Nước Anh có thêm một “Bà đầm thép”

Thứ Hai, 18/07/2016, 19:00
Một lần nữa, quyền cầm lái điều khiển chiến thuyền Anh quốc lại được trao vào tay một người phụ nữ - nguyên Bộ trưởng Nội vụ Theresa May - với tôn chỉ rạch ròi: “Chúng ta cần một tầm nhìn mới, mạnh mẽ và tích cực cho tương lai của đất nước, một tầm nhìn không phải chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số nắm giữ các đặc quyền mà cho đại chúng”.

Việc nước Anh tìm ra được một vị thủ tướng mới đã tạm khép lại khoảng thời gian 3 tuần với một loạt diễn biến khó ngờ trên cả chính trường Anh lẫn thị trường tài chính toàn cầu. “Bà đầm thép thứ hai” sẽ phải chứng minh sự kiên cường của mình trong nhiệm kỳ trước mắt với hàng loạt những cuộc đàm phán với lãnh đạo EU và tìm cách trấn an các nhà đầu tư đang vội vã tháo chạy khỏi thị trường khiến trị giá đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 thập niên trở lại đây.

Philip ôm hôn vợ trước đám đông ủng hộ.

Mơ ước làm thủ tướng thời còn đi học

Sinh ngày 1-10-1956 tại Eastbourne, East Sussex, miền đông nam nước Anh, bà Theresa May là con gái của một mục sư. Dù sinh ra ở Sussex nhưng Theresa lớn lên chủ yếu ở vùng đồng quê thanh bình Oxfordshine. Bà từng tham gia đóng các vở kịch câm do chính cha mình dàn dựng và không ngại tìm việc làm thêm ở một hiệu bánh vào mỗi cuối tuần để có tiền tiêu vặt.

Năm bà lên 25 tuổi, cha bà thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Bà từng theo học tại trường công lập Wheatley Park và sau đó chuyển tới học chuyên ngành địa lý tại Trường đại học tư thục St Hugh's College, thuộc hệ thống giáo dục danh tiếng Oxford.

Nhiều người cho rằng đàn bà con gái mà có tính tình cương nghị, quyết đoán thì sẽ không còn những nét nữ tính, nhưng trái lại, cũng như bao nhiêu cô gái khác, Theresa rất thích nấu ăn (tủ sách trong nhà bà hiện có hơn trăm đầu sách dạy nấu ăn) và thích đi giày cao gót.

Năm 1976, khi đang học năm thứ ba, Theresa gặp người chồng tương lai của mình, Philip May, qua “bà mai” Benazir Bhutto (thủ tướng sau này của Pakistan, bị ám sát năm 2007). Chồng bà cũng không phải người tầm thường. Khi gặp Theresa tại buổi khiêu vũ do Hội Bảo thủ Wimbledon tổ chức tại Đại học Oxford, ông là Chủ tịch Liên minh Oxford, xuất xứ nổi tiếng của nhiều chính khách.

Philip và Theresa trong hôn lễ.

Thời trai trẻ, ông cũng từng nuôi dưỡng những tham vọng chính trị. Những người cùng thời với Philip bao gồm: Alan Duncan (người tiền nhiệm Philip lãnh đạo Liên minh Oxford); các thành viên đảng Bảo thủ Anh David Willetts, Dominic Grieve và Damian Green; nhà báo chính trị tương lai Michael Crick (được bầu làm Chủ tịch Liên minh Oxford sau Philip). Còn bà Benazir Bhutto là một ngôi sao của môi trường chính trị ở Đại học Oxford. Hai người thành hôn vào năm 1980 tại nhà thờ Wheatley thuộc hạt Oxfordshire miền nam nước Anh.

Bạn bè bà nhớ lại, dù có nền tảng gia đình khá khiêm tốn nhưng Theresa May từng mơ ước trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh từ khi còn rất trẻ. Bà Pat Frankland, bạn cùng học đại học của bà May kể lại: "Tôi chưa bao giờ thấy bà ấy thôi khao khát làm chính trị. Bà ấy muốn trở thành nữ thủ tướng đầu tiên, do vậy khi bà Margaret Thatcher nhậm chức, bà ấy đã không giấu được vẻ bực bội”.

