Nhật Bản hợp thức hóa casino: Được và mất

Thứ Tư, 01/08/2018, 18:09
Việc Quốc hội Nhật Bản vừa ban hành một đạo luật hợp pháp hóa casino dưới tên gọi “Các cơ sở nghỉ dưỡng tích hợp” mở ra các cơ hội kích thích du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song, cũng gây ra các quan ngại về nguy cơ nghiện bài bạc và tội phạm gia tăng ở đất nước “mặt trời mọc”.

Thu nhập và việc làm

Ngày 20-7 vừa qua, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua đạo luật vốn gây nhiều tranh cãi, chính thức hợp pháp hóa casino (sòng bài) có tên gọi “Các cơ sở nghỉ dưỡng tích hợp” cho phép kinh doanh sòng bạc hợp pháp tại các khu phức hợp nghỉ dưỡng. Tháng trước, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua đạo luật này.

Trong những năm gần đây, ngành kinh doanh sòng bạc đang dịch chuyển dần trọng tâm sang châu Á, thị trường Nhật Bản được các tập đoàn lớn đánh giá là “mảnh đất màu mỡ”. Do vậy, dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn coi kinh doanh sòng bạc như một phần trong chiến lược thúc đẩy nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm chạp như hiện nay, trong đó chú trọng đến phát triển du lịch, kết hợp dịch vụ đánh bạc với mua sắm xa xỉ, giống như mô hình của Singapore và Macau từng thực hiện thành công.

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng các casino sẽ thu hút du khách nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc và một số nơi khác ở châu Á. Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu thu hút 60 triệu du khách nước ngoài vào năm 2030. Các nhà phân tích ước tính ngành công nghiệp sòng bạc có thể mang về cho kinh tế Nhật Bản từ 18 đến 34 tỷ USD mỗi năm. Tổng mức thuế các sòng bạc phải đóng cho chính quyền trung ương lẫn địa phương lên tới 30% doanh thu.

Ngân hàng Goldman Sachs ước tính thị trường casino của Nhật Bản sẽ có giá trị 1.750 tỉ yên (15,8 tỉ USD), đưa Nhật Bản trở thành thị trường casino lớn thứ hai thế giới, chỉ sau đặc khu Macau của Trung Quốc.

Theo ông Toru Mihara, một chuyên gia tại Đại học Thương mại Osaka, hợp thức hóa kinh doanh casino có thể là một ngành kinh tế mới và chủ lực của Nhật Bản trong thời gian tới, đồng thời gợi ý Chính phủ Nhật Bản nghiên cứu triển khai thêm dịch vụ du lịch kết hợp hội nghị và triển lãm như Trung Quốc đang áp dụng.

Hiện vẫn chưa rõ tiến độ cũng như yêu cầu bỏ thầu, các chính quyền địa phương đã bắt đầu công cuộc tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng, trong số đó có hai “ông lớn” trong ngành sòng bạc là Las Vegas Sands và MGM Resorts ở Las Vegas, Mỹ đã tuyên bố họ sẽ đầu tư đến 10 tỉ đô la cho mỗi khu nghỉ dưỡng tích hợp tại Nhật Bản. Một vài công ty kinh doanh sòng bạc khác cũng đã thuê lao động người Nhật làm việc ở các chi nhánh tại nước ngoài như một bước đi chuẩn bị nhân lực cho thị trường Nhật Bản trong 5-6 năm tới.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Daiwa (Nhật Bản), số tiền đầu tư cho 3 khu nghỉ dưỡng phức hợp casino có thể lên đến 50 tỉ USD và dự báo khách có thể chi gần 20 tỉ USD mỗi năm cho các dịch vụ giải trí, mua sắm, lưu trú và đánh bạc ở các khu nghỉ dưỡng phức hợp casino sau khi được khai trương.

Quốc hội Nhật Bản họp thông qua luật cho phép kinh doanh casino.

