“Nội các Đức” trong Chính phủ Pháp
Một điều đặc biệt là có đến 6 thành viên nội các Pháp liên quan đến nước Đức và ông Macron đã chọn Berlin là điểm xuất ngoại đầu tiên của mình.
Lẽ ra thành phần nội các đã được công bố từ chiều 16-5, nhưng cuối cùng tân Tổng thống Macron đã quyết định lùi lại 24 giờ, vì lý do cần có thêm thời gian để kiểm tra lại tình trạng tài chính, thuế khóa liên quan đến các thành viên chính phủ được tuyển lựa để tránh các xung đột lợi ích có thể xảy ra sau này.
Theo danh sách tân nội các được Alexis Kohler, chánh thư ký Phủ Tổng thống, thông báo, người ta có thể thấy 9 bộ trưởng nam và 9 bộ trưởng nữ, hai quốc vụ khanh nam và hai quốc vụ khanh nữ. Nội các này bảo đảm nguyên tắc cân bằng giới tính, theo cam kết của Tổng thống Macron.
Tổng cộng 22 người trong nội các Pháp thuộc hầu hết các đảng phái chính trị và phe cánh khác nhau. Từ đầu tháng 5, Tổng thống Macron đã tuyên bố là ông sẽ chọn lựa các bộ trưởng “dựa trên kinh nghiệm, năng lực và những gì đã làm được, chứ không phải vì đại diện cho phe nào và sức nặng chính trị của từng người”. Tân thủ tướng được bổ nhiệm hôm 15-5, ông Edouard Philippe, hứa hẹn một chính phủ “tập hợp những tài năng” với nhiệm vụ nặng nề trước mắt và ông không nghĩ rằng “những người muốn phục vụ nước Pháp” có thể đi nghỉ mát dài hạn trong mùa hè này.
Theo ông Macron, nội các có nhiệm vụ thi hành các chương trình của ông nhằm cải tổ luật lao động và thay đổi bộ mặt chính trị Pháp. Tổng thống Macron đòi hỏi các tân bộ trưởng phải có chương trình hành động rõ ràng, và hiệu quả sẽ được đánh giá hằng năm.
Trước khi được chỉ định làm Thủ tướng, Edouard Philippe, 46 tuổi, là nghị viên, Thị trưởng thành phố cảng Le Havre, thuộc đảng Những người cộng hòa, nhưng không phải là sản phẩm thuần túy của cánh hữu. Trước khi trở thành một chính trị gia thân cận của cựu Thủ tướng Alain Juppé, nay là Thị trưởng Bordeaux, ông Edouard bước vào con đường hoạt động chính trị với đảng Xã hội cánh tả khi còn là sinh viên đại học.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Phủ thủ tướng tại Berlin ngày 15-5. |
Tuy theo cánh hữu, nhưng ông Edouard giữ lập trường trung lập, không chống cũng không ủng hộ luật hôn nhân đồng tính. Là người của đảng Những người cộng hòa, ông nhanh chóng tách xa ứng cử viên Francois Fillon khi tai tiếng nhũng lạm quyền thế và tạo việc làm ảo nổ ra. Như vậy, tân Thủ tướng Pháp là một nhân vật trung dung của cánh hữu.
Chính trị gia biểu tượng này, ngoài khả năng và kinh nghiệm trong hai lĩnh vực tư và công để điều hành nội các mới, còn là một tín hiệu chính trị chuẩn bị bầu Quốc hội vào tháng 6 tới. Chủ nhân mới của Điện Élysée hy vọng cử tri tin tưởng vào lời hứa tập hợp tả hữu và thêm nhiều lá phiếu cho đảng Cộng hòa Tiến bước, đang cần một đa số ở lập pháp.
Kết quả cuộc thăm dò của Elabe công bố trên kênh BFMTV ngày 17-5 cho biết 61% người Pháp tỏ ra hài lòng trước nội các mới, 65% số người được hỏi hy vọng một sự thay đổi bộ mặt chính trị Pháp.
Tuy nhiên, ngay sau khi thành phần nội các mới được công bố, một phóng viên thường trú của hãng tin AFP tại Berlin nhìn thấy rằng có 5 bộ trưởng và một cố vấn đặc biệt của Tổng thống Macron có liên quan tới nước Đức. Đầu tiên phải nói đến Thủ tướng Edouard Philippe. Ông Edouard sinh ra tại Bonn, thủ đô của CHDC Đức cũ. Tại đây, ông học hết cấp 3. Cha ông là hiệu trưởng một trường cấp 3 của Pháp ở CHDC Đức.
Kế đến là Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế. Ông Le Maire thường xuyên được các đài truyền hình Đức mời tham gia các chương trình bình luận thời sự chính trị Pháp và châu Âu. Theo AFP, ông Le Maire là một đồng minh yêu thích của Đức, nhất là trên vấn đề cải tổ khu vực đồng tiên chung châu Âu và là cặp bài trùng với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble trong các chương trình này.
Bộ trưởng Quốc phòng, Sylvie Goulard, là người góp công rất lớn cho quan hệ Pháp - Đức và xây dựng châu Âu. Bà là người trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán thống nhất nước Đức và là tác giả của nhiều cuốn sách về đề tài này.
