Pháp: Tổng thống “kém điểm” hay kém may mắn nhất?

Thứ Năm, 19/11/2015, 15:00
Loạt vụ tấn công xảy ra tại Paris vào thời điểm Pháp đang cảnh giác cao độ với khủng bố trước thềm hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại nước này vào cuối tháng 11. Francoise Holland được coi là tổng thống kém may mắn nhất trong lịch sử nước Pháp và quá trình lãnh đạo nhiều sai sót của ông đã giúp cho đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen - con gái của Jean-Marie Le Pen, người sáng lập đảng này - có cơ hội nổi bật trên chính trường.

"Loạt vụ tấn công xảy ra ở thủ đô Paris tối 13/11 là một hành động chiến tranh... do một đội quân khủng bố, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thực hiện để chống lại Pháp, chống lại một quốc gia tự do" - Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Pháp Francois Hollande nói - "Pháp đang ở trong tình trạng chiến tranh nhưng không phải là một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh, vì những kẻ sát nhân đó không đại diện cho bất kỳ nền văn minh nào".

Phát biểu tại phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Pháp ở điện Versailles vào ngày 16/11, ông Hollande cho rằng cần phải chỉnh sửa hiến pháp vì "chúng ta cần một công cụ thích hợp để có thể sử dụng mà không phải ban bố tình trạng khẩn cấp".

Ông đề xuất các biện pháp an ninh khác sẽ được áp dụng bao gồm thiết lập thêm 5.000 bốt cảnh sát trong 2 năm tới, không cắt giảm ngân sách quốc phòng  và đẩy nhanh việc trục xuất người nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia. Ông tuyên bố sẽ thúc đẩy châu Âu hành động để chống lại các vụ buôn lậu vũ khí và đưa ra các hình phạt lớn hơn cho loại tội phạm này ở Pháp.

Francoise Holland viếng thăm nhà máy đóng tàu ở Saint-Nazaire vào giữa tháng 10 vừa qua.

Chỉ còn 18 tháng nữa, Francois Holland sẽ phủi bỏ "danh tiếng" là tổng thống không thành công nhất trong lịch sử Cộng hòa Pháp. Kế hoạch tranh cử tiếp theo của Holland xem ra bất khả thi bởi vì nhiều vấn đề của những năm trước đây không giải quyết được sẽ là những điểm trừ lớn nhất dành cho ông. Khoảng 4 triệu người dân Pháp không có công ăn việc làm. Nền kinh tế đất nước thay vì được kỳ vọng "tăng trưởng" lại trồi sụt thất thường dưới sự điều hành của Francois Holland. Mỗi ngày đều có thêm một nhà máy đóng cửa.

Ngoài nỗ lực vực dậy nền kinh tế ốm yếu, chống lại suy thoái và thất nghiệp, Holland còn cần phải thuyết phục người dân Pháp rằng Marine Le Pen và đảng cực hữu FN của bà không thể là một lựa chọn. Trong những năm gần đây, FN vươn lên trở thành lực lượng chính trị quan trọng và hiện nay 1 trong 3 người Pháp tuyên bố có thể bỏ phiếu cho Marine Le Pen. Một ngày sau những vụ khủng bố kinh hoàng, Marine Le Pen lập tức bày tỏ quan điểm chống nhập cư và Hồi giáo cực đoan.

"Nước Pháp cần phải loại trừ người Hồi giáo cực đoan và kiểm soát lại đường biên giới. Nước Pháp phải cấm các tổ chức đạo Hồi hoạt động, đóng cửa các nhà thờ cực đoan và trục xuất người nước ngoài gieo rắc lòng thù hận trên đất Pháp, cũng như những người nhập cư bất hợp pháp không có việc gì để làm tại đây" - bà Le Pen tuyên bố với báo giới.

Cho đến nay, ông Holland được ghi nhận là chính khách không được lòng người dân Pháp nhất - khoảng 79% bày tỏ sự thất vọng đối với vai trò tổng thống của Holland. Một ví dụ điển hình là cảnh đón tiếp lạnh lùng diễn ra khi ông Holland đến thăm một nhà máy đóng tàu ở thành phố cảng Saint-Nazaire hồi giữa tháng 10 vừa qua, một người công nhân còn thẳng thừng từ chối…bắt tay Tổng thống! Một camera truyền hình ghi lại được phản ứng của Holland: Tổng thống đứng ngây người ra trước mặt người công nhân này, ông không nói được câu nào và dường như đóng băng tại chỗ!

Còn riêng trong những tuần gần đây, các thầy giáo và bác sĩ cùng với nông dân đã xuống đường biểu tình chống lại điều kiện làm việc tồi tệ. Năm 2014, uy tín của Holland hạ xuống mức thấp nhất trong lịch sử do dính vào nhiều vụ bê bối, trong đó bao gồm vụ lùm xùm tình ái với nữ phóng viên chính trị Valerie Trierwieller. Tuy nhiên bất chấp mọi thứ, Holland vẫn bày tỏ quyết tâm tranh cử vào năm 2017.

Giới chức Điện Elysée (dinh Tổng thống Pháp) khẳng định: Tổng thống Holland làm việc "cả ngày và đêm" và ông đã ngưng tổ chức những chuyến nghỉ hè từ cách đây 2 năm. Song các cố vấn của Hooland nhận định, ông cần có những quyết định tích cực hơn nữa để được lòng các cử tri và năng xuất hiện trên các chương trình trò chuyện trên truyền hình để giải tỏa bức xúc của cử tri.

Marine Le Pen.

Trong quá khứ, khi còn là thành viên đảng Xã hội trong Quốc hội, Holland được người dân Pháp mến mộ vì khả năng khôi hài và trí thông minh sắc sảo của ông. Thế mà hiện nay, khi cố gắng tương tác với người dân Pháp, Holland cảm thấy mình không còn là người được nhiều cử tri ủng hộ. Một cựu bộ trưởng mô tả Holland là người "không dứt khoát" khi đến lúc cần phải đưa ra quyết định cuối cùng.

Đôi khi có vẻ như Holland e sợ ông có thể bị phán xét bởi những gì mà ông phát ngôn. Hưởng lợi từ nhược điểm của Holland hiện nay chính là nhân vật đối lập Marine Le Pen và tổ chức chính trị cực hữu của bà. Chính những khuyết điểm của Holland được Marine Le Pen khắc họa thành ưu điểm cho riêng mình.

Hiện nay, đảng FN có gấp đôi số ghế trong EP so với đảng Xã hội (PS) của Holland. Không còn cách nào khác, Holland phải chính thức tuyên chiến với IS và với… đối thủ Marine Le Pen.

Di An (tổng hợp)
.
.