Rúng động vụ bê bối tham nhũng từ Brazil đến Peru

Thứ Hai, 22/04/2019, 15:07
Đại án tham nhũng của Tập đoàn Odebrecht đang tiếp tục gây chấn động Peru khi có tới 4 cựu Tổng thống nước này gồm Alejandro Toledo (2001-2006); Alan Garcia (2006-2011); Ollanta Humala (2011-2016) và Pedro Pablo Kuczynski (2016-2018) bị cáo buộc nhận hối lộ để đổi lại việc tạo điều kiện cho công ty xây dựng lớn nhất Nam Mỹ này thắng thầu trong các dự án.

Phát súng tự sát

Hãng tin CNN ngày 18-4 đưa tin, vào hồi 10 giờ 05 sáng 17-4 (theo giờ địa phương), cựu Tổng thống Peru Alan Garcia đã qua đời ở tuổi 69 tại Bệnh viện Casimiro Ulloa ở thủ đô Lima sau khi tự sát ở nhà riêng. Những người ủng hộ cựu Tổng thống đã tập trung bên ngoài bệnh viện khi quan tài mang thi thể của ông được đưa lên xe tang.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Y tế Peru Zulema Tomas cho hay, nguyên nhân gây tử vong là do ông Alan Garcia tự bắn vào cổ họng mình khi cảnh sát ập tới để bắt giữ ông do tình nghi liên quan tới bê bối tham nhũng của Tập đoàn xây dựng Odebrecht nổi tiếng của Brazil. Mặc dù được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng ông Garcia đã không qua khỏi và tử vong sau đó 3 tiếng.

Cựu Tổng thống Alan Garica. Ảnh: Reuters.

Tờ The New York Times dẫn lời luật sư riêng của cựu Tổng thống, ông Erasmo Reyna cho hay, ông Alan Garcia đã quyết định tự kết liễu đời mình vì quá tuyệt vọng. Thư ký riêng của cựu Tổng thống, ông Ricardo Pineda thì nói với Đài Phát thanh Peru rằng, khi cảnh sát đến nhà với lệnh bắt giữ, ông Alan Garica đã tự nhốt mình trong phòng ngủ, nằm lên chiếc giường của mình và dùng súng tự sát. Nghe thấy tiếng nổ, cảnh sát đã xông và phòng, lập tức đưa ông đi cấp cứu. Khi đó, ông đã bị hôn mê sâu…

Cựu Tổng thống Alan García được biết đến như một nhà hùng biện, diễn thuyết tài năng và đầy lôi cuốn. Ông từng giữ vị trí đứng đầu chính quyền Peru từ năm 1985 đến năm 1990 và sau đó 16 năm lại tiếp tục nắm giữ vị trí Tổng thống thêm một nhiệm kỳ (2006-2011). Nhiệm kỳ đầu tiên của Alan Garcia được đánh dấu bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tình trạng bất ổn xã hội và bạo lực. Đây cũng chính là lý do ông chạy đua tranh cử không thành công cho chức Tổng thống vào năm 2001, thua trước đối thủ Alejandro Toledo.

Ở nhiệm kỳ 2, ông lại trở thành tâm điểm điều tra của các công tố viên. Theo các nhà phân tích, trong nhiệm kỳ thứ hai của Alan García, do sự gia tăng của giá kim loại, GDP của Peru ở mức 7%, đối chiếu dự trữ ngoại hối của Peru tại Mỹ 47 tỷ USD nhưng nước này lại chịu thiệt hại nhiều về môi trường, gia tăng xung đột xã hội.

Chưa hết, người ta nghi ngờ những khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử của ông Alan Garica trong đảng Liên minh Nhân dân Cách mạng châu Mỹ (APRA) cũng như các khoản hỗ trợ khác cho đảng APRA trong các cuộc tổng tuyển cử có liên quan đến bê bối tham nhũng của Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.

