Một “phiên bản Macron” ở Áo

Thứ Ba, 30/05/2017, 14:29
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua, với chiến thắng ấn tượng của ứng cử viên trẻ tuổi Emmanuel Macron và sự vươn lên mạnh mẽ của đảng La REM (Nền cộng hòa tiến lên) của ông đã gây cảm hứng cho nhiều nơi ở châu Âu. Đặc biệt, ở Áo, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này, Sebastian Kurz cũng đang mong muốn làm một “Macron thứ hai”.

Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz có tuổi đời còn rất trẻ, năm nay mới 31 tuổi. Sebastian Kurz tham gia đảng Nhân dân Áo (OVP) từ năm 16 tuổi và đến năm 2009 trở thành lãnh đạo tổ chức thanh niên của đảng này. Năm 2010, ông trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công ở kỳ bầu cử địa phương.

Tháng 4-2011, khi chưa tròn 25 tuổi, chàng sinh viên ngành luật chính thức đặt chân vào nội các của Áo ở vị trí Thứ trưởng chuyên trách Hòa nhập xã hội trực thuộc Bộ Nội vụ. Ngay sau đó, ông tạm rời ghế giảng đường đại học để chuyên tâm vào sự nghiệp chính trị. Vào tháng 12-2013, Sebastian Kurz đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao trẻ tuổi nhất thế giới. Áo được xem là quốc gia châu Âu có những chính trị gia tuổi trẻ tài cao được giao các trọng trách trong bộ máy chính quyền.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz.

Năm 2000, Bộ trưởng Kinh tế Karl-Heinz Grasser nhậm chức khi mới 31 tuổi. Từ năm 2011, Áo có 3 nghị sĩ dưới 30 tuổi, trong đó bà Laura Rudas được xem là nhân vật số 2 của đảng SPO. Sebastian Kurz có phong cách rất năng động, trẻ trung và giản dị, hầu như ít khi đeo cà vạt khi xuất hiện trước công chúng, không dùng xe công vụ và xây dựng được quan hệ tốt với giới truyền thông.

Hôm Chủ nhật 14-5 vừa qua, Kurz đã tuyên bố rằng, ông sẽ xóa bỏ quy trình tuyển chọn ứng viên theo khu vực bầu cử truyền thống của đảng OVP do ông làm chủ tịch, thay thế bằng một danh sách tuyển chọn mới hoàn toàn, cân bằng giới tính, bao gồm những ứng cử viên là người độc lập, không đảng phái được đảng OVP phê chuẩn.

Truyền thông Áo mô tả động thái của Ngoại trưởng Kurz là dấu chấm hết cho trật tự chính trị thời kỳ hậu chiến tranh ở Áo. Sebastian Kurz cũng vừa mới lên làm Chủ tịch lâm thời của đảng trung hữu OVP sau khi được các quan chức cấp cao trong đảng này bầu lên, thay thế cho cựu Chủ tịch Reinhold Mitterlehner từ chức trước đó một tuần.

Với chức Chủ tịch lâm thời đảng OVP, Sebastian Kurz đã được các quan chức cấp cao của đảng trao cho quyền hạn để tái thiết lại mô hình hoạt động của đảng. Sebastian Kurz chia sẻ với báo chí rằng, ông “coi trọng những thế mạnh hiện hữu bên trong đảng OVP nhưng đồng thời cũng đưa thêm những người mới vào”.

OVP đã trở thành một thế lực chính trị hùng mạnh ở Áo kể từ khi đảng này được thành lập vào năm 1945. 6 trong số 14 vị Thủ tướng Áo thời kỳ hậu chiến tranh đều xuất thân từ đảng OVP và đảng này hiện đang là một đối tác nhỏ liên minh với đảng cầm quyền SPO.

Một cuộc bầu cử sớm dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15-10-2017. Cũng trong ngày 14-5, Thủ tướng Áo Christian Kern đã tuyên bố một cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn sẽ được tổ chức trong năm nay để tạo điều kiện cho những người mang tinh thần cải cách, ý tưởng sáng tạo mới lên nắm quyền điều hành đất nước.

Dư luận đều cho rằng, người được mong đợi sẽ mang lại sinh khí mới cho đất nước chính là Bộ trưởng Ngoại giao Sebastian Kurz. Ngoài ra, cuộc bầu cử quốc hội sớm trong tháng 10 năm nay còn tạo cơ hội tốt cho đảng cực hữu Tự do (FPO) lần đầu tiên bước chân vào bộ máy chính phủ chỉ một năm sau khi ứng cử viên của đảng này thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Thủ tướng Áo Christian Kern.

Các cuộc thăm dò dư luận trong vài tuần gần đây cho kết quả đảng FPO dẫn trước “nhẹ nhàng” đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Kern. Tuy nhiên, các khảo sát cử tri cũng cho thấy những gợi ý rằng, đảng OVP sẽ vượt lên dẫn đầu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Kurz được tập thể đảng trao cho quyền lãnh đạo cao nhất.

Đảng OVP từng dẫn đầu liên minh cầm quyền với sự hợp tác của đảng cực hữu FPO của chính trị gia cực hữu nổi tiếng một thời Jorg Haider. Việc khôi phục lại một liên minh cầm quyền như thế không phải là điều cấm kỵ đối với Sebastian Kurz. Về chính sách cũng vậy, Kurz có khả năng sẽ có nhiều điểm chung với đảng FPO hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao Sebastian Kurz được nhiều cử tri Áo hữu khuynh hâm mộ vì đã vận động các quốc gia láng giềng đóng cửa đường biên giới phía tây vùng Balkan vào tháng 3-2016 để ngăn dòng người tị nạn tràn vào châu Âu. Đồng thời, ông cũng nổi tiếng với quan điểm cứng rắn đối với vấn đề kết nạp thành viên EU cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sebastian Kurz thường xuyên nói đến việc sẽ “học tập” phong trào En Marche! của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Và Kurz đã gọi điện chúc mừng ông Macron ngay sau khi ông giành chiến thắng, đánh bại “chính trị cánh tả”. Trong khi đó, Kurz cho thấy đang tiến hành những bước đi theo hướng như đã tuyên bố.

Trong danh sách ứng cử viên của đảng OVP, người ta thấy có những cái tên đáng chú ý như cựu thẩm phán Imgard Griss, người từng về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, và Sepp Schellborn, ông chủ nhà hàng và là thành viên của đảng Neos theo đường lối tự do.

Tuy nhiên, nhiều người phản đối Sebastian Kurz cho rằng cái phong trào chính trị mới mà ông muốn xây dựng chẳng khác gì mấy so với đảng OVP trước đây, chẳng qua chỉ là “bình mới rượu cũ” được bồi thêm một chút chiêu thức PR. Có ý kiến băn khoăn liệu kế hoạch chính trị mới của Kurz có khả thi hay không. Điều lệ của đảng OVP cho phép những người không phải là thành viên được ứng cử trong danh sách của đảng này, nhưng cấm thành viên của các đảng phái khác.

Với tính cách năng động, đầy nhiệt huyết và có phần “nổi loạn” một chút, Sebastian Kurz có thể tạo nên cơn sốt mới trên chính trường Áo, theo kiểu tương tự như ông Macron từng làm tại Pháp. Còn làm được như thế nào, thành công đến mức độ nào tùy vào năng lực thực sự của vị chính khách trẻ và được xem là điển trai nhất trong giới ngoại giao.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.