Tây Ban Nha chấm dứt tình trạng “vô chính phủ”

Thứ Ba, 01/11/2016, 13:30
Sau 10 tháng trong tình trạng không có chính phủ, Tây Ban Nha đang đứng trước cơ hội thành lập một chính phủ chính thức sau khi Thủ tướng lâm thời Mariano Rajoy được Vua Felipe VI yêu cầu thành lập chính phủ mới và các đảng phái đối lập cũng không phản đối, cản trở việc này.

Thủ tướng lâm thời Mariano Rajoy sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu tín nhiệm thứ hai tại Quốc hội Tây Ban Nha vào chiều ngày 29-10 sau khi không đủ số phiếu đa số tại cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất hôm 27-10. Trong lần bỏ phiếu thứ hai này, quy định về tỉ lệ phiếu khác với vòng bỏ phiếu thứ nhất ở chỗ ông Rajoy chỉ cần có số phiếu thuận nhiều hơn số phiếu chống là đạt yêu cầu, có thể thành lập chính phủ.

Một bước ngoặt quan trọng cho đợt bỏ phiếu này là việc đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) đã thay đổi quan điểm, không tiếp tục chống đảng cầm quyền Nhân dân Tây Ban Nha (PP) của ông Rajoy nữa. Sau vòng bỏ phiếu thứ nhất, PSOE đã đồng ý là sẽ bỏ phiếu trắng, không thuận cũng không chống, để tạo điều kiện cho ông Rajoy đạt được tỉ lệ phiếu thuận cao hơn phiếu chống.

Từ 10 tháng qua, Tây Ban Nha đã rơi vào tình trạng không có chính phủ chính thức do không đảng phái nào đạt được tỉ lệ đại biểu Quốc hội cần thiết để thành lập chính phủ. Sau cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12-2015, đảng PP tiếp tục giành số ghế cao nhất, với 123 ghế trong Quốc hội 350 ghế nhưng đã đánh mất thế đa số tuyệt đối cần thiết để thành lập chính phủ.

Điều này đồng nghĩa với việc PP buộc phải liên minh với các đảng phái khác để thành lập chính phủ. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng kéo dài suốt 6 tháng mà không mang lại kết quả nào, Tây Ban Nha vẫn trong tình trạng không có chính phủ, và ông Rajoy - với tư cách là Thủ tướng chính phủ tiền nhiệm, đồng thời lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong bầu cử quốc hội - tiếp tục được giao nắm quyền điều hành đất nước với vai trò thủ tướng lâm thời.

Thủ tướng lâm thời Mariano Rajoy.

Ngày 26-6, người dân Tây Ban Nha phải đi bỏ phiếu bầu cử lại để tìm ra người xứng đáng lãnh đạo đất nước. Kết quả lần bầu lại này, đảng PP tiếp tục dẫn đầu với 137 ghế (tăng 14 ghế), đảng PSOE vẫn về nhì nhưng giảm 5 ghế (85 ghế), còn Podamos tăng 2 ghế (71 ghế). Kết quả này tiếp tục không giúp giải quyết được vấn đề gút mắc giữa các đảng phái, và bế tắc tiếp tục kéo dài thêm đúng 4 tháng.

Trong bối cảnh nền chính trị truyền thống đang có dấu hiệu sa sút, một hiện tượng mang tính quần chúng thuộc cánh tả lại tỏa sáng, vươn lên thành thế lực chính trị quan trọng. Đó là đảng Unidos Podamos (Nhân dân đoàn kết), một đảng chính trị hoàn toàn mới, trẻ và mang phong cách quần chúng hiện đại. Podamos đã giành đến 69 ghế, xếp thứ ba sau hai đảng PP (123 ghế) và PSOE (90 ghế).

Tại cuộc bầu cử lại vào tháng 6-2016, Podamos tiếp tục gặt hái thành công, tăng lên 71 ghế, chứng tỏ mình là một thế lực “ngựa ô” đang nắm trong tay quyền quyết định việc Chính phủ Tây Ban Nha có được thành lập hay không.

Sự vươn lên của Podamos mang một ý nghĩa tích cực, mở ra một triển vọng tháo gỡ bế tắc cho chính trường Tây Ban Nha. Tác động từ sự lớn mạnh của Podamos đã làm cho hai đảng chính trị lớn nhất Tây Ban Nha - PP và PSOE - phải tính toán lại chiến lược chính trị và các chính sách kinh tế xã hội cho phù hợp. Một trong những động thái mang tính chiến lược đến từ đảng PSOE.

Cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Tây Ban Nha ngày 29-10 sẽ quyết định việc thành lập chính phủ mới.

Từ ngày 23-10, PSOE đã phát đi tín hiệu khả quan cho tiến trình hòa giải chính trị Tây Ban Nha, quyết định từ bỏ quan điểm chống bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào liên quan đến việc thành lập chính phủ. Sự ủng hộ của PSOE có ý nghĩa quan trọng là giúp phái bảo thủ (đảng PP) có điều kiện nắm quyền điều hành đất nước. Tuy nhiên, động thái này đang tạo ra một sự rạn nứt trong nội bộ PSOE giữa tầng lớp lãnh đạo đảng - nắm quyền quyết định đường lối, chính sách của đảng - với các thành phần đảng viên.

Các tầng lớp đảng viên của PSOE đã tỏ rõ quan điểm không ủng hộ đảng PP thành lập chính phủ chính là vì đảng này có quan đểm bảo thủ, ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên minh châu Âu. Nhiều người trong số họ đã tuyên bố sẽ xem xét rời khỏi đảng để đầu quân sang đảng chống thắt lưng buộc bụng Podamos.

Lãnh đạo đảng PSOE Javier Fernandez giải thích việc PSOE “bỏ phiếu trắng” để tạo điều kiện cho PP thành lập chính phủ rằng đây là sự lựa chọn “ít gay gắt” hơn so với việc bỏ phiếu chống, vì nếu bỏ phiếu chống thì tất nhiên Tây Ban Nha sẽ lại phải đi bầu cử lần thứ ba trong năm nay. Nhưng lời giải thích này xem ra chưa đủ sức thuyết phục các đảng viên.

Sau khi có kết quả PSOE không chống đối việc PP thành lập chính phủ và rạn nứt nội bộ được báo chí loan tin rộng rãi, lãnh đạo đảng Podemos Pablo Iglesias lên mạng xã hội Twitter tuyên bố: Thời của chủ nghĩa luân phiên của hệ thống hai đảng lớn đã chấm dứt. Đại liên minh đã hình thành”. Đó là Liên minh Các đảng cánh tả thống nhất (IU), bao gồm cả đảng Cộng sản Tây Ban Nha.

Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu vào ngày 29-10, ông Rajoy sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới với những chính sách cần ưu tiên cho năm 2017. Một trong những ưu tiên hàng đầu là làm sao để Tây Ban Nha đáp ứng được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách đã thỏa thuận với Ủy ban châu Âu, theo đó Tây Ban Nha phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thu ngân sách ít nhất 5 tỉ euro.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.