Đạo đức và pháp lý

Tuy nhiên, đạo luật về hợp pháp hóa casino vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đảng đối lập tại Nhật Bản do họ lo ngại hợp pháp hóa casino sẽ làm trầm trọng thêm vấn nạn nghiện cờ bạc của người dân Nhật. Chủ tịch đảng Dân chủ hiến pháp Nhật Bản (đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản) ông Yukio Edano cho biết, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua casino là điều không thể.

Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn cản Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật, ngày 20-7 phe đối lập bao gồm 6 đảng đã kiến nghị bỏ bất tín nhiệm đối với nội các của Thủ tướng Shinzo Abe nhưng Hạ viện Nhật Bản, nơi liên minh cầm quyền giữ đa số ghế, đã bỏ phiếu bác bỏ kiến nghị này.

Trong khi đó, người dân Nhật Bản thật sự vẫn chưa có cái nhìn cởi mở về hoạt động kinh doanh sòng bạc tại đất nước họ, từ đó nảy sinh sự bất đồng ý kiến giữa các cá nhân trong xã hội, giữa người dân và chính phủ về vấn đề trên. Cụ thể, kết quả khảo sát do hãng tin Jiji Press tiến hành vào đầu tháng 7, có đến 62% người dân Nhật Bản nói rằng họ phản đối hợp pháp hóa casino, trong khi đó chỉ có 22% ủng hộ. Những người phản đối dự luật casino cũng cho rằng, Chính phủ Nhật Bản đang cố tình lờ đi vấn nạn nghiện cờ bạc.

Theo bà Noriko Tanaka, người đứng đầu tổ chức xã hội chuyên giúp người nghiện cờ bạc, các sòng bạc dễ dàng cho người chơi vay tiền mà không bắt họ chứng minh khả năng tài chính. Điều này khiến con bạc lún sâu vào vòng tròn luẩn quẩn ăn thua, đánh bạc để trả nợ.

Bên cạnh đó, nhiều người đặt hoài nghi và cảm thấy bất an trước những mặt trái mà các sòng bạc mang lại. Cụ thể như mức độ an toàn nơi công cộng, tội phạm và sự ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ thanh thiếu niên Nhật Bản. Giáo sư James Whelan thuộc Đại học Memphis đưa ra nhận định, nguồn thu từ việc kinh doanh cờ bạc là điều không thể phủ nhận nhưng nếu Chính phủ Nhật không bàn thảo kỹ lưỡng cũng như thiết lập những tiêu chuẩn an toàn thì chiến lược kinh doanh này của Thủ tướng Shinzo Abe có thể gặp nhiều khó khăn hơn dự tính.

Người dân Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan ngại về việc hợp pháp hóa casino có thể tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm, đặc biệt liên quan đến các băng đảng thuộc các tổ chức tội phạm Yakuza ở nước này.

Trên thực tế, với tinh thần học hỏi từ Singapore, Nhật Bản dự định sẽ thành lập một ủy ban giám sát các hoạt động của sòng bài với khoảng hơn 100 nhân viên trực thuộc Văn phòng Chính phủ với nhiệm vụ điều chỉnh và giám sát hoạt động của casino cũng như theo dõi và phát hiện các tổ chức tội phạm và hoạt động rửa tiền. Chính phủ cũng cho phép huy động các giám sát viên casino đến từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Cơ quan Thuế quốc gia.

Tuy nhiên, sự thiếu chuyên môn và kinh nghiệm quản lý trở thành thách thức nan giải đối với các nhà chức trách vì hiện tại người Nhật chưa nắm bắt đầy đủ những biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh sòng bạc, trong đó có cả các biện pháp chống nghiện ngập cờ bạc.

Ở Singapore, chính phủ thành lập một hội đồng cố vấn bao gồm khoảng 200 người luôn sẵn sàng giải quyết mọi vấn đề vướng mắc từ các con nghiện cờ bạc. Đồng thời, họ cũng đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng năng lực các bác sỹ và chuyên gia tâm lý trong việc chữa trị và phân tích các tác hại từ cơn nghiện cờ bạc gây ra.

Kông Anh
.
.