Sau bà Merkel sẽ là ai?

Thứ Tư, 14/11/2018, 15:44
Mặc dù cầm quyền đã lâu nhưng bà Angela Merkel vẫn được lòng dân. Theo khảo sát về chính trị do Viện Infratest Dimap thực hiện và công bố hồi tháng 5, có 51% số người được hỏi hài lòng về sự điều hành của bà.

Tuy nhiên, sau 18 năm ở vị trí Chủ tịch CDU và 13 năm ở vị trí đứng đầu hệ thống hành pháp, sự xói mòn về quyền lực của bà là không thể tránh khỏi. Tháng 2-2018, một tháng trước khi Quốc hội Liên bang Đức lần thứ 4 phê chuẩn bà làm Thủ tướng, Viện INSA đã thăm dò người Đức về việc họ có muốn bà vẫn là thủ tướng cho tới năm 2021 hay không? Chỉ 38% số người được hỏi đã trả lời đồng ý. 47% muốn bà nghỉ giữa nhiệm kỳ.

Ở thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa biết kết cục của những sức ép mà đồng minh của bà Merkel đối với bà như thế nào. Nhưng dù thế nào đi nữa thì vấn đề thay thế bà đã được đặt ra. Những mối quan hệ rất phức tạp mà bà duy trì với cánh hữu từ phe đa số của mình, được bắt đầu qua Bộ trưởng Nội vụ, một nhân vật bảo thủ bang Beyern, Horst Seehofer, là người của đảng Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo CSU, cho thấy “đại liên minh” mà bà kỳ công thiết lập vào tháng 3 có thể đổ vỡ trước năm 2021.

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer và Bà Angela Merkel.

Và đó là nghịch lý lớn trên chính trường Đức: Nếu như mọi người hầu như không đồng ý cho rằng sự kết thúc của thời đại Merkel đang tới gần, thì lại không ai có thể đoán được kịch bản xảy ra cũng như thời hạn của nó. Đối với những người ngấp nghé thay thế bà Merkel, chưa một ai hoàn toàn giành được thế thượng phong.

Và trên thực tế, việc thiếu người kế nhiệm rõ ràng trong phe chính trị bảo thủ Đức, cùng với sự suy yếu mang tính lịch sử của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và sự chia rẽ chưa từng thấy trong bầu không khí chính trị Đức hiện nay, thực ra vẫn đang có lợi cho bà Merkel.

Bà Julia Klockner và Thủ tướng Angela Merkel.

Những gương mặt sáng giá

Nhân vật đầu tiên được nhắc đến, dường như có vẻ nổi trội hơn cả, được cho là có thể đảm trách vai trò thay thế bà Merkel trong tương lai là Annegret Kramp-Karrenbauer. Được bầu làm Tổng Thư ký của CDU với số phiếu gần như tuyệt đối, được báo chí Đức đặt biệt danh “AKK”, bà đã có thời gian công tác dài bên cạnh bà Merkel.

Kém bà Merkel 12 tuổi, bà Kramp-Karrenbauer là thành viên chính quyền bang Saarland trong 11 năm trước khi lãnh đạo bang này từ năm 2011 tới 2018. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ là bộ trưởng trong chính phủ liên bang. Đối với những kẻ dèm pha bà, đó là một điểm yếu: làm thế nào để lãnh đạo nước Đức khi mà chỉ nắm quyền ở quy mô một bang, mà lại là một trong những bang nhỏ nhất của đất nước?

Nhưng trong con mắt của những người ủng hộ bà, thì trái lại, điều này lại là một át chủ bài: Nếu một ngày nào đó bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố chính thức là ứng cử viên thay thế bà Merkel thì việc bà không phải là một trong những bộ trưởng lại giúp bà tránh phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của Chính phủ của bà Merkel và mang lại cho bà thêm uy tín là hiện thân của sự đổi mới.

Tuy nhiên, hiện giờ, ưu tiên của bà Kramp-Karrenbauer là trang bị cho CDU một chương trình hành động mới, so với chương trình gần đây nhất là của năm 2017. Vì vậy mà những tuần sau khi đắc cử vị trí thứ hai trong đảng, bà đã tham gia ngay vào những chuyến công du vòng quanh đất nước để gặp gỡ và thảo luận với các đảng viên.

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký CDU.

Đối với bà, chuyến công du này cũng là dịp để mọi người biết tới mình nhiều hơn và thu phục lòng dân bên cạnh những khuôn khổ địa phương của đảng. Vì thế, sự lựa chọn của bà trở thành Tổng thư ký CDU hơn là thành viên chính phủ liên bang, có lẽ thể hiện sự khéo léo về chiến lược. Nếu vị trí này mang lại lợi ích, kể cả nếu có ít hơn so với lợi ích từ vị trí bộ trưởng, thì có khả năng nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về dài hạn.

