Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter:

“Niềm vinh dự của chúng ta là tham gia cải thiện cuộc sống của người nghèo”

Thứ Sáu, 04/09/2015, 06:45
Jimmy Carter, Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (nhiệm kỳ 1977- 1981) thuộc đảng Dân chủ, Thống đốc thứ 76 bang Georgia và từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002, sau khi rời Nhà Trắng năm 1981 vẫn không ngừng những hoạt động nhân đạo.

Hiện nay đã 90 tuổi, Carter được dư luận đánh giá là một trong những cựu tổng thống được yêu mến nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông và phu nhân Rosalynn Carter tích cực thực hiện các dự án cho Tổ chức Nhà ở Nhân đạo (Habitat for Humanity) và thành lập Trung tâm Tổng thống Carter - nơi đóng đô của cả hai cơ sở: Trung tâm Carter và Nhà Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Jimmy Carter - để quảng bá cho quyền con người và tiến hành những chương trình xoa dịu sự đau khổ của con người trên khắp thế giới.

Đặc biệt, Carter tích cực hợp tác với một phó tổng thống để phát triển các hệ thống y tế cộng đồng ở châu Phi và Mỹ Latinh, giúp đỡ giám sát bầu cử ở những quốc gia có nền chính trị non trẻ và để quảng bá hòa bình ở Trung Đông.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân Rosalynn.

Lòng nhân ái thừa hưởng từ bậc cha mẹ bao dung

Tính độ lượng của người mẹ và lòng trắc ẩn của người cha - một nông dân chất phác luôn giúp đỡ những láng giềng khốn khổ - đã để lại dấu ấn sâu đậm nơi Jimmy Carter và khiến ông thành con người suốt đời luôn trăn trở vì những người nghèo khó.

Millard Fuller, người thành lập và là Chủ tịch Quỹ Nhà ở Nhân đạo Quốc tế (HFHI) - tổ chức phi lợi nhuận xây dựng nhà ở cho người nghèo trên khắp thế giới - nhận định: "Ông ấy ao ước tạo sự khác biệt trên thế giới và nâng cao điều kiện sống của con người. Ông ấy là người tích cực phản ứng trước dịch bệnh giun chỉ (hay bệnh mù sông - river blindness) ở châu Phi, xây dựng 150 căn nhà từ thiện ở Mexico và xóa sạch bệnh giun chỉ Guinea".

Bản thân  Carter cho biết: "Thời gian sau này, điều phổ biến nhất nơi các cựu tổng thống là tập trung vào những cuộc diễn thuyết để kiếm thật nhiều tiền. Tôi không quan tâm đến điều đó và nó cũng không hấp dẫn được tôi. Điều cơ bản cho một cựu tổng thống là cố gắng quảng bá cho hòa bình, tự do, dân chủ và quyền con người cũng như làm giảm bớt sự đau khổ nơi các quốc gia nghèo trên thế giới".

Sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Carter đã thực hiện một số công việc quan trọng nhất đời ông. Danh tiếng của ông  gắn liền với Trung tâm Carter - một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận có trụ sở tại Đại học Emory ở thủ phủ Atlanta, bang Georgia. Trung tâm Carter - được ông thành lập năm 1982 cùng với phu nhân Rosalynn -  đã giúp đỡ cải thiện cuộc sống người dân tại hơn 65 quốc gia.

Carter cũng làm trung gian dàn xếp những bất đồng ở Bosnia, Ethiopia, Haiti, Bán đảo Triều Tiên và Sudan. Đôi khi đặt cuộc sống của ông vào vòng nguy hiểm, ông tham gia giám sát 44 cuộc bầu cử tại 22 quốc gia có nhiều biến động như Cộng hòa Dominican, Panama, Indonesia và Zambia.

Ông Carter an ủi một bệnh nhi mắc giun chỉ Guinea tại một bệnh viện ở Tây Phi.