Sáng 17-4, chính quyền Peru đã ra lệnh bắt giữ ông Alan García 10 ngày với các cáo buộc rửa tiền, thông đồng với tội phạm.

Các công tố viên khẳng định, cựu Tổng thống đã nhận 100.000 USD của Tập đoàn Odebrecht để giúp vận động và mang đến nhiều gói thầu béo bở. Trước khi lệnh bắt giữ được ban hành, hồi tháng 11, cựu Tổng thống đã bị một thẩm phán ra lệnh cấm xuất cảnh 18 tháng sau khi trở về Lima từ Tây Ban Nha để tham gia điều trần xung quanh bê bối này.

Ngay sau khi thẩm phán đưa ra quyết định cấm xuất cảnh, ông Alan Garcia đã đệ đơn xin tị nạn tại Uruguay và được Đại sứ quán Uruguay tại Lima chấp thuận. Đây là lần thứ hai ông xin tị nạn tại một quốc gia Nam Mỹ khác trong bối cảnh bị cáo buộc tham nhũng. Năm 1992, ông Alan García cũng đã nộp đơn xin tị nạn tại Đại sứ quán Colombia ở Lima khi đang bị điều tra tham nhũng và làm giàu bất hợp pháp trong thời gian đương chức.

Điều tra 4 cựu Tổng thống Peru

Nửa ngày sau cú sốc về vụ tự sát của cựu Tổng thống Alan Garcia, Peru lại xôn xao trước thông tin cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski nhập viện khẩn cấp do bị lên cơn huyết áp cao. Ông Pedro Pablo Kuczynski là 1 trong 4 cựu Tổng thống Peru đang bị điều tra vì bê bối tham nhũng của Tập đoàn Odebrecht. Trả lời Đài Phát thanh RPP, nghị sỹ Gilbert Violeta cho biết ông Pedro Pablo Kuczynski đang được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt.

Cựu Tổng thống 80 tuổi này bị bắt hồi tuần trước do cáo buộc rửa tiền. Đáng chú ý, vụ bê bối xoay quanh Odebrecht làm chấn động cả khu vực Nam Mỹ này đã khiến cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski phải từ chức khi còn đương nhiệm năm 2018. 8 ngày trước khi bị nhập viện, ông Pedro Pablo Kuczynski đã bị bắt giữ.

Cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski nhập viện khẩn cấp hôm 17-4 do bị lên cơn huyết áp cao. Ảnh: Reuters.

Thẩm phán Jorge Luis Chavez thuộc Tòa án điều tra chuyên trách tội phạm tham nhũng đã ký lệnh tạm giữ cựu Tổng thống, cùng thư ký và lái xe riêng là Gloria Jesus Kisic và Jose Luis Bernaola theo đề nghị của cơ quan công tố. Đồng thời, Thẩm phán Jorge Luis Chavez cũng cho phép khám xét nơi ở và làm việc của các bị can để thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra.

Nguồn tin từ tờ The New York Times cho hay,  theo lệnh bắt giữ được ký, cựu Tổng thống Kuczynski sẽ bị tạm giam 10 ngày, sau đó, thẩm phán có thể ký thêm lệnh tạm giam kéo dài lên 36 tháng nếu cần thiết.

Odebrecht là Tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh và đang bị điều tra trên khắp thế giới với cáo buộc hối lộ các quan chức chính phủ ở 12 quốc gia. Từ năm 2011 Odebrecht bị cho là đã dùng gần 800 triệu USD để hối lộ cho hàng trăm quan chức và chính trị gia ở nhiều nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu.

Tại Peru, từ năm 2004, Odebrecht đã dùng 29 triệu USD để “đi đêm” với quan chức và trúng thầu các hợp đồng xây dựng công cộng dưới 4 đời Tổng thống Alejandro Toledo, Alan Garcia, Ollanta Humala và Pedro Pablo Kuczynski.

