“Obama của Nam Phi” xuất hiện khi niềm tin của người dân lung lay

Thứ Hai, 15/08/2016, 14:25
Sau 22 năm cầm quyền, nền tảng chính trị của đảng Đại hội dân tộc Phi đang lung lay chưa từng có sau cuộc bầu cử địa phương diễn ra hôm 3-8-2016, với kết quả gây chấn động: ANC đã để mất quyền kiểm soát thủ đô Pretoria vào tay đảng đối lập Liên minh dân chủ (DA) vốn là đảng của người da trắng trước đây.

Niềm tin của người dân Nam Phi đặt vào đảng của ông Nelson Mandela đang giảm dần. Vì sao?

Tan tành lý tưởng xây dựng “xã hội cầu vồng”

Sau khi kết quả bầu cử được công bố hôm 7-8, mặc dù vẫn còn chiếm ưu thế áp đảo so với đảng DA, nhưng ANC đang cho thấy một sự suy giảm đáng kể tỉ lệ ủng hộ trong cử tri Nam Phi. Về tổng thể, ANC vẫn được 54% cử tri cả nước Nam Phi tín nhiệm, gấp đôi tỉ lệ của DA (27%) và gấp 6 lần tỉ lệ của đảng Chiến binh tự do kinh tế (FEF). Nhưng tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với 62% trong lần bầu cử quốc hội năm 2014, đồng thời đánh mất luôn quyền kiểm soát thủ đô Pretoria.

Trong khi đó, đảng đối lập DA đã cho thấy sự vươn lên đáng kể, và quan trọng là giành quyền kiểm soát khu hành chính đô thị Tshwane, trong đó bao gồm cả thủ đô Pretoria, nắm giữ 43% phiếu so với 41% của ANC. Ngoài ra, DA còn giành chiến thắng rõ rệt tại khu hành chính đô thị Nelson Mandela Bay, nơi từng được xem là “căn cứ địa” bất khả chiến bại của ANC. Riêng tại thành phố trung tâm tài chính Johannesburg, ANC tuy vẫn giành chiến thắng với 44% phiếu, nhưng đã phải chia sẻ quyền lực với đảng đối lập DA.

Đây là lần đầu tiên ANC đối mặt với một thất bại trong bầu cử quốc gia, và tất cả những khó khăn này cho thấy ANC đang đánh mất dần niềm tin trong người dân Nam Phi.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đang dính nhiều bê bối khiến cho uy tín sụt giảm đáng kể.

Cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Âu hay Mỹ, cuộc bầu cử địa phương được xem là một cuộc “trưng cầu” ý kiến cử tri đối với sự lãnh đạo của đảng cầm quyền; tỉ lệ phiếu tăng hay giảm cũng giống như hàn thử biểu đo lường sự ủng hộ của cử tri. Và những kết quả trên được xem là đòn trừng phạt rõ nhất của người dân Nam Phi đối với đảng mà họ và các thế hệ cha anh của họ từng đặt trọn niềm tin dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, người đã đấu tranh vì tự do và bình quyền cho người da đen Nam Phi.

Có ý kiến cho rằng ANC bây giờ không còn là đảng của ông Mandela ngày xưa nữa, nó không còn theo đuổi đến cùng sứ mệnh xây dựng một “xã hội cầu vồng” - tất cả người Nam Phi đều bình đẳng, không phân biệt màu da, đẳng cấp, giống như chiếc cầu vồng bảy sắc lung linh phía chân trời sau cơn mưa. Ước mơ cao đẹp đó chưa thành hiện thực, người khởi xướng xây dựng nó đã ra đi, không còn nữa để có thể hoàn thiện nó.

Những người kế tục ông giờ đây đang làm mất dần ý nghĩa của ba chữ cái “ANC” mà cách đây 22 năm người ta thường ngưỡng vọng. Đảng ANC của Mandela đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn dưới sự lãnh đạo của Jacob Zuma - một người cùng chiến đấu bên cạnh Mandela trong những năm tháng gian nan chống chủ nghĩa Apartheid đi tìm tự do cho người Nam Phi da đen.

ANC của Zuma không còn mang dáng dấp của ANC thời Mandela - có quá nhiều bê bối đang bủa vây đảng này và ngay chính người lãnh đạo nó - Tổng thống Zuma.

Thượng bất chính…

Thế hệ những người trẻ ở Nam Phi ngày nay không có ký ức gì về công cuộc giải phóng dân tộc Phi lừng lẫy do ông Mandela lãnh đạo năm xưa. Những gì họ quan tâm hiện nay là các vấn đề thiết thân hằng ngày của người Nam Phi - sức khỏe nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ; những vấn đề gây dư luận không tốt trong phong cách lãnh đạo, trong lối sống và những hành động, lời nói gây phản ứng tiêu cực trong xã hội của Tổng thống Zuma.