Cố vấn ngoại giao cho Tổng thống Macron là Philippe Etienne, cựu Đại sứ Pháp tại Berlin. Chưa hết, Bộ trưởng Bộ Quy hoạch phát triển, Richard Ferrand, là người nói tiếng Đức trôi chảy, ông từng học hai năm cấp 3 ở Đức. AFP không quên kể đến Daniel Cohn-Bendit, người song tịch Đức - Pháp, có quan điểm ủng hộ châu Âu và thường xuyên tham gia các phái đoàn đàm phán Đức - Pháp. Thậm chí ông còn được nhiều đài truyền hình Đức mời tham gia bình luận bóng đá.
Theo AFP, nội các của Tổng thống Macron có nhiều thành viên “thân” Đức nhất trong số các chính phủ tiền nhiệm. Dưới thời ông Hollande, chỉ có cựu Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault là người giỏi tiếng Đức.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ông Macron chọn nhiều người liên quan đến Đức cho chính phủ của mình. Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron dành chuyến xuất ngoại đầu tiên sang Đức, để cùng Thủ tướng Merkel mở ra một trang sử mới trong quan hệ Paris - Berlin, đem lại một làn gió mới cho Liên minh châu Âu. Ông Emmanuel Macron lên cầm quyền trong bối cảnh cách đây chưa đầy một năm, người dân Anh bỏ phiếu đưa nước này ra khỏi châu Âu.
Các phong trào bài châu Âu tại nhiều nước thành viên, từ Hà Lan đến Áo và nhất là ở Pháp liên tục dâng cao. Châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ kinh tế, an ninh đến vấn đề nhập cư.
Theo giới phân tích, chuyến công du Đức không chỉ là một bài toán trắc nghiệm về quan hệ Paris - Berlin mà còn mang tính định đoạt cho một Liên minh châu Âu đang có nguy cơ bị tan rã. Trục Paris - Berlin luôn được coi là động cơ của con tàu châu Âu. Nhưng nói như thế không có nghĩa là đôi bên lúc nào cũng đồng thuận với nhau. Chưa gì mà báo chí Berlin đã sợ rằng, chính sách châu Âu của tân Tổng thống Macron sẽ gây tốn kém cho người Đức, cho nước Đức.
Tổng thống Macron và các thành viên tân chính phủ Pháp. |
Cố vấn đặc biệt của Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp, FRS, Francois Heisbourg còn đi xa hơn khi cho rằng, Đức và châu Âu sẽ là “tâm điểm trong chính sách đối ngoại” của Tổng thống Macron và tất cả nỗ lực của tân Tổng thống Pháp sẽ xoay quanh châu Âu. Có điều, theo phân tích của chuyên gia này, quan hệ quốc tế thường đầy rẫy những bất ngờ.
Những cuộc xung đột vũ trang trên thế giới chẳng mấy khi được báo trước. Khi lên cầm quyền, Tổng thống Francois Hollande từng cam kết rút quân khỏi Afghanistan, để rồi khi rời khỏi Điện Élysée ngày 14-5-2017, sau 5 năm cầm quyền, ông Hollande là vị Tổng thống Pháp đã khởi động 3 chiến dịch quân sự ở Mali, Trung Phi và Iraq - Syria. 3 mặt trận mới trong vỏn vẹn 5 năm cầm quyền.
Emmanuel Macron muốn châu Âu là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Nhưng theo quan điểm của một nhà ngoại giao được AFP trích dẫn, về mặt đối ngoại, tổng thống sẽ gặp nhiều bất ngờ. Trước mắt, tình hình Algéri, thuộc địa cũ của Pháp, có thể là một thách thức lớn. Sức khỏe của Tổng thống Algeri Abdelaziz Bouteflika đã suy sụp nhiều năm qua, mở đường cho rất nhiều các cuộc đấu đá ở hậu trường, với những hệ lụy khó lường. Theo quan chức này, Algéri mới là “hồ sơ gai góc nhất”.
Trong một bài phân tích đăng tải hôm 15-5, hãng tin Anh Reuters ghi nhận là trong quá khứ, Pháp thường bị các đồng minh xem là một nước ngoan cố, thích tự ý hành động, như đã can thiệp quân sự vào Libya, Trung Đông và vùng Sahel. Bản thân Tổng thống Macron thì muốn hợp tác an ninh sâu hơn với châu Âu, nhưng rất có thể là ông sẽ cảm thấy khó mà phá vỡ cái khuôn của các người tiền nhiệm như Francois Hollande và Sarkozy.
Ông Francois Heisbourg nhìn nhận: “Chúng tôi biết là trong thế giới này, không phải là tổng thống áp đặt đường lối đối ngoại, mà đường lối đối ngoại tự nó áp đặt lên tổng thống”.
Cho dù vậy, một nhà ngoại giao Pháp nhận định rằng sẽ không có thay đổi lớn lao trong chính sách ngoại giao Pháp. Trả lời Reuters, nhân vật này cho rằng sẽ không có một sự đoạn tuyệt quan trọng nào đối với quá khứ. Tất cả những chủ đề lớn vẫn sẽ tiếp tục.