Ông Macron và con đường vào châu Á

Thứ Hai, 07/05/2018, 16:23
Từ ngày 1 đến 3-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Australia với mục tiêu mượn Canberra làm đòn bẩy đưa các doanh nghiệp Pháp vào khu vực châu Á, nhưng quan trọng hơn là củng cố hợp tác quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh tập thể trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Coi trọng mối quan hệ với Australia

Đây là lần thứ hai một Tổng thống Pháp thăm Australia, sau ông Francois Hollande cách đây 4 năm. Điều đáng nói, chuyến thăm này của ông Macron diễn ra ngay trong năm đầu tiên nắm quyền và trong khuôn khổ thuần túy song phương (ông Hollande năm 2014 đã tranh thủ công du Australia sau khi dự thượng đỉnh G20 tại Brisbane).

Những điều này cho thấy ông Macron rất coi trọng Australia. Nội dung chính của các cuộc thảo luận giữa ông Macron và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull là hợp tác quốc phòng, an ninh trong khu vực và kinh tế.

Trước hết, về kinh tế, sau nhiều thỏa thuận với các quốc gia và vùng kinh tế trên thế giới, trong đó có thỏa thuận với Mỹ năm 2004 và Đông Nam Á năm 2009, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn cuối cùng mà Canberra chưa đạt được thỏa thuận tự do mậu dịch. Do đó, Canberra muốn Paris cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề này, như Thủ tướng Australia từng đề xuất với Tổng thống Pháp trong chuyến thăm Paris vào tháng 7-2017.

Trên thực tế, nếu được ký kết, thỏa thuận thương mại trên sẽ mang lợi cho cả hai bên. Với Pháp, thỏa thuận tự do mậu dịch là khả năng đảm bảo cho các doanh nghiệp Pháp được ưu tiên gia nhập vào lĩnh vực dịch vụ, cũng như nhiều hợp đồng tiềm tàng trên vùng lãnh thổ rộng lớn. Các tập đoàn xây dựng và năng lượng lớn của Pháp như Vinci, Bouygues, đang tham gia vào nhiều dự án lớn tại Australia, sẽ còn được hưởng lợi hơn nếu thỏa thuận thương mại được ký kết.

Tổng thống Pháp Macron (bên phải) và Thủ tướng Australia M.Turnbull tại Sydney ngày 1-5.

Không chỉ dừng trên thị trường Australia, thỏa thuận tự do mậu dịch Australia-Liên minh châu Âu sẽ là cánh cửa đưa Pháp chinh phục thị trường châu Á đang trỗi dậy. Theo nhận định của tờ Huffingon Post (ra ngày 1-5-2018), bỏ quên Australia chính là tính toán sai lầm của châu Âu vì Australia không chỉ là một đối tác kinh tế trong vùng Thái Bình Dương, mà còn là cỗ máy chủ đạo của nền kinh tế châu Á.

Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Australia và hằng năm, 1/3 hàng xuất khẩu của Australia (thịt bò, sữa, khoáng sản, than) được xuất sang quốc gia đông dân nhất thế giới. Với Australia, thỏa thuận tự do thương mại cũng là bước chuẩn bị cho trường hợp Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, dự kiến vào tháng 3-2019.

Về hợp tác quốc phòng, quan hệ song phương trong lĩnh vực này được thể hiện qua hợp đồng ký ngày 20-12-2016, theo đó Pháp bán 12 tàu ngầm hiện đại lớp Barracuda cho Hải quân Australia, với tổng trị giá khoảng 34 tỉ USD. Sau hợp đồng được đánh giá là một trong những thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử quốc phòng, phải kể đến hai sự kiện khác đánh dấu mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.