Nam Phi từng là một nền kinh tế lớn nhất châu Phi, nay đã tụt xuống vị trí thứ ba, sau Nigeria và Ai Cập, tỉ lệ thất nghiệp chung lên đến 26% và 40% trong độ tuổi thanh niên. Những người trẻ và nhất là tầng lớp trung lưu ở đô thị, không hài lòng, thậm chí chán ghét trước những điều trái ngược nhau mà họ nghe, thấy diễn ra ở Pretoria: Một mặt, Tổng thống Zuma kêu gọi cả nước cùng chung tay “thắt lưng buộc bụng” để cứu vãn nền kinh tế đang khó khăn, nhưng mặt khác người ta lại nhìn thấy Tổng thống Zuma dùng tiền ngân sách - tiền thuế của dân - cho tiêu xài cá nhân hoang phí.

Tháng 4-2016, Tòa án Tối cao Nam Phi đã tuyên phán Tổng thống Zuma phạm Luật Ngân sách và ra lệnh cho ông phải hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước số tiền trị giá 16 triệu USD mà ông đã sử dụng để tu bổ tư dinh vào đầu năm 2016. Việc xây dựng biệt điện của ông Zuma cũng gây ra nhiều điều tiếng trong dân chúng. Trong bối cảnh kinh tế Nam Phi đang trải qua giai đoạn khó khăn, hành động xây dựng dinh cơ xa hoa của ông trở thành gương xấu cho đất nước, làm giảm uy tín của nhà lãnh đạo.

Chưa hết, vào tháng 2-2016, các đồng nghiệp của Zuma cáo buộc ông đã cho phép một gia đình giàu có người Ấn Độ gây ảnh hưởng lên việc bổ nhiệm các chức danh trong chính phủ để đổi lấy sự nhượng bộ về thương mại. Rồi tháng 5-2016, ông Zuma tiếp tục bị cáo buộc đã dùng nửa tỉ USD tiền ngân sách để mua ôtô riêng cho 4 bà vợ của ông.

Cáo buộc này, cùng với những bê bối tình dục, kinh tế đang làm dày thêm hồ sơ bê bối của Tổng thống Zuma. Tòa án Nam Phi đang thụ lý đến 783 cáo buộc hình sự chống lại ông, và điều này đang làm xấu đi hình ảnh nhà lãnh đạo của “đất nước cầu vồng” một thời là niềm tin và sự ngưỡng mộ của thế giới.

“ANC không còn là đảng của ông Mandela nữa. Đảng này đang thay đổi một cách căn bản từ cốt lõi, từ trong đường lối đấu tranh cho nhân dân da đen Nam Phi, trong đấu tranh vì công bằng xã hội Nam Phi” - Mmusi Maimane, Chủ tịch đảng đối lập Liên minh dân chủ (DA) đánh giá.

Mmusi Maimane, Chủ tịch đảng DA, một ngôi sao đang lên ở Nam Phi.

Nhưng cũng có ý kiến khác không xem thất bại “nhẹ nhàng” hôm 3-8 là điều gì đó như “trời sập”. Nhà bình luận Nam Phi Phumlani Majozi lạc quan tin rằng, cú vấp ngã của ANC vừa qua là một tín hiệu triển vọng về sự trưởng thành của một nền dân chủ non trẻ 22 năm.

Ông Majozi nhận định rằng, ANC phải thay đổi. Quá khứ sẽ không còn được mấy ai nhớ đến nếu một đảng chính trị như ANC không biết tự làm mới mình và thích nghi với sự phát triển của đất nước. Thực tế trong vài thập kỷ qua, trên thế giới cũng có những đảng chính trị lớn, cầm quyền trong thời gian dài hàng chục năm, nhưng một khi không còn duy trì được đường lối lãnh đạo hợp lòng dân thì sa sút, đi xuống, thậm chí có đảng mất luôn quyền lãnh đạo đất nước vào tay đảng đối lập.

Một số ví dụ điển hình cho sự thoái trào này như đảng Quốc đại của Ấn Độ, Tổ chức dân tộc Malaysia thống nhất (UMNO), Cách mạng thể chế (PRI) của Mexico và Dân chủ tự do (LDP) của Nhật. Tất cả đều là những đảng cầm quyền nhiều năm, gặp khủng hoảng kinh tế - xã hội hoặc xảy ra bê bối làm mất lòng dân và mất thế cầm quyền.

Thế nhưng, một khi biết cách thay đổi, tùy biến để thích với thời cuộc, các đảng phái này đã hồi sinh nhanh chóng và đã quay trở lại cầm quyền. Trường hợp này cũng đang bắt đầu diễn ra với ANC của Nam Phi.

Người da đen lãnh đạo một đảng của người da trắng

Trong bối cảnh ANC đang có dấu hiệu “lung lay niềm tin” trong dân chúng, thì ở phía đảng đối lập xuất hiện một ngôi sao đang tỏa sáng. Đó là Mmusi Maimane, Chủ tịch đảng DA, người được dư luận báo chí Nam Phi so sánh một cách hình tượng là “Obama của Nam Phi”. Maimane đang tạo ra một sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử đảng DA cũng như cả nước Nam Phi nói chung: Lần đầu tiên một người da đen lãnh đạo một đảng của người da trắng.