Theresa May bắt đầu tạo dựng sự nghiệp tại Ngân hàng trung ương Anh, bà nhanh chóng trở thành người đứng đầu đơn vị giao dịch châu Âu của Hiệp hội Dịch vụ thanh toán rồi được bầu làm Ủy viên Hội đồng địa phương ở Merton. Cũng như trong nghề nghiệp chuyên môn, chỉ mấy năm sau bà được bầu vào vị trí lãnh đạo hội đồng này.

Sau các thất bại trong cuộc thử thời vận chính trị vào Quốc hội Anh các năm 1992 và 1994, đến năm 1997, bà giành được chiếc ghế nghị sĩ của đảng Bảo thủ tại Maidenhead ở Berkshire. Năm 1999, bà Theresa May có mặt trong nội các Anh với cương vị Bộ trưởng Giáo dục dưới trướng Thủ tướng William Hague.

Tháng 5-2010, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong 6 năm tại vị (được xem là người ngồi ở vị trí quan trọng này với thời gian lâu kỷ lục), Theresa May trao quyền nhiều hơn giúp cảnh sát trấn áp tội phạm, tăng cường bảo vệ biên giới, rắn tay trong vấn đề dân nhập cư hay nạn nhập cư trái phép. Những chính sách cứng rắn của bà đã phần nào giúp hé lộ những điều mà người dân Anh có thể chờ đợi từ nữ thủ tướng mới của họ.

Bà từng từ chối thẳng thừng yêu cầu của Mỹ về việc dẫn độ một tin tặc người Anh, cũng như quyết liệt trục xuất một công dân Anh là giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Abu Hamza. Bà đã từ chối đề nghị của EU trong việc cấp hạn ngạch tiếp nhận người di cư trong liên minh với lý do chỉ ưu tiên giúp những người sống ở khu vực chiến tranh hoặc trong các trại tị nạn chứ không phải những người giàu có muốn đến châu Âu.

Trong vấn đề này, Theresa May nổi tiếng với chiến dịch mang khẩu hiệu “Những người nhập cư hãy trở về nhà hoặc bị bắt giữ”. Tháng 6-2016, các nhà lập pháp Anh đã thông qua Dự luật các quyền lực điều tra, một đề xuất được bà Theresa May đưa ra, cho phép cảnh sát và các cơ quan công quyền có thể giám sát dữ liệu thông tin cá nhân của người dân nhằm đối phó với các phần tử khủng bố.

Ngoài ra, bà Theresa May cũng là một trong những chính khách kiên trì ủng hộ việc Anh tiến hành chiến tranh ở Iraq cũng như các hoạt động khác của quân đội nước này tại Syria, Libya và Afghanistan. Theo tờ Daily Beast, thành tựu an ninh của bà May rất ấn tượng. Bộ Nội vụ dưới sự lãnh đạo của bà đã phá vỡ nhiều âm mưu khủng bố.

Theo một quan chức Bộ Nội vụ Anh, bà ra quyết định siêu chính xác, gần như chưa bao giờ sai. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Anh Ken Clarke, từng là thành viên nội các của bà Thatcher, còn mô tả bà Theresa May là “người phụ nữ cực kỳ cố chấp”. Còn cựu Thủ tướng David Cameron khẳng định: “Bà Theresa May mạnh mẽ và đầy năng lực, chắc chắn bà sẽ hoàn thành tốt vai trò Thủ tướng Anh”.

Philip và Theresa thời còn là sinh viên.

Theo tờ The Guardian, ngay sau khi chính thức nhậm chức Thủ tướng, bà Theresa May đã có một loạt cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ireland Enda Kenny.

The Guardian dẫn lời người phát ngôn của Chính phủ Anh: “Trong các cuộc điện đàm, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh cam kết tôn trọng ý chí của người dân Anh rời khỏi EU”. Bà cũng tuyên bố sẽ không bắt đầu đàm phán Brexit trước cuối năm 2016, thay vào đó, bà đề nghị có các cuộc nói chuyện không chính thức với các lãnh đạo EU trước.

Theo hãng tin BBC, dường như bà Theresa May muốn có thời gian để lập đội đàm phán cũng như cân nhắc về các vấn đề quan trọng như nhập cư, tiếp cận thị trường chung châu Âu trước khi đàm phán về Brexit. Nhưng hiện nay, phần đông quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đều muốn Theresa May công bố chiến lược tách Anh khỏi EU càng sớm càng tốt vì các công ty cần thời gian để lên kế hoạch. Bất ổn về khả năng tiếp cận thị trường châu Âu càng kéo dài, họ càng trì hoãn đầu tư, thuê nhân công hay thậm chí sẽ chuyển sản xuất và nhân lực khỏi Anh.

