Những điều thú vị về người trị vì lâu nhất nước Anh

Thứ Năm, 10/09/2015, 11:45
Vào lúc 16 giờ 30 phút giờ quốc tế (GMT) ngày 9/9/2015, một sự kiện trọng đại sẽ đến với Nữ hoàng Elizabeth II, khi bà trở thành vị quân vương trị vì lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh, cũng là nền quân chủ lâu đời nhất trên thế giới.

Kể từ lúc lên ngôi vào tháng 2/1952 khi mới 26 tuổi, tính đến nay Nữ hoàng Elizabeth II đã ngự trị trên ngai vàng đúng 63 năm 217 ngày, vượt "kỷ lục" cũ của Nữ hoàng Victoria (1819-1901) trị vì cho tới lúc băng hà là 63 năm 216 ngày. Trong những ngày này tại các tụ điểm công cộng trên toàn nước Anh đều xuất hiện những tấm áp phích chào mừng, đánh dấu thời gian cầm quyền kỷ lục với 2 bức hình Nữ hoàng Elizabeth II khi lên ngôi hơn 63 năm trước và ở tuổi 89 hiện nay.

Elizabeth II cầm vương trượng, đăng quang ngày 2/6/1953.

Công dân Anh duy nhất không dùng hộ chiếu

Nữ hoàng Elizabeth II sinh ngày 21/4/1926, với tên khai sinh đầy đủ là Elizabeth Alexandra Mary, được các thành viên Hoàng gia gọi theo cách thân mật là Công chúa Lilibet. Xét theo ngôi thứ trong Hoàng gia Anh thì Công chúa Lilibet không thuộc hàng thừa kế ngai vàng gần gũi nhất, bởi bà gọi Vua Edward VIII (1894-1972) bằng bác ruột.

Đột nhiên sau 325 ngày cầm quyền, Vua Edward VIII quyết định thoái vị vào cuối năm 1936 để có điều kiện kết hôn với nữ diễn viên Mỹ Wallis Simpson (1896-1986) đã qua 2 đời chồng, nhường ngôi lại cho người em trai George VI (1895-1952) chính là cha đẻ của Công chúa Lilibet. Khi vua cha băng hà, với vai trò là người con trưởng, Công chúa Lilibet được quyền nối ngôi vào ngày 6/2/1952, lấy tước hiệu là Elizabeth II.

Hơn 60 năm qua, trên cương vị là nguyên thủ của 15 quốc gia trong Khối Liên hiệp Anh, cũng như là người đứng đầu Khối Thịnh vượng chung bao gồm 54 quốc gia rải khắp cả 5 châu lục, Nữ hoàng Elizabeth II đã công du tới 132 nước với hàng nghìn bài phát biểu, nhưng không bao giờ cho báo chí phỏng vấn.

Áp phích trên đường phố London đánh dấu giai đoạn trị vì kỷ lục của Nữ hoàng Elizabeth II.

Ít người biết được rằng trong hơn 53 triệu công dân Anh, Nữ hoàng Elizabeth II là người duy nhất không phải dùng hộ chiếu khi xuất ngoại, bởi hình ảnh của bà quá đỗi quen thuộc ở mọi nơi trong khi các thành viên Hoàng gia còn lại đều được cấp hộ chiếu cá nhân.

Một xạ thủ súng máy

Nữ hoàng Elizabeth II luôn được các thần dân tôn vinh như một "huyền thoại sống", nhưng nhiều chi tiết trong cuộc đời bà không phải ai cũng am tường. Ngoài sở thích đặt cược trong các cuộc đua ngựa và giải ô chữ ra, người đứng đầu nền quân chủ Anh còn là một xạ thủ súng máy thiện nghệ, bà đã chứng tỏ khả năng hiếm có này trong chuyến thị sát cuộc tập trận của một đơn vị quân đội ở địa hạt Surrey vào năm 2011.

Công chúa Lilibet trực tiếp lái và sửa xe cứu thương trong Thế chiến II.

Sở dĩ Nữ hoàng Elizabeth II biết sử dụng vũ khí thành thạo do bà từng tham gia Thế chiến II, cũng là nhà quân chủ duy nhất thời hiện đại từng chiến đấu ngoài mặt trận. Năm 1944 khi đủ 18 tuổi, Công chúa Lilibet đã tình nguyện sung vào  lực lượng Quân y của quân đội Hoàng gia, trực tiếp lái xe cấp cứu chuyển tải thương binh từ chiến trường về các bệnh viện dã chiến, thậm chí còn biết sửa chữa xe mỗi khi bị trục trặc trên đường.

Nữ hoàng Elizabeth II là một thiện xạ súng máy thực thụ.

Nữ hoàng Elizabeth II cũng là nhà quân chủ duy nhất trên thế giới tổ chức đến… 2 lần sinh nhật trong một năm. Ngày sinh chính thức 21/4 được bà tổ chức tại Điện Buckingham ở London, với nghi thức khiêm nhường cùng với người thân trong Hoàng gia. Lễ sinh nhật còn lại thường được tổ chức vào ngày thứ Bảy đầu tiên của tháng 6 hàng năm, với điều kiện thời tiết thuận lợi cho những cuộc diễu binh và ăn mừng hoành tráng ngoài trời.

Người biết sử dụng hộp thư điện tử từ 40 năm trước

Một điều nữa hiếm ai ngờ rằng, tuy mới mở trang tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Twitter vào năm 2014, nhưng Nữ hoàng Elizabeth II đã sử dụng hộp thư điện tử từ 40 năm trước, khi mạng Internet toàn cầu chưa thông dụng với mọi người qua bức e-mail đầu tiên của bà được gửi đi vào năm 1976.

