Thấy gì từ chiến lược an ninh biển mới của Nhật Bản?

Thứ Hai, 21/05/2018, 15:26
Chính phủ Nhật Bản ngày 15-5 đã phê chuẩn một chính sách mới về đại dương, nêu bật mối quan tâm của Nhật Bản về vấn đề an ninh trên biển. Trọng tâm mới này đã đi ngược lại với chính sách trước đây.

Chính sách về đại dương trước đây của Nhật Bản tập trung chủ yếu vào phát triển tài nguyên biển. Lý do cho sự thay đổi trong chính sách mới là các đe dọa từ việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo và các hoạt động của tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku mà Nhật kiểm soát nhưng Trung Quốc nói thuộc sở hữu của họ với tên gọi Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Trong cuộc họp với Ủy ban Chính phủ về chính sách biển mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Trong bối cảnh tình hình trên biển ngày càng nghiêm trọng, chính phủ sẽ nỗ lực trong việc bảo vệ cả lãnh hải quốc gia và lợi ích trên biển”.

Kể từ khi được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2008, chính sách đại dương của Nhật đã được xem xét lại mỗi 5 năm. Nội dung của chính sách đại dương lần thứ ba này dự trù sẽ được phản ánh trong hướng dẫn xây dựng lực lượng phòng vệ của Nhật vốn sẽ được điều chỉnh vào tháng 12 năm nay. Bản chính sách này chỉ ra rằng tình hình an ninh trên biển đối với Nhật “nhiều khả năng sẽ xấu đi nếu không có biện pháp ứng phó”.

Nhận định này dự báo việc tăng thêm ngân sách quốc phòng trong thời gian tới đây. Tháng 12-2017, Chính phủ Nhật đã thông qua dự chi ngân sách trong năm tài khóa 2018/2019, trong đó chi tiêu quân sự tiếp tục tăng, chủ yếu dành trang bị hệ thống chống tên lửa.

Chính phủ Nhật dự trù ngân sách trong năm nay là 51.100 tỷ yên (40 tỷ euro), mức tăng cao nhất từ năm 1991. Trong đó, ngân sách cho quốc phòng sẽ chiếm 38,6 tỷ euro, tăng 1,3%. Đây là năm tài khóa thứ 6 liên tục Tokyo tăng chi phí quân sự.

Một phần quan trọng của ngân sách quốc phòng trên được dùng để tăng cường hệ thống phòng thủ của đất nước trước mối đe dọa về tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Tokyo đã lên kế hoạch mua một hệ thống bắn chặn tên lửa tầm xa, loại SM-3 Block IIA và tiến hành hiện đại hóa các dàn tên lửa Patriot, xây dựng các trạm radar phòng không Aegis.

Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng của Nhật cũng dự trù một ngân khoản quan trọng để trang bị các loại tên lửa tầm trung có khả năng bắn tới Triều Tiên. Chính phủ Nhật cũng dự định sẽ sử dụng các thiết bị radar ven biển, máy bay và tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Tuần duyên cũng như các vệ tinh quanh học kỹ thuật cao của Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật, để tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo trên biển.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban chính phủ về chính sách đại dương ngày 15-5.

Chính sách mới về đại dương của Nhật nhấn mạnh cần thiết phải có sự hợp tác giữa lực lượng tuần dương và cơ quan quản lý đánh bắt cá của Nhật để tăng cường khả năng ứng phó trước các hoạt động của Triều Tiên cũng như việc đánh bắt trái phép của tàu cá các nước khác.

Để đảm bảo an toàn cho các tuyến hải lộ, chính sách mới này cũng quy định chính phủ sẽ thúc đẩy “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do” mà ông Abe ủng hộ để duy trì và củng cố trật tự trong khu vực dựa trên pháp trị. 4 nước và cũng là các cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ.

Vùng biển này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới an ninh và thương mại thế giới trong thế kỷ XXI bởi nhiều lý do, trong đó đặc biệt là kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế. Tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt, và hàng hóa trên thế giới. Đây cũng là nơi có 2 eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Đông Á. Do vậy, trong thời gian gần đây Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông và tạo ra những thách thức mới cho Trung Quốc.

Quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh tự do hàng hải quốc tế. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ năng lực cho các nước ven biển. Nhật Bản cho rằng nước này cần phải can dự vào tranh chấp tại Biển Đông do các tranh chấp này có tác động đến các tranh chấp tại Hoa Đông và ảnh hưởng đến trật tự biển toàn cầu.

Hồi cuối tháng 2-2018, tiếp theo kế hoạch lắp đặt hệ thống tên lửa chống hạm trên đảo nhỏ Miyako, chính quyền Tokyo đã nghĩ đến việc triển khai một hệ thống tương tự trên đảo chính ở tỉnh Okinawa.

Theo giới phân tích, mục tiêu mà Tokyo không nói ra chính là củng cố hệ thống phòng thủ của mình để sẵn sàng đối phó với tham vọng trên biển ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, vấn đề dự phòng bất trắc tại vùng eo biển Miyako càng lúc càng được đặt ra một cách gay gắt hơn vì lẽ chiến hạm Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng eo biển Miyako để ra Thái Bình Dương. Việc này hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, nhưng Tokyo vẫn luôn cảnh giác trước các hoạt động của tàu Trung Quốc.

Đề phòng Trung Quốc cũng là nguyên do thúc đẩy Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai các đơn vị điều hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima, ở tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki ở Okinawa cách không xa quần đảo Senkaku.

Song song với việc bố trí tên lửa trên các đảo xa, Nhật Bản cũng đã nghĩ đến việc trang bị hàng không mẫu hạm cho quân đội của mình. Từ khi Tokyo đưa loại khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo của họ vào hoạt động, nhiều người cho rằng loại tàu đó chỉ mang danh nghĩa là khu trục hạm, chứ trong thực tế, đó là những chiếc tàu sân bay trá hình.

Các chiến lược gia Nhật Bản đã nhận thấy rằng không thể chỉ dựa vào 3 căn cứ không quân cố định Naha của Nhật, Kadena và Futenma của Mỹ ở Okinawa, vì nếu xảy ra chiến tranh, các căn cứ này chắc chắn là mục tiêu tấn công của tên lửa Trung Quốc. Trong tình hình đó, việc sở hữu những căn cứ nổi như tàu sân bay sẽ trở thành cần thiết, nhất là khi các chiếc tàu này sẽ cho phép Tokyo đưa hỏa lực hùng hậu đến sát vùng Senkaku/Điếu Ngư.

Nhìn chung, khi giải thích về nhu cầu tăng cường quốc phòng và sự cần thiết phải thay đổi chiến lược an ninh biển, chính quyền Tokyo thường viện dẫn mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng phải nói là nhân tố Trung Quốc cũng góp phần không nhỏ vào tiến trình gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.