Nháo nhào lo cản bước… tỉ phú bạo miệng

Thứ Sáu, 11/03/2016, 14:00
Với việc liên tiếp giành chiến thắng tại hai sự kiện "siêu thứ Ba" (1-3) và "siêu thứ Bảy" (5-3) của vòng bầu cử sơ bộ, ứng viên Donald Trump đang vượt lên bỏ xa các đối thủ trong cùng đảng Cộng hòa, nhiều khả năng giành vé đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, những phát biểu gây sốc, gây tranh cãi của ông trong thời gian qua, nhất là kể từ khi bước vào đường đua, đã khiến dư luận quan ngại ông sẽ làm cho nước Mỹ mất đi bản sắc vốn có. Cả hai đảng trong cuộc đua đều đang tìm mọi cách để ngăn bước ông.

Đánh gã khổng lồ phải đánh… sau lưng!

Với những phát biểu gây sốc về người nhập cư, phụ nữ và người Hồi giáo, tỉ phú Donald Trump đang làm cho cả nước Mỹ lên cơn sốt, về cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Trước khi bước vào 2 đợt bỏ phiếu "siêu thứ ba" 1-3 và "siêu thứ bảy" 5-3, ông Trump đã chiếm ưu thế lớn so với các ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa, trong đó quan trọng nhất là chiến thắng tuyệt đối tại bang South Carolina đã đưa Trump dẫn điểm bỏ xa các ứng viên Marco Rubio, Ted Cruz, John Kasich, Ben Carson, và đặc biệt là đã khiến cho ứng viên được mong đợi nhất Jeb Bush phải ngậm ngùi dừng cuộc chơi.

Một loạt kế hoạch của các ứng viên đối nghịch với Trump trong đảng Cộng hòa và cả những người không ứng cử được vạch ra để ngăn Trump làm "cú lớn" vào ngày "siêu thứ ba". Nhưng kết quả không như mong đợi, ông Trump đã giành chiến thắng đến 7 trên 11 bang; còn trong ngày "siêu thứ bảy" thì Trump cũng giành lấy 2 trên 4 bang đi bỏ phiếu.

Ứng viên Marco Rubio.

Điều nghịch lý ở đây là, trong khi Trump thu hút được sự ủng hộ lớn của cử tri theo đảng Cộng hòa, nhưng ngược lại dư luận chung nước Mỹ lại lo ngại, không muốn ông Trump giành vé chính thức của đảng Cộng hòa ra tranh cử với đảng Dân chủ, thậm chí người ta đã đưa ra những tình huống dự báo nước Mỹ và thế giới sẽ ra sao nếu ông Trump giành chiến thắng cuối cùng và lên làm Tổng thống nước Mỹ.

Trump đáp ứng mong đợi của thành phần nổi loạn trong lòng nước Mỹ, với mong muốn phá bỏ hệ thống bảo thủ cũ kỹ trong hiện tại. Báo chí Mỹ cho rằng Trump có thể làm mất đi bản sắc vốn có của đảng Cộng hòa, và rộng hơn, là làm mất bản sắc của nước Mỹ.

Dư luận công chúng Mỹ hiện đang kêu gọi đảng Cộng hòa đoàn kết sau lưng một ứng viên duy nhất. Hiện trong đảng Cộng hòa cũng đang có một chiến dịch khẩn cấp, ráo riết nhằm cản bước tiến của vị tỉ phú bạo miệng. Nhưng tất cả những người tham gia đều hiểu rằng họ sẽ thất bại vì nhiều lý do. Trong hậu trường, một sứ mệnh cứu lấy đảng Cộng hòa cũng đang được triển khai một cách tuyệt vọng và luôn vấp phải trở ngại, bế tắc.

Các nhà phân tích đã chỉ rõ rằng các ứng viên khác còn bận lo "chiến đấu" với nhau nên một loạt nỗ lực "đoàn kết" sau lưng một ứng viên chống Donald Trump vẫn chưa thể thực hiện được. Ứng viên Marco Rubio tìm cách "ve vãn" Thống đốc bang New Jersey Chris Christie nhằm giành lại sự ủng hộ của ông này từ tay Trump, nhưng rốt cuộc lại khiến cho ông thống đốc nổi giận vì cảm thấy bị xúc phạm. Rồi cựu ứng viên Mitt Romney kêu gọi ứng viên Kasich "đoàn kết" sau lưng một ứng viên để chống Trump, nhưng không nhận được phản hồi. Ít nhất hai trong các ứng viên Cộng hòa đang có kế hoạch giành quyền tranh cử từ tay Trump thông qua thương lượng, thỏa thuận trong một hội nghị đảng Cộng hòa toàn quốc.

Các nhà chiến lược thì đưa ra một "dự án" tấn công ông Trump tại bang New Hampshire bằng cách bới lại những thất bại trong kinh doanh và những phát ngôn, quan điểm "lệch lạc" của ông trong quá khứ. Tuy nhiên, không một nhà tài trợ lớn nào ủng hộ "dự án" này, và nó đành phải bị xếp xó.

