Thách thức chính trị của Thủ tướng Theresa May

Thứ Ba, 17/07/2018, 11:12
Chỉ trong vòng vài giờ, 2 quan chức cấp cao của Anh từ chức để phản đối kế hoạch Brexit mềm của Thủ tướng Theresa May. Sự xáo trộn bất ngờ và dồn dập đến mức khiến giới phân tích đã tính đến kịch bản ra đi của người đứng đầu chính phủ.

Song, mọi việc đã kịp thời được kiểm soát, bà chủ nhà số 10 phố Downing đã nhanh chóng cải cách nội các, thay thế các vị trí chủ chốt để tiếp tục giải quyết công việc chính phủ.

Có thể sóng gió trên chính trường đã tạm được đẩy lùi, nhưng chắc chắn bà Theresa May sẽ phải đối mặt với một trọng trách nặng nề hơn đó là làm thế nào để tập hợp và thống nhất các nền tảng chính trị vốn đang bị lung lay và chia rẽ, đặc biệt trong thời điểm “xứ sở sương mù” đang trong tiến trình đàm phán để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Hẳn nhiều người còn nhớ, trong vòng 1 năm qua, bà May đã để mất 4 thành viên quan trọng trong nội các vì các lý do khác nhau. Cũng không ít lần những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ Chính phủ Anh, chủ yếu liên quan chủ đề Brexit làm lung lay chiếc ghế thủ tướng của bà May.

Nhưng sự ra đi lần này của hai cái tên nổi bật và chủ chốt trong chính phủ là Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng phụ trách Brexit (Anh rời khỏi EU) David Davis thực sự đặt ra thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng May từ khi bà nhậm chức tới nay.

Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng này xảy ra chỉ 2 ngày sau khi bà May tưởng chừng như lấp đầy được sự bất đồng và chia rẽ trong nội các với sự nhất trí của toàn bộ 23 thành viên đối với kế hoạch Brexit trong cuộc họp tại Chequers, khu dinh thự nông thôn của Thủ tướng Anh.

Giống như lời châm biếm của thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn khi bà May phát biểu trước Hạ viện Anh về sự “nhất trí” của nội các với kế hoạch Brexit của mình, rằng sở dĩ các thành viên nội các đồng ý ký vào bản kế hoạch vì “nếu phản đối và từ chức ngay lúc ấy thì lại không còn xe riêng để quay về London, trong khi những chuyến xe bus cuối cùng từ Chequers về thủ đô đều đã hết”.

Thủ tướng Theresa May và Bộ trưởng David Davis bất đồng về kế hoạch Brexit.

Không chỉ mất đi những cộng sự đắc lực, nữ Thủ tướng Anh cùng lúc phải đối mặt với cơn thịnh nộ của phe cứng rắn trong vấn đề Brexit từ nội bộ đảng Bảo thủ của bà. Họ cho rằng kế hoạch Brexit của bà đưa ra có quá nhiều nhượng bộ với EU. Tuy nhiên, nhờ có được sự ủng hộ của những người theo đường lối trung dung, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có yêu cầu tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm thách thức vai trò lãnh đạo của bà.

Một số nhận định ủng hộ bà May cho rằng Thủ tướng dường như đã vượt qua được cơn sóng gió do những thành viên trong đảng Bảo thủ không gây áp lực buộc bà từ chức... và vì vậy bà May sẽ vẫn tại nhiệm. Song một số phân tích khác lại giải thích rằng những người muốn trở thành Thủ tướng Anh sẽ để bà May dẫn dắt quá trình Brexit cho đến hết thời hạn tháng 3, để rồi sau đó họ sẽ có cách chiếm được vị trí này.

Trên thực tế, các thành viên đảng Bảo thủ phản đối bà May có thể kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu ít nhất 48 nghị sĩ ủng hộ điều này. Song để thực sự và chính thức buộc bà May rời nhiệm sở thì cần 159 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà - một con số mà những thành phần theo đường lối cứng rắn có thể không huy động đủ.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nội các của bà đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với EU sau khi “xứ sở sương mù” ra đi. Nội dung sơ bộ của thỏa thuận này cho thấy Anh sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các quy định và luật lệ của EU trong thời gian không xác định. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép Anh thành lập một “khu vực thương mại hàng hóa tự do” với EU, theo đó cho phép tiến hành trao đổi thương mại không rào cản và tránh việc phải áp đặt một biên giới “cứng” tại Bắc Ireland.

Cả Anh và EU đều hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận về các điều khoản khi Anh rời khối cũng như sẽ nhất trí một kế hoạch về mối quan hệ thương mại tương lai trong khuôn khổ cuộc họp thượng đỉnh EU vào tháng 10 tới, trước thời điểm Brexit vào ngày 29-3-2019. Mặc dù đã tham gia ký kế hoạch Brexit cùng cả nội các trong cuộc họp ở dinh thự nông thôn của Thủ tướng Anh, The Chequers, hôm 6-7, nhưng trong đơn từ chức của mình, cựu Ngoại trưởng Anh Johnson đã khẳng định "giấc mơ Brexit đang chết" và kế hoạch Brexit của chính phủ hiện tại sẽ biến Anh thành "thuộc địa" của EU.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, bà May phải nỗ lực thống nhất 3 nền tảng chính trị trong nội các của mình đối với Brexit: gồm những người ủng hộ Brexit “mềm”, những thành viên nội các mới trung thành với bà và những người có tâm lý hoài nghi dù đã quyết định ủng hộ kế hoạch Brexit.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có những đồn đoán về vị trí của thủ tướng sẽ lung lay sau những thay đổi nội các, giới chuyên gia nói rằng các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho một nguy cơ nước Anh không đạt được thỏa thuận Brexit với EU. Nhà phân tích chính trị tại cơ quan nghiên cứu Absolute Strategy (của châu Âu), ông Richard Mylles cho rằng: “Thị trường đã tin vào khả năng không có Brexit và các nhà đầu tư cần nhìn nhận khả năng này một cách nghiêm túc hơn”, thậm chí ông Mylles giải thích về sự xuất hiện tình huống trong đó không có một đa số rõ rệt nào ở Quốc hội Anh nhất trí với bất kỳ hình thức Brexit nào.

Trong bức thư trả lời đơn từ chức của Ngoại trưởng Boris Johnson hôm 9-7, bà May khẳng định sẽ bảo vệ đến cùng việc triển khai kế hoạch Brexit, song theo giới quan sát cho rằng những ngày tới đây được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn hơn đối với Thủ tướng Anh. Bởi lẽ, những bất đồng trong nội bộ đảng cũng sẽ khiến Thủ tướng Anh gặp không ít gian nan trong quá trình đàm phán Brexit với “ngôi nhà chung”.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.