Carter phát biểu về hoạt động từ thiện của mình: "Đây không phải là vấn đề chọn con đường khó khăn thay vì con đường dễ dàng. Những gì mà chúng tôi phải làm, tôi hoàn toàn không cho là sự hy sinh. Chúng tôi đi đến những quốc gia nghèo và chứng kiến sự đau khổ của con người trước những dịch bệnh kinh khủng. Niềm vinh dự của chúng ta là tham gia cải thiện cuộc sống của họ".

Năm 1986, Trung tâm Carter ghi nhận 3,5 triệu người  tại 23.000 ngôi làng ở châu Phi nhiễm bệnh giun chỉ Guinea, một loại bệnh gây hỏng mắt lan tràn khắp vùng nước nhiễm ký sinh trùng. Nhờ những nỗ lực của ông bà Carter mà dịch bệnh gần như được xóa sạch thông qua các chương trình giáo dục ý thức cho người dân.

Carter cho biết: "Chúng tôi giúp giảm số người bệnh đến 99%, tức 31.000 ca bệnh". Đầu năm 2004, Carter và phu nhân đã đi đến các quốc gia Tây Phi (Ghana, Mali và Togo) để giúp chính quyền nơi đây xóa sổ 1% cuối cùng của dịch bệnh giun chỉ Guinea còn lại trên thế giới.

Những công lao không đòi hỏi đền đáp

Hiện nay, Carter và phu nhân - cưới nhau năm 1946 - đã có 11 đứa cháu chắt và họ được coi là hai vợ chồng sống bên nhau lâu hàng thứ 2 sau cặp đôi cựu Tổng thống George và Barbara Bush. Ông bà Carter vẫn sống trong căn nhà kiểu trang trại ở thị trấn Plains, hạt Sumter, bang Georgia mà họ sở hữu suốt 43 năm qua và cũng là nơi Jimmy Carter chào đời. Căn nhà nằm trên vùng đất thuộc sở hữu gia tộc Carter từ năm 1833.

Jimmy Carter và gia đình gặp Giáo hoàng John Paul II tại Rome, năm 1976.

Jimmy Carter nói về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình: "Cuộc sống ở Plains vô cùng thuận lợi và đó là thiên đường cho tôi và Rosalynn. Sau khi rời khỏi hải quân năm 1953, chúng tôi về Plains. Sau khi rời khỏi dinh thự thống đốc, vợ chồng tôi cũng trở về Plains. Khi rời khỏi Nhà Trắng năm 1981, chúng tôi cũng về thẳng Plains. Hầu như vào mỗi ngày, chúng tôi đều có danh sách công việc không giới hạn và chúng tôi có thể chọn từ đó những việc mà chúng tôi thấy có sự thách thức và đáng quan tâm. Chúng tôi cùng chơi trượt tuyết, đánh tennis và nuôi chim. Chúng tôi có thể làm những gì mà chúng tôi không làm được trước kia. Tôi rất thích vẽ và viết sách. Đó là một cuộc sống tốt đẹp".

Cựu Tổng thống Jimmy Carter và phu nhân thường dành 1/3 thời gian trong năm để đi đến các nước khác hoạt động nhân đạo nhưng không hề nhận bất cứ  một khoản thù lao nào. Terrence Adamson, người bạn thân nhất của Carter, kể: "Ông ấy không quan tâm đến sự giàu sang cũng không quan tâm đến việc phải làm gì để củng cố địa vị cá nhân. Ông ấy luôn quan tâm đến giá trị gia đình và lợi ích của con người".

Trong hàng chục năm qua, hai vợ chồng Carter đều dành một tuần trong năm để xây dựng nhà ở cho HFHI. Năm 2002, Jimmy Carter nhận giải Nobel Hòa bình vì "nhiều thập niên nỗ lực không biết mệt mỏi để tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới, để thúc đẩy nền dân chủ và quyền con người, và để quảng bá cho sự phát triển kinh tế và xã hội".