Bà Kramp-Karrenbauer chắc chắn đã nghĩ đến tấm gương bà Merkel, vốn cũng từng được bầu làm Tổng thư ký CDU năm 1999 trước khi trở thành Chủ tịch đảng này một năm sau đó.

Gương mặt tiếp theo, được đánh giá là “lùi xa hơn nhiều” so với bà Kramp-Karrenbauer, đó là Ursula von der Leyen. Bà Von der Leyen liên tục làm Bộ trưởng Bộ Gia đình; Bộ Lao động rồi Bộ Quốc phòng từ năm 2005 tới nay, hiển nhiên là bà có được kinh nghiệm không thể bàn cãi. Tuy nhiên, những mối quan hệ phức tạp với giới tướng lĩnh quân sự của bà, vào cuối nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel, đã khiến bà suy yếu về mặt chính trị.

Theo thăm dò do Viện Forsa thực hiện hồi tháng 5-2018, 2 tháng sau khi “đại liên minh” mới khi đó đi vào hoạt động, 55% cử tri không hài lòng vê công việc của bà Von der Leyen. Điều này khiến bà  trở thành một trong những bộ trưởng mất lòng dân nhất. Từ lâu thể hiện là người có khả năng kế nhiệm thủ tướng nhưng bà Von der Leyen dường như đã không đảm nhiệm vai trò này.

Bà Julia Klockner, tân Bộ trưởng Nông nghiệp.
Bà Ursula von der Leyen.

Một nhân vật khác thường được nêu tên là Julia Klockner. Sinh năm 1972, là tân Bộ trưởng Nông nghiệp, từ vài năm nay, bà xuất hiện trong danh sách những người có tham vọng giành những vị trí cao nhất trong chính quyền. Vốn được lòng của các đảng viên trong CDU, được người Đức biết đến khi họ có thói quen thường nhìn thấy bà trên sóng truyền hình, đó là tín đồ Công giáo và là người bảo thủ - bà đặc biệt được biết đến với cuộc đấu tranh chống nạo phá thai - tuy vậy, uy tín của bà bị suy giảm đôi chút sau thất bại bất ngờ tại cuộc bầu cử cấp bang tháng 3-2016 tại Rhénanie-Palatinat trước ứng cử viên SPD Malu Dreyer.

Làm thế nào để giành thắng lợi tại cuộc bầu cử quốc gia sau khi đã thua đau đớn trong một cuộc bỏ phiếu địa phương là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra. Đối với bà Julia Klockner, sự sụp đổ này còn nghiêm trọng hơn khi mà một chiến thắng không mong đợi tại cuộc bầu cử cấp bang đã thúc đẩy vai trò của bà Kramp-Karrenbauer trên sân khấu chính trị quốc gia: Trong cuộc bầu cử tháng 3/2016 tại bang Saarland, bà Kramp-Karrenbauer dường như đã thất bại. Vậy mà cuối cùng, bà đã giành chiến thắng cho CDU với 11 điểm vượt trước SPD.

Gương mặt nam duy nhất

Trong bối cảnh chính trị với ưu thế thuộc về nữ giới của chính trường Đức hiện nay, duy nhất một chính trị gia nam giới hiện có khả năng giành chức Chủ tịch CDU và theo đó, nhắm tới chức Thủ tướng Liên bang là ông Jens Spahn. Sinh năm 1980, được bầu vào Quốc hội Liên bang Đức lần đầu ở tuổi 22, ông Jens Spahn là quốc vụ khanh về tài chính bên cạnh Wolfgang Schauble từ năm 2015 tới 2017.

Từ tháng 3-2018 tới nay, ông là Bộ trưởng Y tế Đức. Nếu như về mặt cư xử bên ngoài, ông này luôn khéo léo với bà Merkel thì trong đảng, trái lại, ông Spahn có lập trường thực sự chống đối bà. Đặc biệt trong cuộc khủng hoảng về người tị nạn năm 2015, khi đó ông Spahn là ủy viên đầu tiên của ban lãnh đạo CDU ra lời chỉ trích công khai chính sách tiếp nhận người tị nạn của thủ tướng.

Ông Jens Spahn là một trong những người kịch liệt chỉ trích bà Angela Merkel trong đảng.

Khác biệt về nhiều mặt, do vậy ông Spahn hiện nay thể hiện là người chống lại bà Merkel bên trong CDU, đồng thời trau dồi hình ảnh này, mà qua nó ông biết có thể tìm thấy vị trí của mình bên trong đảng.

Trước một vị thủ tướng bị những người chống đối cáo buộc dập tắt các cuộc tranh luận và chấp nhận quá nhiều nhượng bộ trước phe Dân chủ Xã hội, ông Spahn đã đứng ra thể hiện tiếng nói của những người đang cảm thấy bị thua thiệt ở trong đảng dưới thời của bà Merkel. Đó là những người tự do thất vọng vì bà thiếu tham vọng cải cách, đặc biệt là việc bà từ chối nâng tuổi hưu bắt đầu từ 70 tuổi.