Trước tiên, vào tháng 7-2017, đích thân Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã khai trương một khu phức hợp nghiên cứu phát triển tàu ngầm tại Tập đoàn Naval Group ở thành phố cảng Cherbourg (Pháp), trong đó có khoảng 50 nhà nghiên cứu Australia tham gia. Tiếp theo là thỏa thuận đối tác giữa hai vùng nổi tiếng trong lĩnh vực tàu ngầm là Bretagne (Pháp) và Adelaide (Australia) ký hồi tháng 9-2017.

Quan hệ hữu nghị Pháp-Australia đã có từ 100 năm trước, khi 1.200 quân nhân Australia thuộc lực lượng Anzac (cùng với quân nhân New Zealand) đã hy sinh ở chiến trường Somme trong Thế chiến thứ nhất. Đúng một thế kỷ sau, Tổng thống Macron muốn tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là vai trò quan hệ đối tác Pháp-Australia trong việc củng cố trục Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm đưa ra được những giải pháp chung, đối phó với các thách thức về mặt an ninh cũng như khí hậu trong toàn khu vực, như nội dung bài tham luận được Tổng thống Macron đọc ngày 2-5 tại căn cứ Garden Island ở Sydney.

Trong buổi họp báo chung tại Sydney, Tổng thống Macron và Thủ tướng Turnbull đã tuyên bố rằng không một quốc gia nào có quyền thống trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tổng thống Macron cho rằng Pháp cũng như Australia, cùng với một quốc gia dân chủ khác trong vùng là Ấn Độ, có trách nhiệm bảo vệ khu vực này khỏi ách “bá quyền” của một quốc gia nào đó.

Tổng thống Pháp tuyên bố: “Điều quan trọng là phải bảo vệ sự phát triển dựa trên các quy tắc của luật pháp trong toàn vùng... và duy trì thế cân bằng cần thiết trong khu vực... Điều quan trọng với bối cảnh mới hiện nay là không nên có một thế lực bá quyền nào”.

Về phía Australia, Thủ tướng Turnbull đã gọi Pháp là một “cường quốc Thái Bình Dương” và cho biết là ông hoan nghênh sự vươn lên về mặt kinh tế cũng như nguồn đầu tư của Trung Quốc, nhưng kêu gọi tất cả các bên cùng hợp tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo ông Turnbull, điểm thiết yếu là mọi bên phải tuân thủ “một nguyên tắc của luật pháp, theo đó sức mạnh không phải là lẽ phải, cá lớn không thể nuốt cá bé, cá bé không thể nuốt tôm tép”.

Đối với Thủ tướng Australia, chính nguyên tắc luật pháp đó là điều mà Canberra và Paris đang tìm cách duy trì trong toàn khu vực.

Theo AFP, tuyên bố của hai lãnh đạo Pháp, Australia được đưa ra vào lúc các nước trong vùng ngày càng lo ngại về đà vươn lên của một nước Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán. Pháp có một số lãnh thổ là hải đảo ở Thái Bình Dương, còn Australia thì ngày càng cảnh giác trước việc Bắc Kinh vươn tầm ảnh hưởng xuống khu vực Nam Thái Bình Dương, điều có thể phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Láng giềng của Australia là New Zealand cũng đã bày tỏ nỗi “lo âu chiến lược”, một thuật ngữ ngoại giao dùng để chỉ sự quan ngại trước ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc trong khu vực. Vào tháng trước, báo chí Australia đã loan tin về việc Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài tại Vanuatu, điều đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Australia Lowy, trong giai đoạn 2006-2016, Trung Quốc đã tài trợ 1,78 tỷ USD, bao gồm các khoản vay ưu đãi, cho các quốc gia nhỏ ở vùng Thái Bình Dương.