Từ khi làm tổng thống, Jimmy Carter bắt đầu viết  sách. Các tác phẩm của ông bao gồm: "Our Endangered Values: America's Moral Crisis" (Các giá trị nguy hiểm của chúng ta: Cuộc khủng hoảng đạo đức của nước Mỹ, năm 2006) và "Palestine: Peace Not Apartheid" (Palestine: Hòa bình không còn Apartheid, năm 2007). Và cuốn mới nhất của Carter là "A Full Life: Reflections At Ninety" (Một cuộc đời trọn vẹn: Những suy ngẫm ở tuổi 90) phát hành hồi tháng 7. Tính đến nay, Jimmy Carter đã viết và xuất bản hơn 20 cuốn sách.

Đầu năm 2015, Carter đã giao bản thảo cuốn sách thứ 29 của ông cho một nhà xuất bản. Nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi ủng hộ sự bình đẳng, quyền con người và làm giảm bớt sự đau khổ nơi các dân tộc mà Jimmy Carter được đánh giá là một trong những nhà hoạt động xã hội vĩ đại nhất của nước Mỹ.

"Tôi hoàn toàn thấy dễ chịu với những gì sắp xảy đến"

Ngày 3/8 vừa qua, Jimmy Carter trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ một "khối u nhỏ" trong gan và tiên liệu phục hồi rất tốt. Ngày 12/8, Carter thông báo phát hiện mình bị ung thư. Ông cho biết: "Ca mổ gan mới đây cho thấy tôi bị ung thư ở các phần khác trong cơ thể. Tôi sẽ sắp xếp lại thời gian biểu của mình để tập trung điều trị tại Bệnh viện Emory Healthcare".

Tuy nhiên đến ngày 20/8, Carter và phu nhân đã tổ chức cuộc họp báo tại Trung tâm Carter ở Atlanta, tuyên bố các bác sĩ Bệnh viện Emory Healthcare chẩn đoán ông bị khối u lan trong não và gan. Cuộc họp báo kéo dài 40 phút, ông nói chuyện thẳng thắn về bệnh tình của mình, mô tả chi tiết kế hoạch chữa trị của các bác sĩ và cũng cho biết ông sẽ phải trải qua nhiều lần scan nữa để tìm kiếm dấu hiệu ung thư nơi các bộ phận khác của cơ thể.

Jimmy Carter đã chuẩn bị sự ra đi của mình với nguyện vọng được chôn cất trên phần đất gia đình của ông ở thị trấn Plains. Mặc dù vậy, cựu Tổng thống vẫn tỏ vẻ lạc quan và nói: "Tôi hoàn toàn thấy dễ chịu với những gì sắp xảy đến".

Carter giảng dạy tại nhà thờ Hội thánh Baptish Maranatha.

Carter cũng nhấn mạnh nếu sức khỏe cho phép ông vẫn tiếp tục giảng dạy Thánh kinh tại Trường Chủ nhật của Hội thánh Baptist Maranatha ở Plains bởi vì đó cũng là một phần tốt đẹp nhất trong cuộc đời ông.

Cựu Tổng thống Carter có lịch sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tụy, trong đó  cha mẹ ông cùng với 2 chị gái và em trai đều qua đời vì bệnh này. Riêng mẹ ông bị ung thư vú và về sau di căn đến tuyến tụy. Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính xác của sự hình thành khối u ác tính trong gan và não của Carter chưa được rõ ràng song khoảng 98% là bắt đầu từ da.

Theo các chuyên gia, các hoạt động ngoài trời suốt đời của cựu tổng thống có lẽ làm tăng nguy cơ ung thư da nơi ông. Các bác sĩ cũng cho biết kích thước của các "đốm nhỏ" vào khoảng 2mm. Hiện thời, Carter được xạ trị và chỉ định dùng thuốc tăng cường hệ miễn dịch Pembrolizumab, được gọi bằng tên Keytruda ở Mỹ.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn thuốc Keytruda vào tháng 9/2014 để chữa trị khối u ác tính không thể cắt bỏ được bằng biện pháp phẫu thuật hoặc ung thư đã di căn. Cựu Tổng thống được chỉ định 4 đợt điều trị với khoảng cách 3 tuần.

Diên San (tổng hợp)
.
.