyện làm ăn riêng.

Quả thật thế, từ khi ông Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, Melania bắt đầu trở thành mục tiêu “chăm sóc đặc biệt” của truyền thông. Tháng 8-2016, trong lúc cuộc vận động tranh cử bước vào giai đoạn quyết định, trên các tờ báo mạng bỗng xuất hiện một loạt hình ảnh khỏa thân của bà. Ông Trump đã tức khí cáo buộc các đối thủ trong cuộc đua sơ bộ trong đảng Cộng hòa “chơi xấu”.

Chưa hết, cũng trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử, báo chí Mỹ và quốc tế đã đưa ra nhiều thông tin bất lợi xoáy sâu vào những chuyện đời tư trong quá khứ của bà, như việc hãng tin AP tung thông tin bà từng “làm chui” trước khi được cấp phép lao động trong ngành thời trang.

Rồi đến tờ báo Daily Mail đăng tin rằng trước khi bước vào nghề người mẫu, bà từng làm “gái bao”. Melania đã đâm đơn kiện tờ báo này, đòi bồi thường danh dự 150 triệu USD, và vụ kiện cho đến nay vẫn chưa kết thúc.

Vấn đề báo chí đào sâu nhiều nhất kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống chính là thân phận người nhập cư của bà. Melania đã từng kể về khoảng thời gian 10 năm đầu đến Mỹ, bà đã phải vất vả thế nào để xin được vào quốc tịch Mỹ. Đó là kỷ niệm khó quên đầu tiên của bà trên đất Mỹ. Vì thế bà thông cảm và hiểu cho người nhập cư ở Mỹ khi họ đang đối mặt với chính sách trục xuất người nhập cư và hạn chế nhập cư vào nước Mỹ của chồng.

Thế nhưng báo chí cho rằng chính bà Melania là một sự thật mỉa mai của ông Trump với tư cách là một người nhập cư, sau nhiều năm phấn đấu để trở thành công dân Mỹ và thành công trong cuộc sống. Báo chí cho rằng câu chuyện thành công với “Giấc mơ Mỹ” của bà Melania là một minh chứng cho sự bất hợp lý trong chính sách đối với người nhập cư của chồng bà, Tổng thống Trump.

Báo chí so sánh bà với các đệ nhất phu nhân Mỹ gần đây nhất để tìm xem bà có giống ai trong số họ không, để xem bà có đảm trách một vai trò nổi bật nào như họ không, chẳng hạn như bà Barbara Bush theo đuổi chương trình xóa mù chữ, bà Hillary Clinton chủ trì chương trình cải cách chăm sóc y tế, rồi bà Michelle Obama tham gia chương trình chống béo phì. Còn Melania?

Trả lời báo chí gần đây, Melania tuyên bố rằng bà muốn phát động một cuộc chiến chống lại tình trạng “côn đồ không gian ảo”, tức ném đá, bêu riếu, hăm dọa, trấn áp người khác thông qua phương tiện mạng Internet. Tuyên bố của bà Melania có lẽ xuất phát từ việc bà cũng từng là nạn nhân của tình trạng này (như đã nêu ở phần trên).

Tuy nhiên, báo chí, như tạp chí phản biện Mother Jones cho rằng rất khó cho Melania thực hiện trọn vẹn tâm nguyện của mình, bởi trở ngại lớn nhất đang hiện hữu ngay bên cạnh bà: đó là chồng bà, Tổng thống Trump, người chuyên sử dụng mạng xã hội Twitter để làm đủ mọi chuyện, kể cả đối đầu với cộng đồng tình báo Mỹ.

Trong một lần trả lời kênh truyền hình CNN tháng 10-2016, Melania đã từng nói rằng bà sẽ không ngại cho chồng một vài lời khuyên nhủ, chẳng hạn như “hãy từ bỏ việc nói chuyện trên Twitter”.

An Châu
.
.