Donald Trump và ứng viên Ted Cruz trong một cuộc tranh luận.

Sự lúng túng của các ứng viên và các nhà chiến lược chống Trump trong đảng Cộng hòa càng làm lợi cho Trump, ngày càng có thêm những thành viên uy tín, như Thống đốc bang New Jersey Chris Christie và Thống đốc bang Maine Paul LePage. Lãnh đạo đa số ở Thượng viện Mitch McConnell đang tính đến phương án "hạ sách" là vận động các nghị sĩ công khai "tẩy chay" Trump trong kỳ bầu cử chính thức nếu không thể ngăn cản ông ta từ vòng sơ bộ.

Sự thất bại của những nỗ lực ngăn cản Trump đều được lý giải bởi sự thất bại trong lãnh đạo, một khoảng trống quyền lực, sự tê liệt trong bộ sậu đầu não ra quyết định và sự tuyệt vọng trong nội bộ đảng. Trump quả thực có một sức mệnh nhất định trong giới kinh doanh chuyên tài trợ chính trị.

Họ e ngại phải đụng độ trực tiếp với ông Trump, còn các quan chức thì ngại tấn công Trump vì lo rằng có khi lại vô hình trung thổi bùng hơn nữa sự ủng hộ của cử tri dành cho ông. Ngoài ra, đảng Cộng hòa còn thiếu hẳn một người bên ngoài cuộc đua có thể áp đặt các điều kiện nhất định cho các cuộc tranh luận.

Nói như thế không có nghĩa là đảng Cộng hòa không còn cách nào để ngăn bước tiến của ông Trump. Họ vẫn còn niềm hy vọng là ứng viên Ted Cruz, người vẫn đang tranh đua quyết liệt tranh đua với Trump. Sau chiến thắng tại hai bang Kansas và Maine hôm 5-3, Cruz hiện giành được 300 phiếu đại cử tri, trong khi Trump dẫn đầu với 382 phiếu. Với số phiếu này, Cruz hoàn toàn có khả năng qua mặt Trump trên đường chinh phục 1.237 phiếu đại cử tri để giành quyền ra tranh cử chính thức.

Ngoài ra, các "siêu Ủy ban hành động chính trị" (super PAC), tức các tổ chức vận động xã hội ủng hộ đảng Cộng hòa, cũng đang ráo riết triển khai một chiến dịch quảng cáo chống Trump rầm rộ trên các phương tiện truyền thông với kinh phí dự trù khoảng 10 triệu USD.

Trong giới kinh doanh cũng xuất hiện một số người bỏ tiền túi để thành lập các "super PAC" nhằm mục đích duy nhất là hạ bệ ông Trump. Lực lượng này đang hình thành cái gọi là phong trào "Chặn bước Trump" (Stop Trump), với những khoản tiền chảy ồ ạt vào các chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông để làm sao đến ngày Hội nghị đảng Cộng hòa toàn quốc bầu chọn người đại diện đảng ra tranh cử, Trump sẽ bị hạ bệ.

Cơ hội bà Hillary Clinton "dỡ bỏ những bức tường"

Việc đảng Cộng hòa nháo nhào lo "chặn bước Trump" đang tạo ra một cơ hội lớn cho bà Hillary Clinton, ứng viên đang dẫn đầu cuộc đua bên đảng Dân chủ. Mặc dù thất bại tại bang Maine trong ngày 5-3, nhưng bà Clinton vẫn giành chiến thắng tại các bang còn lại, và ung dung bỏ xa ông Bernie Sanders.

Sau ngày 5-3, ông Sanders mới giành chiến thắng được 8/19 bang, còn lại 11 bang thuộc về bà Clinton; về số phiếu đại cử tri, bà Clinton cũng bỏ rất xa ông Sanders - 1.129 phiếu so với 498 phiếu của ông Sanders. Hai người sẽ phải gom đủ 2.383 phiếu để được đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử.

Sức mạnh của bà Clinton đã khiến cho một bộ phận ứng viên và chiến lược gia đảng Cộng hòa lo lắng. Họ lo rằng nếu đề cử ông Trump đại diện đảng ra tranh cử thì chắc chắn thất bại dưới tay bà Hillary Clinton, cho dù "tỉ phú bạo miệng" tuyên bố đã có kế hoạch để đánh bại bà Clinton.

Rõ ràng, với các kết quả vừa nêu, tất cả các ứng viên đảng Cộng hòa còn chưa thể đấu ngang hàng với ông Sanders, người đang bị bà Clinton bỏ rất xa, chứ chưa nói đến việc tranh đua với bà.

