Thỏa thuận không khỏa lấp được bất đồng

Thứ Năm, 16/01/2020, 16:55
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 9-1 thông báo Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ thăm Washington từ ngày 13 đến 15-1 để ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ diễn ra tại Nhà Trắng vào ngày 15-1 và sau đó ông sẽ đến Bắc Kinh để bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2. Mặc dù thỏa thuận này được nồng nhiệt chào đón nhưng nó có thể chỉ mang tới thời kỳ "đình chiến” tương đối ngắn ngủi trong căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Toàn văn thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ được đăng tải trực tuyến trên trang mạng của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ tại thời điểm mà thỏa thuận được ký ngày 15-1. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí nội dung thỏa thuận kinh tế và thương mại "giai đoạn 1" dựa trên nguyên tắc "công bằng và tôn trọng lẫn nhau".

Theo thỏa thuận này, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, vốn dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15-12-2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ dự kiến cũng có hiệu lực cùng ngày, đồng thời tăng nhập khẩu lúa mì và ngô của Mỹ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc hưu chiến bất đắc dĩ

Về phía Mỹ, đây là thỏa thuận cần thiết đối với Tổng thống Trump khi chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020 do giúp giảm bớt nguy cơ suy thoái và thúc đẩy thị trường chứng khoán. Dù các vấn đề gây mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại, về mặt chính trị, thỏa thuận này có tác dụng khá tốt đối với ông Trump khi tái tranh cử. Nhà Trắng có thể tự hào là đã "cứng rắn với Trung Quốc" và rằng về mặt kỹ thuật, ông Trump đã đạt được một thỏa thuận, như ông đã hứa với cử tri hồi năm 2016.

Ngày 7-1, theo dữ liệu mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, thâm hụt thương mại của nước này đã giảm xuống còn 43,1 tỷ USD - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thâm hụt thương mại của Mỹ đã giảm 8.2% xuất phát từ việc nhập khẩu giảm 2,5 tỷ USD trong khi xuất khẩu tăng 1,4 tỷ USD kể từ tháng 10-2019. Các số liệu mới cho thấy thâm hụt tổng thể trong năm 2019, chứng kiến xuất khẩu giảm nhẹ 0,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm trong khi nhập khẩu giảm 3,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, đối với Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện triển vọng thương mại, giảm bớt nhu cầu phải triển khai gói kích cầu quy mô lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3-2019 của Trung Quốc chỉ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu cú hụt hơi của nền kinh tế so với mức tăng 6,2% trong quý trước, xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua.

Cú hụt hơi của GDP Trung Quốc là do những yếu kém trong các ngành liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là ngành sản xuất chế tạo vốn là trụ cột trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 1/3 tổng sản lượng kinh tế. Con số tăng trưởng của ngành này trong tháng 8-2019 đã thấp hơn so với mức 5,4%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2-2002.

Trên thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế Trung Quốc, chỉ số giá chứng khoán tổng hợp của Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải đã giảm hơn 15% so với mức đỉnh cao vào năm ngoái. Giới quan sát nhận định do xuất khẩu khó có thể phục hồi và sự suy giảm của ngành bất động sản, sức ép giảm tốc đối với kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục và GDP quý 4 của Trung Quốc có thể trượt còn 5,9%.

Dưới đòn áp thuế của ông Trump, Trung Quốc không còn là môi trường đầu tư hấp dẫn nữa, khi chi phí nhân công ngày càng tăng và các quy định về môi trường được siết chặt. Các tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn ở Trung Quốc cũng phải có sự thay đổi và mục tiêu mới mà họ hướng tới là các nước Đông Nam Á có mạng lưới hiệp định thương mại tự do mạnh.

Tương lai bất trắc

Bất chấp các tác động tích cực trước mắt của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, đây chỉ một lệnh 'ngừng bắn' tạm thời rất khó đoán được là sẽ có hiệu lực trong bao lâu. Ngoài ra, việc thỏa thuận sơ bộ này cho phép chấm dứt xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là viễn cảnh xa vời.

Đầu tiên, bất đồng có thể sẽ nảy sinh liên quan đến các nội dung chính của thỏa thuận sắp được ký, bao gồm quy mô của các thương vụ thu mua nông sản Mỹ của Trung Quốc. Đối với Nhà Trắng, một năm trước cuộc bầu cử tổng thống, họ cần thuyết phục Trung Quốc mua thêm nông sản của Mỹ bởi vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh nhất đến giới nông dân Mỹ.

Thỏa thuận “vĩ đại” mà ông Trump ca ngợi không thực sự mang tính thực chất như ông tuyên bố rằng ông sẽ đạt được khi đàm phán bắt đầu và điều này gieo rắc mầm mống cho các vấn đề trong tương lai. Điều này đồng nghĩa rằng các nguyên tắc về việc thực thi thỏa thuận sẽ cần được đàm phán lại và nếu nó “thất bại”, chính quyền ông Trump cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ áp thuế trở lại với Bắc Kinh.

Hơn nữa, sau sự khó khăn trong việc nhất trí về các nội dung trong thỏa thuận giai đoạn 1, thỏa thuận giai đoạn 2, nếu được đàm phán sẽ tập trung vào các vấn đề vốn không được đề cập trong các cuộc đàm phán từ trước đến nay. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại những vấn đề “gai góc” nhất như kiểm soát xuất khẩu công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và sự trợ cấp mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các sản phẩm và áp đặt hạn chế đối với các công ty nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc. Với những vấn đề lớn như vậy, giới quan sát thậm chí nhận định rằng hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận giai đoạn 2.

Theo truyền thông Mỹ, hai nước nhất trí kế hoạch duy trì các cuộc đối thoại chiến lược - kinh tế định kỳ 6 tháng giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin để tháo gỡ các bất đồng. Những cuộc gặp này có thể sẽ “rất khác” với các cuộc đàm phán thương mại và sẽ tách biệt khỏi phần thảo luận liên quan đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 2.

Mỗi bên đang lên kế hoạch nhằm hạn chế ảnh hưởng của nước kia, làm giảm mối đe dọa lâu dài và giảm thiểu rủi ro tổn hại kinh tế. Điều này cần tới sự tính toán phức tạp vì hai siêu cường này đan quyện vào nhau.

Nam Sơn
.
.