Thủ tướng Israel hứng “bão” chỉ trích vì "bênh vực trùm phát xít Hitler"

Thứ Hai, 02/11/2015, 19:45
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa gây nên một trận "bão" chỉ trích từ nhiều phía bằng phát biểu bóp méo lịch sử, cho rằng trùm phát xít Hitler không hề có ý định giết hết người Do Thái ở châu Âu, và rằng họa diệt chủng người Do Thái, thường gọi là Holocaust, trong Thế chiến II là do gợi ý của một đại giáo sĩ Palestine.

Ông Netanyahu đưa ra nhận xét nói trên trong một bài phát biểu tại Đại hội Zion thế giới ở Jerusalem hôm 21/10, ngay trước khi ông lên đường đến Berlin để họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, để thảo luận một số vấn đề liên quan đến tình hình bạo lực hiện nay ở các vùng lãnh thổ Palestine. Trong bài phát biểu của mình, ông Netanyahu thuật lại cuộc gặp gỡ giữa đại giáo sĩ Haj Amin al-Husseini của thành Jerusalem với Adolf Hitler - người đứng đầu Đức Quốc xã - vào tháng 11/1941.

Ông Netanyahu đã mô tả cuộc gặp gỡ đó như là động thái ủng hộ của đại giáo sĩ Al-Husseini đối với Hitler. Netanyahu phát biểu: "Vào thời điểm đó, Hitler không muốn tiêu diệt người Do Thái, ông ta chỉ muốn trục xuất người Do Thái. Haj Amin al-Husseini đã đến gặp Hitler và nói: “Nếu ông trục xuất họ, họ cũng sẽ lại đến đây”. Netanyahu kể tiếp: "Sau đó Hitler hỏi: “Tôi nên làm gì với họ đây?” Vị đại giáo sĩ đáp “Hãy đốt cháy họ”.

Phát biểu của ông Netanyahu ngay lập tức bị dư luận chỉ trích kịch liệt, kể cả người Israel. Lãnh đạo đối lập của Israel, ông Isaac Herzog đã lên án gay gắt việc ông Netanyahu dựng câu chuyện lãnh đạo Palestine xúi giục Hitler gây nên thảm họa diệt chủng. Chuyên gia đàm phán người Palestine Saeb Erekat thì mô tả những lời nói của Netanyahu là vô hình trung giúp Hitler phủi trách nhiệm gây ra tội ác diệt chủng người Do Thái.

Giáo sư Dan Michman - Giám đốc Viện Nghiên cứu Holocaust tại Đại học Bar-Ilan (Israel) - khẳng định rằng điều ông Netanyahu nói là một sự méo mó lịch sử nghiêm trọng, là hoàn toàn không có thật. Theo giáo sư Michman, đại giáo sĩ Al-Husseini đích thực đã có gặp gỡ Hitler, nhưng sự việc đó xảy ra sau khi Hitler đã bắt đầu thực hiện Giải pháp Cuối cùng - gây ra họa diệt chủng Holocaust. Giới học giả Israel cũng cùng quan điểm với giáo sư Michman, đều cho rằng ông Netanyahu nói sai sự thật.

Cuộc gặp giữa đại giáo sĩ Haj Amin al-Husseini với Adolf Hitler, tháng 11/1941.

Theo giới nghiên cứu lịch sử Israel, việc sát hại hàng loạt người Do Thái trong Giải pháp Cuối cùng do các biệt đội cơ động SS (còn gọi là Einsatzgruppen) tiến hành đã bắt đầu khởi động 4 tháng trước khi đại giáo sĩ Al-Husseini gặp Hitler. Theo Viện Nghiên cứu Quốc tế về Holocaust tại Yad Vashem (Israel), các vụ giết người đầu tiên đã được tiến hành ở Lithuania vào tháng 7/1941.

Đến tháng 9/1941, đội Einsatzgruppen C do Otto Rasch chỉ huy đã giết hại hơn 33.000 người Do Thái chỉ trong 2 ngày tại hẻm núi Babi Yar, ngoại ô Kiev (Ukraina). Vụ tàn sát này được thực hiện theo lệnh của tư lệnh quân sự phát xít Kiev, tướng Kurt Eberhard. Rõ ràng, phát biểu của ông Netanyahu hoàn toàn không đúng sự thật.