Tuy nhiên, Ban vận động tranh cử của bà Clinton, cả các tổ chức vận động xã hội ủng hộ bà, không vì thế mà chủ quan. Họ ung dung để cho phe Cộng hòa tự diệt lẫn nhau để quan sát và có phương án hành động cụ thể. Robby Mook, giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Clinton, đánh giá Trump là một ứng viên đầy quyết tâm, chiến đấu không mệt mỏi và nhất là rất mưu mẹo. Một chiến lược đang được hình thành. Trong đó đòi hỏi phải chú ý thật kỹ, lắng nghe thật kỹ và hành động thật thận trọng, toàn diện.

Bà Hillary Clinton đang chuẩn bị sẵn kế hoạch để đấu với ông Trump.

Mook phân tích, chiến lược chống Trump được xây dựng thành hai cấp độ. Thứ nhất là đánh vào tính khí nóng nảy của ông ta, và liệu ông ta có phù hợp làm tổng thống hay không; và thứ hai là liệu ông ta có thật sự đáng tin cậy cho người khác hay chỉ phục vụ cho chính mình.

Ban vận động của bà Clinton tin rằng, vũ khí lớn nhất để chống lại ông Trump chính là thiên hướng tung ra các lời lẽ bình luận gây sốc, thậm chí gây thù hằn, khiến dư luận phẫn nộ. Chẳng hạn, trong đợt tranh luận hồi cuối tháng 2-2016, Trump đã đưa ra tuyên bố sẽ cho xây một bức tường lớn hơn nữa dọc biên giới với Mexico để đáp trả lời phàn nàn của một cựu tổng thống nước này. Và Trump đã chọc giận không chỉ dư luận Mỹ mà cả nước láng giềng Mexico.

Ban vận động của bà Clinton đã lợi dụng thiên hướng này áp dụng chiêu "gậy ông đập lưng ông" để tấn công Trump. Tại hai bang South Carolina và Tennessee, bà Clinton bắt đầu triển khai cái gọi là "chiến dịch chống kẻ mù quáng", trong đó bà sẽ tự thể hiện mình có tầm nhìn xa hơn ông Trump. Bà đã tuyên bố, người Mỹ cần nhiều "tình thương và sự tử tế" hơn.

"Thay vì xây dựng thêm các bức tường, chúng ta nên dỡ bỏ chúng" - bà nói. Và trong khi cuộc tranh luận cuối tháng 2-2016 của đảng Cộng hòa đang diễn ra, các cố vấn của bà Clinton đã cho đăng những mẩu quảng cáo mang nội dung: "Những thứ sau đây không phải là giá trị Mỹ: Kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, mù quáng, phân biệt đối xử, bất công". Trump phản hồi rằng, ông ta không "mù quáng", mà chỉ là "không đúng về chính trị" thôi.

Kế hoạch của bà Clinton đưa ra 3 hướng tấn công: Mô tả ông Trump là một doanh nhân không có trái tim, chống lại lợi ích của cử tri thuộc tầng lớp lao động; cho đăng, phát lại trên truyền thông những lời bình luận, những phát biểu hạ thấp giá trị phụ nữ của ông Trump nhằm thu hút cử tri phụ nữ ở các vùng ngoại ô, nông thôn, nơi bà Clinton còn ít người ủng hộ; và tô đậm, nhấn mạnh nhược điểm tính khí nóng nảy, bùng nổ của ông ta để cho cử tri thấy ông ta không thích hợp để trở thành Tổng thống Mỹ.

Các tổ chức vận động xã hội (các super PAC) ủng hộ bà Clinton cũng bắt đầu tham chiến. Tổ chức American Bridge đã hình thành một lực lượng chống Trump bao gồm những chuyên gia về thuế và kinh doanh tập trung nghiên cứu các hồ sơ ở Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) để tìm các tư liệu về sự nghiệp kinh doanh của Trump để tìm ra chứng cứ công kích ông ta.

Một tổ chức khác, Correct the Record, thì phối hợp với Ban vận động của bà Clinton sưu tầm những đoạn video, ghi âm những lời nói, phát biểu thiếu thận trọng của ông Trump để tung ra trong chiến dịch quảng cáo. Và trong những tuần sắp tới, tổ chức super PAC Priorities USA Action, sẽ bắt đầu soạn và tung ra các mẩu quảng cáo mô tả ông Trump là "một doanh nhân máu lạnh".

Sẽ còn rất nhiều những hành động mà chiến dịch của bà Clinton cũng như các ứng viên "chống Trump" bên đảng Cộng hòa triển khai nhằm mục đích duy nhất là ngăn cản bước tiến của ứng viên Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng đầy gay cấn. Nếu bà Clinton và các ứng viên Cộng hòa thành công, nước Mỹ có thể sẽ có nữ tổng thống đầu tiên.

Nhưng đừng quên rằng, Trump được đánh giá là một người đầy mưu mẹo, đủ mánh lới có được trong đời kinh doanh, cạnh tranh khốc liệt trên thương trường. Do đó, những nhược điểm của bà Clinton cũng như các ứng viên đảng Cộng hòa không phải là không thể bị khai thác. Vấn đề là ông Trump sẽ khai thác như thế nào thôi.

An Châu (tổng hợp)
.
.