Một đặc điểm nữa chứng tỏ người đứng đầu Vương quốc Anh rất đam mê công nghệ, Nữ hoàng Elizabeth II rất thích hiện diện trong những bức ảnh thuộc dạng "selfie" (tự sướng). Trong thời gian diễn ra Giải Vô địch Thế giới Khúc côn cầu trên cỏ được tổ chức tại Anh vào mùa hè năm 2014, nữ vận động viên người Australia Jade Taylor đã đăng một bức ảnh selfie chụp cùng đồng nghiệp lên trang Twitter cá nhân, cho thấy đứng ngay đằng sau là Nữ hoàng Elizabeth II đang cười rạng rỡ, với đôi mắt nhìn thẳng vào ống kính điện thoại di động của người chụp. Bức ảnh này nhanh chóng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trong cộng đồng cư dân mạng toàn cầu.

Trong những ngày này tại các tụ điểm công cộng trên toàn nước Anh đều xuất hiện những tấm áp phích chào mừng, đánh dấu thời gian cầm quyền kỷ lục với 2 bức hình Nữ hoàng Elizabeth II khi lên ngôi hơn 63 năm trước và ở tuổi 89 hiện nay. Bản thân người đứng đầu vương triều Anh lại không tổ chức kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Địa điểm duy nhất Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện trước công chúng trong ngày 9/9 là tại Scotland, khi bà cùng các thành viên Hoàng gia đang đi nghỉ hè tham dự lễ khánh thành một tuyến đường sắt mới gần thủ phủ Edinburgh.

Những con chim thiên nga của Nữ hoàng

Nữ hoàng Anh được xem là người sở hữu chim thiên nga trắng sinh trưởng tự nhiên trên những vùng sông nước ở Anh và xứ Wales. Từ thời Trung cổ, thiên nga được coi là món ăn của giới quý tộc và từ thế kỷ XII nước Anh bắt đầu có luật quy định loài chim này thuộc sở hữu của nhà vua, bất cứ ai sát hại hay làm bị thương một con thiên nga sẽ bị khép tội.

Ngày nay, Nữ hoàng Elizabeth II chỉ được quyền sở hữu những con chim thiên nga trên một số đoạn sông Thames và các nhánh xung quanh nó.

Elizabeth II tham gia lễ hội đánh dấu thiên nga.

Ngày 20/7/2009, lần đầu tiên kể từ khi lên ngôi, Nữ hoàng Elizabeth II (hay còn được gọi là Nữ chúa của chim thiên nga) tham dự một trong những sự kiện lâu đời nhất của Hoàng gia Anh - Lễ hội đánh dấu thiên nga (Swan Upping). Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, đích thân nhà vua Anh tham dự lễ hội độc đáo này. Lễ hội Swan Upping được tổ chức hàng năm để thống kê số lượng thiên nga trên sông Thames, diễn ra trong tuần thứ 3 của tháng 7.

Theo trang web Hoàng gia Anh: "Những con chim thiên nga được kiểm tra sức khỏe và đeo vòng đánh số bởi Swan Warden (chuyên gia cai quản thiên nga) của Nữ hoàng là một giáo sư bộ môn nghiên cứu chim Khoa Động vật học Đại học Oxford".

Ở nước Anh, hàng năm vào dịp hè, những người đàn ông mặc áo màu đỏ và quần trắng bỏ ra một tuần chèo thuyền trên sông Thames để thực hiện nhiệm vụ đánh số những con chim thiên nga trước mắt người dân và du khách đang thưởng ngoạn lễ hội.

David Barber, người đánh dấu thiên nga (swan maker) và chỉ huy cuộc đánh dấu thống kê mỗi năm, cho biết: "Mỗi loài thiên nga đều được cân, đo kích thước và kiểm tra toàn diện".

Elizabeth II và chim thiên nga.

Trong thập niên 80 thế kỷ trước, tình trạng ô nhiễm và những nguyên nhân khách quan khác đã giết chết rất nhiều chim thiên nga. Sau đó, quần thể thiên nga được phục hồi trở lại. Từ hơn một năm nay, loài chim yêu quý của Nữ hoàng lại trở thành nạn nhân của con người. Do đó, nhiều con chim được mang đến nơi trú ẩn an toàn ở Shepperton trên bờ sông Thames do Dorothy Beeson thành lập từ 35 năm qua để giúp đỡ loài chim này.

Chính tại nơi đây, những con thiên nga nạn nhân của con người được chữa trị vết thương và hồi phục. Vết thương phổ biến nhất của thiên nga là cổ họng bị rách do nuốt phải lưỡi câu của ngư dân. Nhiều con khác bị hỏng mắt do trúng phải đạn súng hơi. Dân địa phương cho biết, trong vài năm qua có nhiều người đã giết mổ thiên nga. Điều này vi phạm một trong những điều cấm kị nhất của nước Anh.

Dưới triều đại Tudor (hoàng tộc trị vì nước Anh và xứ Wales từ năm 1485 đến 1603), chỉ có vua chúa và quý tộc mới có quyền ăn thịt thiên nga. Nếu những người khác giết chết hay ăn thịt thiên nga sẽ bị phạt tiền rất nặng hoặc ngồi tù. Tại khu trú ẩn an toàn ở Shepperton, những con thiên nga sau khi hồi phục khỏe mạnh, dù có thể đủ sức rời khỏi nơi này song một khi chúng quay trở lại sống trong thiên nhiên, nguy hiểm vẫn luôn rình rập.

Trần Hồng - Thiên Minh (tổng hợp)
.
.