Tuy nhiên, ông Netanyahu không những không nhận sai mà còn lớn tiếng giải thích về ý nghĩa của lời phát biểu đó, trong đó ông  Netanyahu đưa ra cái gọi là "vai trò" của đại giáo sĩ người Palestine trong việc Hitler tiến hành Giải pháp Cuối cùng diệt chủng người Do Thái, và cáo buộc đại giáo sĩ Al-Husseini là "tội phạm chiến tranh" khi xúi giục Hitler tàn sát người Do Thái.

Netanyahu bào chữa cho phát biểu của mình rằng đó không phải là giải tỏa trách nhiệm cho Hitler mà chỉ muốn cho thấy "vị cha dân tộc Palestine muốn hủy diệt người Do Thái ngay cả khi chưa có sự chiếm đóng" của Israel trên các vùng đất của người Palestine.

Thủ tướng Israel Netanyahu và Thủ tướng Đức Merkel tại cuộc họp báo chung ở Berlin hôm 22/10.

Ngày 22/10, Netanyahu bay sang Berlin để gặp và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Steffen Seibert, người phát ngôn của bà Merkel đã tuyên bố bác bỏ những ý kiến phát biểu của ông Netanyahu. "Tất cả người Đức biết lịch sử giết người vì kỳ thị chủng tộc, xa rời văn minh nhân loại của bọn Quốc xã" - Seibert nói. Tại cuộc họp báo chung với ông Netanyahu, bà Merkel cũng khẳng định, "thấy không cần thiết phải thay đổi cách hiểu lịch sử". "Chúng tôi chấp nhận chịu trách nhiệm cho vụ Holocaust" - bà Merkel nói.

Đây không phải lần đầu, mà từ năm 2012, ông Netanyahu cũng đã từng phát biểu điều tương tự để minh họa cho cáo buộc của ông về việc người Palestine thường sử dụng các thánh địa tôn giáo làm tiền đề cho các hành động bạo lực chống người Do Thái. Vào thời điểm ông Netanyahu đưa ra phát biểu, bạo lực giữa người Palestine và Israel vẫn đang leo thang, đặc biệt là khu vực xung quanh đền Al-Aqsa, người Palestine xem là thánh địa Hồi giáo của họ, còn Israel cũng xem là một thánh địa của Do Thái giáo.

Trong bối cảnh như vậy, giới phân tích đánh giá ông Netanyahu đang cố tình "thổi lửa" cho xung đột bạo lực để duy trì cái cớ cho việc kiểm soát chặt chẽ ngôi đền Al-Aqsa nhằm mục đích xa hơn, đó là ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) xâm nhập vào khu vực này để tuyển mộ những người Israel gốc Arập, theo đạo Hồi.

Tay súng IS trong đoạn video clip mới nhất tung ra lời đe dọa người Israel.

Hai ngày sau phát biểu gây “bão” của ông Netanyahu về Holocaust, đến lượt IS đã "đáp trả" bằng một video clip nói tiếng Do Thái, trong đó thể hiện hình ảnh một chiến binh IS bịt mặt, vai mang súng, tay cầm dao. Tay súng IS trong video clip phát đi một thông điệp đe dọa người Israel, rằng người Do Thái là "kẻ thù số 1 của người Hồi giáo", đồng thời nhắc lại những hành động tấn công bằng dao gần đây của người Palestine tại khu Bờ Tây sông Jordan nhắm vào người Israel. Y đưa ra lời đe dọa "sẽ không còn một người Do Thái nào ở Jerusalem và trên toàn thể Israel".

Điều đáng ngại là, gần đây IS đã tìm cách dụ dỗ để tuyển mộ người Palestine gia nhập hàng ngũ của chúng. Một video khác gần đây đã đưa ra lời kêu gọi "các bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần lẫn vật chất để giáng nỗi khiếp sợ vào trái tim của người Do Thái", đồng thời công kích cả Hamas lẫn đảng Fatah của ông Mahmoud Abbas.

An Châu (tổng hợp)
.
.