Nhật Bản bắt tay Ấn Độ trong bàn cờ khu vực

Thứ Tư, 12/12/2018, 16:44
Khác mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật Bản mạnh mẽ hơn nhiều và không có góc tối lịch sử hoặc bất kỳ điểm gợn nào. Và hiện tại, trong bàn cờ khu vực và tình hình quốc tế chung phức tạp, việc nhân lên mối quan hệ ấy có vẻ như đang được cả 2 bên quan tâm hơn bao giờ hết.

Tính đến lần Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi thăm Tokyo cuối tháng 10 vừa qua, đó là lần gặp gỡ thứ 12 giữa ông Modi và ông Shinzo Abe kể từ năm 2014. Bên cạnh các vấn đề song phương, hai nhà lãnh đạo đã xem xét hàng loạt vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước chuyến thăm của ông Modi, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Kenji Hiramatsu phát biểu với tổ chức tư vấn chiến lược Brookings rằng việc tăng cường quan hệ quốc phòng và thương mại sẽ là những nội dung hàng đầu của chương trình nghị sự. Khi cuộc gặp diễn ra, tăng cường hợp tác hàng hải, bao gồm cả việc ký kết thỏa thuận tương hỗ hậu cần là một trong những nội dung chính.

Nhật Bản đã tỏ ra quan tâm hơn đến sự hợp tác giữa hải quân hai nước liên quan đến vấn đề an ninh và nhận thức về biển. Hai nước cũng đồng ý hợp tác về thiết bị quốc phòng và công nghệ sâu hơn, bao gồm các hoạt động nghiên cứu chung liên quan đến phương tiện không người lái và robot. Lần đầu tiên, quân đội hai nước tham gia tập trận chung tại bang Mizoram, Ấn Độ vào tháng 11, trong khi Nhật Bản là quan sát viên cuộc tập trận Cope India của lực lượng không quân hai nước Ấn Độ và Mỹ.

Về mua sắm quốc phòng, Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm đến việc mua tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản, tuy nhiên hai bên chưa đi đến quyết định cuối cùng. Câu chuyện cũng tương tự với máy bay đổ bộ US-2 do Nhật Bản thiết kế.

Không có gì phải giấu giếm, động lực cho việc mở rộng hợp tác quốc phòng và hàng hải giữa Ấn Độ và Nhật Bản chính là hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và nhận thức về mối đe dọa đối với chủ quyền của các quốc gia láng giềng nhỏ hơn. Mọi hành động gây nên xáo trộn, đe dọa ổn định trong khu vực cũng như toàn cầu sẽ đưa những quốc gia tôn trọng luật lệ toàn cầu và tự do hàng hải xích lại gần nhau hơn.

Như một hành động cụ thể, Nhật Bản và Ấn Độ đã ký thỏa thuận hợp tác hàng hải với mục đích giám sát tàu chiến Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận này sẽ nâng tầm giám sát của hai nước trong bối cảnh tàu chiến nước ngoài hiện diện trong vùng biển của họ.

Quan hệ thân thiết giữa ông Abe và ông Modi cũng giúp nâng cao quan hệ hai nước. Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên ông Modi đến thăm sau khi nhậm chức 4 năm trước. Trong chuyến thăm ấy, ông Modi là người đã đưa ra lời kêu gọi các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đoàn kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng xuyên biên giới.

Hiệp định mua lại và dịch vụ chéo (ACSA) là hướng hợp tác mở được Hải quân Ấn Độ quan tâm phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Cả 3 quốc gia lớn ở châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều chịu sự tấn công bởi chủ nghĩa bảo hộ của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này đã tạo cơ hội cho cả 3 nước xây dựng các chiến lược kinh tế riêng của họ vì lợi ích chung.

Mặc dù vẫn là đồng minh chính của Mỹ, đặc biệt là về quốc phòng, song ông Abe cũng đang chủ trương các mối quan hệ khác. Ông là người thúc đẩy và mở cửa nền kinh tế của Nhật Bản với các chính sách gọi là “Abenomics”. Ông Abe cũng là người khuyến khích đầu tư nước ngoài, du lịch và thương mại tự do - một điều gần như đối lập công khai với chính sách bảo hộ bằng tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống Trump.

Thực tế này tạo cơ hội lý tưởng để Nhật Bản mở rộng và tăng cường hợp tác kinh tế vào các dự án của Ấn Độ. Hai kết quả khác từ chuyến thăm của Thủ tướng Modi là Ấn Độ và Nhật Bản đã nhất trí đối thoại 2+2 với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng và ký một thỏa thuận chuyển đổi tiền tệ song phương trị giá 75 tỷ USD.

Thỏa thuận chuyển đổi tiền tệ này được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định trên thị trường ngoại hối và thị trường vốn đối với cả 2 bên. Là một trong những thỏa thuận chuyển đổi tiền lớn nhất trên thế giới đến nay.

Được khái niệm hóa vào tháng 7-2017 trong chuyến thăm của ông Modi tới Mỹ, cuộc đối thoại 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng cho đến nay chỉ có duy nhất giữa Mỹ và Ấn Độ. Với đối thoại 2+2 lần này, Nhật Bản đã trở thành nước thứ hai mà Ấn Độ thiết lập đối thoại song phương kiểu này. Cơ chế đối thoại 2+2 mới sẽ là một bổ sung cho các cơ chế hiện có như Đối thoại thường niên cấp bộ trưởng quốc phòng, Đối thoại chính sách quốc phòng, Đối thoại cố vấn an ninh quốc gia và Đối thoại cấp nhân viên.

Đúng như dự kiến, hai nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định mua lại và dịch vụ chéo (ACSA) nhằm nâng cao chiều sâu chiến lược của hợp tác quốc phòng và an ninh song phương. ACSA là một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần nhằm mục đích cho phép hải quân hai nước tiếp cận các căn cứ quân sự của nhau. Ấn Độ có thỏa thuận hỗ trợ hậu cần tương tự với Mỹ, Pháp và Singapore.

Hai nhà lãnh đạo cũng ký một thỏa thuận về khoản vay cho dự án đường sắt cao tốc Mumbai - Ahmedabad, một biểu tượng quan trọng của sự hợp tác Ấn Độ - Nhật Bản. Trên quy mô lớn hơn, cả hai bên cam kết sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để đưa Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân với mục tiêu tăng cường các nỗ lực không phổ biến hạt nhân trên toàn cầu.

Đặc biệt, nếu hợp tác với nhau, sức mạnh trong lĩnh vực phần mềm của Ấn Độ và ngành công nghiệp phần cứng tiên phong của Nhật Bản có thể làm nên điều kì diệu. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như y tế và nông nghiệp cũng không kém phần hứa hẹn.

Tuyên bố về tầm nhìn Ấn Độ - Nhật Bản cũng đã nhấn mạnh hai bên đồng ý hợp tác vì một thế giới bao trùm và dựa trên luật pháp nhằm thúc đẩy sự thật và niềm tin thông qua tăng cường giao tiếp và kết nối để đảm bảo luật pháp, thương mại tự do, dòng chảy nhân lực, công nghệ và ý tưởng về sự thịnh vượng chung, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.