Những thách thức lớn chờ đón tân Tổng thống Peru

Thứ Năm, 04/08/2016, 17:25
Ngày 28-7, Pedro Pablo Kuczynski tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Peru với nhiệm kỳ 5 năm và hứa hẹn sẽ tạo nên “cuộc cách mạng xã hội”, cam kết đưa đất nước này trở thành quốc gia “hiện đại hơn, công bằng hơn”.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng cơ hội giữ lời hứa của Kuczynski có lẽ còn tùy thuộc vào cách ông xử lý số phận của người tiền nhiệm Alberto Fujimori, cựu Tổng thống Peru đang thụ án tù 25 năm vì các tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Pedro Pablo Kuczynski, 77 tuổi, đánh bại đối thủ Keiko Fujimori - con gái của cựu Tổng thống Fujimori - với 51,1% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử vòng 2 diễn ra hồi đầu tháng 6 vừa qua. Nhưng đảng Fuerza Popular (Lực lượng nhân dân, FP) của Keiko chiếm giữ 73 trong số 130 ghế trong cơ quan lập pháp của Peru và như vậy có quyền phủ quyết đối với những gì mà Kuczynski muốn làm.

Tân Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức.

Trong khi đó, đảng Peru Thay đổi (PC) của Kuczynski chỉ có 18 ghế trong Quốc hội. Do đó, Kuczynski sẽ không dễ tìm kiếm sự ủng hộ về các kế hoạch của mình tại Quốc hội. Các thành viên đảng của bà Keiko không hoan nghênh Kuczynski khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống tại Quốc hội. Thậm chí, họ cũng không vỗ tay khi tân tổng thống bước vào phòng và giữ thái độ im lặng trước bài phát biểu của ông.

Đảng FP muốn Kuczynski phải xin lỗi cựu Tổng thống Fujimori vì mặc dù Fujimori bị buộc tội chuyên quyền và tham nhũng trong suốt một thập niên điều hành Peru, bắt đầu từ năm 1990 nhưng ông ta cũng được cho là người có công tạo nên sự bùng nổ kinh tế cho Peru và làm suy yếu nhóm phiến quân cực đoan tàn bạo “Con đường sáng”.

Kuczynski không muốn trả tự do cho Fujimori đồng thời tuyên bố với các phóng viên nước ngoài rằng “không thể xảy ra” chuyện ông xin lỗi cựu tổng thống. Tuy nhiên, Kuczynski đề xuất một phương án: Luật pháp sẽ cho phép những tù nhân cao tuổi phải mang án tù được quản thúc tại gia đối với số thời gian chịu án còn lại.

Mặc dù vậy, đối với những người ủng hộ Fujimori thì điều đó vẫn chưa đủ. Cho dù thế nào thì phe của bà Keiko cũng gặp nhiều khó khăn khi chống đối Kuczynski bởi vì tân tổng thống cam kết một “chương trình ôn hòa hợp lý”.

Keiko Fujimori, đối thủ mạnh của Kuczynski.

Tân tổng thống Kuczynski đặt ra 6 ưu tiên cho nhiệm kỳ tổng thống 5 năm của mình: cung cấp nước sạch cho mọi hộ dân và hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân, nền giáo dục công cộng chất lượng cao, đầu tư mạnh cho giáo dục và cải thiện tiền lương cho giáo viên, chăm sóc y tế toàn dân, chấm dứt hoạt động thuê dụng lao động bất hợp pháp, cải thiện cơ sở hạ tầng và kiến tạo một xã hội công bằng.

Về đối ngoại, Kuczynski cam kết cải thiện quan hệ với quốc gia láng giềng Chile vốn có thời gian căng thẳng quanh tranh cãi vấn đề biên giới biển. Ngoài ra, Kuczynski cũng hứa hẹn cố gắng chống tham nhũng, tội phạm và cải thiện an ninh trong nước - vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm. Đối với phần đông người dân Peru, tội phạm là mối quan ngại lớn mặc dù tỷ lệ án mạng tại nước này ở mức thấp so với tiêu chuẩn khu vực.

Kuczynski bước vào nhiệm kỳ tổng thống với nhiều lợi thế. Mặc dù sức tăng trưởng bị ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, song Peru có một trong những nền kinh tế mạnh hơn ở Mỹ La tinh. Nợ công thấp giúp cho chính quyền mới của Kuczynski chi tiền vào cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế VAT - yếu tố mà ông hy vọng sẽ kích thích tiêu thụ và giảm trốn thuế. Kuczynski cũng chú trọng quy tụ xung quanh mình đội ngũ chuyên gia giỏi giúp ông điều hành đất nước.

Maxime Hans Kuczynski - cha của Pedro Pablo Kuczynski - sinh ở Poznan (Ba Lan) và sau này hành nghề bác sĩ ở thủ đô Berlin (Đức). Ông rời khỏi Đức sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền và đến Peru cùng với người vợ Thụy Sĩ năm 1936. Pedro Pablo chào đời năm 1938 ở thủ đô Lima của Peru và không lâu sau đó gia đình chuyển đến thành phố Iquitos, nơi cha ông làm bác sĩ chữa bệnh phong và sốt vàng da.

Pedro Pablo cũng trải qua thời gian thơ ấu ở hai thành phố Puno và Cusco của Peru. Tân tổng thống cho biết, cha ông chọn làm việc tại những vùng nghèo khổ nhất của Peru và mong ước một xã hội bình đẳng hơn. Kuczynski tốt nghiệp Đại học Oxford danh giá của nước Anh, nơi ông theo học khoa triết học, chính trị và kinh tế. Kuczynski cũng có bằng thạc sĩ từ Đại học Princeton của Mỹ.

Lúc 23 tuổi, Kuczynski được Ngân hàng Thế giới (WB) thuê dụng. Về sau, Kuczynski trở về Peru làm việc cho Ngân hàng Trung ương. Năm 1980, Kuczynski được Tổng thống Ferbando Belaund bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Năng lượng và khai mỏ. Kuczynski cũng 2 lần lãnh đạo Bộ Kinh tế và Khai mỏ - lần thứ nhất từ năm 2001 đến 2002, và lần thứ hai từ năm 2004 đến 2005.

Pedro Pablo Kuczynski là chính khách trung hữu tin tưởng vào thị trường tự do. Carlos Bruce - một trong 18 nghị sĩ thuộc nhóm của Kuczynski - nói “tôi cho rằng chúng ta sẽ có thể đạt được sự đồng thuận” với đảng FP về các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Điều đó dĩ nhiên có thể xảy ra nếu như những người ủng hộ Fujimori đặt lợi ích đất nước lên trên cuộc đấu tranh cho cựu  tổng thống đang thụ án tù.

Diên San (tổng hợp)
.
.