Khẳng định vai trò cường quốc hải quân

Ngoài Australia, Pháp cũng nhắm đến hàng loạt các quốc gia châu Á khác như Ấn Độ, Philippines... để tăng cường hiện diện trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong vòng không đầy một tuần lễ đầu tháng 3-2018, Pháp tung ra liên tiếp hai tín hiệu mạnh nhằm khẳng định vai trò của mình tại cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hiện đang được gộp lại trong khái niệm chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Hầu hết các nhà quan sát đều ghi nhận là Paris đang khẳng định vai trò cường quốc hải quân của mình vào lúc Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Tại New Delhi hôm 10-3, Tổng thống Pháp Macron ký với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi một thỏa thuận hợp tác quân sự, mở cửa các căn cứ hải quân của nhau cho đối tác. Sau đó hai ngày, một chiến hạm Pháp ghé cảng Manila ở Phillipines thăm hữu nghị trong khuôn khổ một thỏa thuận quốc phòng mới giữa hai nước. Chuyến ghé cảng Philippines ngày 12-3 của hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire đã không thoát khỏi sự chú ý của báo The Diplomat.

Hộ tống hạm Pháp Le Vendémiaire (F734) trên đường vào cảng Manila (Philippines) ngày 12-3-2018.

Trong một bài phân tích ngay trong ngày, tác giả Prashanth Parameswaran đã cho rằng “chuyến thăm thiện chí lại cho phép Pháp củng cố thêm thành tố Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình”. Đối với The Diplomat, nằm trong một chuỗi hoạt động mới đây với nhiều nước châu Á khác, chuyến ghé cảng Philippines của chiến hạm Pháp đã nêu bật quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa Pháp và Philippines, cũng như vai trò của Pháp trong tư cách một cường quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tờ báo nhận định: “Pháp hoàn toàn không phải là một tác nhân mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và ảnh hưởng của Pháp được thấy rõ từ lâu trong các lĩnh vực khác nhau, từ di sản thời thuộc địa, chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại, cho đến các thương vụ bán vũ khí, hay cùng với một số cường quốc khác, đóng góp vào việc bảo tồn trật tự dựa trên luật pháp. Tuy nhiên, với việc khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương nổi lên trong những tháng gần đây, những bước tiến của Pháp vào khu vực đã được chú ý nhiều hơn”.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Pháp còn được thấy rõ nhất qua sự kiện Pháp và Ấn Độ, hôm 10-3, đã ký một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự ở vùng Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng là một cường quốc khu vực.

Theo thỏa thuận được chính Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Macron ký kết, hải quân Ấn Độ và Pháp từ nay được quyền tiếp cận và sử dụng các căn cứ của cả hai bên ở Ấn Độ Dương. Đối với Ấn Độ, đó là một lợi thế rất lớn vì Pháp có đến 3 căn cứ hải quân trên Ấn Độ Dương. Về phía Pháp, Paris cũng có những cơ sở ở Ấn Độ Dương, như vùng đảo Réunion, cũng như những lợi ích quan trọng ở Thái Bình Dương. Trả lời đài truyền hình Ấn Độ hôm 9-3, Tổng thống Macron xác định: “Chúng tôi có một sức mạnh hàng hải mạnh mẽ, một lực lượng hải quân hùng hậu với tàu ngầm hạt nhân”.

Theo ông Macron, Pháp rất tích cực trong khu vực Ấn Độ Dương để bảo vệ an ninh tập thể và “Ấn Độ là một trong những đối tác quan trọng để bảo vệ ổn định trong toàn khu vực”. Nhìn chung, thỏa thuận đồng sử dụng căn cứ hải quân Ấn-Pháp có lợi cho cả hai bên. Ấn Độ thì có thể mở rộng phạm vi tuần tra và kiểm soát của mình ra xa hơn, về tận phía Tây của Ấn Độ Dương, nơi tiếp giáp vùng Trung Đông và Đông Phi.

Ngược lại, Pháp cũng có thể tận dụng các cơ sở hậu cần của Ấn Độ để đi xa hơn về phía Đông của Ấn Độ Dương. Hai bên có thể kiểm soát chặt chẽ hơn vùng Ấn Độ Dương, nơi qua lại của hàng hóa Âu-Á.

M.T. (tổng hợp)
.
.