Người chủ xướng luận tội bà Dilma bị bắt vì tham nhũng

Thứ Ba, 25/10/2016, 17:55
Chính trị gia cơ hội của Brazil Eduardo Cunha vừa bị cơ quan chức năng bắt giam hôm 19-10 với các cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Đáng chú ý, ông Cunha chính là người đã chủ xướng cuộc luận tội cựu Tổng thống Dilma Rousseff khiến bà bị phế truất trong cái gọi là “đảo chính tư pháp” hiếm có trên thế giới.

Theo thông tin báo chí, ông Eduardo Cunha bị bắt liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ khoản tiền 116,5 triệu reai (37 triệu USD) trong vụ đại án tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, theo lệnh bắt do Thẩm phán liên bang Sergio Moro ký. Cunha hiện đang bị điều tra liên quan nhiều tội danh khác nhau, ngoài nhận hối lộ từ Petrobras còn nhận hối lộ từ ngân hàng quốc doanh Caixa Economica Federal.

Eduardo Cunha.

Cáo trạng của cơ quan công tố cho biết, ông Cunha đã gửi khoảng 2,3 triệu USD tại ngân hàng ở Thụy Sĩ, và đó chỉ mới là một phần nhỏ trong khối tài sản tham nhũng hàng trăm triệu USD. Cụ thể, các công tố viên tiết lộ, Cunha và gia đình mình đã dùng tiền tham nhũng để chi cho những chuyến du lịch xa xỉ, tiêu tốn đến 40.000 USD trong chuyến đi nghỉ ở Miami, và hàng chục nghìn USD cho những chuyến du lịch, mua sắm tại Paris, New York và Zurich. Cunha và vợ còn sở hữu một đội xe sang gồm những thương hiệu đắt tiền, như Porsche... 

Chính trường Brazil kể từ khi phát động chiến dịch chống tham nhũng mang tên Rửa xe (Lava Jito) điều tra bê bối tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras đã trở nên xáo trộn dữ dội, với hàng chục chính khách từ trung đến cao cấp trong các cơ quan quyền lực nhà nước và chính phủ bị bắt hoặc buộc phải từ chức.

Ông Cunha, cựu Chủ tịch Hạ viện Brazil, là chính khách cao cấp mới nhất bị rơi đài trong đại án tham nhũng Petrobras. Ông ta đã bị cơ quan chống tham nhũng điều tra trong từ gần một năm qua do những cáo buộc nhận tiền tài trợ bất hợp pháp từ Tập đoàn Petrobras. Trước khi bị bắt, Cunha đã bị tước quyền miễn trừ dành cho đại biểu Quốc hội, bị thôi chức chủ tịch và bị đuổi khỏi hạ viện tại cuộc bỏ phiếu ngày 12-9.

Ngoài ra, Cunha cũng bị cấm tham gia hoạt động chính trị 8 năm. Trong lời cuối cùng phát biểu tại Hạ viện ngay sau khi bị phế truất, ông Cunha đã “kêu oan”, cho rằng mình đã bị hy sinh vì mục đích chính trị hơn là vì ông vi phạm pháp luật.

Cunha nổi tiếng là một chính khách cơ hội ở Brazil. Khởi đầu sự nghiệp là một người dẫn chương trình phát thanh, sau đó Cunha chuyển sang nhà thờ Hội thánh Chúa Cứu thế, được bầu vào quốc hội vào năm 2003. Mưu mô, thủ đoạn của Cunha chính là tìm cách nắm được những bí mật riêng tư của các chính khách trong chính trường, để khống chế họ, buộc họ phục tùng quyền lợi chính trị cũng như kinh tế cho mình.

Chính vì nắm được “thóp” của nhiều chính khách khác, đồng thời là người nắm giữ hầu bao của chiến dịch tranh cử của đảng mà Cunha có được điều kiện thuận lợi để vươn lên vị trí quyền lực, nắm trong tay nhiều quyền lực cả “cứng” lẫn “mềm”. Quyền lực của Cunha khiến nhiều người trong đảng PMDB của ông và trong quốc hội không chỉ kiêng nể mà còn sợ hãi.

Công chúng không thể biết được hết về quyền lực “mềm” ông nắm trong tay, vì họ không được chứng kiến cũng không được thông tin đầy đủ về những gì diễn ra bên trong các định chế quyền lực quốc gia.

Các thành viên Hạ viện Brazil vui mừng sau khi bỏ phiếu phế truất Cunha hôm 12-9.

Sự kiện Cunha bị bắt đã phản ánh tính chất phức tạp và rối ren của chính trường Brazil trong giai đoạn hiện nay. Cuộc “đấu vật chính trị” giữa hai phe đảng cầm quyền và đối lập đã dẫn đến sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức chính trị, làm cho nền kinh tế đất nước rơi vào khủng hoảng, trì trệ, đi ngược với xu hướng kinh tế thế giới, đời sống khó khăn khiến cho dân chúng Brazil chán ngán và phẫn nộ.

Sự sa sút đó thể hiện rõ ở tỉ lệ công chúng ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff tụt giảm kỷ lục, và một cuộc điều tra chống tham nhũng được phát động làm rung chuyển các nền móng chính trị vững mạnh nhất trong vòng một thập niên qua. Trong cuộc “đấu vật” mới nhất hiện nay, đã có một tổng thống, hai chủ tịch hạ viện bị phế truất, hàng chục nghị sĩ, quan chức chính phủ, chính khách trong các đảng phái đã bị bắt hoặc mất chức.

Đây chỉ mới là kết quả bước đầu của chiến dịch chống tham nhũng Lava Jito. Nhưng đây cũng chính là màn “kéo nhau cùng ngã” - như nhận xét của cựu Tổng thống Fernando Henrique Cardoso. “Cunha rất tích cực trong việc hủy hoại Dilma; giờ đến lượt ông ấy bị hủy hoại” - Cardoso nói.

Kể từ khi nắm được quyền lực trong tay, Cunha được cho là rất ngạo mạn, chủ quan và thiếu thận trọng trong nhiều việc. Khi lên nắm quyền Chủ tịch Hạ viện, Cunha vẫn tự tin rằng mình “không thể bị sờ đến” vì tin rằng mình đang nắm trong tay nhiều “bí mật” mà giới chính khách nếu muốn được yên, muốn ông giữ im lặng thì phải đứng ra bảo vệ ông trong cuộc điều tra chống tham nhũng Lava Jito.

Thực tế đã chứng minh ngược lại: Không một ai có thể giúp ông ta che đậy được những chứng cứ rõ ràng về tội nhận hối lộ không chỉ một mà nhiều lần, từ nhiều nguồn khác nhau. Chính sự tha hóa về đạo đức do quyền lực che mờ mắt đã hủy hoại Cunha.

Trước khi rời khỏi chính trường, Cunha đã đưa ra cảnh báo rằng nhiều người khác cũng sẽ “nối gót” theo mình. Đây không phải lần đầu ông Cunha đưa ra lời lẽ “hăm dọa” như thế, do ông ta nắm được nhiều thông tin “bí mật” về những việc làm mờ ám của nhiều chính khách khác.

Hiện Cunha được cho là đang chuẩn bị viết một quyển hồi ký về cuộc đời hoạt động chính trị của mình, và người ta cho rằng trong đó sẽ chứa đựng nhiều thông tin “bí mật” riêng tư chưa từng được biết đến có thể khiến cho chính trường Brazil thêm một phen rúng động.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.