Ông Pedro Pablo Kuczynski được bầu làm Tổng thống Peru vào năm 2016, trước đó đã từng làm Thủ tướng Peru từ 2005 tới 2006 và từng tham gia các hoạt động chính trị ở cả Mỹ. Ông cũng từng giữ những chức vị ở Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ thế giới trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng dự trữ trung ương Peru.

Sau đó ông giữ chức Bộ trưởng Nhiên liệu và Hầm mỏ vào đầu thập niên 1980 dưới quyền Tổng thống Fernando Belaúnde Terry, và chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính cũng như Thủ tướng dưới thời Tổng thống Alejandro Toledo (2001-2006).

Cựu Tổng thống bị cáo buộc có hành vi tham nhũng liên quan tới dự án xây dựng đường cao tốc xuyên đại dương và Nhà máy thủy điện Olmos, đều của Tập đoàn Odebrecht. Ngày 23-3-2018, ông đã buộc phải từ chức nhằm tránh việc bị Quốc hội bỏ phiếu phế truất do những thông tin liên quan tới vụ án này.

Cùng chung số phận đang bị điều tra trong nước với ông Pedro Pablo Kuczynski là cựu Tổng thống Ollanta Humala. Ông Ollanta Humala và vợ là bà Nadine Heredia đang bị tạm giam 18 tháng để phục vụ công tác điều tra về tham nhũng, rửa tiền và có thể phải đối mặt với 20 năm tù giam nếu bị tuyên là có tội.

Công tố viên Germán Juárez Atoche – người đứng đầu cuộc điều tra nhằm vào vợ chồng cựu Tổng thống Ollanta Humala cho hay, ông có đủ "bằng chứng thuyết phục" về sự liên kết giữa vợ chồng cựu Tổng thống với tội phạm rửa tiền. "Chúng tôi đã đi đến kết luận rằng một chính phủ nước ngoài và Tập đoàn Odebrecht đã tài trợ cho hai chiến dịch tranh cử của ông Ollanta Humala. 

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2006 (khi đó ông Ollant Humala thua ông Alan García), cựu Tổng thống đã nhận tiền từ một chính phủ nước ngoài và trong chiến dịch tranh cử năm 2010, một số tiền lớn đến từ hai Tập đoàn Odebrecht và OAS đã được chuyển vào tài khoản của ông Ollanta Humala và vợ Nadine Heredia.

Cựu Tổng thống Ollanta Humala và vợ là bà Nadine Heredia đang bị tạm giam 18 tháng để phục vụ công tác điều tra về tham nhũng, rửa tiền.

Cụ thể, Tập đoàn Odebrecht chuyển 3 triệu USD, như doanh nhân người Brazil Jorge Barata (nhân vật chủ chốt của Odebrecht) đã khai nhận trong khi OAS chuyển khoảng 500.000 USD thông qua nhà xuất bản Brazil Valdemir Garreta", công tố viên Germán Juárez Atoche giải thích đồng thời nhấn mạnh, bản cáo trạng hình sự của ông được thực hiện dựa trên "rất nhiều yếu tố” như lời khai của giới chức Tập đoàn Odebrecht và doanh nhân Jorge Barata.

Một thẩm phán Peru khác thì tiết lộ ông đang điều tra thêm về nguồn gốc của hơn 4,5 triệu USD mà cặp vợ chồng cựu Tổng thống bị buộc tội giúp đỡ một tổ chức tội phạm chuyên rửa tiền. Được biết, Tổng thống thứ 94 của Peru Ollanta Humala từng là một sĩ quan quân đội.

Năm 2005 ông thành lâp Đảng Dân tộc Peru và đăng ký làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2006. Mặc dù qua vòng một của cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 9-4-2006, với 30,62 % số phiếu hợp lệ nhưng Ollanta Humala lại phải dừng bước ở vòng hai trước đối thủ - cựu Tổng thống Alan García của Đảng Aprista Peru với tỷ lệ sát nút (chênh nhau gần 5% phiếu ủng hộ). Tuy thất cử nhưng sau đó ông vẫn là một nhân vật quan trọng trên chính trường Peru và trở thành Tổng thống sau cuộc bầu cử năm 2011.

