Thủ tướng Israel bị Tòa án Tây Ban Nha ra lệnh bắt giữ
- Thủ tướng Israel Netanyahu thăm Mỹ: Cái bắt tay gượng gạo
- Phép thử dành cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu
- Canh bạc chưa dứt của ông Netanyahu
- Thủ tướng Israel Netanyahu khuấy động nước Mỹ
- Khi ông Netanyahu đi Mỹ…
Khi các lệnh bắt có hiệu lực, nếu ông Netanyahu và các quan chức Israel khác đặt chân lên khu vực phía Tây lục địa châu Âu, họ có thể bị bắt giữ và thẩm vấn bất cứ lúc nào.
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ việc xảy ra vào năm 2010, khi một đội tàu mang cờ Thổ Nhĩ Kỳ chở những nhà hoạt động nhân quyền quốc tế, bao gồm người của nhiều quốc gia khác nhau, đa số là người Thổ Nhĩ Kỳ, trên đường từ Địa Trung Hải hướng về Dải Gaza do Hamas kiểm soát để bày tỏ sự đoàn kết với người dân Palestine, chống lại chính sách bao vây, bóp nghẹt của Israel khiến cho đời sống người dân Palestine ở Dải Gaza lâm vào cảnh khốn cùng. Dư luận thế giới khi đó đã lên tiếng cảnh báo một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza, nhưng Israel vẫn khăng khăng không thay đổi chính sách vô nhân đạo của mình.
Khi biết được hải đội sắp vào hải phận Gaza, Chính phủ Israel đã ra lệnh cho biệt kích hải quân ra chặn hải đội. Khi biệt kích hải quân Israel lên tàu mang tên MV Marmara đã đụng độ với những người đi trên tàu có trang bị dao và gậy. Kết quả, lính biệt kích Israel đã bắn vào người trên tàu khiến 9 người chết, hầu hết là các nhà hoạt động thuộc Tổ chức phi chính phủ IHH của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. |
Ngoài ông Netanyahu, các quan chức nằm trong lệnh bắt giữ còn có cựu Bộ trưởng Ngoại giao Avigdor Liberman, các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Ya'alon và Ehud Barak, cựu Bộ trưởng Nội vụ Eli Yishai, cựu Bộ trưởng Tình báo Dan Meridor và Bộ trưởng Không bộ Bennie Begin.
Hồ sơ vụ án của Tòa án Tây Ban Nha nhắm vào ông Netanyahu và các cựu quan chức Israel bắt đầu được thiết lập ngay sau khi xảy ra vụ việc trên. Lý do của việc truy tố vụ án là vì trên tàu MV Marmara còn có 3 người mang quốc tịch Tây Ban Nha và 3 người này đã đâm đơn kiện ông Netanyahu và các quan chức dưới quyền ông. Chính phủ các nước Thổ Nhĩ Kỳ và Anh cũng đã bắt đầu truy tố vụ án đối với Israel, nhưng vụ án cho đến nay đang bị "treo".
Tại Tây Ban Nha, vào năm 2010, một thẩm phán tại tòa Audiencia Nacional đã quyết định nước này không còn quyền khởi kiện liên quan đến các vụ việc quốc tế, mặc dù Tây Ban Nha có bề dày lịch sử pháp lý là quốc gia đi đầu trong hệ thống công pháp toàn cầu. Tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), một phiên tòa cũng đã được mở ra tại The Hague để xem xét và đã bác đơn kiện.
Nhưng đó là trước ngày 13-11-2015. Vào ngày này, thẩm phán Tây Ban Nha Jose De La Mata đã phát hiện một lỗ hổng pháp lý cho phép các cơ quan tư pháp Tây Ban Nha mở lại vụ án nếu ông Netanyahu hoặc bất kỳ quan chức nào của Israel có tên trong lệnh bắt giữ - còn gọi là "Bảy tội phạm Israel" - đặt chân lên đất Tây Ban Nha.
Thẩm phán De La Mata đã yêu cầu Cảnh sát Tây Ban Nha lưu ý hoạt động đi lại của nhóm "Bảy tội phạm Israel". Ngoại trừ ông Netanyahu vì ông có quyền miễn trừ quốc tế, các lãnh đạo khác đều có thể bị bắt giữ nếu họ đến Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử các vụ việc liên quan đến Israel và người Palestine từ năm 2000 đến nay, người ta không tin rằng tòa án Tây Ban Nha có thể bắt giam và xét xử được những người Israel liên quan đến vụ tàu MV Marmara. Đơn cử một vụ việc vào năm 2002, sau khi Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) ném bom Dải Gaza giết chết 15 dân thường, trong đó có lãnh đạo Salah Shehadeh của Hamas, và làm 150 người khác bị thương, Tây Ban Nha đã đưa ra một loạt cáo buộc tội phạm chiến tranh đối với Nhà nước Do Thái theo nguyên tắc công pháp quốc tế.
Tuy nhiên, cuộc điều tra vụ việc đó đã bị dừng vào năm 2009 khi Tòa án Tối cao Tây Ban Nha đã dùng quyền cấp trên để hủy quyết định điều tra của tòa cấp dưới, đồng thời Tòa án tối cao Israel cũng ra phán quyết có lợi cho IDF.
Cựu Ngoại trưởng Israel Avigdor Liberman. |
Trong một vụ việc khác, vào năm 2006 Tây Ban Nha cũng đã mở cuộc điều tra đối với 7 cựu quan chức Trung Quốc, trong đó có nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân, với cáo buộc "tội diệt chủng" liên quan đến thời kỳ biến loạn ở Tây Tạng vào thập niên 50 thế kỷ XX. Cuộc điều tra sau đó cũng bị dừng lại vào năm 2010 với cùng lý do tương tự như vụ của IDF của Israel.
Trước đây, vào năm 1998, Tây Ban Nha cũng từng ra lệnh bắt đối với cựu Tổng thống độc tài Chile Augusto Pinochet, sau khi tòa Audiencia Nacional đã chấp thuận một vụ kiện chống lại ông này với cáo buộc khủng bố, tra tấn và diệt chủng. Ông Pinochet đã bị bắt tại Anh theo lệnh bắt của Tây Ban Nha - đó là lần đầu tiên một cựu nguyên thủ quốc gia bị bắt - và có lệnh bị dẫn độ sang Tây Ban Nha xét xử. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó dẫn đến việc Pinochet không bao giờ bị dẫn độ sang Tây Ban Nha, và ông ta được trả tự do vào năm 2000.
Trở lại vụ lệnh bắt đối với "Bảy tội phạm Israel", Chính phủ Israel đã lên tiếng bác bỏ lệnh bắt giam nói trên. Tờ New York Times trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Israel Emmanuel Nahshon nói rằng, Đại sứ quán Israel tại Madrid đang liên hệ với Tổng công tố Tây Ban Nha để vận động Viện Công tố nước này xếp lại hồ sơ vụ hải đội Gaza 2010 càng sớm càng tốt, vì nếu để lâu sẽ càng gây khó khăn cho Chính phủ Israel khi Thủ tướng Netanyahu thực hiện các chuyến công du nước ngoài, đặc biệt là khi đặt chân đến châu Âu.
Hiện chưa có thông tin gì về động thái phản hồi của phía Tây Ban Nha, vì vậy không ai dám bảo đảm ông Netanyahu sẽ được "an toàn" hay không khi đặt chân đến châu Âu, đừng nói là đến Tây Ban Nha.