Ở góc độ nào đó, đây có vẻ như là sự xóa nhòa cách biệt màu da đen - trắng trong đời sống chính trị Nam Phi. Nhưng trên thực tế điều đó chưa thật sự xảy ra. Chính bản thân ông Maimane cũng thừa nhận rằng tuy ông - một người da đen - lãnh đạo đảng của người da trắng, nhưng người da trắng ở Nam Phi vẫn chưa thật sự sẵn sàng bỏ đi định kiến màu da.

Thái độ kỳ thị màu da vẫn còn trong người Nam Phi qua câu chuyện vừa xảy ra với chính bản thân Maimane: vì bị xe của ông cản đường, một phụ nữ da trắng do không nhận ra ông là chủ tịch đảng của mình nên đã buông một câu miệt thị ông. Maimane lẳng lặng chấp nhận lời xúc phạm như một sự thật chua chát vẫn còn tồn tại ở Nam Phi.

Năm nay 40 tuổi, Maimane lớn lên trong những ngày tháng lụi tàn của chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi, thời kỳ mà bạo lực đẫm máu giữa người da đen với nhau diễn ra nhan nhản trên đường phố Soweto. Vì muốn giữ an toàn cho con trai, bố mẹ Maimane đã phải ghi danh cho ông vào học trong một trường tư thục Thiên Chúa giáo, nhờ đó đã đặt ông lên con đường tương lai xán lạn, cách biệt hẳn so với bạn cùng trang lứa. Maimane lấy bằng thạc sĩ thần học.

Tài ăn nói hùng hồn và tác phong bay bổng, chói sáng của Maimane gây chú ý mạnh mẽ đối với nhiều người và biệt danh “Obama của Nam Phi” cũng xuất phát từ đó. Ngay từ khi bước chân vào chính trị, Maimane đã được đảng DA đánh giá cao và có cơ hội thể hiện mình khi tham gia ứng cử Thị trưởng Johannesburg vào năm 2011, sau đó là thủ lĩnh đảng đối lập DA trong quốc hội. Maimane đã chứng minh năng lực vượt trội của mình với tài diễn thuyết như thôi miên người nghe.

Nhiều người dân Nam Phi đang dần mất niềm tin vào ANC.

Tháng 5-2015, ông được bầu làm Chủ tịch đảng DA với 90% số phiếu ủng hộ - một sự kiện chấn động chưa từng có trong lịch sử Nam Phi. Có người còn xem ông như một hậu duệ của cố Tổng thống Nelson Mandela, nhưng Maimane khiêm tốn nói “ông ấy vĩ đại quá”, nhưng cũng mạnh miệng tuyên bố sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện thành công ước vọng về một “đất nước cầu vồng” của ông Mandela.

Những kết quả bầu cử địa phương vừa qua cho thấy sự tỏa sáng của Maimane và sự thăng tiến ít nhiều của DA, nhưng đó không phải hoàn toàn do DA tiến bộ hơn, mà chủ yếu do sự trừng phạt của dân chúng đối với ANC. Ông Zuma và ANC có thể mất đi phần nào sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu, giới trẻ, nhưng ở các vùng khác, ở nông thôn, Zuma và ANC vẫn nhận được sự ủng hộ rất cao.

ANC vẫn còn là đảng mạnh nhất, vẫn áp đảo DA trên toàn quốc. Vấn đề đặt ra đối với Nam Phi hiện nay còn to lớn hơn những “chuyện thường ngày” của Tổng thống Zuma, khiến cho ước mơ “đất nước cầu vồng” của ông Mandela tiếp tục chỉ là ước mơ.

Sau 22 năm, người Nam Phi da đen vẫn đau đáu về một sự bù đắp đầy đủ cho những tất cả những gì mà thế hệ cha mẹ họ đã hy sinh, còn người da trắng thì vẫn chưa hoàn toàn xóa đi được suy nghĩ kỳ thị màu da. Niềm tin vào một xã hội “cầu vồng” mà ông Mandela đặt ra đã lung lay khá nhiều. Mặc dù Maimane đã hứa sẽ làm thay đổi màu da cho đảng DA của ông nhằm xóa đi khoảng cách với người dân, nhưng trước sau người Nam Phi da đen vẫn xem đó là đảng của người da trắng và chính bản thân Maimane cũng bị họ đánh giá không “đen” bằng họ.

Maimane cũng hứa sẽ đẩy lùi những bất công còn đầy rẫy ở Nam Phi, nhưng người da đen nghèo trong một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp quá cao (40% trong độ tuổi thanh niên) lại chưa dám tin vào khả năng đảng DA của Maimane thật sự quan tâm lo lắng cho họ. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích vẫn đặt niềm tin rằng, kết quả bầu cử vừa qua sẽ tạo bước đệm tốt cho đảng DA và Maimane làm tốt hơn trong cuộc bầu cử quốc hội toàn quốc sắp tới.

Một dự báo cho rằng, DA sẽ không đưa người ra ứng cử tổng thống vào năm 2019, nhưng sẽ từng bước thu thêm lá phiếu cử tri trong khi ANC sa sút và sẽ giành chiến thắng trong lần bầu cử tiếp theo.

An Châu (tổng hợp)
.
.