Còn cựu Tổng thống Alejandro Toledo, tuy đang sống ở Mỹ nhưng vẫn luôn thấp thỏm lo lắng về nguy cơ bị dẫn độ về nước, chịu sự xét xử vì bê bối Odebrecht. Từ tháng 2-2017, một ngày sau khi Bộ An ninh Công cộng Peru ra thông báo chính thức tiến hành điều tra những cáo buộc về việc Tập đoàn Odebrecht hối lộ ông Alejandro Toledo 20 triệu USD trong giai đoạn 2005-2008 để giành các hợp đồng xây dựng hạ tầng trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc nối giữa Brazil với khu vực duyên hải của Peru, thẩm phán Hamilton Castro, người thụ lý điều tra vụ án đã yêu cầu tạm giam cựu Tổng thống để điều tra với cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và lạm dụng chức quyền.

Peru đang tích cực yêu cầu Mỹ cho phép dẫn độ cựu Tổng thống Alejadro Toledo về nước.

Thời điểm đó, ông Alejandro Toledo là cựu Tổng thống đầu tiên của Peru bị điều tra và đang đi du lịch tại Pháp cùng gia đình, không có mặt tại Peru. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tiến hành lục soát căn hộ của ông ở Lima và mang đi nhiều tài liệu đồng thời lần ra dấu vết của 11 triệu USD trong tổng số tiền 20 triệu USD mà cựu Tổng thống bị cáo buộc nhận.

Theo đó, để ngụỵ trang và đánh lạc hướng các nhà điều tra, số tiền này đã được chuyển qua các tài khoản của doanh nhân Josef Maiman – bạn thân của ông Alejandro Toledo tại các Ngân hàng Citibank và Barclays PLC trước khi tới tay cựu Tổng thống.

Nguồn tin từ Hãng AP cho hay, sau lệnh bắt giữ, thẩm phán Hamilton Castro tiếp tục đề nghị toà án tối cao ký lệnh truy nã thế giới nhằm vào ông Alejandro Toledo vì ông đã không trở về nước, phục vụ công tác điều tra như trong visa xin đi du lịch Pháp. Peru đã tìm đến tổ chức Cảnh sát Hình sự thế giới (Interpol) nhờ yêu cầu ra lệnh truy nã ông Alejandro Toledo ở hơn 190 nước và treo thưởng 30.000 USD cho những ai có thông tin về nơi ẩn náu của ông này. Sau đó, cựu Tổng thống Peru đã chạy sang Mỹ.

Tháng 5 năm ngoái, Peru chính thức đề nghị Mỹ dẫn độ cựu Tổng thống về nước nhưng Mỹ từ chối. Hiện chính quyền Lima đang tiếp tục gây sức ép với chính quyền Washington về vụ việc này.

Hãng Reuters đưa tin, vào thời điểm năm ngoái, có lúc Mỹ đã “bật đèn xanh” cho ông Alejadro Toledo bay tới Israel để ẩn náu vì ông này đã mua vé máy bay và có lộ trình bay từ thành phố San Francisco của Mỹ tới Tel Aviv của Israel. Nếu sang quốc gia Do Thái này, việc bắt giam cựu Tổng thống sẽ trở nên khó khăn hơn với nhà chức trách Peru vì hai nước chưa ký kết Hiệp định dẫn độ và ông Alejadro Toledo lại có mối quan hệ thân thiết với Israel bởi vợ ông là người Bỉ gốc Do Thái.

Tuy nhiên, chính quyền Tel Aviv lại bất ngờ từ chối không cho ông Alejandro Toledo nhập cảnh. Trong trường hợp Mỹ đồng ý cho Peru dẫn độ cựu Tổng thống về nước, ông này có thể sẽ phải đối mặt với mức án thấp nhất là 15 năm tù giam.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.