Nữ ứng cử viên làm nóng cuộc chạy đua chức Tổng Thư ký LHQ

Thứ Ba, 10/05/2016, 17:40
Cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang nóng dần lên từng ngày và lần đầu tiên trong 70 năm hoạt động, tiến trình đề cử ứng cử viên diễn ra công khai và minh bạch. Hiện tại, bên trong cơ cấu LHQ cũng có sự ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên tổng thư ký tương lai là phụ nữ và có thể đến từ Đông Âu, hoặc cả hai.

Có ít nhất 53 quốc gia gây sức ép để Tổng Thư ký LHQ tương lai là phụ nữ. Và, cũng có vài dấu hiệu cho thấy 5 quốc gia trong Hội đồng Bảo an LHQ có quyền phủ quyết - bao gồm: Anh, Pháp, Nga, Mỹ và Trung Quốc - có thể từ bỏ ảnh hưởng của họ đối với sự đề cử ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký LHQ.

Natalia Gherman, nữ ứng cử viên đến từ Moldova, có lý lịch đáng chú ý - từng giữ các chức vụ phó thủ tướng, quyền thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao. Gherman cam kết - trong một cuộc phỏng vấn của tờ Foreign Policy hồi tháng 4-2016 ở Washington - sẽ mang lại sự minh bạch và bình đẳng giới cho LHQ nếu trở thành nữ tổng thư ký đầu tiên của tổ chức quốc tế này.

Bà Natalia Gherman.

Gherman tin tưởng cơ hội của mình sẽ gia tăng khi có được sự ủng hộ từ Hội đồng Bảo an. Gherman đã có những chuyến viếng thăm đến London, Moscow, Washington và đang chuẩn bị đến gặp gỡ giới chức chính quyền ở Paris và Bắc Kinh vào những tháng sắp tới.

Đến từ Moldova, quốc gia có mối quan hệ cân bằng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga, Gherman là ứng cử viên hứa hẹn sẽ giúp giải quyết những xung đột lợi ích giữa các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an LHQ. Từ trước đến nay, đã có những nhân vật ngồi vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ đến từ châu Phi, châu Á, Mỹ La-tinh hay Tây Âu nhưng Đông Âu vẫn chưa có ai.

Hơn nữa, chức vụ Tổng thư ký LHQ luôn được nam giới nắm giữ. Do đó, ứng cử viên nữ đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên trong tổ chức này. Theo các chuyên gia phân tích, Nga đặc biệt ủng hộ ứng cử viên đến từ Đông Âu.

Richard Gowan, chuyên gia về LHQ ở Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), nhận định: “Nga rõ ràng nhìn thấy đây là cơ hội tốt để đưa một người vào LHQ mà họ có thể gây ảnh hưởng. Do đó, giới chức chính quyền Nga tin rằng ứng cử viên từ Đông Âu sẽ đáp ứng mong muốn của họ”.

Kofi Annan, nhà ngoại giao Ghana giữ chức Tổng thư ký LHQ từ năm 1997 đến 2006, nhận được sự ủng hộ từ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tổng thư ký Ban Ki-Moon hiện nay cũng có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Ngoài ra, Ban Ki-Moon giành được chiếc ghế Tổng thư ký LHQ một phần nhờ Trung Quốc mong muốn có ứng cử viên đến từ châu Á và thậm chí đe dọa sử dụng quyền phủ quyết nếu điều này không được đáp ứng.

Bà Susana Malcorrar, nữ Ngoại trưởng Argentina.

Theo Richard Gowan, cuộc chạy đua vào LHQ lần này “có thể nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu giành quyền lực giữa Nga và Mỹ”. Trong khi đó, 2 ứng cử viên không phải Đông Âu - cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và Cao ủy LHQ về người tỵ nạn (UNHCR) Antonio Guterres - nhận được sự ủng hộ của các quốc gia Tây Âu và Mỹ.

Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark.

Mặc dù vậy, Đại sứ Nga ở LHQ Vitaly Churkin phát biểu với báo chí rằng, Moscow sẽ không sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản ứng cử viên không phải là người Đông Âu. Vitaly Churkin thẳng thắn bày tỏ quan điểm của Moscow: “Có những nhân vật có phẩm chất tốt và đáng kính, thế nên chúng tôi phải hết sức khách quan”.

Tháng 7 sắp tới, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ xem xét lý lịch của các ứng cử viên và bắt đầu chọn ra người xứng đáng thay thế ông Ban Ki-Moon vào cuối năm 2016. Trong thời gian này, cuộc chạy đua trở nên sôi động hơn với những đối thủ nữ nặng ký - như là Susana Malcorrar, nữ Ngoại trưởng Argentina và trợ lý hàng đầu cho Ban Ki-Moon; và Maria Angela Holguin, nữ Ngoại trưởng Colombia và từng là Đại sứ Colombia ở LHQ.

Bà Maria Angela Holguin, nữ Ngoại trưởng Colombia.

Nhiều người hoài nghi Irina Bokova - nhân vật nữ đến từ Bulgaria và hiện là Tổng giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO) - là ứng cử viên mong muốn của Nga. Tuy nhiên, có lẽ phương Tây sẽ ngăn cản Irina Bokova ngồi vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ do hoài nghi bà không có quan điểm rõ ràng về một số vấn đề nhạy cảm hiện nay như là cuộc khủng hoảng bán đảo Crimea và sự dính líu quân sự của Nga vào Ukraine lẫn Syria.

Bà Irina Bokova.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.