Nga với tuyên bố của Mỹ về OST

Thứ Năm, 04/06/2020, 16:16
Những cáo buộc nhằm vào Nga và lời đe dọa rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) đã được phía Mỹ nêu lên từ nhiều năm trước. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, những bất đồng này được xem là không đáng kể.

Ngay cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đều nhấn mạnh việc tham gia hiệp ước là cần thiết và các đồng minh của Mỹ cũng ủng hộ việc này. Tuy nhiên, dưới thời ông Donald Trump, quan điểm lại thiên về đánh giá rằng các hiệp ước quốc tế ràng buộc và không cho phép Mỹ giải phóng toàn bộ sức mạnh. Và đây là mấu chốt vấn đề.

Tính toán của người Mỹ

Dưới thời Tổng thống Trump, Washington đã rút khỏi hàng loạt hiệp ước và cam kết quốc tế như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hay Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) và hiện giờ là đe dọa rút khỏi Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí START-3, Tổ chức Y tế yhế giới (WHO)...

Giới thân cận với Tổng thống Trump từ lâu đã cho rằng Hiệp ước Bầu trời mở là có hại cho Mỹ. Họ cho rằng Nga được lợi hơn từ văn kiện này. Đồng thời, các chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc quả quyết rằng mọi thông tin cần thiết về những gì đang diễn ra ở Nga có thể được thu thập bằng các vệ tinh quân sự hiện đại và các chuyến bay do thám với phương tiện tối tân hơn.

Trong bối cảnh đó, việc duy trì các máy bay cũ kỹ cùng các thiết bị lỗi thời theo OST là lãng phí không cần thiết. Vì thế, ngay cả những cáo buộc rất mâu thuẫn và mơ hồ nhắm vào Nga vẫn được Mỹ coi là phù hợp để rút khỏi thỏa thuận.

Giáo sư Vadim Kozyulin, Học viện Khoa học quân sự Nga cho rằng các chuyến bay giám sát của Nga qua các khu vực có ý nghĩa chiến lược ở Mỹ có thể là đề tài nhạy cảm trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và điều này có thể tác động đáng kể đến tâm lý của cử tri cũng như kết quả bầu cử. Tuy nhiên, theo giáo sư Vadim Kozyulin, có sự mất cân bằng giữa Mỹ và Nga trong vấn đề này.

Từ lâu, Lầu Năm Góc đã đánh giá OST là lỗi thời và không đầu tư phương tiện giám sát hiện đại cho mục đích này. Trong khi đó, gần đây Nga đã sở hữu loại máy bay do thám mới Tu-214ON. Xét về khả năng kỹ thuật của các thiết bị trinh sát được lắp đặt, Tu-214ON vượt trội hơn đáng kể so với máy bay trinh sát hiện có của Mỹ là Boeing OC-135B và loại của các quốc gia châu Âu.

Nga đã đề nghị chứng nhận loại máy bay này đủ điều kiện thực hiện hoạt động giám sát trong khuôn khổ OST. Washington đã phản đối việc này nên ngay cả khi được chấp nhận đi chăng nữa, loại máy bay mới này của Nga vẫn không được phép bay trên lãnh thổ Mỹ.

Tu-214ON được cho là vượt trội hơn so với máy bay trinh sát hiện có của Mỹ và châu Âu.

Cân nhắc thiệt hơn

Theo Andrei Baklisky, Giám đốc Chương trình nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời là chuyên gia của Câu lạc bộ Nghiên cứu quốc tế Nga, bước đi của Washington có ảnh hưởng nhất định  đối với hệ thống an ninh quốc tế. Tuy nhiên, nếu so với việc rút khỏi INF hay START-3 thì không nghiêm trọng bằng. Điều này cho thấy một xu hướng tiêu cực, đó là sự ổn định và niềm tin giữa các quốc gia đang bị lung lay.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Nga nhất thiết phải giống Mỹ. Nếu Nga vẫn ở lại (OST), những thành viên châu Âu của hiệp ước sẽ vẫn duy trì nó. Nga sẽ vẫn có thể thực hiện các chuyến bay giám sát trên khắp châu Âu, nơi có rất nhiều căn cứ của Mỹ.

Phó Chủ tịch Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, Trung tướng Evgeny Buzhinsky cho rằng khi quyết định đáp trả ra sao, Nga cần phải tính đến cả những bất lợi và lợi thế của việc tiếp tục tham gia OST. Nga có căn cứ khi lo ngại rằng ngay cả sau khi rút khỏi OST thì Mỹ vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc các đồng minh của họ vẫn tham gia và chia sẻ cho Mỹ thông tin thu thập được.

OST hoạt động theo hệ thống hạn ngạch, mỗi quốc gia có nghĩa vụ đáp ứng số lượng tối thiểu các chuyến bay giám sát. Do đó, không loại trừ việc các thành viên NATO sẽ bù đắp chỗ trống mà Mỹ để lại bằng cách tăng thêm các chuyến bay giám sát Nga. Trong khi đó, Nga rõ ràng không thể tiếp tục giám sát lãnh thổ Mỹ.

Mặt khác, mặc dù sẽ mất khả năng giám sát Mỹ nhưng Nga vẫn có thể theo dõi các bên còn lại trong hiệp ước, điều chắc chắn Moscow cũng quan tâm. Thực tế cho thấy, Nga chỉ sử dụng khoảng 14% tổng số chuyến bay theo hạn ngạch để giám sát lãnh thổ Mỹ, phần lớn còn lại được thực hiện trên lãnh thổ các quốc gia khác. Do đó, việc tiếp tục tham gia OST sẽ cho phép Nga có cơ hội quan sát lực lượng của các đối tác châu Âu và hoạt động quân sự của Mỹ ở lục địa này.

Đặc biệt, trong thời gian kể từ năm 2014 trở lại đây, sự hiện diện của Mỹ tại các nước thành viên phía Đông của NATO ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh này, Nga có thể tận dụng hạn ngạch các chuyến bay không thực hiện ở Mỹ để tăng cường theo dõi các nước thành viên của NATO.

Cũng theo tướng Evgeny Buzhinsky, còn một khía cạnh khác mà Nga không thể đánh giá thấp về OST, đó là vai trò quan trọng của nó như một công cụ xây dựng lòng tin ở châu Âu, chứ không chỉ đơn thuần là việc các quốc gia thành viên chụp ảnh lãnh thổ của nhau. Việc phối hợp và thực hiện các chuyến bay giám sát như vậy cho thấy sự hợp tác quân sự chặt chẽ và đáng tin cậy, bao gồm cả việc đại diện các bên được và bị giám sát có mặt trên máy bay trong suốt chuyến bay.

OST vẫn là một trong số ít các kênh tương tác chuyên nghiệp hiện có giữa quân đội Nga và phương Tây, rõ ràng nó xứng đáng để được tiếp tục duy trì. Đối với Nga, lợi ích của việc tiếp tục tham gia hiệp ước này lớn hơn những thiếu sót, hạn chế từ việc Mỹ rút khỏi. Nếu Nga tuyên bố sẵn sàng duy trì Hiệp ước Bầu trời mở kể cả không có Mỹ tham gia, nó sẽ nhận được sự hoan nghênh của các bên còn lại và giúp cho công cụ quan trọng này tiếp tục sứ mệnh lịch sử đối với an ninh châu Âu.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.