Bà Theresa May có 3 lựa chọn; một là Anh có thể gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Hiệp ước này sẽ giúp các nước không phải thành viên EU được tiếp cận thị trường này, như Na Uy. Tuy nhiên, Anh sẽ không được toàn quyền kiểm soát biên giới và những người ủng hộ Brexit không hề thích điều này.

Thứ hai, bà có thể đàm phán một hiệp định song phương, tương tự Hiệp định Thương mại tự do mà Canada và Mỹ đã ký với EU. Tuy nhiên, bất lợi là việc đàm phán sẽ rất phức tạp và kéo dài nhiều năm. Điều thứ ba, Anh có thể dựa vào các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước như Brazil cũng giao thương với EU dựa trên nền tảng này. Dù vậy, lựa chọn này sẽ khiến thương mại gặp nhiều rào cản và có thể khiến kinh tế Anh thiệt hại lớn.

Cuộc sống bình lặng của phu quân nữ tân thủ tướng

Cùng với sự đăng quang của nữ tân Thủ tướng Anh, Philip (John) May đang dần bước ra ánh sáng trước sự tò mò của công chúng. Hôm 11-7 vừa qua, người chồng trẻ hơn 2 tuổi ít được biết đến của bà Theresa May bắt đầu gây chú ý cho công luận khi ông xuất hiện tại Quốc hội Anh và ôm hôn người vợ đã sống cùng mình trong 36 năm qua.

Nụ cười tươi rói của cặp vợ chồng quyền lực nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất các tờ báo lớn nước Anh và từ đó hé lộ một phần đời tư được giữ trong bí mật cho đến nay của Theresa May.

Philip May có vẻ không giống như một người muốn tìm kiếm hào quang cho riêng mình. Một số người đánh giá Philip giống như Denis Thatcher (phu quân của cựu nữ thủ tướng quá cố Anh - “Bà đầm thép” Margaret Thatcher).

Trong suốt thời gian Margaret Thatcher nắm giữ quyền lực, ông Denis luôn ủng hộ vợ với những quan điểm cá nhân và làm hết sức mình để tránh làm sao cho chuyện đời tư của hai vợ chồng không trở thành đề tài đàm tiếu của báo chí. Ông Philip May chào đời ở tỉnh Norfolk miền đông nước Anh và lớn lên ở hạt Merseyside trước khi vào học khoa lịch sử Đại học Oxford. Mẹ của ông là cô giáo dạy tiếng Pháp, còn cha là nhà buôn sỉ giày da.

Khác với chồng của “Bà đầm thép” thứ nhất, Theresa May rất hiếm khi công khai về đời tư của mình mà thường chỉ nói về “sự ủng hộ hết lòng” mà bà nhận được từ Philip: “Điều đó vô cùng quan trọng với tôi. Philip thật sự là chỗ dựa đáng tin cậy cho tôi”. Mới đây, bà Therea May mới tiết lộ với báo chí về nỗi buồn thầm kín của bà khi hai vợ chồng không có con với nhau.

Philip và Theresa diện đồ thời trang trên đường phố London.

Cách đây rất lâu, Philip đã từ bỏ những tham vọng chính trị của riêng mình mà âm thầm dành toàn tâm toàn ý ủng hộ vợ thăng tiến trên chính trường. Ông từng là Giám đốc đầu tư cho Prudential Portfolio Managers UK, De Zoete & Bevan và Deutsche Asset Management UK.

Từ năm 2005, Philip May giữ chức Giám đốc quan hệ khách hàng của tổ chức quản lý quỹ Capital Group. Một người phát ngôn cho Capital Group kể về Philip May: “Trách nhiệm của ông là bảo đảm cho khách hàng cảm thấy an tâm với dịch vụ của tổ chức này”.

Cũng giống như Denis Thatcher, Philip May gặt hái thành công trong lĩnh vực tài chính và làm việc trong môi trường này suốt gần 40 năm nay. Philip May được bạn bè mô tả là người phóng khoáng, thích tụ họp với mọi người.

Một người bạn của Philip May nói với tờ The Guardian: “Philip là người đáng yêu và có cuộc sống chuẩn mực. Hai vợ chồng họ thương yêu nhau hết mực và hiểu rõ về nhau như đôi bạn tri âm”.

Mạnh Quân – Thiên Minh (tổng hợp)
.
.