Và đối với những người bảo thủ, ông Spahn cũng tranh thủ triệt để những chỉ trích liên quan đến bà Merkel để có được sự ủng hộ. Đó là lời chỉ trích thủ tướng đã hoang phí di sản học thuyết của CDU bằng việc nhượng bộ quá nhiều trước phe Dân chủ Xã hội và phe hoạt động bảo vệ môi trường và bằng việc quyết định lần lượt bỏ nghĩa vụ quân sự (năm 2010); từ bỏ năng lượng hạt nhân (năm 2011); tiếp nhận một triệu người tị nạn (năm 2015) và thúc đẩy việc công nhận hôn nhân đồng giới năm 2017.

Cơ hội cuối cho bà Merkel?

Ý thức được những thất vọng mà chính sách của mình đã tạo ra ở chính bên trong phe bảo thủ, bà Merkel đã khéo léo đưa ra một số cam kết với chính những người công kích bà. Trên lĩnh vực chính trị, bà chấp nhận yêu sách chính yếu của cánh hữu đa số: Xác định một mức trần về số lượng người tị nạn có thể được tiếp nhận tại Đức hằng năm.

Để gửi một thông điệp tới các cựu cử tri của CDU/CSU lần này đã lựa chọn bầu cho những người tự do của FDP hay đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD), bà Merkel đã thay đổi hẳn ý kiến. Những bài xích chính sách nhập cư của bà cuối cùng đã thắng. Tuy nhiên, lực lượng bảo thủ nhất của cánh hữu Đức bày tỏ quan điểm muốn đóng hẳn cánh cửa mà bà Merkel đã mở vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015. Liệu bà sẽ nhượng bộ tới đâu để duy trì quyền lực của mình? Đó là một trong những vấn đề lớn trong nhiệm kỳ thứ 4 của bà.

Tuy nhiên, có vẻ như bà Merkel không chỉ bằng lòng với những nhượng bộ chính trị. Để hóa giải các đối thủ của mình, bà cũng đã dành cho họ một vị trí bên trong chính phủ mới. Đó là trường hợp của Jens Spahn, được bổ nhiệm là Bộ trưởng Y tế và dĩ nhiên là cả trường hợp của Horst Seehofer.

Từ khi được bổ nhiệm, trước nguy cơ bị suy yếu liên minh với SPD, hai ông này đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ với mục đích rõ ràng là giành lại các cử tri của CDU/CSU vốn đã bị FDP hay AfD thu hút. Do đó, ông Spahn đã nhằm trực tiếp vào những người hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng cách khẳng định họ không phải là những người nghèo, hay ông Seehofer đã tuyên bố: “Hồi giáo không thuộc về nước Đức”.

Những phát biểu không bị buộc phải phù hợp với quan điểm của thủ tướng nhưng cũng không giúp làm thay đổi bối cảnh của nước Đức. Bà Merkel dường như hoàn toàn hiểu được lợi ích khi để những lời lẽ như vậy được phát ra bên trong chính phủ của mình. Điều này giúp đem tới cảm giác rằng thông qua các tín hiệu được một số bộ trưởng đưa ra, về mặt chính trị là phù hợp với quan điểm của cánh hữu trong khối cử tri. Đó mới là điều quan trọng trong bầu cử.

Và đối với bà Merkel, mối đe dọa không chỉ đến từ phe đối lập. Để duy trì quyền lực, bà không những phải tìm cách hài lòng cánh hữu đa số của mình, mà còn cần phải thu xếp với phe Dân chủ Xã hội mà bà phụ thuộc trực tiếp. Đơn giản là nếu phe này quyết định từ bỏ liên minh đã thiết lập với CDU/CSU, chính phủ nhậm chức vào tháng 3-2018 của bà sẽ tan rã.

Trong quá khứ, lịch sử chính trị Đức từng chứng kiến 2 lần đảng cầm quyền lật đổ thủ tướng. Lần đầu tiên vào năm 1966, khi FDP bất đồng với CDU/CSU về ngân sách, đã quyết định từ bỏ liên minh với phe bảo thủ để thiết lập liên minh mới với phe Dân chủ Xã hội, dẫn tới việc ra đi của Thủ tướng Ludwig Erhard (CDU).

Lần thứ hai, vào năm 1982, cũng do bất đồng kinh tế mà SPD và FDP từ bỏ liên minh thiết lập suốt 13 năm, dẫn tới việc Thủ tướng Đức Helmut Schmidt (SPD) mất chức. Kế nhiệm là ông Helmut Kohl, người đứng đầu phe đa số của CDU/CSU và FDP.

Mai Khuê (theo Politique Internationale)
.
.